Có thể còn là do khẩu
vị từng người, nhưng quả thực ở một số nước có những món đồ ăn mà có lẽ chỉ những
cư dân địa phương mới thấy là bình thường.
Ít nhất đó cũng là kết
quả nhận được cho câu hỏi được nêu trên trang hỏi đáp Quora, "Món ăn nào
phổ biến ở nước bạn, nhưng lại không được người dân nơi khác đón nhận?"
Pháp
Đương nhiên, Pháp nổi
tiếng với món pho-ma, nhưng Mimolette là một loại rất lạ, độc đáo, được hình
thành qua quá trình tốn khá thời gian.
Camille Feghali từ
Paris tả món này như sau: "Tôi đến từ vùng Lille, bắc Pháp, và khi có tuổi
thì trông tôi bề ngoài hơi cũ kỹ. Ai không biết thì sẽ tìm cách cậy lớp vỏ của
tôi ra và ngỡ rằng tôi là một loại pho-ma khác. Giá họ biết rằng..."
Sau đó, bà mô tả bằng
một loạt ảnh chụp những con bọ nhỏ li ti được cho bám vào miếng pho-ma để gặm
nhấm, tạo ra những lỗ nhỏ xíu khắp lớp vỏ. Những con bọ giúp tạo hương vị đặc
trưng của loại pho-ma này, vốn được chế biến trong thời gian từ sáu đến 18
tháng mới xong.
Cơ quan Quản lý An
toàn Thực phẩm Hoa Kỳ đã từng có thời gian ngăn cấm nhập khẩu loại pho-ma này
hồi 2013 do sợ gây dị ứng nếu ăn nhiều.
Mexico
Ngô có nguồn gốc từ
Mexico từ hơn 7.000 năm trước, cho nên không lạ gì khi nước này có vô số các
cách chế biến món ăn từ loại lương thực này.
Thế nhưng không có
món nào độc đáo như huitlacoche.
"Huitlacoche là
loại ngô bị nhiễm nấm sống ký sinh," Alejandro Reyes từ Monterrey, Mexico,
giải thích.
Còn được gọi là
"than ngô", phần hạt ở đầu bắp phồng ra như những cây nấm, rồi sau đó
được thu hoạch. Khi nấu lên, món ăn có vị gỗ và đất.
"Nó thường được
ăn với bánh quesadillas... Cá nhân tôi thì không thích nó," Reyes nói.
Đông Nam Á
Trứng là món ăn sáng
phổ biến ở nhiều quốc gia, nhưng không gì có thể so được với món trứng vịt lộn
ở Đông Nam Á.
Alyanna Ghia De Guia
từ Taguig City, Philippines mô tả cách ăn 'sành điệu' nhất ở nước này là phải
đập một chút vỏ trứng, rồi bỏ vào trong những thứ gia vị chính.
"Được dùng nhiều
nhất là muối biển thô, là thứ mà người bán sẽ có cho bạn," cô nói. "Nếu
không thì dùng dấm trộn ớt cay và hành củ băm, người bán cũng có cho bạn
luôn."
Sau đó bạn sẽ bóc
thêm phần vỏ trứng, đủ rộng để bạn cắn được lòng đỏ, và "khi cắn vào phần
vịt lộn, thì bạn chén luôn nhé," cô nói thêm.
"Nhìn phản ứng
của những người bạn Tây phương của tôi thì thấy là họ không thể chấp nhận được
món này, nghĩ tới đã thấy kinh chứ đừng nói chuyện ăn," Trần Quyết Thắng
hiện sống tại Orlando, Mỹ, nói.
"Bạn có thể bắt
gặp món này ở hầu hết các khu chợ, mọi góc phố ở Việt Nam. Người Việt hầu
như ai cũng từng ăn thử. Nhiều người ăn hàng ngày luôn. Một món ăn rất giàu
dinh dưỡng, nhất là cho trẻ nhỏ."
Mỹ
Chớ để cái tên của
món ăn đánh lừa bạn. Hào Núi Đá chẳng liên quan gì tới biển hết.
Món ăn này là một
món ra đời từ các trang trại nuôi gia súc của Mỹ, với ngẩu pín là thành phần
nguyên liệu chính.
"Chúng thường
được tẩm bột rồi chiên giòn. Ăn hơi dai và đôi chỗ có tiếng lật sật,"
Leslie Venetz người gốc từ Montana nói. "Thật ra ăn khá là ngon."
Thame Wegner từ
Oregon giới thiệu thêm cách chế biến khác nữa: "Cách mà tôi ưa thích cũng
là cách đơn giản nhất. Lạng mỏng lớp màng đi rồi làm chín trên ngọn lửa trần,
hoặc đặt trên hòn đá được nung nóng, hoặc trên một tấm kim loại được nung
nóng. Thế là ăn thôi," ông nói.
"Những người
khác thì muốn ăn món này trong bữa sáng, cùng với trứng chưng hay món gì khác,
thay cho món xúc xích."
Venezuela
Tại quốc gia vùng
Nam Mỹ này, bản thân các loại thực phẩm thì không có gì đặc biệt cho lắm,
nhưng cách chế biến chúng thì lại có.
"Với chúng tôi,
chuyện ăn các loại hạt ngũ cốc với đường là rất phổ biến, như đậu đen, đậu
lentils chẳng hạn. Ăn với rất nhiều đường," Eliezer Saul Bricenno-Gonzalez
nói.
"Một số người
'nhập khẩu' ý tưởng ăn hạt ngũ cốc với muối, nhưng nói thật là nếu không ngọt
thì không phải là công thức nấu ăn của người Venezuela."
Đường đã trở nên đắt
đỏ và khan hiếm ở nước này, khiến một số người quay sang ăn hạt không kèm đường.
Nhưng điều đó không làm thay đổi cách ăn của Briceno-Gonzalez, kể cả khi anh sống
ở một quốc gia khác.
"Tôi nhận ra
đây là thứ 100% Venezuela khi ở Ecuador," anh nói. "Tôi ăn một đĩa
đậu đen với cơm và thịt sấy, và khi tôi hỏi đường, nhân viên phục vụ nhìn tôi
với ánh mắt kiểu "cái gì!?". Tôi cười lớn và phải giải thích đó là
cách tôi ăn ở nước mình, và đó là chuyện rất phổ biến đối với chúng tôi."
Xứ Anh (England)
Có những nhận xét rất
khác nhau về món Marmite của người Anh, thậm chí công ty chuyên sản xuất món
này cũng đã chọn slogan là "Hoặc rất mê hoặc rất ghét" cho sản phẩm
làm từ men chiết xuất này.
Món men bia cô đặc
này nặng mùi, có vị mặn, vị ngọt của thịt, và được một số người rất thích,
nhưng một số lại rất ghét.
Úc và New Zealand thậm
chí còn làm ra món marmite với khẩu vị riêng của mình, trong lúc Đan Mạch từng
có giai đoạn ngắn cấm món này hồi năm 2011.
"Rất là ngon
khi phết lên bánh mỳ nướng, hoặc phết lên sandwich ăn với dưa chuột,"
Charlie Mitton từ Bristol nói.
Nhưng không phải ai
cũng tán thưởng món này.
"Bạn gái tôi,
người Pháp, thì dứt khoát không muốn có nó ở trong nhà," Mitton nói thêm.
"Cô ấy cho rằng nó thật là kinh tởm, đáng ghét."
Lindsey Galloway
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.