Trang sử của người con
gái quê đất Bắc, lớn lên trong thời Pháp thuộc, trưởng thành tại miền Nam tự
do, và sống cuộc đời còn lại của thân phận một nguời lưu vong nơi đất khách quê nguời.
Mẹ tôi quê quán ở Kẻ
Sặt, tỉnh Hải Dương. Bà sinh ra, lớn lên
trong một gia đình khá giả, danh giá.
Ông ngọai tôi là quan. Bà ngọai là
một hoa khôi trong làng. Tôi nghe mẹ kể
lại là ông tôi rất đẹp trai, cao ráo và có dáng vấp sang trọng, và rất giỏi tiếng
Pháp. Khi ông tôi gặp bà thì người đã bị
một cú sét ái tình. Ông ngoại tôi yêu bà
ngoại vì bà đẹp và nết na. Ông tôi nhất định
phải lấy bà cho bằng được. Gia đình ông ngăn
cản vì bà tôi là thường dân, cho rằng bà sinh trưởng trong một gia đình buôn
bán chứ không phải là dòng dõi quan, tuy rằng nhà bà tôi cũng tương đối khá giả
vì gia đình đã buôn gạo mấy đời. Nhưng rồi
sau cùng gia đình ông cũng phải chấp nhận.
Ông bà ngọai có với nhau 8 người con, và mẹ tôi là kế út.
Mẹ tôi lớn lên trong
sự thương yêu và chiều chuộng của gia đình, nhất là của ông Ngoại. Mẹ giống bố, nên rất được bố cưng chiều. Bao nhiêu lần ông Ngọai đã bế mẹ tôi và nhìn
trong gương, nói với bà ngoại: “này mợ
nhìn xem con bé có giống tôi không?” Ông
vẫn từng hãnh diện tuyên bố là con bé này lớn lên thế nào cũng lấy chồng làm quan,
hoặc ít nhất cũng phải là người Hà Nội học trường Bưởi ra. Thế nhưng những giờ phút đầm ấm hanh phúc đó
đã không kéo dài được lâu, vì ông tôi bạo bệnh qua đời khi mẹ tôi mới lên 7 tuổi. Tuy rằng cuộc sống có chật vật hơn khi ông
ngoại tôi qua đời, nhưng nhờ sự tháo vác tảo tần của bà ngoại, vẫn còn theo
đuổi nghề buôn bán gạo, và nhờ vào tài sản của ông để lại mà cuộc sống của bà
tôi, mẹ tôi và các cô chú bác của tôi vẫn sung túc đầy đủ, có thể nói là phong
lưu. Mẹ tôi và các anh đều được đi học
võ, tennis, bóng bàn, chơi bóng đá. Mẹ
tôi có máu rất tếu. Một lần học võ bị
đạp phải vũng nước trượt chân, mẹ tôi vội vàng múa một bài quyền, làm bộ như là
mình là chỉ múa quyền chứ không bị ngã. Mỗi
lần làng tổ chức chơi bóng đá với các làng bên cạnh thì cả nhà mẹ tôi đều tham
dự. Các anh của mẹ tôi đá bóng, còn bà
ngoại và mẹ, dì tôi thì ngồi cổ võ: nhất định làng ta phải thắng giải
nhất.
Cuộc đời những tưởng
sẽ trôi qua êm đềm trong ngôi làng bé nhỏ mà mọi người đều biết nhau của mẹ. Nhưng rồi chiến tranh lan tràn. Phong trào đánh Pháp để giải phóng quê hương
khỏi chế độ thực dân nổi dậy. Những
tuyên truyền về tội ác của quân đội Pháp:
tàn ác, cướp của, giết người, hãm hiếp do Việt Minh đưa ra đã làm cho
người dân kinh hòang mỗi khi nghe tin giặc Pháp đang tiến đến làng của mình. Tôi
nghe nói rằng lúc đó Việt Minh có lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, buộc mọi người
phải đốt nhà của mình và bỏ làng ra đi, để khi quân đội Pháp tới chiếm đóng thì
sẽ không có nhà cửa ở và không có người dân để cai trị tại làng đó nữa. Và rồi mọi người lũ lượt rời bỏ nơi chôn nhau
cắt rốn để chạy trốn giặc Pháp, chạy từ làng này qua làng nọ. Mẹ tôi đã phải rời
bỏ căn nhà nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên, để cùng bà ngoại tôi và gia đình chạy
trốn về quê nội tại Thổ Cầu, Hưng Yên để trốn “giặc Pháp”. Tôi nghe mẹ kể rằng có những người quá đau
xót và tiếc của, không muốn đốt nhà, và cũng không chịu rời căn nhà của họ và
đã tự tử chết tại nhà khi nghe tin Việt Minh hoặc giặc Pháp sắp tới. Có những lúc trong khi trên đường “chạy giặc”,
bà ngoại đã bắt mẹ tôi và em gái của mẹ trốn dưới ao đằng sau những bụi cây, và
đã bôi bùn lên mặt để mà “quân tây đen mặt vằn Pháp” thấy xấu xí mà không đụng
tới. Mẹ tôi lúc đó còn bé, chỉ mới 13,
14 tuổi, nhưng đã trổ mã, đẹp mặn mà với làn da trắng nõn. Tội nghiệp mẹ tôi và dì tôi đã phải sống qua một
thời thơ ấu với những kinh hòang sợ hãi như vậy. Nhưng cũng may mắn cho gia đình mẹ tôi là sau
khi quân đội Pháp rút ra khỏi đất Bắc và mọi người trở lại làng mình thì căn
nhà mẹ tôi vẫn còn nguyên, chưa bị đốt bỏ.
Mọi người bắt đầu làm lại từ đầu.
Cuộc sống mới tuy vất vả chật vật hơn xưa, nhưng cũng lại trở lại êm đềm
như xưa.
Những tưởng tai qua
nạn khỏi, nhưng sau thực dân Pháp lại tới thực dân Nhật. Tôi nghe kể rằng quân
Nhật nuốn ngăn chận người dân nổi dậy chống họ nên họ có chính sách bắt dân trồng
đay thay vì trông lúa, để rồi mùa gặt năm sau không ai có lúa để gặt và không
có gạo để ăn. Và rồi chuyện gì đến nó
cũng phải đến. Trận đói kinh hòang năm Ất
Dậu đã giết chết gần 2 triệu dân Bắc. Mẹ
tôi kể rằng cứ mỗi sáng mẹ tôi thức dậy lúc 5 giờ đi nhà thờ, mở cửa ra thì lại
thấy một số xác chết nằm ngay cửa. Người
chết đói ở mọi nơi. Có những người chưa
chết, còn nằm ngắc ngỏai nhưng xe tải cũng xúc lên xe mang đi chôn. Có những người đói quá chịu không nổi đi ăn cắp
tại những quán ngoài chợ, bị những người bán quán đánh cho tơi tả, có người bị
đánh tới chết. Nhờ nhà mẹ tôi buôn bán gạo
nên không những còn đủ gạo để ăn mà còn đủ để mỗi ngày bà tôi nấu một nồi cơm
to cho các người tới xin ăn, cứu được một số người thoát chết. Có những gia đình chết hết từ trên xuống dưới. Có những gia đình bố mẹ chết nhưng con cái
còn sống sót nhờ đi khất thực ở những làng thân cận tại những nhà giầu có. Qua trận đói năm Ất Dậu thì mùa gặt năm sau
được mùa, gạo lúa ê hề. Bao nhiêu giọt
nước mắt đã đổ ra thương khóc cho những người thân đã bị chết đói, đã không còn
sống để mà được ăn những bát cơm thơm ngát, bây giờ đầy mứa dư thừa.
Qua hai biến cố, cuộc
chạy giặc trốn Pháp và trận đói năm Ất Dậu, mẹ tôi đã trưởng thành rất nhiều. Không còn là một cô bé ngây thơ vui tươi nữa. Khoảng thời gian thơ ấu của mẹ đã chấm dứt từ
đó. Khi mẹ tôi lên 17 tuổi thì mẹ tôi phải
bỏ học để giúp bà ngoại tôi trong công việc buôn bán gạo, vì bà ngoại đã bắt đầu
mệt mỏi và không cáng đáng một mình được.
Mẹ tôi rất thông minh, hiếu học, đi học năm nào cũng đứng nhất lớp, nên
việc mẹ tôi phải bỏ học là một nỗi khổ cho mẹ.
Cho tới bây giờ mà mẹ tôi vẫn nói rằng mẹ tiếc là đã không có cơ hội học
lên. Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi luôn nói với
tôi rằng tôi phải cố gắng học xong đại học.
Bố mẹ tôi gặp nhau
qua sự mai mối của họ hàng. Bố tôi là
một nhà giáo, hiền nhưng đứng đắn, nghiêm nghị.
Bố tôi lớn lên trong một gia đình tuy nghèo nhưng thanh bạch và đạo
đức. Ông nội tôi cũng là một nhà giáo,
không những giỏi Hán Việt mà còn nói và viết được tiếng Pháp. Ngày mẹ tôi về làng để trình diện nhà chồng
thì cả làng kéo ra để “xem mặt con dâu cụ giáo Khánh” vì nghe rằng con dâu cụ
giáo rất xinh đẹp. Mọi người hoan hỉ vui
mừng cho bố tôi vì đã cưới được vợ vừa đẹp, vừa hiền, mà lại vừa xuất thân từ
gia đình đạo đức. Vì bố nghèo nên tiệc cưới
của bố mẹ tôi rất đơn sơ, tuy nhiên về phần lễ lậy thì lại rất long trọng. Cả hội kèn của bố tôi và ca đòan nhà thờ thay
nhau trình diễn trong lễ cưới với những bài ca thánh thót du dương. Sau đám cưới thì bố mẹ dọn về Hải Phòng. Thế nhưng không bao lâu sau thì hiệp định
Geneve được ký giữa phe Việt Minh và Pháp, và đất nước chia đôi. Cả làng Phát Diệm, lúc đó được sự cổ động của
đức cha Từ, đã kéo nhau di cư vào Nam vì biết rằng ở lại sẽ không có quyền tự
do tín ngưỡng. Lúc ấy mẹ tôi mới có 18
tuổi.
Mẹ tôi từ giã mẹ ruột và anh chị
em, rời miền Bắc để theo chồng di cư vào miền Nam. Lần đó cũng là lần cuối cùng mẹ tôi nhìn thấy
bà ngoại, mẹ ruột của mình, một người mà mẹ tôi rất yêu thương. Hai anh trai của mẹ cũng vào Nam với mẹ từ
thời đó.
Với ông bà nội tại căn nhà
đầu tiên tại Saigon
Với gia đình người
anh trai tại Saigon
Mẹ tôi cùng với đại
gia đình Dì Út 2009 tại Kẻ Sặt
Những năm tháng xa
quê hương đất Bắc, xa mẹ ruột, xa anh chị em nung nấu bao nhiêu là nhung nhớ, là
buồn khổ, nhưng rồi mẹ tôi đã phải cố gắng quên đi để chung sức với bố tôi xây
dựng lại cuộc sống mới trong Nam. Đời
sống chật vật vất vả nhưng mẹ tôi hằng tháng vẫn gửi quà và tiền cho bà Pagniez,
một người Pháp bạn của ông Nội tôi, để nhờ bà chuyển về cho bà ngoại và các anh
chị em, các cháu tại quê hương đất Bắc. Vì là con cả nên bố tôi phải lo cho bố
mẹ và các em, vì vậy mẹ tôi ở chung với bố mẹ chồng và các em chồng. Mẹ tôi đảm đang, cáng đáng tất cả. Bà quán xuyến
việc nhà vừa lo cho bố mẹ chồng vừa lo cho các cô em chồng đi học lên hết đại
học. Cũng giống như bà ngoại và hầu hết gái làng Sặt, mẹ tôi buôn bán rất
giỏi. Thêm vào đó, bà rất thông minh lanh
lẹ, hoạt bát và thích giao thiệp, nên những công trình làm ăn của bà đều thành
công. Bà học lái xe, học tiếng Anh, giao
tiếp rộng. Rồi bà mở tiệm may, hãng kem,
rồi hãng thầu, kiếm được nhiều contracts với các hãng thầu của Hoa Kỳ. Nền kinh tế gia đình nhờ vậy mà càng ngày
càng khá giả.
Với
các con và gia đình nhà chồng
Bố mẹ tôi có với
nhau tất cả là 6 người con. Chúng tôi là những người con may mắn, được sinh ra
và lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của bố mẹ. Chúng tôi không thiếu thốn một thứ gì, từ vật
chất tới tinh thần. Đối với mẹ tôi, gia
đình là ưu tiên đầu. Tôi chưa nghe bà
cầu nguyện xin gì cho riêng bà, mà chỉ xin Chúa gìn giữ chồng, các con, và gia
đình. Khi còn là con gái ở nhà, vì mẹ
tôi yêu thương mẹ mình nên đã hy sinh bỏ học để phụ giúp mẹ. Đến khi lấy chồng, hầu như mẹ tôi đã quên đi
con người của mình, mà chỉ sống cho chồng, cho con. Các bà bạn của mẹ tôi khi dư tiền thì đi sắm
sửa vàng bạc, hột soàn đeo đầy người, còn mẹ tôi thì không, bao nhiêu tiền bà
xài cho chúng tôi và gia đình. Mẹ tôi lo cho chúng tôi từng li từng ti. Từ việc học cho tới việc ăn uống, giải
trí. Mỗi năm cứ đến hè thì chúng tôi
được đi Vũng Tàu tắm biển cả tháng. Tôi
nhớ chưa bao giờ trong cuộc đời tôi mà tôi xin gì mà mẹ không cho, từ cái áo
mới, cái xe đạp để đạp tới nhà bạn, tới cái đàn guitar để học guitar, ra trường
đại học thì mẹ tôi cho tiền mua xe mới. Mẹ
tôi tuy nghiêm khắc nhưng cũng rất chiều con.
Bố tôi đứng trước bể
nước nhà của ông bà Nội được xây vào khoảng 1930
Mẹ tôi tuy rất cương
nghị và cứng rắn, nhưng cùng lúc thì lại cũng rất nhiều tình cảm, nhất là đối với
bố tôi. Không như nhiều người vợ khác vào
thế hệ của bà, tuy đã có con cháu đầy đàn, mẹ tôi cũng vẫn rất tình tứ đối với
bố tôi. Bà vẫn xưng hô với bố tôi bằng danh từ "anh em" rất
ngọt. Tôi nhớ khi bố tôi vào nhà thương
để mổ, mẹ tôi đã nắm tay bố tôi, vuốt ve và rưng rưng nước mắt, gọi bố tôi là:
"người em yêu". Cũng giống như
bà ngoại, mẹ tôi rất thương người và rộng rãi về tiền bạc, nên mẹ tôi luôn giúp
đỡ mọi người. Tháng nào bà cũng gửi tiền
về Vietnam giúp đỡ các người tàn tật, người mù trong làng, cho họ hàng và năm
nào cũng vậy, gửi tiền về cho đại gia đình nội ngoại, để cả họ có dịp xum họp
tổ chức ăn Tết thật tưng bừng, để mọi người có dịp họp mặt xum vầy. Mẹ tôi là như vậy, không từ chối ai một cái
gì, và rộng rãi giúp đỡ mọi người.
Tuy mẹ tôi luôn nghĩ
tới người khác, nhưng mẹ tôi cũng có những thú vui riêng của mẹ. Mẹ tôi là người mê đọc sách. Bà đọc sách hằng ngày. Sách nào mẹ tôi cũng đọc. Mẹ tôi kể lại là khi còn nhỏ, các anh trai
của mẹ biết mẹ tôi thích đọc sách nên khi nào có dịp đều mua sách cho mẹ làm
quà. Những người tiếp xúc với bà đều
nghĩ là mẹ tôi là một người học cao, vì bà có rất nhiều kiến thức, chuyện gì mẹ
tôi cũng bàn luận được. Tôi còn nhớ nhà
tôi ở Sàigòn có nguyên một tủ sách, từ sách truyện đọc để giải trí, cho tới những
sách về những kiến thức cần thiết cho cuộc sống như sách tâm lý học, đối với
tôi rất là khô khan, nhưng mẹ tôi đọc hết. Mẹ tôi không những thích đọc sách,
đọc truyện nhưng cũng rất thích xem phim, nhất là những phim ngoại quốc. Những tài tử nổi tiếng thời đó mẹ tôi thuộc
tên vanh vách, từ Gina Lolobrigida, Liz Tailor, Sophia Loren, cho tới Alain
Delon, Sylvie Vartan, Brigitte Bordeaux, mẹ tôi thuộc nằm lòng. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi được mẹ dẫn đi xem
xi nê, là những phim cổ tích “Bạch Tuyết Bảy Chú Lùn”, “Đôi Hia Ngàn Dặm”, rồi
khi lớn hơn một chút thì được xem những phim nổi tiếng khác như "Cuộc Đua
Vĩ Đại Nhất Hoàn Cầu", "Oliver".
Một cái thú khác của mẹ (và của tôi) là thú ăn quà. Mỗi khi đi chợ Sài Gòn tôi đều được mẹ dẫn đi
theo, và hai mẹ con không quên ghé các gian hàng để ăn quà.
Rolla,
Missouri, 1976
Mẹ tôi không khỏi
phải lo lắng về cuộc chiến Nam Bắc ngày càng kịch liệt. Gia đình chúng tôi đã rời Việt Nam vào năm 75
khi nghe chú tôi ở bên Mỹ báo tin rằng rằng Mỹ sẽ bỏ và miền Nam Việt Nam sắp
sửa mất. Hơn 30 người trong đại gia đình
của bố tôi rời Việt Nam để định cư ở Mỹ qua sự bảo trợ của chú tôi. Bố mẹ
tôi đã bỏ lại tất cả tài sản, công xưởng mà ông bà đã gây dựng bao nhiêu năm
tháng, để đánh đổi tất cả cho tương lai của các con, cho tự do tín ngưỡng. Và bố mẹ tôi lại phải bắt đầu gây dựng lại từ
đầu. Tuy gia đình chúng tôi may mắn được
chú tôi bảo trợ đi Mỹ toàn diện, không thiếu sót một ai, nhưng biến cố năm 75 cũng
mang lại cho mẹ tôi biết bao nhiêu là mất mát, đau buồn. Sau khi định cư ở Mỹ được
vài tháng thì mẹ tôi được tin bà Ngoại đã qua đời. Mẹ tôi được biết rằng sau khi miền Nam mất, bà
Ngoại tôi đã vội vàng sai các bác của tôi vào Nam để kiếm mẹ tôi và hai bác của
tôi, nhưng khi tới nơi thì được tin là mẹ tôi đã theo gia đình đi Mỹ, và một trong
hai bác tôi đã bi đi tù cải tạo. Khi
nghe tin, bà tôi đã quay mặt vào vách tường và khóc. Niêm hy vọng gặp lại các con sau 20 năm trời
xa cách đã tiêu tan. Bà không ăn, không
uống. Một tuần sau thì bà ngoại qua đời. Mẹ tôi đã buồn và khóc không biết là bao nhiêu
nước mắt mỗi khi nhắc tới bà Ngoại.
Rolla, Missouri, 1977
Đời sống ở Mỹ bắt
đầu bằng những ngày tháng vất vả, nặng nhọc, nhưng bố mẹ tôi không một lời than
phiền. Và mẹ tôi tiếp tục hằng tháng gửi quà và tiền cho bà Pagniez, để nhờ bà
chuyển về cho đại gia đình tại quê hương đất Bắc, như bà đã làm trong bao nhiêu
năm khi còn ở Sài Gòn. Sau khi chú tôi bạo bệnh qua đời, bố mẹ tôi dọn về
Houston mua cửa tiệm grocery. Mẹ tôi lại
phải cáng đáng từ việc nhà tới việc tiệm.
Nhờ sự tháo vát đảm đang của mẹ và bao nhiêu năm hy sinh làm việc mà chúng
tôi có cuộc sống sung túc, được ăn học tới nơi tới chốn.
Làm
chủ và quán xuyến cửa hàng Grocery tại Houston, 1987
Niềm an ủi lớn nhất
của mẹ tôi là thấy được con cái từng đứa một ra trường đại học, kiếm được việc
làm vững chắc, thành công trên doanh nghiệp, mà vẫn giữ đạo, đi nhà thờ hằng
tuần. Đối với bà, những hy sinh của bà
đã được Chúa đền bù xứng đáng. Và một an ủi thứ hai của mẹ tôi là bà đã có dịp
về thăm quê hương đất Bắc vào năm 1996 sau 40 năm xa cách và đòan tụ với các anh
chị em và các cháu. Mẹ tôi đã bán tiệm grocery,
mang số tiền lớn về Việt Nam thăm họ hàng và giúp đỡ mọi người.Những ngày tháng thăm quê hương là những ngày thật hạnh phúc. Mơ ước mẹ tôi đã được toại nguyện. Chỉ tiếc rằng bà ngoại của tôi đã không còn sống để mẹ tôi có thể được gặp và ôm mẹ của mình sau bao nhiêu năm nhớ nhung xa cách.
Mẹ tôi đã sống một
cuộc đời đáng sống. Những năm cuối cùng
của cuộc đời mẹ, mẹ đã có những giờ phút hạnh phúc nhất. Bà đã sống trong tình
thương đầy ắp. Những hy sinh của bà đã được đền bù. Và giờ đây, tôi tin chắc rằng bà đang được ôm
ấp trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và đang mỉm cười nhìn tôi âu yếm.
Ăn
mừng Giáng Sinh với con cháu
50th
anniversary
Các
cháu nội ngoại – 50th anniversary of ông bà
Mẹ ơi, con nhớ mẹ
lắm. Mẹ vẫn ở với con trong trái tim con
luôn mãi.
Con gái lớn của mẹ,
Trần thị Ly Băng
*****
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.