Tết Trung thu được tổ
chức vào ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm. Đây là một ngày lễ truyền thống của
một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm vào dịp này, trẻ em sẽ
trông trăng và phá cỗ. Ngoài ra, các em còn được người thân mua tặng những món
quà như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân… Và một phần không thể thiếu đó là
bánh Trung thu.
Tháng 7 vừa qua,
theo tin của Đài tiếng nói Việt Nam, công ty Kinh Đô (TP Sài Gòn) đã xuất khẩu
sang thị trường Hoa Kỳ những lô hàng bánh Trung thu đầu tiên để phục vụ cộng đồng
gốc Á tại Mỹ. Ngày 13/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã cùng các trẻ em nhỏ
bị nhiễm chất độc da cam làm bánh Trung thu trong chuyến thăm Làng Hữu Nghị Việt
Nam. Có thể thấy, ngoài tính thương mại, việc làm bánh Trung thu còn là một nét
văn hóa.
Ở hải ngoại, không
chỉ mang hương vị bánh đơn thuần, bánh Trung thu còn mang tới cho mỗi người con
xa xứ mùi vị của quê hương trong dịp tết còn được gọi với cái tên rất đặc biệt:
Tết Đoàn viên.
Cô Huỳnh Thị Tuyết
Mai, một vị khách mua bánh Trung thu ở thương xá Eden, bang Virginia (Hoa Kỳ),
tâm sự cô đã mua hơn 300 đôla tiền bánh và năm nào cũng mua để “ăn dài dài cho
tới qua mùa Trung thu luôn."
Ngoài những cơ sở
kinh doanh mua bánh từ các công ty sản xuất theo dây chuyền lớn để bán lại, đâu
đó vẫn còn những xưởng bánh thủ công của người Việt tại Mỹ. Anh Trần Hán Vinh,
một chủ xưởng bánh lâu năm ở thương xá Eden, cho biết:
“Thật ra thì ở khu
Eden này chỉ có tôi là tiệm duy nhất làm bánh trung thu kiểu truyền thống, vẫn
theo phong tục như ngày xưa làm nhân từ hạt mà ra. Thí dụ như đậu xanh thì lấy
từ hạt đậu để nấu chứ không phải mua từ trong thùng nhập cảng rồi về gói lại để
làm bánh. Tôi sẽ làm từ đầu, từ hạt cho tới nhân và trở thành bánh."
Bánh Trung thu thường
có hai loại: bánh nướng và bánh dẻo. Ngoài hình dạng vuông và tròn, bánh Trung
thu còn có nhiều kiểu dáng nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là cá chép, lợn mẹ và đàn
con. Nhân bánh gồm đậu xanh, trứng muối, lạp sườn, hạt sen, hạt dưa... Sau khi
nặn bột đã ngào quanh nhân bánh, người thợ sẽ cho bánh vào khuôn ép rồi sau đó
nướng chín. Đối với bánh dẻo, vì vỏ và nhân đều đã được làm chín từ trước nên
sau khi tháo khuôn, bánh có thể sử dụng được ngay mà không cần phải chế biến thêm.
Để duy trì một xưởng
bánh có thể sẽ không có nhiều lợi nhuận bằng việc nhập về rồi bán lại, nhưng
anh Vinh nói:
"Tôi vẫn duy trì
vì khách hàng từ mấy chục năm nay dù ở xa hay ở đâu, có chuyển đi đâu vẫn về đặt
bánh ở đây. Bánh của tôi đã quen từ hồi nào tới giờ rồi nên tôi vẫn làm. Tuy rằng
tôi biết là nó không bằng những cái mua sẵn về bán, nhưng ngược lại bánh của tôi
vẫn thơm, vẫn ngon, vẫn tươi, đó là cái điều tôi vẫn duy trì tới ngày hôm
nay."
Tết Trung thu còn là
một trong những dịp để kết nối cộng đồng và duy trì truyền thống văn hóa Việt ở
hải ngoại.
Theo anh Vinh, hàng
năm vào các dịp lễ, Tết, cộng đồng người Việt ở vùng Washington DC, Virginia và
Maryland quy tụ lại rất đông và đây là cơ hội tốt để thế hệ trẻ sau này được biết
và tiếp tục duy trì phong tục truyền thống của người Việt ở Mỹ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.