Pages

Wednesday, September 4, 2019

Hương Cảng trong chính sách ngoại giao của Trump

BM  
Kể từ ngày TT Trump lên nắm quyền với những lời phát biểu và quyết định thường là do nổi hứng bốc đồng, và thay đổi đảo ngược thất thường, bất chấp những nguyên tắc và truyền thống lâu đời, nhiều người đã tự hỏi là không biết ông và chính quyền Mỹ sẽ ứng phó ra sao nếu như có một cuộc khủng hoảng thực sự nổ ra trên chính trường thế giới.

Giờ đây, cuộc khủng hoảng đó dường như bắt đầu nổ ra tại Hương Cảng theo như nhận định của ông Thomas Wright, một chuyên gia kỳ cựu làm việc tại Viện nghiên cứu Brookings Institution. Trong một bài phân tích được đăng trên tạp chí The Atlantic, ông Wright cho rằng ông Trump có thể đang đối đầu trước một cuộc khủng hoảng thực sự trên trường quốc tế, chứ không phải chỉ là những lời lẽ chỉ trích nặng nề như ông đã thường tung ra trong thời gian qua, tuy có làm cho nhiều chính trị gia và các lãnh tụ khác cảm thấy khó chịu, nhưng đã không dẫn đến những va chạm hay xung đột trầm trọng tạo nên một cơn khủng hoảng.

Tác giả bài báo nói rằng TT Trump đang đặt ưu tiên trên những mối lo ngại về chuyện mậu dịch (mà ông mong muốn giành lại phần thắng cho Hoa Kỳ để cử tri tiếp tục ủng hộ trong kỳ bầu cử vào năm tới) giữa lúc nhà cầm quyền Trung Cộng dường như đang chuẩn bị cho một kế hoạch to lớn để dập tắt những cuộc xuống đường biểu tình đang tiếp tục kéo dài từ vài tháng qua và càng ngày càng trở nên căng thẳng hơn, và điều này có thể dẫn đến một tình huống xấu là Chiến Tranh Lạnh giữa hai cường quốc có thể nổ ra lần nữa.

BM
  
Và cách thức mà các nhà lãnh đạo Mỹ - Hoa sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng này ra sao trong những ngày tháng tới sẽ có ảnh hưởng lớn không những về tương lai chính trị của ông Trump mà còn có thể xác định xem liệu hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Cộng có tìm được một nền tảng chung để giải quyết sự cạnh tranh giữa đôi bên, hoặc là cả hai nước sẽ phải dính sâu hơn trong một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Tình trạng nổi loạn và bất ổn tại Hương Cảng nói chung đều đặt ra một thử thách to lớn cho bất cứ vị tổng thống nào của Hoa Kỳ, chứ không riêng gì với TT Trump, bởi vì vị lãnh tụ của Mỹ sẽ phải tìm một sự cân bằng: một mặt là phải hỗ trợ những tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền, cũng như quyền được chống đối trong ôn hoà của người dân, và bên kia là không nên xen lấn vào chuyện nội địa của một nước khác, trong trường hợp này là Trung Cộng.

BM
  
Lịch sử đã chứng minh một số những trường hợp nhức nhối và khó xử. Vào năm 1956, nhiều người dân tại thủ đô Budapest ở Hung Gia Lợi đều tin rằng Hoa Kỳ có lẽ sẽ ủng hộ nếu như họ can đảm đứng lên chống lại chế độ độc tài của Liên Sô. Nhưng đến khi họ đứng lên nổi dậy, chính quyền Mỹ của TT Eisenhower lúc bấy giờ lại không chịu can thiệp vào, vì lo sợ rằng nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến rộng lớn với đối thủ Nga. Bài học đau thương này có thể xem như là lời cảnh báo cho các vị tổng thống Mỹ sau này là chớ nên đưa ra những lời hứa hẹn quá đáng mà chưa chắc gì mình có thể bảo đảm được.

Lịch sử đau thương được lập lại lần nữa vào năm 1991 khi nhiều nhóm dân quân Kurd tại Iraq đã đứng lên nổi dậy sau khi họ nghe được lời cổ động của TT Bush Cha lúc bấy giờ khi phát động cuộc chiến tấn công Iraq để giải cứu cho Kuwait, nhưng cuối cùng Hoa Kỳ cũng không giúp đỡ khối người Kurd để lật đổ chế độ của nhà độc tài Saddam Hussein.

Cách nay không lâu, người dân tại Hương Cảng cũng đã xuống đường đông đảo và rầm rộ trong một cuộc nổi dậy được gọi là phong trào Dù Vàng vào năm 2014, nhưng chính quyền Obama cũng đã phản ứng dè dặt khi một mặt lên tiếng bầy tỏ khuynh hướng tự nhiên của Hoa Kỳ là luôn luôn ủng hộ quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, nhưng đồng thời cũng kèm theo câu nói rằng thông điệp chính của Hoa Kỳ là muốn tránh xảy ra tình trạng bạo động.

BM
  
Nhiều chính trị gia phe Cộng Hoà lúc bấy giờ đã mượn dịp này để lên tiếng chỉ trích kịch liệt chính quyền Obama, như trường hợp của ông Marco Rubio, nghị sĩ liên bang đại diện cho tiểu bang Florida, đã chê bai TT Obama là đã không bầy tỏ sự ủng hộ đối với khối người biểu tình tại Hương Cảng một cách tích cực hơn. Tuy nhiên, phía TT Obama lúc bấy giờ lo ngại rằng bất cứ hình thức ủng hộ hoặc giúp đỡ nào cho phe biểu tình tại Hương Cảng sẽ khiến cho nhà cầm quyền ở Bắc Kinh càng có lý do chính đáng hơn để cáo buộc rằng những cuộc biểu tình chỉ là một trò giật dây của Hoa Thịnh Đốn, và chính Hoa Kỳ cũng cẩn thận để không đưa ra những lời hứa hẹn quá lố.

Nói chung, các vị tổng thống, nhất là TT Mỹ, thường bị giới hạn trong những điều mà họ có thể nói một cách công khai, và do đó người ta có thể hiểu và thông cảm cho TT Trump trong trường hợp này. Tuy nhiên, cho đến nay, phản ứng của TT Trump xem chừng như quá nhút nhát và dễ bị chỉ trích một cách xác đáng.

Đầu tiên là việc TT Trump ngay từ lúc ban đầu đã hoàn toàn giữ im lặng tuyệt đối khi không dám nêu lên những đức tính và giá trị nền tảng của Hoa Kỳ là luôn luôn ủng hộ cho những tiếng nói hay phong trào đòi hỏi dân chủ và tự do. Đó là điều đã xảy ra như phản ứng mạnh mẽ của TT Trump và hầu hết các phụ tá cao cấp khi lên tiếng chỉ trích kịch liệt lãnh tụ độc tài Nicolas Maduro tại Venezuela và ủng hộ mạnh mẽ lãnh tụ đối lập Juan Guaido và lực lượng dân chúng biểu tình trong nước. Thái độ im lặng này có thể khiến cho giới lãnh đạo của Trung Cộng có thể đánh giá sai về ý muốn và quyết định của Hoa Kỳ, và từ đó có thể lấy những quyết định cứng rắn dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khó lường.

Theo các bài báo được tường thuật trên hai diễn đàn Financial Times và Politico, quyết định sai lầm nghiêm trọng của TT Trump là ông đã gọi cho lãnh tụ Tập Cận Bình (Xi Jinping) của Trung Cộng vào ngày 18/6 để nói rằng ông sẽ không lên án nếu như phía nhà cầm quyền địa phương (dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh) sẽ mở một chiến dịch càn quét để dẹp tạn các vụ biểu tình.

BM
  
Lời phát biểu như vậy được đưa ra một cách nổi hứng và tuỳ tiện, mặc dù ông Trump không hề chịu tham khảo ý kiến của bất cứ phụ tá cao cấp nào trong bộ tham mưu về an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ. [Khách quan mà nói, ông Trump có lẽ là vị tổng thống Mỹ duy nhất không thèm tham khảo ý kiến của những phụ tá cao cấp, nhất là khi ông biết những người đó, như các ông Ngoại trưởng Rex Tillerson hoặc ông Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis không hề đánh giá cao về trình độ nhận thức của vị sếp lớn mình nên đã vô tình phát biểu những lời lẽ khó nghe khiến TT Trump phải bực mình như khi gọi ông là một kẻ ngu đần (a moron), hoặc một kẻ chỉ có trình độ cỡ lớp 6.]

Đã vậy sau đó, TT Trump còn xác định thêm một lần nữa quyết định của ông không đánh giá cao tinh thần chống đối của người dân tại Hương Cảng trong các đợt biểu tình đã kéo dài trong hơn hai tháng. Vào ngày 1 tháng 8, TT Trump đã phát biểu với giới truyền thông khi nói về tình hình tại Hương Cảng như sau:

BM
  
“Có chuyện gì đó có lẽ đang xảy ra ở Hương Cảng, bởi vì quý vị nhìn vào những gì, quý vị biết đó, những gì đang xảy ra, họ đã có những cuộc nổi loạn (riots) trong một thời gian dài. Và tôi cũng không biết thái độ của Trung Cộng ra sao. Có người nào đó nói rằng có lẽ đến một lúc nào đó họ (nhà cầm quyền Trung Cộng) sẽ tìm cách chặn đứng lại các vụ biểu tình này. Nhưng mà đó là chuyện giữa Hương Cảng và Trung Cộng, bởi vì Hương Cảng là một phần đất thuộc quyền của Trung Cộng. Bọn họ sẽ phải giải quyết vụ này giữa họ với nhau. Bọn họ chẳng cần có ý kiến cố vấn nào hết.”

Khoảng gần hai tuần sau đó, vào ngày 13/8, TT Trump đã gọi tình trạng tại Hương Cảng là “một trường hợp khó khăn”, nhưng cũng nói thêm rằng ông hy vọng là “mọi sự sẽ được giải quyết ổn thoả cho mọi bên, kể cả phía Trung Cộng.” Sau đó, ông lại bắn ra một mẩu tin nhắn trên mạng Twitter để biện minh: “Nhiều người đang đổ lỗi lên đầu tôi, và Hoa Kỳ, về những vấn nạn đang xảy ra tại Hương Cảng. Tôi không hiểu tại sao lại có thể như thế được?”

BM
  
Thái độ biện minh một cách dửng dưng như vậy cũng được biểu lộ qua lời của ông Wilbur Ross, Tổng trưởng Thương Mại của Hoa Kỳ, khi trả lời phóng viên của cơ quan truyền thông CNBC: “Quý vị muốn chúng tôi (Hoa Kỳ) phải làm gì, chẳng lẽ lại đem quân đến xâm chiếm Hương Cảng? . . . Câu hỏi được đặt ra là Hoa Kỳ phải giữ vai trò gì trong vụ này? Đây là một chuyện trong nội bộ của họ.”

Theo diễn đàn Politico thuật lại lời của một số các viên chức cao cấp trong chính quyền Mỹ thì TT Trump hiện nay chỉ muốn chú tâm đến một hồ sơ duy nhất là cần đạt được một hiệp ước mới về trao đổi mậu dịch với Trung Cộng, và do đó không hề muốn vấn đề nhân quyền được xen vào và có thể gây khó khăn.  

Sau khi một loạt các chính trị gia và các nhà dân cử ở Quốc hội thuộc cả hai đảng đều lên tiếng phản đối sự thụ động và im lặng của Hoa Kỳ trong vụ này, TT Trump mới bắn ra một mẩu tin nhắn khác, để kể rằng ông đã nói chuyện với lãnh tụ Xi Jinping để yêu cầu một cách mơ hồ rằng ông ta hãy giải quyết hồ sơ Hương Cảng một cách “nhân đạo” và còn ngỏ ý xa gần là hai người có thể gặp mặt trong một cuộc họp tay đôi. Các chuyên gia đã nhận định rằng lời kêu gọi này ít ra cũng còn đỡ hơn sự im lặng trước đây, được coi như là đã bật đèn xanh cho nhà cầm quyền Bắc Kinh tha hồ ra tay đối phó với khối dân biểu tình rầm rộ tại Hương Cảng. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa đầy đủ và xứng đáng với vị thế và uy tín của một vị tổng thống Mỹ, từ lâu đã được xem như là lãnh tụ hàng đầu cho khối tự do trên toàn thế giới.

BM

Nếu nhìn lại lịch sử, người ta sẽ không ngạc nhiên trước thái độ dường như dửng dưng của ông Trump trước những làn sóng đấu tranh của những người yêu chuộng tự do khi phải đối phó với những nhà cầm quyền độc tài chuyên dùng vũ lực để đàn áp. Giờ đây, nhiều người còn nhớ lại một cuộc phỏng vấn của ông Trump đã giành cho tạp chí Playboy vào năm 1990 khi ông bình luận về những điều “mắt thấy tai nghe” sau khi vừa mới đi thăm Liên Sô qua lời phát biểu: “Nước Nga hiện nay coi như đang ở trong tình trạng không còn kiểm soát được và giới chức lãnh đạo biết rõ điều ấy. Và đó là điều tôi không thích với ông Gorbachev. Ông ta không phải là một người có bàn tay đủ mạnh.”

Người ký giả lúc đó liền hỏi tiếp: “Có phải ông muốn nói là cần phải có bàn tay cứng rắn mạnh mẽ như ở Trung Cộng?” Và ông Trump đã liền trả lời: “Khi đám đông sinh viên đổ tràn lên công trường Thiên An Môn, chính quyền Trung Cộng đã gần như quét tung bọn họ. Đúng là chính quyền này đã dã man, đã tàn tệ, nhưng mà họ đã dẹp được nó bằng sức mạnh. Điều này cho anh thấy quyền lực của sức mạnh.”

Vì thế nên không có gì lạ khi nhiều người đã lên tiếng chỉ trích về lập trường vô-nhân-đạo và thiếu trách nhiệm của TT Trump, khi ông đã chối bỏ vai trò của một vị tổng thống Mỹ luôn là lãnh tụ hàng đầu của khối tự do trên thế giới. Và đáng ngại hơn nữa, thái độ thụ động đó càng dễ khiến cho những lãnh tụ độc tài như Bộ Chính Trị của Trung Cộng càng mạnh tay hơn nữa để đàn áp bất cứ tiếng nói nào muốn tranh đấu cho những quyền căn bản của con người.

BM
  
Một cuộc đàn áp mạnh tay và dã man của nhà cầm quyền Bắc Kinh chắc chắn sẽ làm cho tình hình càng trở nên rắc rối hơn nữa. Trung Cộng sẽ phải để lộ ra hình ảnh một chế độ độc tài với những chính sách đàn áp chuyên chế và áp bức người dân. Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều, nếu không muốn nói là khó thể tiếp tục, với hậu quả là tình trạng rối loạn rất lớn trên toàn cầu. Nó cũng kéo theo những hậu quả tệ hại khác tại một lân bang là đảo quốc Đài Loan, khi mà người dân và chính quyền tại đây cũng sẽ lo sợ hơn trước tham vọng thôn tính của Bắc Kinh.

Một cuộc đàn áp mạnh tay và dã man chắc chắn sẽ càng đẩy mạnh sự tách rời hợp tác về kinh tế, với giới đầu tư của Tây phương sẽ phải bỏ chạy khỏi Hương Cảng khi nó trở thành như là một tỉnh nhỏ của Trung Cộng. Hiện nay, có hơn 1,300 công ty của Mỹ đang làm ăn tại Đài Loan, trong đó hầu hết các công ty tài chính lớn của Mỹ đều có chi nhánh hiện diện. Còn tại Hương Cảng, hiện nay cũng có 85,000 công dân Mỹ đang sinh sống và làm ăn trong nhiều năm qua. Chắc chắn là họ sẽ rời khỏi nơi đây khi tình hình trở nên căng thẳng và không còn thích hợp nữa.

Sau cùng, một cuộc đàn áp mạnh tay và dã man chắc chắn sẽ khiến cho Quốc Hội Hoa Kỳ phải có biện pháp trừng phạt và cấm vận đối với Trung Cộng, và tình hình sẽ không còn chỉ giới hạn ở Hương Cảng. Những biện pháp tăng thêm thuế quan hoặc giới hạn cấm vận sẽ không phải chỉ được áp dụng tạm thời mà có thể sẽ được ấp đặt thường trực luôn.

BM  
Hình người dân biểu tình với tấm biểu ngữ “Liệu quý vị có đứng cùng với Hương Cảng hay không?

Trong một bài viết khác trên tạp chí The Atlantic, hai nhà báo Uri Friedman và Peter Nicholas đã coi đây là “một thời điểm xác định chính sách ngoại giao của Trump”. Bài báo nhận định rằng Hoa Kỳ vốn là một quốc gia được thành hình sau khi tìm cách thoát ra khỏi sự cai trị của một chế độ thực dân là vương quốc Anh, nhưng trong thời điểm hiện nay với chính quyền Trump, lại không đưa ra được một chính sách rõ ràng và nhất quán về những giá trị cần phải bảo vệ khi đứng trước tình trạng của đám đông dân chúng tại Hương Cảng đã can đảm đứng lên chống lại sự cai trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Đặc biệt là vị tổng thống Mỹ hiện nay, trong thời gian qua, thường xuyên tự phong cho mình như là người duy nhất dám đứng lên chống lại Trung Cộng. Trong một cuộc nói chuyện với các phóng viên vào ngày thứ Tư vừa qua, TT Trump đã ngẩng đầu nhìn lên trời cao để ngụ ý khoe rằng ông ta là người đã được chọn (The Chosen One) để có thể đối đầu giải quyết những khó khăn về kinh tế do Trung Cộng gây ra. (Có lẽ ý của ông Trump nói rằng đó là do sự quan phòng của Thượng Đế đã chọn ông, hoặc nói theo cách bình dân, thì ông là người có chân mạng đế vương.)

BM
  
Tuy nhiên, giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” xảy ra tại Hương Cảng từ nhiều tháng qua, TT Trump lại gần như im lặng một cách khó hiểu, mặc dù ông không phải là một người có đức tính khiêm cung và kiệm lời, nếu không muốn nói là ngược lại. Có khi ông còn cho rằng những người biểu tình trên đường phố ở Hương Cảng (có lúc lên đến gần 2 triệu người trong một nước có tổng cộng khoảng 7 triệu cư dân) chẳng khác gì đang làm chuyện nổi loạn. Điều này rõ ràng là trái ngược với phản ứng của TT Trump cũng như các phụ tá cao cấp như các ông John Bolton (Cố Vấn An Ninh Quốc Gia) và Mike Pompeo (Ngoại Trưởng) trước đây đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho khối người biểu tình chống đối chế độ độc tài của ông Nicolas Maduro tại Venezuela.

Chỉ gần đây ông Trump mới lên tiếng xen vào chuyện khủng hoảng này, giữa lúc quân đội Trung Cộng đang dồn quân ở vùng sát Hương Cảng, không biết là để thị uy hay để sẵn sàng cho một cuộc đổ quân để dẹp tan các cuộc biểu tình. Nhưng nhiều người cũng ngạc nhiên khi thấy những lời lẽ của ông Trump trong vụ này không sôi nổi và lớn tiếng như những khi ông lên tiếng đả kích về chính sách mậu dịch của Trung Cộng, hoặc là khi ông khoe khoang về số đông dân chúng đến dự những cuộc tập họp để vận động tranh cử của ông tại một vài nơi.

BM
 
Những biến chuyển to lớn tại Hương Cảng đang đánh dấu một thời điểm mà TT Trump đang phải đối phó với hai động lực đối chọi mà dường như người ta khó tìm được một sự tương nhượng: đó là một mặt ông phải theo đuổi chính sách mậu dịch nên cần phải thảo luận và hợp tác với Trung Cộng, nhưng mặt khác ông phải giương cao vai trò truyền thống của một vị tổng thống Mỹ là lãnh tụ cổ súy cho những lý tưởng về tự do dân chủ tại khắp nơi trên toàn cầu.

Thật ra, TT Trump cũng đã phải đối phó với tình trạng đối nghịch của hai động lực như đã xảy ra đối với vương quốc Saudi Arabia. Thay vì phải trừng phạt và cấm vận chính quyền tại vương quốc Hồi-giáo này về việc đã chủ mưu giết chết nhà báo đối kháng Jamal Khashoggi, ông Trump lại quyết định bỏ qua vụ này vì cho rằng việc bán vũ khí của Mỹ cho Saudi Arabia giữ vai trò quan trọng hơn cho quyền lợi của nước Mỹ nên ông không muốn làm phật lòng một nước đồng minh, dù rằng đau đớn thay, toàn bộ 19 tên cảm tử điên cuồng thực hiện các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vụ 9/11 năm 2001 chính là người dân của Saudi Arabia. (Những người yêu nước và chống khủng bố Hồi-giáo trong đảng Cộng Hoà chẳng biết có nghĩ đến sự phi lý và bẽ bàng trong vụ này hay chăng. Liệu bán cho Saudi Arabia những vũ khí tối tân lên đến cả trăm tỷ Mỹ-kim có giúp làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại hay không, nếu như sau này xứ sở Hồi-giáo cực đoan này đổi ý, hết còn thân thiện với Hoa Kỳ và Do Thái? Nên nhớ là không có tình bạn trường tồn giữa các quốc gia, và những chuyện thay đổi đồng minh từ bạn sang thù hay ngược lại vẫn thường xảy ra trong quá khứ.)

Thái độ của TT Trump trong vụ này cho thấy sự khác biệt rất lớn đối với các vị tổng thống tiền nhiệm. Trong lịch sử cận đại, các vị tổng thống Mỹ thông thường đều tự động lên tiếng ủng hộ những phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ, vốn là những lý tưởng cốt lõi quen thuộc của Hoa Kỳ, cho dù là trong thực tế, nhiều vị tổng thống Mỹ cũng không thực hiện được đầy đủ những điều tốt đẹp mình đã đề cao hoặc hứa hẹn. 

BM
  
Nhiều người cho rằng với chủ trương MAGA (Làm Cho Nước Mỹ Hùng Mạnh Trở Lại), ông Trump chỉ nghĩ đến quyền lợi nước Mỹ trước tiên, và trong nhiều trường hợp, chỉ nghĩ đến quyền lợi cho nước Mỹ mà thôi, bất chấp mọi sự quanh mình theo kiểu “sống chết mặc bây”. Đối với riêng ông Trump, ông chỉ nghĩ đến việc cần phải làm cái gì để tăng trưởng nền kinh tế của Mỹ, mà theo suy nghĩ đơn giản của ông là phải làm cho cán cân mậu dịch có lợi cho Hoa Kỳ với mức xuất cảng phải cao hơn nhập cảng. Ngoài ra là những chi tiết khác như có tỉ lệ thất nghiệp xuống thấp để ông có thể khoe khoang, và quan trọng nhất có lẽ là chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng cao (cho dù là trong thực tế, điều đó chỉ có lợi cho giới nhà giầu càng giầu thêm, chứ đại đa số người dân còn lại trong nước Mỹ chưa chắc đã được hưởng lợi đó, chưa kể đến một hậu quả xấu là tình trạng xa cách giầu nghèo càng sâu đậm nặng nề hơn trong xã hội.)

Chỉ đến gần đây khi tình hình tiếp tục kéo dài và nghiêm trọng hơn, TT Trump mới bắt đầu lên tiếng nhưng cũng chỉ đưa ra những lời lẽ không đủ thuyết phục. Chẳng hạn như khi ông cho rằng việc người dân tại Hương Cảng đòi hỏi thêm quyền tự do hơn là một vấn đề nội bộ mà ông cho rằng lãnh tụ Tập Cận Bình có thể “giải quyết một cách nhân đạo” (humanely solve). Ông còn đưa ra một đề nghị để giải quyết là kêu gọi lãnh tụ họ Xi hãy gặp gỡ với các lãnh tụ của phong trào nổi dậy và chỉ trong vòng 15 phút thảo luận là sẽ giải quyết xong vấn đề.

BM
  
Dĩ nhiên, mọi người đã thấy rõ sự ngây thơ đến nực cười của những lời góp ý như vậy. Thứ nhất, các cuộc biểu tình nổi dậy ở Hương Cảng đều tự phát trong nhiều tầng lớp quần chúng cho nên nó không hề được chỉ huy bởi một vài lãnh tụ nào. Kế đến, những đòi hỏi của người dân tại Hương Cảng là những vấn đề nan giải đã âm ỉ trong nhiều thập niên qua mà chưa có một giải đáp thoả đáng, cho nên không thể được giải quyết dễ dàng chỉ trong vòng 15 phút. Và sau cùng, lãnh tụ họ Xi là một nhà độc tài chuyên chế vừa mới tóm thâu quyền lực tối cao tại Trung Cộng, lẽ nào lại chịu hạ mình để đi gặp gỡ các người biểu tình, vốn bị coi là những phần tử phá hoại chống lại nhà nước.

Thật ra, những vị tổng thống tiền nhiệm của Hoa Kỳ cũng không tìm ra những giải pháp tốt đẹp trong hồ sơ này từ nhiều năm qua. Khi những cuộc xuống đường tương tự bùng nổ ra vào năm 2014, TT Obama cũng đã có thái độ chần chừ một cách rất cẩn trọng. Ông cũng lên tiếng với hai bên (phe biểu tình và chính quyền) là hãy đừng dùng đến vũ lực và bạo động.

Cũng giống như TT Trump, ông Obama vào lúc đó cũng phải cân nhắc giữa một bên là những giá trị và lý tưởng truyền thống của Hoa Kỳ và bên kia là những quyền lợi về kinh tế khi tiếp tục làm ăn với Trung Cộng. Những lời phát biểu của Hoa Kỳ vào lúc đó đều được chuyển đi trong chốn riêng tư, chẳng hạn như khi một viên chức của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đã nói riêng với Ngoại trưởng Trung Cộng là hãy nên duy trì chính sách mở cửa tại Hương Cảng. (Vào lúc đó, ngay cả ông Trump cũng lên tiếng yêu cầu TT Obama hãy đứng ngoài vụ này bởi vì theo ông Trump, “Hoa Kỳ chúng ta đang có quá nhiều vấn đề cần phải lo.”

BM

Thế nhưng, có hai điều khác biệt cần phải ghi nhận giữa hai thời điểm kể trên. Vào năm 2014, TT Obama, giống như tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm, đã lên tiếng xác nhận việc ủng hộ ước muốn đòi tự do như là một quyền cơ bản phổ thông trên toàn cầu mà người dân tại Hoa Kỳ cũng như tại Hương Cảng đang theo đuổi. Thế nhưng điều này đã bị nhiều người chê trách là chưa đủ. Trong số đó có anh Joshua Wong, một sinh viên trẻ trong nhóm lãnh đạo phong trào chống đối khi anh ta phát biểu với tờ nhật báo Wall Street Journal: “Chính quyền Obama đưa ra những lời tuyên bố xác nhận điều hiển nhiên, cũng giống như khi họ nói với chúng tôi ‘Bà mẹ của các anh là một phụ nữ.’ Ai mà chả biết mọi người đều ủng hộ cho nền dân chủ tại Hương Cảng? Nhưng Hương Cảng đang cần có nhiều thứ khác hơn nữa ngoài một vài lời tuyên bố như vậy của ông Obama.”

Còn lần này, năm 2019, ngay cả những lời lẽ xác nhận sự ủng hộ về những quyền tự do căn bản cũng không hề được đưa ra. Mới đây, cũng anh Joshua Wong này đã trả lời một cách chua chát với phóng viên của đài CNN rằng: “Dưới chính quyền hiện nay của TT Trump, những quyền lợi kinh tế hoặc sinh hoạt hàng ngày của người dân Mỹ có lẽ còn quan trọng hơn cả những vấn đề về nhân quyền trên thế giới.”

BM
  
Lời phát biểu của anh Joshua Wong có lẽ chua chát vào năm 2014, nhưng xem chừng như đắng cay hơn vào năm 2019.




Mai Loan

BM

Kinh Tế Trump
Nên làm gì khi bị tấn công bằng vũ khí hoá học
Nét tích cực của sự mù quáng khi yêu
Tại sao làm việc kiệt sức là vấn nạn ở Thụy Điển?
Thảm sát tại Hà Nội _ Xã hội VN ngày càng lạnh lùng?
Vết cắt bí ẩn chia đôi khối đá hàng nghìn năm
Ảnh hưởng thương chiến Mỹ – Trung
7 cách truyền thông Trung cộng khống chế tin tức về Hong Kong
Trần Kiều Ngọc trò chuyện cùng Joshua Wong
Lãnh thổ Greenland của người Inuit trước ý tưởng Trump đòi mua
Xu hướng biến garage thành nhà ở tại khu Bờ Tây, Mỹ
Trung cộng lâm nguy _ hàng loạt nhà máy đóng cửa
Ngày của Ông Bà
Người biểu tình Hong Kong _ 'Bây giờ hoặc không bao giờ'
Hoàng quý phi Thái Lan lái phản lực cơ và bắn súng
Mỹ không chấp nhận Trung cộng kiểm soát Biển Đông
G7 đồng nhất với hầu hết đường lối cứng rắn của TT Trump
Công nghệ nhận diện khuôn mặt TC 'vượt mặt' Amazon, IBM
Cuộc sống ra sao ở một thành phố quá đông du khách?
VN từng có nhiều thủ đô qua các triều đại và chính quyền

1 comment:

  1. Bà Mai Loan này thường hay viết bài gửi cho tờ Thời Báo ở Canada , bà đứng về phía CSVN và CS Tàu luôn đã phá chống đối và ném đá Ông TT Trump , với luận cứ vô lý và không thật đôi khi có lời lẽ thật thiếu văn hóa vì quá nặng lời không đè nén được cảm tính căm thù TT Mỹ của Bà , thỉnh thoảng có bài Bà viết lập luận y như bài viết của bồi bút VC trong nước , không hiểu Bà Mai Loan là việt gian hay VC nằm vùng ở Mỹ , lúc nào cũng ca ngợi Tàu Cogn và VC đồng lúc với chà đạp Ông TT Mỹ này ...Website BaoMai vẫn luôn post bài của người Việt ty nạn CS ở Hải ngoại cũng như bài viết của bồi bút VC , nên thật lập lờ khó biết quan điểm thật sự của người thành lập trang Web nầy ...dù BaoMai cũng có post rất nhiều bài hay và có giá trị

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.