Trong chuyến thăm
vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứng kiến cảnh chết chóc tràn bờ, Đức Cha Giuse
Ngô Quang Kiệt nhận định:
“Tôi thấy cái chết của
biển cũng như của cá nó chỉ là cái ngọn vấn đề, cái chính gây ra cái chết này
là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết: cái
chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của
chính trị."
Lương tâm là ơn Chúa ban cho người ta để người ta phân biệt được điều gì tốt
điều gì xấu, khi làm điều tốt thì lương tâm thanh thản, an ủi còn khi làm điều
xấu lương tâm cắn rứt. Nhưng khi lương tâm chết rồi nó không còn cắn rứt nữa.
Cho nên khi làm điều xấu mà nó không còn cắn rứt nữa thì lương tâm đó
chết rồi.
Luân lý là những chuẩn mực, quy luật để hành xử cho đúng đạo lý. Khi cư xử
không còn theo đạo lý nữa, không còn biết đâu là xấu – tốt thì luân
lý đó chết rồi, nó không bị chi phối bởi những chuẩn mực đạo đức, không còn quy
tắc đạo lý nữa.
Lý trí là sự hiểu biết để giúp người ta biết phân định những giá trị cao
thấp khác nhau như Đức Thánh Cha nói rằng: “thời gian lớn hơn không gian, toàn
phần lớn hơn một phần”. Bây giờ người ta chọn một phần mà quên đi toàn phần thì
cái đó là cái chết của lý trí không còn phân định được và chọn các giá trị thấp
mà bỏ các giá trị cao.
Chính trị chính là nghệ thuật tổ chức sắp xếp để cho mọi người được hạnh
phúc. Khi việc mưu cầu hạnh phúc cho con người đã chết thì biển chết, cá chết
là hậu quả.” Lời nhận định của một nhà lãnh đạo tôn giáo quả thật rất sâu sắc
và chí lý.
Đất nước VN đang đối
phó với cái chết thể lý do nhiễm độc mà ai cũng thấy sờ sờ trước mắt, ngay trên
mâm cơm nhà mình mỗi ngày. Nhưng sự nhiễm độc này chưa tàn phá và chết chóc cho
bằng sự nhiễm độc trong tâm hồn mà Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong bài giảng
ngày 13.06, lễ thánh Antôn tại Trại Gáo, Vinh đã nói: “Hôm nay người dân
VN với mâm cơm đầy nghi nan, không biết đâu là thực phẩm bẩn – sạch và ranh giới
giữa chúng rất mong manh. Một số người ham lợi nhuận, vì đồng tiền đã bán rẻ
lương tâm, chế biến những thực phẩm bẩn đem bán trên thị trường.”
Hai vị chủ chăn cùng
chung một nhận định về cái chết trong tâm hồn con người. Đây là thứ chất độc
đáng sợ hơn cả! Bởi độc bên ngoài, theo thời gian người ta có thể cùng chung
tay loại trừ nó, nhưng độc tố hận thù trong lòng khiến người ta hại nhau, giết
nhau một cách thản nhiên thì không còn thời gian để cứu vớt.
Máu độc trong tâm hồn là
hậu quả một nền giáo dục độc tôn do Đảng Cộng Sản VN Vô Thần cai trị hơn 70 năm
ngoài Miền Bắc và hơn 40 năm trong Miền Nam. Một nền giáo dục mà theo lời nhận
định của Đức Cha Phaolô là “đã bị nhiễm bẩn” bởi lòng bạo lực, thù hận và ích kỷ.
Bao thế hệ trẻ VN dưới mái trường XHCN đã được “dạy” cho biết về lòng thù
hận đối với Mỹ, Ngụy. Tôi còn nhớ như in ngày mình được học về lòng căm thù “thằng
Ngụy”. Đầu óc non nớt trẻ thơ chưa hiểu “thằng Ngụy” là thằng nào mà nó phải
đáng nguyền rủa như thế! Tôi đem thắc mắc ấy về hỏi Cha tôi, vốn là một cựu
quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, Cha tôi cười chua chát và chỉ vào mình:
“Là thằng này đó
con!”
Những khái niệm về sự
quảng đại, lòng bao dung, ơn tha thứ là những mệnh đề khó hiểu. Bởi thế, khi cá
chết trắng Miền Trung, bao gia đình đớn đau tuyệt vọng, đói khát lầm than, nhiều
người đến làm từ thiện thì họ lại nêu ra câu hỏi: “làm từ thiện để làm gì?”,
trên một chương trình truyền hình hẳn hoi.
Sự im lặng, làm ngơ
của nhà cầm quyền trước tình trạng nhiễm bẩn môi trường biển, cá chết hàng loạt
hơn 70 ngày qua không phải là ngẫu nhiên. Họ thừa cơ sở dữ liệu để có thể tuyên
bố nguyên nhân trong 1 ngày, nhưng cố tình che đậy. Đó chính là thứ độc hại
trong tâm hồn mà CS đã chủ mưu từ khi lên cầm quyền.
Giả như tuyên bố
nhanh nhà máy Formosa là thủ phạm thì chẳng khác nào thừa nhận việc làm
phi nhân của mình khi vì lợi lộc của một nhóm lợi ích mà gây thiệt hại cho
toàn dân. Nếu chỉ mặt Formosa cũng đồng nghĩa việc thừa nhận hối lộ, để làm ngơ
cho Trung cộng hoàn toàn thao túng trên đất Việt.
Vì lẽ, Cộng sản
xây dựng học thuyết không phải trên lòng yêu thương, tình đồng loại hay sự dấn
thân cho lợi ích cộng đồng mà hoàn toàn ngược lại. Sức mạnh của người Cộng
sản hình thành trên nền tảng của lòng ích kỉ, tính thù hận và óc vụ lợi. Lúc mới
hình thành, người Cộng sản đã dựa vào hạt gạo tình thương của nhân dân để mà sống,
đến khi phát triển, có chỗ dựa thì họ quay sang đề phòng nhân dân và hoàn toàn
xa rời nhân dân.
Đến khi nắm quyền lực
trong tay, họ tồn tại bằng cách duy trì lòng thù hận, giáo dục về lòng thù hận
và phát triển lòng thù hận. Lòng thù hận luân chuyển trong lòng chế độ như
một thứ máu độc, nó kích thích tính ích kỉ, sự dửng dưng và vô cảm trước nỗi
đau đồng loại. Và chưa bao giờ mà thứ máu độc này lại hoành hành trên dân tộc
Việt Nam như bây giờ.
Và một khi chất
độc tâm hồn đã gây cái chết trong lòng người, thì mọi thứ độc tố bên
ngoài chỉ còn là phụ tùy.
GNsP
22.06.2016
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.