Friday, August 12, 2016

Vì sao ta dễ mắc chứng mệt mỏi, kiệt sức?

The Grinder sleeping sleepy foxtv food coma
Vài năm trước, Anna Katharina Schaffner trở thành một trong những bệnh nhân mới nhất của căn bệnh kiệt sức.

Đầu tiên là trạng thái trì trệ về tinh thần và thể chất - như bà miêu tả, "cảm giác nặng nề" khi làm bất cứ việc gì.

Thậm chí những công việc bình thường nhất cũng vắt kiệt toàn bộ năng lượng của bà, và bà thấy vô cùng khó khăn tập trung làm việc.

Nhưng khi cố gắng thư giãn, bà lại rơi vào cảm giác liên tục muốn kiểm tra email trong hàng tiếng đồng hồ, cứ như thể vị cứu tinh chống buồn chán sắp bất thình lình hiện ra trong hộp thư vậy.

image
Cùng với lo lắng là cảm giác chán nản: "Tôi thất vọng, vỡ mộng và vô vọng."

Cảm giác của bà khá giống với vô số người khác, từ Giáo hoàng Benedict XVI đến ca sĩ Mariah Carey, những người cũng đã được chẩn đoán kiệt sức.

Nếu đúng như người ta tin vào truyền thông, đó là một căn bệnh thuần tuý của thời hiện đại.

Hầu như lần nào bật ti-vi lên, Schaffner đều thấy có một cuộc thảo luận về những nỗi khổ con người phải đối mặt trong nền văn hoá vận hành liên tục 24/7.

"Tất cả những người tham gia bình luận đều đại diện cho những điều tệ hại nhất trong thời đại của chúng ta - điều đó huỷ hoại toàn bộ năng lượng dữ trữ của chúng ta," bà nói.

Thế nhưng điều này có thật không? Hay thời đại của sự đờ đẫn và lãnh đạm là phần không thể tránh khỏi của con người, không khác gì chuyện ta có thể bị cảm cúm hay bị gãy chân, tay?

Kiệt sức hay trầm cảm?

Là người chuyên nghiên cứu lịch sử y khoa và và phê bình văn học ở Đại học Kent ở Anh, Schaffner quyết định tìm hiểu sâu xa hơn vấn đề.

Kết quả là bà đã cho ra quyển sách mới, “Lịch sử căn bệnh kiệt sức” (Exhaustion: A History), một nghiên cứu hấp dẫn mà qua đó bác sĩ và các nhà tâm lý học có thể hiểu được giới hạn của tâm trí, thể chất con người - và cả năng lượng.

image
Rõ ràng sự kiệt sức ngày nay đang là mối quan ngại ngày càng tăng, được chứng minh bằng những số liệu trong ngành y tế, đặc biệt là trong các ngành chuyên nghiên cứu về tình trạng kiệt quệ cảm xúc.

Một nghiên cứu của các bác sĩ tại Đức phát hiện ra 50% bác sĩ có vẻ như đang trải qua tình trạng "kiệt sức". Những người này cảm thấy mỏi mệt trong từng giờ làm việc trong ngày và chỉ một ý nghĩ về công việc buổi sáng cũng khiến họ cảm thấy kiệt quệ.

image
Liệu sự kiệt sức có phải là biểu hiện của căn bệnh thời hiện đại?
Đáng chú ý là có vẻ như nam giới và phụ nữ đối phó với sự kiệt sức theo các cách khác nhau.

Một khảo sát gần đây ở Phần Lan cho thấy nam nhân viên khi cảm thấy kiệt sức thì thường xin nghỉ phép dài hơn so với các nữ nhân viên trong tình trạng tương tự.

Bởi bệnh trầm cảm cũng liên quan đến trạng thái đờ đẫn và lãnh đạm, một số người nói rằng kiệt sức chỉ là một khái niệm ít tạo định kiến hơn của trầm cảm.

Trong quyển sách của mình, Schaffner trích dẫn một bài báo tiếng Đức nói kiệt sức là một "phiên bản xa xỉ" của bệnh trầm cảm xuất hiện ở những người nổi danh.

"Chỉ có những kẻ thất bại mới bị trầm cảm," bài báo nói. "Kiệt sức là chẩn đoán dành cho những người thành công, hay, chính xác hơn, là những người từng thành công."

Tuy nhiên, nói chung, hai tình trạng này được coi là hoàn toàn riêng biệt.

image
"Các lý thuyết gia hoàn toàn đồng ý rằng trầm cảm bao gồm sự mất tự tin, thậm chí tự khinh bỉ hay căm ghét bản thân, và không liên quan đến kiệt sức. Trong khi với kiệt sức, hình ảnh về bản thân vẫn nguyên vẹn," Schaffner nói.

"Sự giận dữ khi kiệt sức thường không biến thành chuyện quay sang tự tấn công bản thân mà là chống lại tổ chức nơi họ làm việc, chống lại khách hàng mà họ đang cộng tác, hoặc rộng hơn là chống lại hệ thống xã hội chính trị hay kinh tế."

Kiệt sức cũng không thể bị nhầm lẫn với hội chứng mệt mỏi mãn tính (chronic fatigue syndrome - CFS), liên quan tới tình trạng kiệt quệ dữ dội cả thể xác và tinh thần trong ít nhất sáu tháng, trong đó nhiều bệnh nhân có tình trạng đau đớn thể xác khi tham gia những hoạt động dù nhẹ nhàng nhất.

Mệt thể xác hay mệt tinh thần?

Theo một tranh luận, não chúng ta đơn giản là bị bệnh khi cố gắng phát triển để thích nghi với môi trường làm việc hiện đại.

Sự đòi hỏi ngày càng gia tăng với năng suất làm việc và và nhu cầu cảm xúc để chứng minh giá trị của bản thân qua công việc khiến nhân viên luôn ở trong tình trạng "căng như dây đàn".

image
Trạng thái này ban đầu là sự tiến hoá để thích nghi với tình trạng nguy hiểm dữ dội.

Nhưng nếu ta đối mặt với kiểu áp lực đó từ ngày này qua ngày khác, cơ thể liên tục hứng chịu các đợt dâng trào hormone gây căng thẳng, buộc cơ thể con người phải chiến đấu không ngừng.

Hơn nữa, với nhiều người, áp lực không kết thúc cùng công việc.

image
Trong xã hội hiện đại, người ta thường tranh luận về tình trạng cơ thể luôn "căng như dây đàn" để theo đuổi công việc

Các thành phố (và thiết bị công nghệ) luôn luôn vận hành trong đời sống, và thứ văn hoá không ngừng "24/7" này có thể khiến ta rất khó nghỉ ngơi bất cứ giờ nào dù là ngày hay đêm.

Không có cơ hội để nạp năng lượng cho não bộ và cơ thể, nguồn năng lượng dự trữ của ta lập tức rơi vào tình trạng thấp đến mức nguy hiểm.

Ít nhất, đó cũng là về mặt lý thuyết.

Mệt mỏi từ hàng trăm năm trước

Tuy nhiên, khi tìm hiểu lịch sử văn học, Schaffner phát hiện con người đã phải trải qua tình trạng vô cùng mệt mỏi từ rất lâu trước khi những không gian làm việc như xã hội hiện đại xuất hiện.

Một trong những nghiên cứu sớm nhất về tình trạng kiệt sức do bác sĩ Galen người La Mã viết.

image
Giống Hippocrates, ông tin rằng tất cả những cơn đau bệnh tâm thần và thể xác đều có thể truy nguyên về sự cân bằng hài hoà của bốn khí chất - máu, mật vàng, mật đen và đờm.

Ông nói, sự gia tăng mật đen làm giảm khả năng lưu thông của cơ thể và làm tắc nghẽn đường lên não, dẫn đến sự đờ đẫn, mê mệt, mệt mỏi, uể oải và u sầu.

Mặc dù giờ đây ta đã biết những điều này không có cơ sở khoa học, nhưng ý tưởng cho rằng não chúng ta bị lấp đầy bởi một chất lỏng như dầu hắc ín dĩ nhiên là dẫn đến việc khiến suy nghĩ mờ mịt, lờ mờ mà nhiều người bị kiệt sức như mô tả thời hiện đại.

“Con quỷ giữa trưa”

image
Thời Thiên Chúa Giáo kiểm soát nền văn hoá phương Tây, kiệt sức từng được coi như một dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của linh hồn.

Schaffner chỉ ra tác phẩm của Evagrius Ponticus vào thế kỷ thứ Tư, chẳng hạn như mô tả "con quỷ giữa trưa" khiến các thầy tu đưa ánh mắt bơ phờ nhìn ra ngoài cửa sổ.

"Nó được coi như một sự thiếu đức tin và thiếu ý chí - sự đối lập giữa linh hồn và thể xác," Schaffner nói.

image
Bà chỉ ra một thầy tu từng không thể cưỡng lại việc liên tục tìm cách tán gẫu với những vị tu sĩ khác thay vì tham gia vào các công việc có ích - rất giống với những người kiệt sức trong thế kỷ 21, không thể cưỡng lại và phải luôn kiểm tra xem trên mạng xã hội có gì.

Những lời giải thích tôn giáo và chiêm tinh tiếp tục tăng lên cho đến khi nền y học hiện đại ra đời, khi bác sĩ bắt đầu chẩn đoán các hội chứng mệt mỏi là "suy nhược thần kinh".

Giờ đây, bác sĩ đã biết dây thần kinh truyền những tín hiệu điện, và họ tin rằng nếu ai đó có thần kinh yếu sẽ có thể bị tiêu hao năng lượng vì các sợi thần kinh bị cô lập nặng nề.

image
Y học hiện đại gọi những cơn kiệt sức này là "suy nhược thần kinh"
Các nhà trí thức từ Oscar Wilde cho đến Charles Darwin, Thomas Mann và Virginia Woolf đều bị chẩn đoán suy nhược thần kinh.

Bác sĩ đổ lỗi căn bệnh là do sự thay đổi xã hội trong thời cách mạng công nghiệp, mặc dù những sợi thần kinh mỏng manh cũng được xem như biểu tượng tri thức và tinh hoa; thậm chí một số bệnh nhân thấy thích thú tự hào về tình trạng bệnh của mình.

Mặc dù ít quốc gia có xu hướng chẩn đoán bệnh suy nhược thần kinh ngày nay, các bác sĩ Trung Cộng và Nhật Bản thường xuyên sử dụng cụm từ này - và một lần nữa, với cáo buộc quen thuộc rằng đây là một triệu chứng tương tự như sự trầm cảm nhưng được gọi bằng cái tên không mang tính kỳ thị.

image
Rõ ràng, rất nhiều người trong lịch sử cũng cảm thấy mỏi mệt hệt như chúng ta, cho thấy tình trạng mệt mỏi và kiệt sức có thể chỉ là một phần của tình trạng con người.

Quay lại thời Trung Cổ, đó là "con quỷ giữa trưa", vào thế kỷ 19 đó là việc được đào tạo, học hành dành cho phụ nữ, và vào thập niên 1970 đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản hung hãn đã bóc lột không thương tiếc người lao động.

Bí ẩn năng lượng?

energy dont figure harder
Trong thực tế, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu điều gì đem lại cho mình cảm giác về "năng lượng" và vì sao nó có thể tiêu tan nhanh chóng mà chẳng cần phải làm việc đến kiệt sức về thể chất.

Ta vẫn không biết liệu hội chứng này bắt nguồn từ cơ thể hay tâm trí, liệu chúng có phải là hệ quả của xã hội hay nó xuất hiện dựa trên hành vi của mỗi chúng ta.

Có lẽ sự thật là hỗn hợp của tất cả những thứ trên, mỗi thứ một chút: một sự hiểu biết ngày càng gia tăng về sự gắn bó giữa tâm trí và cơ thể cho thấy cảm xúc và niềm tin của ta có tác động sâu sắc lên thể chất.

Ta biết rằng sự mỏi mệt về mặt cảm xúc có thể cơn đau bốc hoả và trầm trọng hơn chẳng hạn - và trong vài trường hợp nó thậm chí gây ra sự mù lòa và co giật.

"Rất khó để nói một căn bệnh là thuần tuý thể chất hay thuần tuý do tinh thần, vì thường là do cả hai bệnh cùng lúc," Schaffner nói.

Rõ ràng, không hề ngạc nhiên chút nào khi có những hoàn cảnh nhất định có thể khiên tâm trí ta trở nên mờ mịt, và làm tê liệt cơ thể gây ra lãnh đạm.

Thông tin này không cho thấy hội chứng này là tưởng tượng hay bày đặt - có lẽ các triệu chứng đó "thật" và rõ ràng như cơn sốt đi kèm khi bị cúm.

Mệt vì quá tự chủ?

Schaffner không bác bỏ áp lực của đời sống hiện đại.

Bà nghĩ chuyện này xảy ra một phần, vì sự tự chủ của ta ngày càng lớn, vì ngày càng có nhiều nghề nghiệp cho ta cơ hội có thể tự do kiểm soát hoạt động của mình.

image
Ranh giới không rõ ràng giữa nghỉ ngơi và công việc khiến ta dễ rơi vào kiệt sức hơn

Khi không xác định được ranh giới rõ ràng, nhiều người tự gây cảm giác căng thẳng cho bản thân.

"Nó thường thể hiện dưới dạng lo lắng, sợ rằng mình không làm tốt công việc, sợ rằng mình chưa đạt, mình chưa đáp ứng được kỳ vọng," bà nói.

Bà cũng đồng ý rằng email và mạng xã hội có thể làm năng lượng dự trữ của ta hao mòn.

"Bằng rất nhiều cách, công nghệ có nghĩa là tiết kiệm năng lượng nhưng chính chúng đã trở thành nhân tố gây căng thẳng," bà nói. Ngày nay, mọi người càng khó khăn hơn nếu muốn chỉ làm việc khi có mặt ở sở làm.

Nếu lịch sử dạy được chúng ta điều gì, thì đó chính là không có cách chữa trị dễ dàng cho triệu chứng này.

image
Trong quá khứ, bệnh nhân suy nhược thần kinh thường được yêu cầu nghỉ ngơi một thời gian dài trên giường - nhưng sự chán ngán thường làm trầm trọng thêm cơn phiền muộn.

Ngày nay, người bị kiệt sức có thể tham gia liệu pháp hành vi nhận thức để giúp họ quản lý sự kiệt quệ về cảm xúc và xác định các phương pháp nạp năng lượng mới.

"Cách chữa trị kiệt sức thường đòi hỏi rất cụ thể. Bạn phải biết chính bản thân mình, biết điều gì khiến bạn mất năng lượng và thứ gì giúp bạn hồi phục," Schaffner nói.

Một số người cần sự kích thích từ thể thao mạo hiểm, trong khi người khác lại thích đọc sách hơn. "Quan trọng là vẽ ra lằn ranh rõ ràng giữa công việc và nghỉ ngơi," bà nói. "Những thứ đó đang bị đe doạ."

image
Bản thận Schaffner nhận thấy sự hiểu biết rộng hơn đã giúp bà qua được những cơn thăng trầm về sức khoẻ tâm lý của mình.

"Nghiên cứu và viết về sự kiệt sức, nghịch lý thay, hoàn toàn giúp sinh ra năng lượng," bà nói.

"Tôi thấy rất đam mê chủ đề này, và tôi cảm thấy nhẹ nhàng hẳn khi đọc thấy rất nhiều người trong những giai đoạn lịch sử khác nhau đã trải qua kinh nghiệm tương tự trong đời sống của họ."

"Điều đó khiến tôi được trấn an khi biết mọi người không cô đơn trong cảm xúc của họ, bởi cũng có những người khác cảm thấy giống như vậy - dù trong những hoàn cảnh khác nhau."



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.