Pages

Sunday, September 4, 2016

Những thị trấn ma đằng sau giấc mơ dầu mỏ

oil
Ở rất nhiều nơi trên hành tinh này, dầu mỏ xuất hiện đồng nghĩa với việc người ta đổ xô đến xây dựng ở vùng chưa từng có dân cư sinh sống trước đó.

Thường thì nơi nào có dầu, nơi đó có con người.

Nhưng rồi người ta không ở đó mãi mãi.

Thế giới đầy rẫy những thị trấn ma, nơi từng một thời là nhà của những ông trùm khai thác dầu mỏ, những nhân công mơ ước biến thứ chất lỏng nhớp nháp này thành vàng.

Với giá dầu thô giảm đến hơn một nửa so với ba năm trước, rất nhiều thị trấn - đặc biệt là ở Hoa Kỳ - giờ đây bắt đầu bị bỏ hoang khi lợi nhuận bốc hơi.

"Mọi người đổ xô đến, rồi bỏ đi," nhà sử học William Caraher tại Đại học Bắc Dakota bình luận, "và họ để lại phía sau đủ những vết sẹo."

Những bức ảnh này cho thấy một vài nơi đã được xây dựng và rồi bị bỏ hoang, chỉ vì dầu mỏ.

Thành phố Pithole, Bang Pennsylvania


image

Có lẽ hình ảnh biểu tượng nhất về một thị trấn dầu mỏ từng thịnh vượng một thời nhưng rồi bị bỏ hoang chính là thành phố Pithole ở Pennsylvania.

Năm 1865, những tay khai thác dầu mỏ tràn đến vùng Pithole trước đó không có bóng người. Vào thời hoàng kim, dân số thị trấn lên đến 20.000 người, nhưng đến năm 1870, cư dân nơi này chỉ còn 237 người.

Trong những ngày đầu tiên đó, chưa có nhiều công nghệ cần tiêu thụ dầu, và nhu cầu đối với mặt hàng này nhanh chóng cạn đi.

Mentryville, Bang California

image
California là bang có rất nhiều thị trấn khai thác dầu mỏ. Mentryville giờ hoàn toàn đã bị bỏ hoang, nhưng ta vẫn có thể thấy nơi này xuất hiện trong các phim như "X-file", "The A-Team", hay "Murder, She Wrote".

Tin tức nói rất nhiều cư dân Mentryville đã bỏ đi hồi thập niên 1930. Nhiều người tháo dỡ nhà cửa và mang vật liệu đi theo.

Người ta nói, những cư dân đó quá nghèo đến mức không thể mua hay xây một ngôi nhà mới ở nơi khác.

Ngày nay, dân ở thị trấn kế bên, Bakersfield, cũng đang trải qua hoàn cảnh khó khăn tương tự.

Các doanh nghiệp địa phương hiện đang chật vật đối phó tình trạng thất nghiệp, hậu quả của tình trạng giá dầu giảm mạnh.

Orla, Texas

image
Một số thị trấn bùng nổ vì dầu mỏ thường là bãi cắm trại với những ngôi nhà tạm bợ cho công nhân, như trong trường hợp ở Orla, bang Texas.

Sandy Countryman, một người dân từng ở đây khi còn bé, đã đăng một hồi ký về khu trại này lên mạng internet.

Bà mô tả nhà thờ Baptist nơi mẹ bà thường đến chơi đàn piano. "Một chuyến thăm gần đây khiến tôi phát hiện mái nhà bị dột, cánh cửa đôi khép hờ, những đồ để kinh lễ nằm rải rác và một chú cáo sống ở sau nhà thờ," bà viết.

Burbank, Oklahoma

image
Oklahoma là một bang nữa có hàng loạt các thị trấn ma bị lãng quên, chẳng hạn như thị trấn Burbank.

Vào thập niên 1920, nơi này có 3.000 người sinh sống, nhưng đến năm 1930, dân số giảm xuống chỉ còn 372.

Rất nhiều thị trấn khác ở bang này, như Three Sands hay Whizbang, cũng gặp phải tình trạng dân số suy giảm trầm trọng vì giá dầu xuống thấp hoặc quá trình khai thác dầu được tự động hoá.

Williston, Bắc Dakota

image
Chỉ bốn năm trước, tin tức còn tràn ngập về cuộc bùng nổ khai thác dầu khắp những thị trấn như Williston, Bắc Dakota, với sự thịnh vượng tươi mới.

Sự phát triển quá nhanh đến mức những khu nhà mới được xây cho công nhân hấp dẫn bởi hứa hẹn đến từ Bakken - một cấu trúc đá cổ nơi dầu và khí ga được khai thác từ đó.

Tuy nhiên, giá dầu xuống thấp như hiện nay đã khiến hầu hết ngành công nghiệp ở đây tan rã, và người ta bắt đầu bỏ đi.

"Một số [các khu nhà tạm ngắn hạn] bị những người lấn chiếm giữ nhưng hầu hết các ngôi nhà đều bị bỏ trống," Caraher, chuyên gia về lĩnh vực xây cất nhà cho nhân công trong khu vực, giải thích.

"Nếu giá dầu không tăng, các chủ nhà sẽ không bận tâm tới việc lên kế hoạch sử dụng các ngôi nhà đó ra sao."

Polphail, Scotland

image
Có những thị trấn dầu mỏ chưa bao giờ trở thành nơi định cư của bất cứ ai ngay từ đầu. Đó là trường hợp của Polphail ở Scotland.

Thị trấn này được xây dựng trong thập niên 1970 để làm nhà ở cho 500 nhân viên ở một khu mỏ dầu gần đó.

Tuy nhiên, công trình này chưa bao giờ đi vào hoạt động và Polphail bị bỏ hoang phế.

AlJazirah Al Hamra, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất

image
Sự quyến rũ của dầu mỏ có thể khiến người ta đổ xô khỏi những thị trấn mà dân số trước đó từng rất ổn định, ví dụ như quận Al Jazirah Al Hamra ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi trước đây từng là cảng cá.

Khi cư dân rời khỏi đây vào cuối thập niên 1960 để làm việc trong ngành công nghiệp dầu mỏ, thị trấn này ít nhiều bị bỏ hoang.

"Có lẽ tương lai của thế giới là những thị trấn ma," Caraher nói, và đề cập đến danh sách dài những nơi được xây dựng và sau đó bị huỷ hoại vì hoạt động khai thác dầu hoặc khai thác mỏ tài nguyên quý.

Có thể nói là con người ta luôn chạy theo các cơ hội, chứ không nhất thiết là cơ hội sẽ tự tìm đến với chúng ta.



Chris Baraniuk

well oil rink jett

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.