Nhiều người cho rằng
tuy Hoa Kỳ quyết định xoay trục về Á Châu, nhưng cũng khó mà ngăn chặn được Trung
Cộng (TC) vì cán cân lực lượng quân sự Mỹ - Trung nay đã thay đổi: hải và không
quân TC đã rất mạnh so với hai thập niên trước. Đây là một đề tài cho các nhà
chiến lược nghiên cứu.
Một điều chắc chắn
là ngày nay quân lực Mỹ không còn độc quyền ở Thái Bình Dương, cũng không thể dễ
dàng chớp nhoáng đánh bại TC.
Chính Báo cáo 2014 của
Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội Hoa Kỳ (viện dẫn trên đây) đã phân tích rõ ràng
khả năng quân sự hiện nay của TC như thế nào.
Với sức mạnh ấy Bộ
trưởng Quốc phòng Trung Cộng, Tướng Thường Vạn Toàn đã nói thẳng với Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi ông này viếng thăm Bắc Kinh (tháng 4, 2014):
“TC sẽ không thỏa hiệp,
không nhượng bộ, không thương thuyết về tranh chấp đối với Nhật Bản."
“Quân đội TC có thể
tập hợp ngay tức khắc khi nào có lệnh, có thể chiến đấu trong bất cứ mặt trận
nào, và sẽ thắng.”
Tuy nhiên, dù Bắc
Kinh tự tin đến mức nào về kinh nghiệm hải chiến và không chiến thì quân đội TC
cũng không thể nào so sánh được với quân đội Nhật Bản (chứ đừng nói tới Mỹ).
Mọi người đều đã biết
về “Nhật – Nga chiến kỷ” đầu thế kỷ 20, rồi Nhật chiến đấu với Mỹ và đồng minh
trong Thế Chiến 2.
Cán cân lực lượng
Thái Bình Dương
Về cán cân lực lượng
ở Thái Bình Dương thì khoảng cách hiện nay giữa Mỹ - Trung đã gần lại rất
nhiêu, nhưng như cựu Bộ trường Quốc phòng Mỹ, ông Leon Panetta đã tuyên bố:
“Tới năm 2020 Hải
quân Mỹ sẽ hoàn tất việc tái phối trí lực lượng giữa Thái Bình Dương và Đại Tây
Dương: lực lượng này hiện được dàn ra khoảng 50/50 giữa hai đại dương, nhưng sẽ
chuyển sang 60/40 – bao gồm sáu hàng không mẫu hạm, phần lớn những tuần dương hạm,
khu trục hạm, tầu tác chiến vùng duyên hải và tầu ngầm.”
Và ngoài cán cân vể
sức mạnh vũ trang lại còn cán cân về kinh nghiệm. Dù khoảng cách về thiết bị của
hai bên càng ngày càng gần lại, nhưng khoảng cách về kinh nghiệm chiến đấu thì
còn quá xa nhau. Có vũ khí là một chuyện, sử dụng nó như thế nào lại là chuyện
khác.
Sử dụng thì đòi hỏi
phải có nhiều kinh nghiệm thực tế chứ không phải chỉ kế hoạch để chiến đấu hay
đánh trận giả ‘war games.’
Đối với Mỹ thì có thể
nói là ngoài kinh nghiệm chiến đấu trên không, trên bộ và dưới biển trong Thế
chiến I và II, và từ sau Thế Chiến II, tức là trong 70 năm qua, binh lính và tướng
lãnh Mỹ vẫn tiếp tục chuẩn bị cũng như chiến đấu: chiến tranh Triều Tiên, Việt
Nam, Iraq, Afghanistan, Syria. Đây là không kể những phi vụ oanh tạc như ở
Kossovo hay chống ISIL ở toàn vùng Trung Đông.
Hàng không mẫu hạm USS John C Stennis có mặt tại Biển Philippines
Như vậy, họ đã thực
tập và thu thập được một số lượng lớn về kinh nghiệm cả về chiến tranh quy ước
lẫn du kích. Thêm vào đó là kinh nghiệm về vũ khí.
Thí dụ như sau khi
B-52 bị bắn rơi ở chiến trường Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã cho nghiên cứu và cải
tiến. Ngày nay không dễ mà hạ được loại phi cơ này, chưa kể còn nhiều loại tối
tân mới và đang sản xuất.
Kinh nghiệm chiến
tranh của Trung Cộng
Ngược lại với Mỹ,
trên 60 năm qua, kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Trung Cộng rất là giới hạn:
Lục quân: sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1952), quân đội TC chưa hề có kinh
nghiệm với những trận chiến lớn. Kinh nghiệm chỉ gồm việc pháo kích vào eo biển
Đài Loan (1954/1955 và 1958), xung đột tranh chấp lai rai ở biên giới với Ấn độ
(1962), với Liên Xô (1969), và xung đột biên giới với Việt Nam vào đầu 1979 (3
tuần và 6 ngày).
Không quân: kinh nghiệm chỉ gồm mấy trận không chiến với không quân Đài Loan
cách đây 57 năm. Ngày 22/9/1958, 100 phi cơ MiG của TC đụng độ với 32 phi cơ
F-86s của Đài Loan. Tên lửa Sidewinders (do Mỹ cung cấp) giúp phi công Đài Loan
bắn rơi nhiều máy bay MiG của TC.
Hải quân: kinh nghiệm của Hải quân TC về hải chiến là rất khiêm nhượng vì
chưa tham gia trận chiến lớn nào, chỉ đụng độ với Hải quân VNCH đầu 1974, và tấn
công lực lượng hải quân Việt Nam năm 1988 tại đảo Gạc Ma (Trường Sa). Năm 1974,
tuy chiếm được Hoàng Sa nhưng cũng chịu tổn thất lớn: nhiều sĩ quan tham mưu của
trận chiền đã tử trận khi Hộ tống hạm Kronstad 274 bị Hải quân VNCH bắn chìm,
ba chiến hạm khác bị hư hại nặng.
Công tác hậu cần, tiếp vận và điều hợp: là những khía cạnh rất
khó khăn trong các trận lớn, đặc biệt là hải chiến. Giao tranh trên biển rất
khó khăn trong nhiều tình huống. Ngoài yếu tố thời tiết (thay đổi bất chợt),
công tác hậu cần và tiếp vận đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Bản thân chúng tôi
khi có dịp tới thăm viếng căn cứ của Đệ Thất Hạm Đội ở Honolulu đã được cắt
nghĩa sơ qua (trong phòng tình hình) về những đòi hỏi đối với một hàng không mẫu
hạm.
Nghe viên sĩ quan chỉ
vào các bản đồ rồi thuyết trình, chúng tôi thấy nó hết sức phức tạp.
Nguyên việc cung cấp
thức ăn, vệ sinh, sức khỏe, y tế cho mấy nghìn binh sĩ trên một chiến hạm là đã
đặt ra nhiều vấn đề. Rồi công tác bảo trì phản lực cơ và các loại khí giới trên
tầu, đến những công tác thông tin, trinh thám. Khi thuyết trình viên nói đến
công tác điều hợp (các binh chủng với nhau) trong một trận hải chiến thì chúng
tôi thấy quá là khó khăn, phức tạp. Đây là chưa nói đến những dịch vụ của các
loại tầu ngầm nguyên tử, lòng vòng thật sâu và thật lâu ở dưới mặt biển.
Tinh thần binh sĩ: đây có lẽ là một trong những khía cạnh khó khăn nhất đối với người
lính TC. Chính sách một con/mỗi gia đình đã đưa tới tình trạng là cha mẹ luôn cố
gắng để có con trai, và khi có được một cậu ấm thì biến thành hoàng tử, được bốn
ông bà (hai bên nội, ngoại) và bốn cha mẹ thường chú ý, chiều chuộng. Việc này ảnh
hưởng không ít tới tinh thần người thanh niên. Tình huống ‘một con’ lại còn làm
cho cha mẹ thật miễn cưỡng khi phải để cho con nhập ngũ, huống chi là tham chiến.
Còn đối với Hoa Kỳ
thì trong những thập niên qua, người lính Mỹ ít khi nào được nghỉ ngơi. Có thể
nói là ‘tình trạng sẵn sàng ứng chiến’ (status of readyness) luôn là một yếu tố
quan trọng ưu tiên trong những kế hoạch quân sự của Ngũ Giác Đài.
Những khó khăn lớn
hiện nay của Trung Cộng
Ngoài việc không được
trang bị với nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong 70 năm qua, Trung Cộng lại còn
có nhiều vấn đề khác. Các nhà quan sát quốc tế thường hay quan tâm đến sức mạnh
kinh tế và quân sự của TC, ít người để ý tới những khó khăn đối nội, đối ngoại
mà TC phải trực diện.
Đây cũng là một đề
tài nên được phân tích. Chúng tôi chỉ nêu lên vài khía cạnh:
Về đối nội
Căng thẳng về vấn đề dân tộc thiểu số: sự căng thẳng còn bị
nặng nề thêm bởi những khó khăn về vấn đề đối với các dân tộc thiểu số, đặc biệt
là vấn đề Tây Tạng và Tân Cương trong những năm gần đây.
Môi trường băng hoại: là một vấn đề hiện ảnh hưởng tới người dân nhiều nhất. TC đã phải
trả cái giá quá cao để sản xuất đủ hết mọi thứ với giá thật rẻ, khống chế thị
trường tiêu thụ trên toàn cầu. Người ta gọi TC là ‘nhà máy sản xuất của thế giới.’
Nhà máy này phun khói ra làm đen tối cả bầu trời Bắc Kinh, Thượng Hải giữa ban
ngày như ta thường thấy trên tivi. Còn vấn đề các chất thải kỹ nghệ hết sức độc
hại, làm ô nhiễm cả đất, sông, biển.
Cái nghèo của người dân: về kinh tế ta thấy GDP của Trung Cộng ngày nay đã đứng thứ hai trên
thế giới, chỉ sau có Mỹ.
Nhưng đời sống của
người dân còn thấp, vì đông dân, 1 tỷ 381 triệu, lợi tức bình quân đầu người của
Trung Cộng mới chỉ tới $5,720 một năm (2012), đứng khoảng thứ 120 trên thế giới,
chỉ bằng 12% của Nhật ($47,870), 11% của Mỹ ($52,340), 12% của Singapore
($47,210) và 58% của Malaysia ($9,820).
Số người nghèo tính
theo chỉ tiêu quốc tế là có mức sống dưới $2 một ngày còn tương đương gần một
phần ba dân số (2009). Chi tiêu dưới $2 một ngày là gồm tất cả mọi nhu cầu: ăn,
ở, y tế, vệ sinh, giáo dục, giải trí, thờ cúng tổ tiên).
Khoảng cách giàu - nghèo càng ngày càng cách xa: đây là khoảng cách giữa
nông thôn và thành thị, giữa miền duyên hải và miền tây bắc lục địa.
Chỉ số Gini về mất
cân bằng thu nhập càng cao thì khoảng cách càng lớn. Chỉ số của TC đã tăng từ
0.33 vào năm 1993 lên 0.42 năm 2006 và còn đang tăng thêm. Sự kiện này càng
ngày càng gây căng thẳng chính trị và xã hội.
Đây là chưa nói tới
hiện tượng về ‘cái nghèo tâm lý’ (psychological poverty): ‘về tâm lý, người
nghèo là những người cảm thấy mình không được hưởng những gì mà những người
khác trong xã hội đang được hưởng quá nhiều.’
Ngày xưa, ngồi trong
nhà lá, người nghèo chỉ so sánh mình với hàng xóm. Ngày nay vì điện lực hóa
nông thôn, lại có tivi, điện thoại lưu động (rất rẻ ở TC), người nghèo so sánh
mình với những người khác ở thành thị, càng thấy mình nghèo hơn nữa.
Sự lớn mạnh về quyền
lực của các đại tập đoàn quốc doanh: có lẽ vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị
khó khăn nhất của Trung Cộng ngày nay là sự lớn mạnh của những đại tập đoàn
kinh tế, tài chính quốc doanh.
Nhưng các tập đoàn
này đang thao túng về mọi lãnh vực. Về vấn đề này, tờ New York Times xuất bản
ngày 9 tháng 11, 2012 đã bình luận rằng nhiều kinh tế gia Trung Cộng cho rằng
những đại tập đoàn quốc doanh, đặc biệt là các ngân hàng và những công ty dầu
khí và viễn thông đã lớn quá mạnh đến độ có thể làm tiêu tan tăng trưởng kinh tế,
đe dọa cả ổn định chính trị. “Chẳng ai có điều gì tốt để nói về những tập đoàn
này,” ông Wang Yong, chủ tịch Ủy ban Giám Sát và Quản lý Tài sản các Công ty Quốc
Doanh đã công khai chỉ trích tại Quốc hội Trung Cộng vào ngày 24 tháng 8, 2012.
Rồi khi khai mạc Đại
hội Đảng, chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trước khi về hưu và là người đã giúp cho
những công ty này lớn mạnh trong vòng 10 năm qua cũng phải đề nghị là nên giới
hạn chúng lại để có thể giúp các công ty tư nhân cạnh tranh. Nhưng hai cố vấn
cho lãnh đạo tiếp theo (Chủ tịch Tập Cận Bình) là những người hiểu biết rất rõ
về sự tranh dành giữa bè phái trong đảng, đều cho rằng những công ty này chẳng
có gì phải e ngại vì cả chính phủ trung ương lẫn địa phương đều phải tùy thuộc
tài chính vào lợi tức những công ty này nên sẽ không muốn dẹp những công ty này
đi.”
Như mọi người đã biết,
giàn khoan 981 trị giá 1 tỷ đôla (đã khai thác được khí đốt vào trung tuần
tháng 9, 2014) thuộc về đại tập đoàn dầu khí China National Offshore Oil
Corporation (CNOOC).
Tình trạng tham
nhũng, đặc biệt là trong quân đội: đây là một đề tài nóng bỏng, đang được truyền
thông quốc tế đề cập thường xuyên trên mạng.
Về đối ngoại
Ngoài tranh chấp ở
Biển Đông, TC còn có những tranh chấp lãnh thổ quan trọng hơn nữa. Với một dân
số gần 1 tỷ 380 triệu (2015), áp lực về đất đai của Trung Cộng càng ngày càng nặng
nề. Cho nên tranh chấp lãnh thổ với láng giềng luôn xẩy ra.
Riêng với Nhật Bản
hiện nay, Bộ trưởng Thường Vạn Toàn đã nói thẳng với Bộ trưởng QP Mỹ Chuck
Hagel về “ba không”:
“TC sẽ không thỏa hiệp,
không nhượng bộ, không thương thuyết” về tranh chấp đối với Nhật Bản.
Về phía Nhật Bản, Thủ
tướng Abe cũng đang leo thang: đặt vấn đề an ninh không riêng cho vận chuyển
hàng hải mà bao gồm cả những phi vụ trên không trung.
Như ta đều đã thấy,
một khi Nhật Bản thực sự tái võ trang thì sẽ là đối thủ đáng ngại cho TC.
Bắc Kinh không quên
là Nhật đã từng chiến đấu với Nga ngay từ đầu thế kỷ 20: ‘Nhật – Nga chiến kỷ',
rồi trong Thế chiến 2 hải quân Nhật đã thi hùng với Mỹ ở Thái Bình Dương, và
không quân Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng.
TC lại còn mối thù hận
muôn đời đối với Nhật Bản về việc xâm chiếm lãnh thổ.
Kết luận
Xét về cán cân lực
lượng, kinh nghiệm, và có thể là cả tinh thần binh sĩ, chắc chắn là TC không muốn
hoặc chưa muốn trực diện với Mỹ tại Thái Bình Dương.
Chiến lược TC ngày
nay là hăm dọa theo phương pháp du kích: địch tiến ta lùi, địch lùi ta tiến’ và
chiến thuật ‘cắt từng miếng xúc xích – ‘salami slicing,’ nhắm vào từng đối tượng,
từng hòn đảo hay bãi cạn một lúc.
Theo như Báo Cáo mới
đây của Viện Carnergie Endowment For International Peace, thì ít nhất là trong
tương lai có thể nhìn thấy được, “TC chưa muốn theo mô hình của Liên Xô để trở
thành một đối thủ toàn cầu của Hoa Kỳ nhưng chỉ muốn thành cường quốc ở Á Châu
và tập trung vào việc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Mặc dù vậy,
đó cũng là sự thách đố lớn đối với Hoa Kỳ vì Washington đã long trọng tuyên bố
là sẽ tăng mạnh chi tiêu về sự hiện diện quân sự tại Á Châu mặc dù các khoản
khác trong ngân sách phải cắt giảm”.
Về lâu về dài thì
như đề cập trên đây, TC muốn thay thế Mỹ để trở thành một nước siêu cường. Và
như Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara đã kết luận năm 1965: xa hơn nhưng quan trọng
hơn, Trung Cộng đang sắp xếp, tổ chức để tất cả Á Châu chống lại Hoa Kỳ.”
Cái nguy của sự tính
lầm
Các nhà lãnh đạo thế
hệ thứ năm của TC ngày nay vì ít có kinh nghiệm về những tính toán của các cường
quốc trong thời chiến tranh lạnh, cho nên dễ có thể tính lầm như Nhật Bản hay
Liên Xô đã tính lầm, đó là một nhận xét của một số quan sát viên quốc tế.
Nhật bị cho là đã
tính toán sai khi bất ngờ tấn công Mỹ trong trận Trân Châu Cảng, 7/12/1941
Trở lại trận Trân
Châu Cảng: về chiến lược, có thể là Nhật đã tính lầm về phản ứng của Hoa Kỳ và
Anh Quốc vì thấy rằng sau khi Phát xít Đức chiếm đóng Czechoslovakia (tháng 3,
1939) Mỹ không phản ứng gì cả, lại tuyên bố là mình đứng trung lập, không dây
dưa gì (ngày 5/9/1939).
Mười hai ngày sau,
Phát xít Đức thôn tính thêm Ba Lan. Năm 1940 thì đến lượt Đan Mạch, Na Uy. Ngày
14/6/1940 Phát xít Đức tiến vào Paris. Đến tháng 9 lại chớp nhoáng bắn phá cả
Anh Quốc. Năm 1941 tràn qua Hy Lạp và Nam Tư cũ (tháng 6, 1941). Bên Âu Châu
thì đồng minh Anh Quốc cũng bết bát.
Sau khi quân Phát
xít Đức bắt đầu gây hấn, vi phạm Hiệp Ước Versailles (tháng 3, 1935), rồi chiếm
vùng Rhineland, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain lại điều đình Hiệp Ước Munich
để hòa hoãn, tuyên bố câu nổi tiếng “hòa bình trong thời đại của chúng ta” –
‘peace in our time’ (tháng 9, 1938). Từ đó tên ông Chamberlain dính liền với
quan niệm ‘nhân nhượng, giảng hòa’ với đối thủ.
Về điểm này thì các
nhà lãnh đạo Mỹ thường hay hối tiếc là chính vì Chamberlain có lập trường nhân
nhượng, và vì Mỹ không hợp lực với đồng minh ngay từ đầu nên đã để xẩy ra Thế
Chiến 2.
Rõ ràng nhất là có lần
Tổng thống Eisenhower đã viết cho Thủ tướng Churchill:
”Nếu tôi có thể nhắc
lại lịch sử, chúng ta đã không ngăn chặn Hirohito, Mussolini, Hitler vì đã
không cùng hành động chung với nhau, và cho kịp thời, chính vì thế nên đã dẫn tới
một thảm kịch bi đát và một sự nguy hiểm tuyệt vọng trong mấy năm sau. Và như vậy,
chúng ta đã học được điều gì chưa trong kinh nghiệm này?” (thư 5/04/1954).
Năm 1962, Liên Xô đã
tính lầm về việc mang tên lửa vào Cuba. Tổng Bí Thư Krushchev cho rằng Tổng thống
Kennedy sẽ không phản ứng mạnh vì còn quá trẻ (42 tuổi), chưa có kinh nghiệm, lại
nhút nhát, không dám can thiệp vào Lào, rồi lại cho phép CIA vận dụng một nhóm
người đổ bộ ở Vịnh Con Heo ở Cuba để lật đổ Fidel Castro mà lại không tiếp tục
khi chiến dịch bị phá vỡ.
“Ông ta đối xử với
tôi như một cậu bé con, (like a little boy),” Tổng thống Kennedy đi quanh
phòng, lẩm bẩm, “Ừ, như là một cậu bé con!” Ông đã bừng tỉnh: “Tôi biết tại sao
ông ta lại coi tôi như vậy. Ông ta nghĩ rằng vụ Vịnh Con Heo chứng tỏ là tôi
thiếu kinh nghiệm. Có thể ông ta còn nghĩ là tôi ngu nữa. Và có thể quan trọng
nhất, ông ta nghĩ tôi không có gan.”
Vì vậy Kennedy quyết
tâm phản ứng. Khủng hoảng tên lửa ở Cuba suýt nữa leo thang thành Thế Chiến 3.
Năm 1995/96, có thể
là Trung Cộng đã tính lầm khi quyết định đe dọa Đài Loan vì nhận được Hong
Kong trên căn bản ‘một nước Trung Cộng’ theo như ‘Thông Cáo Thượng Hải’ (1972),
cho nên khi thấy Tổng thống Lý Đăng Huy có lập trường ‘Đài Loan độc lập’, TC đã
thử nghiệm tên lửa bắn vào hướng Đài Loan. Hành động này dẫn đến việc Tổng thống
Clinton phản ứng.
Trong chiến lược mới,
Bắc Kinh cho rằng nếu chỉ làm những gì mình có thể kiểm soát được, ví dụ như chỉ
hành động gây hấn, tranh chấp ở hải đảo thì không đưa tới mức xung đột quân sự.
Tại sao?
Vì TC có thể quyết định
mục tiêu nào trước, mục tiêu nào sau, như bắt đầu từ bãi cạn Scarborough, tới
quần đảo Senkaku, tới dàn khoan Hải Dương 981, tới quân sự hóa một số hải đảo. TC
luôn có thể quyết định về mức độ xung đột.
Nhưng theo như báo
cáo mới đây của Viện Carnergie Endowment For International Peace: “Nguy hiểm lớn
nhất ở Á Đông ngày nay là một sự leo thang bất ngờ về một sự tranh chấp có giới
hạn nào đó, thí dụ như việc Trung Cộng tranh chấp với Nhật Bản về hải đảo.”
Nguy hiểm hơn nữa là
những đe dọa của TC mới đây đối với Mỹ trên không phận quốc tế: máy bay chiến đấu
Trung Cộng đã bay sát, gây nên nguy hiểm cho máy bay trinh thám Mỹ nhiều lần.
Theo Washington thì máy bay Mỹ bay trên không phận quốc tế, theo Bắc Kinh là
trên không phận thuộc Trung Cộng. Nếu như chỉ một máy bay Mỹ bị bắn rơi thì chắc
chắn là Mỹ sẽ trả đũa. Sau đó không ai tính được sự xung đột sẽ leo thang tới mức
nào.
Nhìn vào lịch sử nhiều
khi chỉ vì một biến cố hay sự kiện nhỏ có thể gây nên thảm cảnh.
Thế Chiến I vào đầu
Thế Kỷ 20 cũng đã xẩy ra chỉ vì một sự kiện nhỏ: từ việc ám sát ông hoàng Franz
Ferdinand của Đế quốc Áo - Hung năm 1914 ở Sarajevo đã châm ngòi thành đại chiến.
Trong tình huống ấy,
dư luận thế giới lo ngại rằng Trung Cộng có thể tính lầm về quyết tâm của Mỹ,
và cả Mỹ cũng có thể tính lầm về dụng ý thực sự của những hành động TC. Như vậy
hai bên có thể đi tới xung đột vũ trang, rồi leo thang chiến tranh. Mà leo
thang chiến tranh lần này thì Mỹ có thể kéo theo cả Nhật, cả Úc.
Mặt khác, vì những
giới hạn của TC về kinh nghiệm hải chiến và không chiến cộng với những khó khăn
đối nội, đối ngoại như đề cập trên đây, chưa kể những tranh chấp quyền hành nội
bộ hiện nay đang gia tăng, có thể TC cũng sẽ quyết định trở về với lập trường
‘phát triển hài hòa’ của ông Đặng Tiểu Bình.
Đây là điều mong đợi
của cả thế giới. Vì chiến tranh là tàn phá, là hủy diệt, cả thế giới sẽ bị ảnh
hưởng, không ai có thể tưởng tượng ra người thắng kẻ bại sẽ ra như thế nào. Mặt
khác vẫn còn có sự lựa chọn cho hòa bình. Như ở vùng Biển Đông, việc hợp tác để
phát triển, xây dựng là sự chọn lựa có thể nói là duy nhất cho tất cả các bên
trong vùng.
Hy vọng rằng Đệ nhất
Thế Chiến trong thế kỷ 21 - thế kỷ của Á Châu - sẽ không xảy ra ở trên mặt biển
cuả Hòa bình – “Thái Bình Dương.”
Riêng đối với Mỹ, ta
có thể chắc chắn được rằng: Mỹ sẽ can thiệp khi một trong bốn quyền lợi chính yếu
(như phân tích trên đây) bị vi phạm.
Như Bộ Tổng Tham Mưu
Hoa Kỳ đã xác định ngay từ lúc vừa để ý tới Biển Đông (tháng 4, 1950): “Vai trò
lãnh đạo Thế giới Tự do của Hoa Kỳ đã đặt trách nhiệm lớn lao cho nước này phải
huy động được sức mạnh của thế giới tự do để ngăn chận cộng sản bá chủ thế giới.”
Các văn bản về chính
sách Hoa Kỳ đối với chiến tranh Việt Nam thường nhắc tới điểm này. Từ nhận thức
ấy, đi tới kết luận là: việc Cộng sản thôn tính Vùng Biển Đông là điều đe dọa
cho nền an ninh của Hoa Kỳ. Và đó là luận cứ của cả cuộc hành trình ‘đồng minh
nhảy vào’ Miền Nam Việt Nam.
Ngày nay, quyền lợi
an ninh của Hoa Kỳ ở Biển Đông lại còn quan trọng hơn trong chiến tranh Việt
Nam.
Đó là vì TC đã trở
thành một thế lực có khả năng uy hiếp cả Á Châu cả lãnh thổ của Hoa Kỳ. Thực hư
như thế nào thì chưa rõ, nhưng TC cho biết: đã bắt đầu nghiên cứu loại tầu ngầm
siêu thanh (supersonic submarine) có thể phóng từ Thượng Hải tới San Francisco
trong 100 phút.
Cho nên Mỹ đề cao cảnh
giác để phản ứng. Tuy nhiên về hình thức phản ứng thì có nhiều cách thức tùy
theo mức độ đe dọa của những hành động.
Từ những biện pháp
kinh tế: nhắm vào một số người chung quanh lãnh đạo TC (giống như TT Obama đang
làm đối với những nhân vật gần TT Putin để trả đũa những hành động ở Ukraine),
hoặc đóng băng (freeze) tài sản rất lớn của TC để ở các ngân hàng và định chế
tài chính Mỹ (như trước khi TT Nixon mở cửa Bắc Kinh), đến cấm vận, phong tỏa hải
cảng, và sau cùng là biện pháp quân sự. Biện pháp quân sự thì có thể bắt đầu bằng
một vài xung đột trên biển, trên không, tới trận chiến, rồi leo thang tới chiến
tranh nguyên tử.
Tóm lại như Bộ trưởng
QP Mỹ Leon Panetta đã tái khẳng định:
“Hoa Kỳ đã dính líu
thật lâu và thật sâu đậm với Á Châu-Thái Bình Dương dù trong chiến tranh hay
trong hòa bình, dù lãnh đạo là Dân Chủ hay Cộng Hòa, dù bất bình với nhau hay
hài hòa với nhau, dù thặng dư ngân sách hay phải đi vay nợ. Chúng tôi đã ở nơi
đây, chúng tôi đang ở nơi đây ngay bây giờ, và chúng tôi sẽ ở lại nơi đây trong
tương lai.”
Vì nếu như vùng này
bị áp đảo thì không những các quốc gia nơi đây, mà chính an ninh quốc phòng của
Hoa Kỳ cũng bị đe dọa, vì biên giới miền Tây của Hoa Kỳ nằm ngay bên bờ Thái
Bình Dương. Như cố TT Johnson đã khẳng định về Đông Nam Á:
“Nếu chúng ta buông
xuôi thì có nghĩa là chúng ta phải rút tuyến phòng thủ của Hoa Kỳ về tận San
Francisco.”
Tiến sĩ Nguyễn Tiến
Hưng
Bài viết của Giáo sư
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, trích dẫn từ cuốn sách 'Khi Đồng Minh Nhảy Vào' mới
xuất bản tại Hoa Kỳ. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng
trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Hiện ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông là tác giả
cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và The Palace File, viết cùng Jerrold L.
Schecter bằng tiếng Anh.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.