Tôi gặp hoạ sĩ
Nguyên Khai trong một buổi triển lãm chung của ông với hoạ sĩ Ann Phong một buổi
chiều Bolsa. Tôi cũng được xem bức tranh tranh trừu tượng “Rain” của ông trong
buổi triển lãm “Những Thế Hệ: 40 Sắc Màu Giữa Đen Và Trắng” do VAALA tổ chức. Bức
“Rain” của ông miêu tả những hạt mưa rơi đã gây ấn tượng cho tôi. Những hạt thuỷ
tinh rơi xuống cho những giọt nước mắt dấy lên. Tôi hình dung được trong gam
màu nóng đỏ những máu và nước mắt dân tôi đã đổ xuống qua hơn nửa thế kỷ chiến
tranh. Những nhọc nhằn đoạ đầy chưa bao giờ vơi, được ông diễn đạt lại thật sâu
sắc.
Nguyên Khai tên thật
Nguyễn Phước Bửu Khải, sinh năm 1940 tại Huế. Ông học trường Quốc Gia Cao Đẳng
Mỹ Thuật Huế và Sài Gòn. Là một trong những sáng lập viên Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt
Nam, ông đoạt Huy Chương đồng triển lãm Hội Hoạ Mùa Xuân 1963. Hiện định cư tại
California. Đã tham dự nhiều cuộc triển lãm tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác như
Ấn Độ, Ba Tây, Nhật, Pháp và Việt Nam. Bạn đọc có thể tham khảo thêm thế giới
tranh của ông qua nguyenkhaiart.com
Hôm nay tôi có cơ hội
nói chuyện với người đàn ông cầm cọ suốt quãng đời mình. Người đã tạo nên “các
thiếu nữ cổ dài” thời xưa và những tác phẩm đa dạng trong phong cách và chất liệu
bây giờ.
Trịnh Thanh Thủy với
Nguyên Khai và tranh của ông
Trịnh Thanh Thủy: T
rất vui được nói chuyện với anh, người hoạ sĩ mà T được nghe tiếng từ ngày còn ở
Việt Nam. Xin cho T hỏi, anh bắt đầu niềm đam mê hội hoạ của mình bao giờ và bước
vào như thế nào?
Nguyên Khai: Ngay từ
thời thơ ấu tôi đã đam mê hội hoạ nhưng không có điều kiện phát triển.
Năm 17 tuổi, tình cờ
tôi biết đến trường Mỹ Thuật Huế do Linh mục Cao Văn Luận thành lập năm 1957,
nên xin theo học. Hồi đó muốn vào, phải học dự bị xong mới thi vào năm thứ nhất
và tiếp tục lên trên. Vào trường năm 1959, tôi đã vẽ tranh và có triển lãm. Nhờ
đọc báo Sáng Tạo, tôi nghĩ miền nam mới chính là đất quy tụ và phát huy được
văn hoá và mỹ thuật, nên xin gia đình vào Sài Gòn và theo học ở trường Quốc Gia
Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1962.
Linh mục Cao Văn Luận,
Viện trưởng VĐH Huế, đang phát biểu trong lễ khai giảng VHH khoá 1961-1962
Năm 1963, bức tranh
“Hoa hồng, chim họa mi và đôi ta” mà tôi gởi đi dự thi đoạt huy chương đồng giải
“Văn học nghệ thuật toàn quốc” của phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thời đệ nhất cộng
hoà. Tôi không dám ghi tên thật, vì thời đó luật trong trường Mỹ Thuật là sinh
viên đang theo học cấm không được gởi tranh dự thi, tôi liều gởi đi đại.
Một Nguyên Khai mảnh
mai thư sinh trong cuộc triển lãm tranh chung ở Sài Gòn 1965
Sau đó
giải thưởng này đã như một nấc thang, một bàn đạp giúp tôi bước vào thế giới hội
hoạ một cách hăng say hơn. Năm nào tôi cũng có triển lãm cá nhân, đặc biệt được
người Pháp ưa thích và được vinh dự cơ quan Văn Hoá Pháp(Alliance Francaise) đã
tổ chức triển lãm cho tôi.
TTT: Được biết anh
là một trong những thành viên nồng cốt của nhóm Hoạ Sĩ Trẻ vào thập niên 60,
anh có thể kể lại lý do tại sao anh có mặt trong nhóm này?. Nó có giúp ích gì
cho hành trình dấn thân trong con đường nghệ thuật của anh hay ngành mỹ thuật
VN ngày đó? Xin cho T nghe một câu chuyện hay kỷ niệm vui đáng nhớ về nhóm nàỵ
NK: Ngày ấy có bác
sĩ Nguyễn Tấn Hồng thấy các anh em hoạ sĩ trẻ có tài năng mà chưa ngồi lại với
nhau. Ông sợ bị phân tán mất, nên có sáng kiến lập ra Hội Hoạ Sĩ Trẻ. Lại có
Ngy Cao Uyên là hoạ sĩ Trung Tá không quân và Lưu Kim Cương là những người yêu
hội hoạ mà có tư cách hợp pháp, (để xin giấy phép lập hội), cùng đứng ra như
các mạnh thường quân giúp đỡ cho hội được thành hình.
Từ Saigon 1975 tới
Houston 2005, bảy thành viên “Hội Hoạ Sĩ Trẻ” hội ngộ 30 năm sau; từ trái: Đinh
Cường, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trịnh
Cung
Những hoạ sĩ thành
danh nhờ có giải thưởng. Ngày ấy, phần lớn những thành viên của HHS Trẻ đều có
các giải thưởng quan trọng của quốc gia, huy chương bạc, đồng v..v..như
Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm hay Trịnh Cung chẳng hạn. Mục đích của hội
để trao đổi hình thức sáng tác khiến mỗi người có được một đường lối sáng tạo
riêng. Được nơi tụ hội gặp gỡ, ai cũng hăng say sáng tác và đi tìm các phong
cách mới nhưng khác nhau. Tỷ như Hồ Thành Đức thì dán giấy, Đỗ Quang Em vẽ
tranh hiện thực… Nhờ vậy đã tạo nên một không khí, một môi trường phát triển
sáng tác, và… tôi cũng có mặt.
Tôi có một kỷ niệm
vui vui trong khi làm trụ sở hội. Lúc đó anh em nghèo, không có tiền xây trụ sở.
Do sáng kiến của họa sĩ Ngy Cao Uyên, chúng tôi đổi tranh cho sư đoàn 5 Không
Quân trong Tân Sơn Nhất để lấy gỗ. Gỗ do Mỹ viện trợ cho Không Quân xây dựng
doanh trại đồn trú. Khi đi tìm đất để xây, tôi và Hồ Thành Đức thấy trong khu của
Đại Học Văn Khoa có khoảnh đất trống, gần đó có nhóm CPS và Nguồn Sống vẫn sinh
hoạt. Chúng tôi vào gặp Phạm Quốc Bảo là chủ tịch hội sinh viên thời bấy giờ.
Tôi hỏi “Mày có miếng đất nào cho chúng tao xin xây hội không? “ Anh bảo “Có miếng
đất sát đường đó, chúng mày lấy đi”. Thế là tụi tui “lấy thì lấy”.
Chúng tôi lấy gỗ về,
tự vẽ kiểu và thuê thợ nề. Khi ấy không có tiền, phải đóng góp và bán tranh trả
công thợ. Trở ngại thứ đến, khi xây gần xong, phải lắp điện nước và điện thoại
mà chúng tôi không có giấy phép để bắc vì mọi thứ đều bất hợp pháp.(Kể cả một số
lớn thành viên trốn quân dịch vì trong hạn tuổi gọi nhập ngũ). Vì thế khi thợ bắc
điện thoại và điện nước đến, tôi được dặn phải đứng canh cảnh sát, thấy thì la
lên. Tôi đứng canh mà vừa mắt la mày liếc, vừa run. Tới việc phải mở cổng đi
vào hội. Thợ nói phải có giấy phép của chính phủ mới phá gờ xi măng phía trước,
mới mở ra mặt đường được. Họ hỏi có phép chưa. Chúng tôi nói liều, có rồi. Thế
là tôi lại đứng canh cảnh sát trong tình trạng…bất hợp pháp. . Rồi cũng xong,
trụ sở có đủ phòng họp, phòng trưng bày tranh và nhà vệ sinh. Tất cả sơn trắng
như toà Bạch Cung, tường căng bố, đủ cả đèn đuốc. Sau vụ Mậu Thân 1968, trụ sở
bị chính quyền san bằng.
Khóc đi, quê hương
tôi yêu dấu, 24x30, sơn dầu trên bố (1992)
TTT: Thế giới trong
tranh anh được nhiều người phê bình, nhận định như: thơ mộng, quyến rũ, trang
nhã, và bình yên hoặc là thơ ca được dựng lại bằng sắc màu trên nền vải. Xin
cho biết cách tạo màu sắc của anh?
NK: Đối với tôi
trong một bức tranh màu sắc là cái chính. Màu sắc có đẹp, tranh mới đẹp. Tôi
nghĩ nên tạo những màu riêng cho mình quý như châu báu. Khi mình trân quý, nó sẽ
như châu báu toả sáng làm tranh mình đẹp, chứ màu sắc bình thường, tranh cũng sẽ
rất bình thường, không nổi trội được. Ví dụ như muốn tạo một màu xanh, trong
màu xanh phải có rất nhiều màu làm nên một màu xanh không ai có. Tôi vẽ lâu,
làm việc nhiều, vọc nhiều nên khi dùng màu diễn tả điều mình nghĩ, muốn nói, dễ
dàng hơn. Khi bắt đầu sáng tác, tôi thường bỏ màu lên trước rồi cạo đi rồi dập
màu, sau đó nương theo đó mà vẽ, tạo bố cục, hình tượng hay vật thể.
Adam Eva, Trái Cấm,
40x72, sơn dầu trên bố (2000)
TTT: Người nghệ sĩ
sáng tác đôi khi rơi vào một tình trạng khủng hoảng trong việc sáng tác, vì mất
cảm hứng, bí đề tài, hay cấm đoán không được sáng tác.. v..v…anh có từng
bị như thế không? Trong trường hợp đó, để giải quyết anh đối phó ra sao?
NK: Khi sáng tác bị
chậm lại tôi đổi phong cách và thử nghiệm một lối mới để thoát ra. Nhờ vậy tôi
có những loạt tranh khác nhau như ở VN không có màu tôi chuyển qua vẽ lụa, sơn
mài, bên Mỹ qua mixed media, monoprint. Khi bị cấm sáng tác tôi tìm cách thoát
ra hay đào thoát. Hồi mới giải phóng, giới có thẩm quyền của miền Bắc vào miền
Nam. Họ muốn quy tụ một số văn nghệ sĩ miền Nam lại để đánh bóng. Tỷ như bên nhạc
thì có Trịnh Công Sơn, bên hội hoạ thì có Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Mai chửng,
Ngô Bảo …v..v.. và tôi. Hoàn cảnh lúc ấy, những văn nghệ sĩ miền Bắc không có cảm
tình với chúng tôi, mà còn ghét. Nếu chúng tôi không gia nhập một hội đoàn văn
nghệ nào, sẽ bị bắt bớ, đi kinh tế mới hay phường khóm bắt đi thủy lợi. Do đó
tôi gia nhập hội văn nghệ và được đi thực tế. Tôi và Đỗ Quang Em vào một nhà
máy chuyên làm toa xe lửa để vẽ công nhân. ĐQE vẽ một ông công nhân già phía
sau là một toa xe lửa rất cổ. Ông mặc một cái áo có lỗ rách ở giữa. Tôi cũng vẽ
một ông công nhân già nhưng bên cạnh ông dăm ba cái búa, kềm nằm lăn lóc dưới đất.
Lối vẽ của ĐQE là từ trên xuống dưới theo lối họa hình. Còn tôi đắp màu lên trước
rồi cạo, nên tranh tôi đang hoa hoè, hoa sói tùm lum trên canvas. Khi ấy, nhằm
lúc nhóm đảng đoàn đi kiểm soát. Xong họ về báo cáo, bảo, sao hội lại có hai
anh hoạ sĩ, một anh thì hoạ hình(ĐQE), một anh thì vẽ quảng cáo(tôi)!!! Giám đốc
nhà máy nói, vẽ xong phải đưa ông kiểm duyệt trước. Xong đưa ông coi, ông phán,
các anh vẽ như thế này là bôi nhọ chế độ. Anh kia(ĐQE), công nhân mặc áo rách
phải sửa cho lành. Còn anh(tôi), sao nghèo nàn quá, cho thêm dụng cụ kềm búa
vào. Khi đô thành đưa hai bức đi triển lãm, cả hai đoạt giải nhất và nhì.
Tôi suy nghĩ, một chế
độ mà hoạ sĩ bị điều khiển như vậy làm sao sống được. Với tôi, cái gì cản trở
sáng tác, nó là kẻ thù. Tôi vượt biên. Tôi thực hiện câu nói thời còn trong HHS
Trẻ “ Cuộc đời ta sẽ hiến dâng cho tình yêu và nghệ thuật, tất cả mọi cản trở
là kẻ thù của ta, nguyện đời ta như ánh sao băng trong đêm tối, như hạt sen nẩy
mầm trong vũng bùn kia hay ngọn sóng cao trong biển cả.”
Linh hồn hoa sen,
40x60, sơn dầu trên bố(1988)
TTT: tình cờ xem được
một bức tranh thiếu nữ “The spirit of Lotus”, “Linh hồn của hoa sen” . T rất ngạc
nhiên trong lối anh vẽ người thiếu nữ chuyển động và sự đề cao người thiếu nữ tợ
hoa sen trong tranh anh. Nhờ anh giải thích ý nghĩa bức tranh và nói thêm về
phong cách tạo hình trên bức này không?
NK: Khi mới qua Mỹ,
tôi có vẽ một loạt tranh thiếu nữ Việt Nam “nude”(khoả thân). Tôi muốn có một sự
chuyển động trong tranh nên tôi cho họ linh hoạt và bay bổng như trong bức này.
Câu chuyện bắt đầu từ
người phụ nữ VN thời ấy phải chịu nhiều thăng trầm, gian truân, và những đau khổ,
dằn vặt. Từ những người vợ sau giải phóng bôn ba ra đời kiếm sống, nuôi dạy con
còn phải đi thăm nuôi chồng ở trại cải tạo, đến các thiếu nữ vượt biên bị tù tội,
hải tặc hãm hiếp. Qua tới Mỹ họ lại phải đương đầu với cuộc sống khó khăn và
làm lại từ đầu. Gương cao quý của họ đẹp như hoa sen vậy. Cô có hỏi tôi về thế
nằm của người thiếu nữ?. Thế nằm ngửa của cô ta khiến cô có thể thở hít hết
tinh tuý của hoa sen và khí thiêng của trời đất. Nền có những lá chuối và cũng
là tóc của cô tượng trưng cho quê nhà Việt Nam.
TTT: Là một họa sĩ
Việt Nam thành danh, tốt nghiệp từ Trường Mỹ Thuật chuyên nghiệp anh có nghĩ rằng
muốn là một hoạ sĩ có cần qua một đào tạo trường lớp không? Anh có muốn nhắn nhủ
gì cho những bạn trẻ đang bắt đầu trở thành họa sĩ?
NK: Tôi nghĩ, vẽ cần
có một căn bản vững vàng nhờ trường lớp và vẽ nhiều, ngoại trừ trường hợp thiên
tài, nhưng rất hiếm. Nếu không ban đầu chỉ vẽ được vài bức khá sau đó yếu dần
vì không điều khiển được, có thể bị lập lại mãi không thoát ra được. Khi đã có
nền móng căn bản rồi cần quên căn bản để thoát ra đi vào sáng tạo.
Tôi không phải là một
ai ghê gớm gì, tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước. Khi làm việc
thì làm việc một cách thành thật mới đem lại nét đặc thù của chính mình, chứ nếu
bị ảnh hưởng người khác nhiều quá sẽ không thoát ra được. Hơn nữa cứ vẽ và làm
việc đừng đợi cảm hứng, vẽ hư chồng lên vẫn đẹp. Điều quan trọng ở tranh là màu
sắc, nên chú ý đến màu sắc trước. Đừng nên coi thường màu sắc, tạo màu sắc quý
cho riêng mình thì tranh mới trở nên quý được.
Cảm ơn anh, Chúc anh
ngày càng thành công hơn nữa.
Trịnh Thanh Thủy
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.