Tuần qua tôi phải đến
toà án quận hạt nơi mình cư ngụ, chẳng phải vì kiện tụng ai hay bị ai kiện mà
vì tôi được - có người cho là bị - gọi đến toà để làm bổn phận công dân.
Một trong những bổn
phận của công dân Mỹ là tham gia bồi thẩm đoàn ở toà án, gọi là “jury duty”, mà
lâu lâu bất cứ công dân Mỹ nào, nếu không có tiền án và mất quyền công dân, sẽ
được triệu tập đến toà để tham gia vào một vụ xử.
Người dân được gọi
đi làm bồi thẩm viên thuộc mọi thành phần trong xã hội, đủ mọi sắc dân. Tôi đã
có gần hai chục lần đến toà để chuẩn bị tham gia xử án, nhưng chưa bao giờ được
ngồi trong ghế của bồi thẩm đoàn để xét xử. Trong hai lần được chọn qua vòng đầu,
tức là đã vào phòng xử án, biết vụ xử liên quan đến ai, bị truy tố về tội gì,
tôi đã thấy thành viên tương lai của bồi thẩm đoàn gồm bác sĩ, công nhân, tài xế
xe tải, y tá, giáo sư đại học, chánh án, giám mục, sinh viên, nhân viên sở xã hội
cùng nhiều ngành nghề khác nữa. Có người vừa bước qua tuổi 18, là tuổi được quyền
tham gia bầu cử, có người tuổi trên 70 và đã nghỉ hưu.
Có thể gọi đó là tòa
án của dân, vì với 6 hay 12 thành viên trong bồi thẩm đoàn, chính những người
dân sẽ quyết định nghi can có phạm pháp hay không, sau khi nghe, xem xét các chứng
cớ hai bên đưa ra. Rồi bồi thẩm đoàn định tội, nếu nghi can phạm luật thì sau
đó chánh án sẽ quyết định bản án theo khung hình phạt ghi trong luật.
Dù xử án có bồi thẩm
đoàn nhưng có những vụ án, sau khi nghị án và chánh án đưa ra mức phạt tù cho tội
phạm cũng đã làm dấy lên những phản đối, có khi đưa đến bạo động.
Ở vùng San Jose, đầu
năm nay có một vụ xử án về tội hiếp dâm. Chánh án Aaron Persky tuyên phạt tội
nhân Brock Allen Turner, một sinh viên Đại học Stanford, chỉ ở mức 6 tháng tù
đã khiến nhiều người bất bình. Trên mạng xã hội có kiến nghị đòi truất nhiệm
chánh án Persky với cả triệu người tham gia ký tên. Tuy nhiên bản án vẫn được
giữ nguyên và hai tuần trước, sau khi thi hành nửa thời gian bản án, tội phạm Turner
đã được thả và trở về quê quán ở tiểu bang Ohio để được quản chế ba năm.
Dưới mắt dư luận quần
chúng không phải vụ án nào cũng được coi là công bằng và công lý được thực thi.
Năm 1992 có vụ án
liên quan đến Rodney King, một người da đen bị cảnh sát da trắng ở vùng Los
Angeles đánh đập tàn nhẫn sau một vụ rượt đuổi. Khi sự việc xảy ra có người
quay được video. Ra toà, những cảnh sát viên đã đánh đập King không bị án tù. Kết
quả của phiên toà khiến những người da đen ở khu vực Los Angeles tức giận, đập
phá, nổi lửa đốt nhiều cơ sở thương mại trong vùng.
Sang tòa dân sự,
Rodney kiện cảnh sát gây thương tích cho mình và đã được bồi thường cả triệu
đôla.
Một số người, nhất
là người da đen, không tin là công lý sẽ được thực thi vì có nhiều vụ xử cảnh
sát bắn chết hay đánh đập người da mầu đã được trắng án hay với một bản án nhẹ.
Trong cộng đồng người
Việt đã có nhiều vụ án dân sự liên quan đến vu khống, mạ lị được nhiều người
quan tâm và cũng có ý kiến cho rằng bản án không được công bằng.
Nhật báo Người
Việt kiện bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm tuần báo Saigon Nhỏ, vu khống cho
báo Người Việt là cộng sản và bôi bẩn đời tư của nhân viên nhật báo
này. Vụ kiện kết thúc với án toà buộc bà Hoàng Dược Thảo bồi thường
cho Người Việt nhiều triệu đôla khiến bà phải khai phá sản và trao
quyền sở hữu cơ sở và báo Saigon Nhỏ cho tờ Người Việt.
Vụ Nancy Bùi kiện Đỗ
Văn Phúc ở Texas với kết quả ông Phúc phải bồi thường gần 2 triệu đôla. Vụ Tuan
J. Pham ở Minnesota kiện ba người là Thang Dinh Le, Tram Bui và Dean Do và ông
đã thắng kiện khi án toà buộc các bị cáo phải trả cho ông Tuan gần 700 nghìn
đôla tiền bồi thường thiệt hại vì bị mạ lị, vu khống là cộng sản làm thiệt hại
đến công việc làm ăn của ông và gia đình.
Đầu tháng này, một
toà kháng án ở Texas đã có án lệnh về vụ cựu nghị viên thành phố Houston là Al
Hoàng (Hoàng Duy Hùng) kiện tuần báo Thời Báo và nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh hồi
năm 2014 về tội bôi nhọ, gọi Al Hoàng là một người cộng sản vì vị dân cử này đã
đón tiếp các phái đoàn cộng sản đến Houston và khi về Việt Nam có liên hệ và gặp
gỡ với lãnh đạo cộng sản. Án lệnh là thắng lợi cho nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh khi
cho rằng Al Hoàng là cộng sản và người đứng đơn kiện không có đủ lý do để đưa vụ
việc ra toà.
Có những vụ án mà
bên toà hình sự xử nghi can không có tội, nhưng khi bị kiện ở toà dân sự thì bị
can lại bị kết án phạm luật.
Vận động viên bóng
cà-na O.J. Simpson bị cáo buộc giết vợ và người bạn trai của vợ, vì ghen. Ở tòa
hình sự công tố viên không đưa ra được những bằng chứng, như vũ khí giết người,
mà chỉ có đôi găng tay cho là Simpson đã dùng khi giết người. Trước toà và bồi
thẩm đoàn, cùng công chúng xem qua ti-vi vì vụ án được chánh án cho phép trực
tiếp truyền hình, khi Simpson thử găng tay thì không lọt vì quá nhỏ, không thể
nào vừa tay của nghi can. Simpson không bị kết tội ở toà hình sự.
Nhưng khi qua toà
dân sự O.J. Simpson bị kêu án đã gây ra cái chết của vợ, cùng bạn trai của vợ
và phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân nhiều triệu đôla. Bản án đưa
đến việc Simpson, một vận động viên nổi danh và giầu sang một thời cuối cùng mất
hết tài sản.
Nhiều người Mỹ da đen
không tin tưởng vào nền công lý Hoa Kỳ
Thứ Sáu tuần trước
tôi đến toà, khi đã vào vòng nhì cùng với 49 người khác, tức là được qua phòng
xử án. Tại phòng xử chánh án mới cho biết là những người được lựa chọn hôm nay
sẽ là thành viên trong một đại bồi thẩm đoàn (grand jury) gồm 19 người và sẽ phải
đến toà trong suốt tuần tới để xét xem có đủ chứng cớ để truy tố, cần 12 trong
số 19 bồi thẩm viên đồng ý, một vụ bạo hành người cao tuổi.
Tôi không được chọn
trong số 19 người, nhưng trong thủ tục lựa chọn có ba người được chánh án cho
miễn thi hành bổn phận công dân dịp này là một sinh viên mới vừa vào đại học, sẽ
nhập học vào ngày thứ Hai; một người đã mua vé máy bay và thứ Tư tuần tới sẽ
bay đến tiểu bang khác để dự đám cưới một người thân và một người mà chánh án
thấy khuôn mặt đầy những buồn lo, hỏi ra được biết sắp bị đuổi khỏi nơi thuê
nhà.
Khi chánh án đã chọn
xong 19 người, tôi nhớ có giáo sư đại học, có giáo viên cấp một, có kỹ sư, có
người chỉ ở nhà lo đưa rước con đi học. Những thành viên thuộc đủ mọi mầu da,
có người gốc Hồi giáo vì đội khăn trên đầu.
Hoa Kỳ là đất nước của
nền dân chủ pháp trị nên không ai có thể đứng trên luật pháp và các phán quyết
của tòa án là chung cuộc. Vì thế việc công dân góp phần vào việc xử án là để bảo
đảm tính công bằng. Một bản án ở toà cấp thấp, nếu bị cáo không đồng ý có thể
kháng án lên toà cao hơn, rồi lên toà cao nhất là Tối cao Pháp viện nếu không đồng
ý với các toà dưới.
Vì không tôn trọng
pháp luật, ra lệnh cho nghe lén các cuộc đàm luận của chính trị gia Đảng Dân chủ
mà Tổng thống Richard Nixon đã phải từ chức. Tổng thống Bill Clinton đã bị điều
tra và phải cung khai trước các ủy ban pháp luật, tuy chưa bị đàn hặc hay truất
nhiệm vì quan hệ tình cảm với một phụ nữ trẻ tập sự trong Tòa Bạch Ốc mà khi bị
điều tra đã không khai đúng sự thật.
Vì không bên nào đồng
ý với kết quả bầu chọn tổng thống năm 2000 về cách đếm phiếu nên đã đưa vụ việc
lên Tối cao Pháp viện để có phán quyết chung cuộc.
Hệ thống pháp lý của
Hoa Kỳ với những phiên xử án có bồi thẩm đoàn, tuy có những trường hợp còn sai
sót, nhưng theo nghị án của đa số, hay có những vụ xử mà toàn thể thành viên của
bồi thẩm đoàn phải đồng ý thì nghi can mới có thể bị kết tội, vì thế tính công
bằng trong các bản án là ở mức cao.
Chẳng mấy ai muốn phải
ra toà. Nhưng khi phải đến toà, công dân Mỹ muốn thấy công lý được thực thi một
cách công bằng.
Hoa Kỳ phát triển và
tiến bộ là nhờ có luật pháp nghiêm minh và công bằng. Người dân không thể viện
lý do không biết luật để bào chữa cho điều sai trái mình làm.
Ai đã từng vi phạm
luật ở cấp thấp nhất là luật giao thông khi lái xe để bị cảnh sát bắt thì chắc
chắn đã hiểu nhiều về hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ.
Bùi Văn Phú
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.