Wednesday, September 4, 2019

Nên làm gì khi bị tấn công bằng vũ khí hoá học

BM  
Chiếc xe tải màu trắng bị đập dúm dó trông như thể đã bị vứt bỏ từ lâu - phần cản trước của xe bị mất và một lốp sau xẹp hơi.

Có vài người đi lại xung quanh, nói cười trong một không gian yên tĩnh. Họ không nhận thấy có làn khói đang bốc lên từ gầm xe.

Chỉ trong vài phút, khói bốc lên cuồn cuộn, tràn ra quanh các cửa xe và tràn ra từ một ống xả nhô ra bên dưới xe.

Những người đứng gần đó gần như bị che khuất hoàn toàn bởi đám khói trắng. Bỗng một phụ nữ kêu thét lên đầy hốt hoảng khi cơn gió bất chợt thổi qua - làn khói cuộn bay về phía tôi.

Khi khói lan tới, tôi cảm nhận được vị phảng phất như mùi bã kẹo cao su. Tôi nghe thấy tiếng người ho và những dáng người gần đó đổ gục xuống đất.

Một số người luống cuống, lắp bắp kêu cứu. Những người khác nằm bất động.

Phải mất 20 phút trôi qua mới thấy ánh sáng nhấp nháy màu xanh lam mờ xuất hiện nơi góc cua, cho thấy lực lượng cứu hộ đang tới.

BM
  
Lính cứu hỏa mặc bộ đồ bảo hộ cồng kềnh và đeo bộ mặt nạ dưỡng khí kín mít. Họ tới gần từng nạn nhân một, kiểm tra xem ai còn có thể cứu được, ai không.

May mắn cho tôi và những người khác ở thị trấn Mikkeli nhỏ phía nam Phần Lan, đó chỉ là một buổi huấn luyện thử để chuẩn bị cho cuộc diễn tập vào ngày hôm sau, với kịch bản là có xảy ra một vụ tấn công hóa học.

Tình huống giả định là một kẻ khủng bố rải chất độc thần kinh tại khu chợ quảng trường nhộn nhịp vào đúng giờ ăn trưa. Kịch bản này nhằm thử nghiệm công nghệ tiên phong mới, vốn có thể làm thay đổi cách thức các dịch vụ cứu hộ khẩn cấp phản ứng trước những vụ việc liên quan tới hoá chất.

Nhưng chúng ta đã biết những gì về thực tế xảy ra trong các tấn công hóa học? Mọi người phản ứng thế nào, và ta có thể làm được những gì để ngăn ngừa tổn thất nghiêm trọng về sinh mạng?

Ở Phần Lan, các nạn nhân đều do tình nguyện viên đóng vai, song kịch bản diễn tập được dựng dựa trên những sự kiện kinh hoàng đã xảy ra ngoài đời thật.

BM
  
Năm 1995, giáo phái Aum Shinrikyo thực hiện năm vụ tấn công phối hợp cùng lúc, thả chất độc sarin trên những chuyến tàu đông đúc tại Nhật Bản trong giờ cao điểm, làm 13 người chết và hàng ngàn người bị thương.

Một năm trước đó, nhóm giáo phái này thực hiện cuộc tấn công bằng chất độc sarin, giết chết tám người và làm bị thương 600 người.

"Đó là xuất phát điểm cho dự án của chúng tôi," Paul Thomas, nhà phân tích hóa học tại Đại học Loughborough, Anh Quốc, người đang dẫn đầu dự án Toxi-Triage đứng sau cuộc diễn tập Mikkeli, giải thích. 

BM
Biết đúng loại chất độc hóa học nào đang phải đối phó có thể giúp các lực lượng cứu hộ khẩn cấp tự bảo vệ mình trong quá trình giải cứu nạn nhân

Với liều lượng đủ để gây chết người, các chất độc thần kinh gây tác động trong vòng từ vài giây đến vài phút, còn nếu tiếp xúc nhẹ hoặc liều lượng thấp, nạn nhân sẽ có các triệu chứng khó chịu như bị sưng tấy mắt, chóng mặt, đau đầu, chảy nước mũi và khó thở. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm với tình trạng cảm lạnh nghiêm trọng nếu như chúng diễn ra không quá nhanh.

Một vấn đề khác sau vụ tấn công hóa học là tâm lý hoảng loạn.

"Ở Tokyo, các bệnh viện đã bị quá tải bởi hàng ngàn người muốn được hỗ trợ y tế và trấn an tâm lý sau các cuộc tấn công bằng chất độc sarin," Thomas nói.

BM
  
"Phần lớn - khoảng 80% trong số đó - không cần chăm sóc tại bệnh viện. Bạn có thể tưởng tượng tình hình sẽ ra sao tại một bệnh viện bận rộn khi có hàng trăm bệnh nhân đến cùng lúc như vậy. Nếu bà của bạn bị đột quỵ đúng vào ngày hôm đấy, bà ấy sẽ không được chăm sóc đúng mức. Nguy cơ tử vong do bệnh viện quá tải thật là khủng khiếp quá mức chịu đựng. Nhiều người bị tổn hại do tình trạng bệnh viện quá đông cũng như do bị tác động của cuộc tấn công."

BM
Một giọt sarin nhỏ xíu đã đủ gây chết người, vì vậy những người làm công tác dọn dẹp sau các vụ như vụ tấn công 1995 ở Tokyo cần được trang bị quần áo và thiết bị bảo hộ phòng độc đầy đủ

Đây chính là điểm mà Thomas tin rằng công nghệ mới có thể có tác dụng - bằng cách cho phép chẩn đoán nhanh ngay sau khi xảy ra các cuộc tấn công trong tương lai.

Công nghệ mới cho phép chẩn đoán nhanh

Các nhà nghiên cứu tại công ty điện tử Đức Gesellschaft für Analytische Sensorsysteme, gọi tắt là GAS, đã phát triển máy phân tích hơi thở, có khả năng phát hiện các chất sinh hóa, được gọi là các chất chuyển hoá (metabolite), ở hàm lượng rất nhỏ. Đây là các chất do cơ thể người tiết ra khi phản ứng với các hóa chất độc hại.

Tại Mikkeli, khói đã được tẩm bạc hà và các tình nguyện viên được cho uống viên nang dầu bạc hà để thay thế cho sarin, qua đó cơ thể họ tiết ra các chất chuyển hóa mà thiết bị phân tích hơi thở có thể phát hiện được.

Chỉ cần thổi vào một ống nhựa có gắn pít-tông bên trong, hơi thở của hàng trăm nạn nhân có nguy cơ phơi nhiễm với chất độc có thể được phân tích nhanh chóng.

"Thiết bị có thể cho chúng ta biết kết quả trong vòng 40 giây," Emma Brorick, người quản lý hệ thống thiết bị tại GAS, người đã tham gia phát triển thiết bị phát hiện nhiễm độc qua hơi thở, BreathSpec, cho biết.

BM
  
Trở lại với tình huống ở Mikkeli, Phần Lan, tôi chứng kiến một loại công nghệ cảm biến khác hỗ trợ hoạt động cứu hộ khẩn cấp được triển khai trong buổi diễn tập.

Có tiếng ù ù xuyên qua làn khói - được tạo màu trắng để có thể nhìn thấy rõ trong đợt tập huấn luyện này - rồi một thiết bị bay tự động (drone) nhỏ xuất hiện.

Trên thiết bị bay có gắn các dụng cụ thu nhỏ có độ nhạy cao. Các thiết bị này thu thập mẫu khí và truyền qua bằng vô tuyến điện kết quả phân tích được về cho lực lượng cứu hộ khẩn cấp.

BM
  
"Thiết bị drone cho phép chúng tôi lấy mẫu ngay tại nguồn nhiễm độc mà không gây rủi ro phơi nhiễm cho nhân viên," ông George Pallis, kỹ sư và là giám đốc điều hành của T4i, công ty đứng sau công nghệ này, giải thích.

"Nó còn có thể lấy mẫu trên một diện rộng một cách rất nhanh chóng để chúng tôi có thể có đánh giá phạm vi lan ra của chất độc."

Tập đoàn Toxi-Triage cũng đã phát triển công nghệ có thể nhận biết tính chất đặc trưng của các hóa chất độc hại từ xa.

Với việc sử dụng máy ảnh chuyên dụng đủ nhạy để bắt được từ ánh sáng thường, tia cực tím cho tới tia hồng ngoại - được gọi là công nghệ ảnh siêu phổ - nay chúng ta có thể phát hiện ra các nhóm tính chất điển hình của các loại hoá chất, qua đó xác định được liệu có chất độc nào hiện diện tại khu vực được chụp quét hay không.

Tuy mới chỉ đang trong giai đoạn còn rất sơ khởi so với công nghệ dùng thiết bị drone, nhưng các hệ thống sử dụng công nghệ ảnh siêu phổ này có thể được ứng dụng trong các thiết bị cầm tay hoặc gắn trên máy bay.

Về lâu về dài, nhóm nghiên cứu hy vọng các công nghệ như vậy cũng có thể được gắn trên các vệ tinh với thiết bị quang học đạt độ phân giải cao, cho phép nhà chức trách giám sát việc sử dụng vũ khí hóa học trên chiến trường thực địa.

BM
  
Ở những nơi như Syria, nơi các báo cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học phải dựa vào thông tin cung cấp bởi các nhóm hoạt động địa phương có mặt tại chỗ, còn việc đưa nạn nhân đi xét nghiệm thường chỉ được thực hiện vài ngày sau khi xảy ra vụ tấn công, thì công nghệ này có thể giúp xác định đúng vị trí và các loại chất độc hóa học được sử dụng trong các cuộc tấn công.

"Cảnh giác dựa trên những thông tin đã có chính là điều then chốt giúp ta phòng ngừa một cách hiệu quả," Tatyana Novossiolova, nghiên cứu sinh về các mối đe dọa từ vũ khí hóa học và sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ ở Sofia, Bulgaria, nói.

Trách nhiệm nâng cao cảnh giác này không chỉ là của chính quyền, mà còn là của mỗi người nếu như chúng ta muốn chống lại mối đe dọa từ vũ khí hóa học, cô nói.

"Điều này đòi hỏi chúng ta cần biết sẽ phải tìm đến cơ quan nào khi thấy mình trong tình huống rủi ro hoặc khẩn cấp, chẳng hạn như cần nắm được thông tin về các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm xử lý tình huống, và biết liên hệ với họ theo cách tốt nhất."

BM
Vụ đầu độc Novichok gần đây ở Salisbury, Anh, cho thấy mối đe dọa bị tấn công bằng vũ khí hóa học vẫn hiện hữu

Với các cơ quan chức năng và các lực lượng cứu hộ phải ứng phó với cuộc tấn công hóa học hoặc sự cố thiên tai có phát tán hóa chất độc hại thì việc biết có chất độc nào hiện diện trong vụ việc là điều cực kỳ quan trọng.

Năm 2018, một đám mây mù hóa học bí ẩn từ eo biển English Channel tràn vào đất liền, gây hoảng loạn trên diện rộng khi dân chúng đồng loạt trình báo là họ bị khó thở và gặp các vấn đề về mắt.

Phải mất nhiều tháng điều tra người ta mới tìm ra nguồn gốc nguyên nhân - nhiều khả năng là do một con tàu xả khí gas trong vùng biển, nhưng các nhóm cứu hộ khẩn cấp vào thời điểm đó lại bối rối không biết phải xử lý thế nào.

"Giá như họ có bộ thiết bị của chúng tôi thì ngay khi tới hiện trường họ đã có thể biết được chính xác đó là chất gì," Thomas nói.

Biết chính xác chất độc nào đang phát tán là bước đầu tiên quan trọng trong bất kỳ hoạt động cứu hộ khẩn cấp nào, ông giải thích.

Các biện pháp đề phòng và cách ứng phó có thể khác nhau, tuỳ thuộc vào loại chất độc ta cần phải xử lý, và những người bị phơi nhiễm cũng cần phải được điều trị bằng các cách khác nhau.

Ví dụ như với các chất độc thần kinh và một số trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu, nạn nhân thường được cho dùng thuốc atropine.

Nhưng atropine không được dùng đối với những người bị phơi nhiễm với chất độc 3-Quinuclidinyl benzilate, thường được gọi là BZ, vì thuốc sẽ khiến cho chất độc càng phát tác trầm trọng hơn.

BM
Việc tiến hành xét nghiệm hơi thở cho những nạn nhân bị phơi nhiễm sẽ giúp đảm bảo cho họ được điều trị đúng cách

Một số chất độc thần kinh còn có thuốc giải độc đặc trị mà nếu được dùng kịp thời sẽ cứu được mạng sống.

Các nhà nghiên cứu như Janice Chambers và nhóm của bà tại Đại học bang Mississippi đang cố gắng phát triển các thuốc giải độc hiệu quả hơn đối với các chất độc thần kinh nhằm làm giảm các tổn hại mà chất độc gây ra lên não bộ.

"Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cứu sống nạn nhân, mà là cứu sống với mức độ tổn hại thấp nhất hoặc thậm chí là không bị tổn hại gì tới chức năng hoạt động của não bộ," bà Chambers nói.

Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng sẽ cần mất nhiều năm nữa thì các loại thuốc giải độc mới của họ, được gọi là các chất oxim, mới được các cơ quan quản lý y dược phê chuẩn và cho phép sử dụng.

Các biện pháp tẩy độc

Việc tẩy độc cũng làm giảm đáng kể mức độ gây tử vong của vũ khí hóa học, bởi chất độc tồn tại trên da và quần áo càng lâu thì càng có khả năng cao xâm nhập vào máu.

Nạn nhân cần cởi bỏ hết quần áo trước khi được xối nước tắm và kỳ cọ kỹ lưỡng trong các lều khử độc được dựng lên gấp rút bởi các nhân viên cấp cứu mặc đồ bảo hộ.

Các xét nghiệm cho thấy việc khử độc trong vòng 15 phút sau khi bị phơi nhiễm chất độc thần kinh gây tử vong cao như VX có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống sót của nạn nhân.

BM
Trong cuộc xung đột đau thương ở Syria, một số báo cáo nói rằng đã xảy ra các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến cho hàng chục dân thường thiệt mạng

Các tình nguyện viên ở Mikkeli kiên nhẫn một cách đáng ngạc nhiên trong suốt quá trình vào vai rõ ràng là khiến người ta cảm thấy ngại ngùng này, cũng như trong công đoạn họ bị chà sát mạnh lên người.

Khi họ đi đến cuối lều khử độc, một thiết bị cầm tay trông giống như máy mài điện được sử dụng để chạy rà trên da họ.

Bộ thiết bị thông minh này - được gọi là máy dò tìm khí độc (Gas Detetor Array X) - có thể xác định sự hiện diện của các hóa chất độc hại trên da người, quần áo và các bề mặt khác. Nó tương tự như bộ đếm Geiger, nhưng là để phát hiện hóa chất chứ không phải chất phóng xạ.

Tại Pháp vẫn còn những vùng đất rộng lớn bị liệt vào khu vực Đỏ "cấm lai vãng" - do hàng triệu tấn khí độc đã được rải xuống đây trong Đại chiến Thế giới lần thứ nhất.

Mỗi "nạn nhân" đều được lính cứu hoả đeo một vòng màu lên cổ tay sau khi kiểm tra. Bên trong vòng tay là một con chip thông minh không dây, giống như những con chip trong thẻ thanh toán không tiếp xúc. Với con chip này, khi được quét bằng điện thoại di động, các thông tin cá nhân về nạn nhân, như họ là ai, họ ở đâu trong vụ tấn công, tình trạng tiến triển của họ và họ đã được điều trị thế nào, sẽ được tiết lộ.

Các mẫu hơi thở, máu và nước tiểu lấy từ họ cũng được gắn thẻ tương tự. Tất cả những thứ đó giúp lực lượng cứu hộ khẩn cấp theo dõi được nạn nhân cho đến khi họ được đưa đến bệnh viện.

Một số ít được cho đeo vòng tay màu đen, có nghĩa là họ "đã chết".

Thời gian nhiễm độc

BM  
  
Cuộc diễn tập ở Mikkeli kết thúc sau vài giờ và chiếc xe tải bị đập nát nơi khí độc phát ra được kéo đi.

Nhưng trong thực tế thì sẽ phải mất vài ngày, thậm chí hàng tuần thì khu vực bị tấn công hóa học mới được coi là an toàn cho phép con người sử dụng lại.

Một số vũ khí hóa học, như lưu huỳnh mù tạt và VX, có thể tồn tại trong đất hơn một tháng.

Những vùng đất rộng lớn giữa Lille và Verdun ở Pháp vẫn bị liệt vào khu vực Đỏ "cấm lai vãng", nơi mà con người cùng các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp đều bị cấm. Đã có hàng triệu tấn khí độc đã được rải xuống đây trong thời kỳ Đại chiến Thế giới lần thứ nhất.

Việc xử lý hàng tấn đạn dược chưa phát nổ được đào lên ở đây mỗi năm là một công việc cực kỳ khó khăn và tốn thời gian.

Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Hoa Kỳ (US Defense Advanced Research Project Agency - DARPA) đã phát triển một máy cầm tay "khử độc trong đất", nhằm phá hủy vũ khí hóa học bằng cách đốt chúng và truyền khí qua các lớp đất được lựa chọn cẩn thận để biến khí độc thành các loại muối vô hại.

Di chứng

BM
Những viên đạn pháo chưa nổ còn sót lại từ Đại chiến Thế giới lần thứ nhất vẫn còn nằm rải rác tại nhiều chiến trường ở Pháp và cần phải được kiểm tra xem chúng có chứa khí độc hay không

Di chứng có lẽ là tác hại lâu dài mà vũ khí hóa học và các vụ tai nạn hóa học để lại cho nạn nhân.

Những người sống sót sau vụ tai nạn Bhopal ở Ấn Độ bị phát hiện mắc nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đến tận hơn 30 năm sau khi họ tiếp xúc với khí độc. Con cái họ cũng chịu những di chứng - tay chân biến dạng và não bị tổn thương.

Không có mấy nghiên cứu về tác hại lâu dài của vũ khí hóa học, nhưng báo cáo từ các bác sĩ và những người sống sót sau các cuộc tấn công cho thấy chúng cũng để lại di chứng về bệnh tật và dị tật bẩm sinh cho thế hệ sau.

Một nghiên cứu gần đây về những người Kurd sống sót sau các vụ tấn công hóa học ở Iraq năm 1988 cho thấy họ bị suy giảm sức khỏe về cả thể chất và tâm thần, bao gồm các vấn đề về hô hấp, rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về thị lực và luôn bị lo lắng ám ảnh. Nhiều người sống trong nỗi sợ hãi thường trực rằng sẽ lại xảy ra một cuộc tấn công nữa.

Nghiên cứu về những người sống sót sau vụ tấn công sarin năm 1995 ở Tokyo cũng cho thấy các vấn đề về tim, bị dị tật ở cơ bắp và khó thở. Những người sống sót cũng bị suy giảm trí nhớ và bị tổn thương tâm lý sâu sắc.



Richard Gray

BM

Nét tích cực của sự mù quáng khi yêu
Tại sao làm việc kiệt sức là vấn nạn ở Thụy Điển?
Thảm sát tại Hà Nội _ Xã hội VN ngày càng lạnh lùng?
Vết cắt bí ẩn chia đôi khối đá hàng nghìn năm
Ảnh hưởng thương chiến Mỹ – Trung
7 cách truyền thông Trung cộng khống chế tin tức về Hong Kong
Trần Kiều Ngọc trò chuyện cùng Joshua Wong
Lãnh thổ Greenland của người Inuit trước ý tưởng Trump đòi mua
Xu hướng biến garage thành nhà ở tại khu Bờ Tây, Mỹ
Trung cộng lâm nguy _ hàng loạt nhà máy đóng cửa
Ngày của Ông Bà
Người biểu tình Hong Kong _ 'Bây giờ hoặc không bao giờ'
Hoàng quý phi Thái Lan lái phản lực cơ và bắn súng
Mỹ không chấp nhận Trung cộng kiểm soát Biển Đông
G7 đồng nhất với hầu hết đường lối cứng rắn của TT Trump
Công nghệ nhận diện khuôn mặt TC 'vượt mặt' Amazon, IBM
Cuộc sống ra sao ở một thành phố quá đông du khách?
VN từng có nhiều thủ đô qua các triều đại và chính quyền
Căn bệnh Xô-viết của Trung cộng
Người Việt thế hệ hai vẫn không được chính phủ Campuchia coi là công dân

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.