Mấy tháng vừa qua,
chuyện “Sextortion”(Bóc lột tình dục) bỗng ồn ào trở lại và trở thành đề tài
nóng hổi vì nó đã lan rộng ra toàn cầu. Đây là lúc các cư dân mạng cần phải lưu
ý, nhất là các bậc cha mẹ có con cái vào tuổi teen là tuổi dễ bị mắc bẫy nhất.
Mới đây hai sinh
viên của trường đại học George Mason University ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ,
đã là nạn nhân của một vụ tống tiền. Cảnh sát cho biết những kẻ gian đã tạo được
lòng tin ở các em trên mạng và dụ dỗ các em thể hiện các hành vi dâm dục nhất
là các ảnh, video, “nude tự sướng” rồi truyền qua webcam của chúng. Sau đó
chúng doạ nạt sẽ tung những hình ảnh và video clip đó đi khắp nơi nếu không đưa
chúng tiền hoặc tình, hoặc làm bất cứ gì chúng đòi hỏi.
Năm 2012, Amanda
Todd, một nữ sinh 15 tuổi ở Canada đã tự tử vì video clip của cô bị tung lên mạng.
Cô đã là nạn nhân của “Sextortion” từ năm cô 13 tuổi. Cô đã dùng loại “video
chat” trên mạng để kết bạn cũng như trò chuyện với người lạ và nhận được nhiều
lời khen cô đẹp. Kẻ gian đã dụ dỗ và thuyết phục cô phô ngực trần qua máy quay
phim suốt một năm trời. Sau chúng đe doạ sẽ tung hình ảnh lõa lồ của cô lên mạng
cho các bạn bè cô xem, nếu cô không làm theo lời chúng yêu cầu là thực hiện những
show dâm dục tự sướng.
Không đạt được mục đích, chúng mở một facebook có tràn
ngập những hình ảnh phô ngực của cô và gởi cho tất cả bè bạn cô. Chúng tiếp tục
theo dõi và làm nhục cô với các hình ảnh đó trong nhiều năm trời. Cô bị nhục
nhã, xấu hổ rồi sinh ra trầm cảm, phải dùng rượu và ma túy để giải toả. Cô tự tử
nhiều lần nhưng bất thành. Cuối cùng cô chết vì tự tử thành công.
Chuyện Sextortion xảy
ra từ lâu, không phải mới đây. Một trong những tội phạm là Anthony Stancl hiện
đang phải chịu án 15 năm tù vì tội giả mạo làm phụ nữ trên Facebook, sau đó lừa
gạt, dụ dỗ các nam sinh viên chia sẻ những bức ảnh sex. Hắn đã uy hiếp các nạn
nhân, đe dọa sẽ tung bộ ảnh nhạy cảm đó ra nếu không chịu quan hệ tình dục với
hắn. Ở Âu Châu, một nhân viên Bộ Ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ tại London đã bị
kết án hơn bốn năm tù giam sau khi đe dọa sẽ đưa hình ảnh khiêu dâm của phụ nữ
lên mạng.
Trong một số trường
hợp, những kẻ tội phạm giả vờ gặp vấn đề không thể kết nối internet và đã hướng
dẫn nạn nhân tải về một ứng dụng cho phép hai bên có thể tiếp tục nói chuyện. Ứng
dụng này thực ra là một Malware (phần mềm độc hại), cho phép những kẻ gian truy
cập vào máy tính nạn nhân và kiểm soát máy của họ từ xa. Nó cũng cho phép chúng
thu thập thông tin về các bạn bè, liên lạc của nạn nhân. Mục tiêu của chúng thường
là phụ nữ và các thiếu nữ vị thành niên.
Đó là trường hợp của tên lừa đảo Luis
Mijangos, 32 tuổi ở California. Hắn có thể bật webcam và micro phone của họ và
do thám họ, cũng như nhìn thấy tất cả mọi thứ họ đánh máy. Đôi khi, hắn ta giả
vờ là bạn trai của họ để họ gửi cho hắn những hình ảnh tự sướng và sau đó hắn đã
sử dụng những thứ này để tống tiền, tình họ. Đã có ít nhất 230 người là nạn
nhân của hắn, 44 người trong số đó, ở độ tuổi dưới 18. Cuối cùng hắn đã bị bắt với
án 6 năm tù giam.
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã
công bố trong một bản cáo mới về “Sextortion” như thế này “Cho đến hôm nay
“Sextortion” đã trở nên mối đe doạ đáng kể, vì nó ngày càng gia tăng, nhất là đối
với trẻ em. Kết quả của hơn 60 phần trăm câu trả lời của những người đã dự một
cuộc khảo sát tiết lộ rằng hình thức dụ dỗ trẻ em qua mạng này đã tăng lên rõ rệt”.
Bộ cũng thực hiện một cuộc đánh giá “National Child Exploitation Threat
Assessment” tức “Cuộc đánh giá về mối đe doạ của sự lợi dụng trẻ em ở trên toàn
quốc”. Cuộc đánh giá do các điều tra viên khảo sát, công tố viên, các nhà phân
tích và các nhà cung cấp dịch vụ cho nạn nhân thực hiện để xác định các mối đe
dọa lớn nhất trong việc khai thác, bóc lột tình dục trẻ em. Đồng thời Bộ Tư
pháp cũng muốn cảnh báo giới trẻ về sự nguy hiểm của việc chia sẻ những khoảnh
khắc riêng tư qua mạng. Mối đe dọa ấy không chỉ giới hạn trong việc lạm dụng
tình dục mà nó còn có những hậu quả nghiêm trọng khác trong lãnh vực sức khoẻ
tâm thần của các em. Nạn nhân của Sextortion thường bỏ học hoặc học hành giảm
sút, bị trầm cảm và tự hại mình cũng như tự sát ở mức báo động. Một bản phân
tích của FBI năm 2015 liên quan tới 43 trường hợp Sextortion trẻ em, những nạn
nhân tiết lộ, có ít nhất hai người tự tử và nhiều hơn con số 10 người đã tìm
cách tự tử. Như vậy, có ít nhất 28 phần trăm của các trường hợp này và có ít nhất
một nạn nhân tự tử hoặc cố gắng tự tử ".
Kể từ khi có mạng lưới
internet, hình thức tấn công tình dục qua mạng như Sextortion đã nở rộ và làm
thay đổi bao cuộc sống của hàng ngàn nạn nhân từ các trường đại học cho đến các
căn cứ quân sự. Luật pháp Hoa Kỳ mới thực sự can dự và thực thi luật pháp vào các
trường hợp này vào đầu những năm 2000. Senior Benjamin Wittes nói, “Đây là một
hình thức mới của các cuộc tấn công tình dục trong khi tội phạm có thể hành động
mà không cần sự có mặt của nạn nhân và có thể tấn công một cách quy mô”. Ông đã
kiểm tra 78 trường hợp gần đây với hơn 3.000 nạn nhân, trong một báo cáo của ông
về vấn đề này.
Các nạn nhân đa phần là trẻ vị thành niên (78%). Những thủ phạm
đều là phái nam. "Đây thực sự là một vấn đề của nam giới," Wittes nói.
Các nạn nhân phần lớn là phụ nữ, có nhiều người trưởng thành, trong khi trẻ em thì có cả gái lẫn
trai. Ông Wittes cho biết thêm, “Điều đặc biệt là các bạn trẻ rất dễ bị tổn
thương vì tình dục là vấn đề rất nhạy cảm”. Với sự phổ biến ngày càng lan rộng,
con số bị Sextortion có thể lên tới 6,500 nạn nhân.
Vấn đề làm ông quan
tâm hơn cả là có sự bấp bênh trong luật lệ. Mặc dù Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ bắt đầu nghiên
cứu sâu hơn về Sextortion, thừa nhận sự tồn tại của nó, nhưng để chống lại, chưa
có đạo luật cụ thể nào được viết thành luật. Nó không được xem như một tội riêng
biệt trong luật liên bang hay tiểu bang tương tự như với các hình thức khác của
những tội liên quan tới việc quấy rối trên mạng. Đã thế, lại không có tài liệu
học thuật có sẵn để giáo dục công chúng hoặc cung cấp nguồn thông tin cảnh báo cho
các nạn nhân. Trong khi kẻ tấn công lại là người vô danh và tấn công từ một nơi
không rõ, không ai biết. Nó mang lại cho kẻ săn mồi việc tiếp cận dễ dàng và tấn
công hàng hoạt, hàng ngàn con mồi trong một môi trường rộng lớn quy mô là thế
giới ảo, nơi mà ai cũng có thể tấn công bất cứ ai và bất cứ nơi nào. Kẻ gian có
thể đột nhập vào máy của nạn nhân và lấy cắp những thông tin kể cả hình ảnh riêng
tư, trong đó các hình ảnh nude biến chúng thành miếng mồi ngon cho việc tống tiền,
tống tình. Chỉ cần một máy tính là đủ.
Ông nhấn mạnh rằng,
khi đạo luật bảo vệ trẻ em (Luật lệ để bảo vệ trẻ em ở Hoa Kỳ rất nghiêm nhặt) được
thi hành trong các trường hợp trẻ em là nạn nhân Sextortion, thì các nạn nhân
trưởng thành lại không được bảo vệ một cách mạnh mẽ. Con số phụ nữ trưởng thành
trở thành nạn nhân cũng không nhỏ. Chính phủ nên lưu tâm đến vấn đề này.
Nói tóm lại, ngày
nay, "Sextortion" đã phát triển mạnh trên toàn thế giới và lấy đi
sinh mạng của một số trẻ em. Điều đáng lưu tâm là hình thức Sextortion đang được
các nhóm tội phạm mạng có tổ chức, có kế hoạch sử dụng một cách rất hệ thống nhằm
vào các nạn nhân cô đơn, tuyệt vọng trên mạng internet. Trở thành nạn nhân, bạn
sẽ mất mát nhiều thứ trong đó có sức khoẻ tinh thần, tiền bạc, danh dự, thậm chí
người thân và bè bạn.
Bạn nên cẩn thận với thế giới ảo, không nên chia sẻ những
thông tin cá nhân hoặc hình ảnh, video clip, nhạy cảm với người lạ, đôi khi với
cả các người thân vì chúng có thể giả dạng. Tránh lưu giữ những thông tin quan
trọng hay hình ảnh nhạy cảm trong máy tính của mình. Bởi vì máy của bạn có thể
bị nhiễm virus và kẻ gian xâm nhập và đánh cắp, bất cứ lúc nào mà bạn không hề
biết. Nếu bạn có con em, hay các cháu nhỏ, cần cảnh báo và lưu tâm cùng nhắc nhở
các em về những phương pháp thận trọng đề phòng chuyện Sextortion xảy ra. Phòng
bệnh hơn chữa bệnh phải không các bạn ?
Trịnh Thanh Thủy
***
Tài liệu tham khảo
Sextortion,’ growing
online problem worldwide, victimizes two George Mason students
https://www.washingtonpost.com/news/true-crime/wp/2016/05/10/sextortion-growing-online-problem-worldwide-victimizes-two-george-mason-students/
As ‘Sextortion’
Proliferates, Victims Find Precarious Place in Legal System
http://www.nytimes.com/2016/05/11/us/sextortion-victims-brookings-institution.html?_r=0
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.