Đã xảy ra hơn 70.000 trận cháy rừng ở Amazon của Brazil trong năm 2019
Trong phim 'Mad Max: Fury Road', nhân vật Furiosa do Charlios Theron thủ vai cố gắng trở lại 'Vùng Xanh', một ốc đảo đầy cây cối trên Trái Đất, nơi đã trở thành hoang mạc vô hồn.
Tuy nhiên, khi Furiosa đến điểm linh thiêng này, cô chỉ thấy những thân cây còi cọc và cồn cát trải dài. Cô hét lên trong đau khổ. Không còn cây cối, mọi hy vọng đều mất hết.
Sẽ không còn sự sống?
Cảm giác của Furiosa rất thoả đáng.
"Rừng cây là mạch sống của thế giới chúng ta," Meg Lowman, giám đốc Tree Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận ở Florida chuyên nghiên cứu, khám phá và giáo dục về cây cối, nói. "Nếu không có chúng, chúng ta sẽ mất đi những chức năng thiết yếu và phi thường đối với sự sống trên Trái Đất."
Công dụng của cây xanh đối với hành tinh này bao gồm từ lưu giữ carbon và bảo tồn đất cho đến điều tiết chu trình nước.
Chúng hỗ trợ các hệ thống thực phẩm của thiên nhiên và của con người, và tạo chỗ ở cho vô số loài - gồm cả chúng ta, thông qua các vật liệu xây dựng.
Ấy vậy mà chúng ta thường đối xử với cây cối như món đồ xài xong rồi bỏ: ta đốn chặt, phá bỏ cây vì lợi ích kinh tế hoặc vì chúng gây bất tiện, cản trở sự phát triển của con người.
Kể từ khi loài người chúng ta bắt đầu biết làm nông nghiệp hồi 12.000 năm trước, chúng ta đã phá sạch gần một nửa trong số 5,8 nghìn tỷ cây cối trên thế giới, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hồi năm 2015.
Phần lớn nạn phá rừng đã xảy ra trong những năm gần đây.
Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên công nghiệp, rừng đã giảm 32%. Đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, phần nhiều trong số ba nghìn tỷ cây còn lại của thế giới đang giảm nhanh, với khoảng 15 tỷ cây bị chặt mỗi năm, nghiên cứu của Nature cho biết.
Ở nhiều nơi, tốc độ cây cối biến mất đang gia tăng. Hồi tháng Tám, Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia cho thấy cháy rừng tăng 84% ở rừng nhiệt đới Amazon thuộc Brazil so với cùng kỳ năm 2018. Chặt và đốt cũng đặc biệt gia tăng ở Indonesia và Madagascar.
Tuy nhiên, ngoại trừ thảm họa ở mức không thể tưởng tượng được, sẽ không có kịch bản nào mà theo đó chúng ta sẽ đốn ngã tất cả cây cối trên hành tinh này.
Nhưng hình dung ra một thế giới địa ngục theo kiểu như trong 'Mad Max', khi mà tất cả các cây trên Trái Đất đột nhiên chết hết, liệu có giúp chúng ta hiểu được là con người sẽ trở nên lạc lõng như thế nào nếu không có chúng?
"Hãy để tôi bắt đầu với việc nói rằng một thế giới không có cây cối sẽ khủng khiếp như thế nào - không có gì thay thế chúng được," Isabel Rosa, giảng viên về dữ liệu và phân tích môi trường tại Đại học Bangor, xứ Wales, nói.
"Nếu triệt hạ hết cây cối thì chúng ta sẽ sống trên một hành tinh có thể không còn thực sự duy trì sự sống của chúng ta nữa."
Làn sóng tuyệt chủng
Trước hết, nếu cây biến mất sau một đêm, thì phần lớn sự đa dạng sinh học trên Trái Đất cũng mất.
Mất môi trường sống từng là nguyên nhân chính của sự tuyệt chủng trên toàn cầu, cho nên việc phá hủy tất cả các khu rừng còn lại sẽ là thảm họa đối với cây cỏ, động vật, nấm và hơn thế nữa, Jayme Prevedello, nhà sinh thái học tại Đại học bang Rio de Janeiro, Brazil, nói.
"Có thể sẽ xảy ra tuyệt chủng hàng loạt tất cả các loài sinh vật, ở cả các khu vực cục bộ lẫn trên toàn cầu."
Làn sóng tuyệt chủng sẽ vượt ra khỏi các khu rừng, làm suy giảm quần thể động vật hoang dã phụ thuộc vào cả cây đơn lẻ cũng như cụm cây cối.
Chẳng hạn như vào năm 2018, Prevedello và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng sự phong phú giống loài nói chung cao hơn từ 50 đến 100% ở những khu vực có cây rải rác so với khu vực trống.
"Ngay cả một cây đơn lẻ, biệt lập ở khu vực trống cũng có thể trở thành 'nam châm' đa dạng sinh học, thu hút và cung cấp tài nguyên cho nhiều loài động và thực vật," Prevedello nói. "Do đó, đánh mất thậm chí những cây riêng lẻ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học cục bộ."
Khí hậu hành tinh cũng sẽ thay đổi triệt để trong ngắn hạn và dài hạn.
Cây cối điều hòa chu trình nước bằng cách đóng vai trò là máy bơm sinh học: chúng hút nước từ đất và đưa nước vào khí quyển bằng cách chuyển nó từ dạng lỏng sang dạng hơi. Bằng cách này, rừng góp phần tạo mây và mưa.
Cây cối cũng giúp ngăn lũ lụt bằng cách giữ lại nước thay vì để nó đổ ào ạt vào sông hồ và bằng cách tạo vùng đệm cho các cộng đồng ven biển trước sóng bão dâng.
Cây giữ đất lại, nếu không đất sẽ bị cuốn trôi trong mưa. Rễ cây thì có cấu trúc giúp cho các quần thể vi sinh vật phát triển.
Không có cây, các khu vực trước đây là rừng sẽ trở nên khô hơn và dễ bị hạn hán khắc nghiệt.
Nếu trời có mưa xuống, ngập lụt sẽ gây tai họa. Xói mòn ồ ạt sẽ tác động đến các đại dương, làm ngộp các rạn san hô và thế giới sinh vật biển.
Các hòn đảo bị mất đi cây xanh sẽ không còn rào chắn bảo vệ trước đại dương, và nhiều đảo sẽ bị cuốn trôi.
"Mất đi cây cối có nghĩa là sẽ mất một lượng lớn đất đai vào biển cả," Thomas Crowther, nhà sinh thái học hệ thống toàn cầu tại ETH Zurich ở Thụy Sĩ và là tác giả chính của nghiên cứu năm 2015 trên Nature, nói.
Lưu trữ carbon
Ngoài việc điều hòa chu trình nước, cây còn có tác dụng làm mát cục bộ. Chúng đem đến bóng râm vốn duy trì nhiệt độ đất và, bởi vì là nơi râm mát nhất giữa khung cảnh xung quanh, chúng hấp thụ chứ không phản xạ nhiệt.
Trong quá trình thoát hơi nước, chúng cũng nhờ đến năng lượng từ bức xạ mặt trời để chuyển đổi nước lỏng thành hơi.
Nếu tất cả các chức năng làm mát này mất đi, hầu hết những nơi mà trước đó từng có cây cối ngay lập tức trở nên ấm nóng hơn.
Trong một nghiên cứu khác, Prevedello và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng việc đốn bỏ hoàn toàn một mảng rừng rộng 25 km vuông khiến nhiệt độ cục bộ hàng năm tăng ít nhất 2 độ C ở vùng nhiệt đới và 1 độ C ở vùng ôn đới.
Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy khác biệt nhiệt độ tương tự khi so sánh các khu vực rừng và khu vực trống.
Trên phạm vi toàn cầu, cây cối giảm bớt sự nóng lên do biến đổi khí hậu bằng cách trữ carbon trong thân cây và loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển.
Việc phá rừng đã gây ra 13% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu, theo báo cáo của IPCC được công bố vào tháng Tám, còn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nói chung gây ra 23% lượng khí thải.
Nếu như tất cả cây cối trên hành tinh bị xóa sổ, các hệ sinh thái trước đây là rừng "sẽ chỉ trở thành nguồn phát thải carbon dioxide vào khí quyển, chứ không phải nơi hấp thụ", Paolo D'Odorico, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học California Berkeley, nói.
Theo thời gian, Crowther dự đoán rằng chúng ta sẽ thấy 450 gigaton carbon thoát ra bầu khí quyển - nhiều hơn gấp đôi lượng carbon con người đã thải ra.
Trong một thời gian, hiệu ứng này sẽ được các loại cây cỏ nhỏ cân bằng lại. Tuy nhiên, mặc dù cây cỏ nhỏ hấp thụ carbon với tốc độ nhanh hơn cây lớn, nhưng chúng cũng thải carbon nhanh hơn.
Cuối cùng - có lẽ sau vài thập kỷ - những cây cỏ này sẽ không còn có thể ngăn chặn khí hậu nóng lên được nữa.
"Mốc thời gian như thế nào tùy thuộc vào bạn ở đâu, vì phân hủy ở vùng nhiệt đới nhanh hơn nhiều so với ở Bắc Cực," D'dorico nói. "Tuy nhiên, một khi carbon dioxide đã ở trong bầu khí quyển, thì nó có đến từ đâu đi nữa cũng không thành vấn đề."
Khi quá trình phân hủy kích nổ quả bom giờ carbon này một cách từ từ, Trái Đất sẽ biến thành một hành tinh ấm hơn rất nhiều, Crowther nói - giống như những gì nhân loại chưa từng trải qua kể từ trước khi cây cối tiến hóa.
Một lượng lớn carbon cũng sẽ đi vào các đại dương, khiến biển bị a-xít hóa cùng cực và giết chết tất cả trừ sứa, ông nói.
Nghèo đói và chết chóc
Tuy nhiên, nỗi thống khổ của nhân loại sẽ bắt đầu rất lâu trước khi sự nóng lên toàn cầu diễn ra.
Nhiệt độ gia tăng, gián đoạn chu trình nước và bóng râm không còn sẽ gây thảm họa chết chóc cho hàng tỷ người và gia súc.
Nghèo đói và chết chóc cũng sẽ giáng xuống nhiều người trong số 1,6 tỷ người hiện đang dựa trực tiếp vào rừng để kiếm sống, bao gồm cả việc kiếm lương thực và cây cối làm thuốc chữa bệnh.
Nhiều người sẽ không thể nấu ăn hoặc sưởi ấm nhà, do thiếu củi.
Trên khắp thế giới, những ai liên quan tới cây cối - dù là khai thác gỗ hay làm giấy, trồng cây ăn trái hay làm mộc - sẽ đột nhiên thất nghiệp, khiến nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá.
Chỉ riêng ngành gỗ đã tạo việc làm cho 13,2 triệu người và có doanh thu 600 tỷ đô la mỗi năm, theo Ngân hàng Thế giới.
Tương tự, các hệ thống nông nghiệp cũng sẽ thay đổi dữ dội. Cây trồng trong bóng râm như cà phê sẽ giảm mạnh, những loại cây trồng dựa vào những loài thụ phấn sống trên cây cũng vậy.
Do sự dao động nhiệt độ và lượng mưa, những nơi trước đây là đất trồng trọt sẽ đột nhiên không còn trồng trọt được nữa trong khi những nơi khác vốn trước đây không phù hợp trở nên được mọi người khao khát.
Tuy nhiên, theo thời gian, đất đai khắp nơi sẽ mất dần đi, khiến con người phải sử dụng lượng phân bón đáng kể để giúp cây trồng tồn tại.
Nếu Trái Đất nóng hơn nữa thì cuối cùng sẽ khiến hầu hết các nơi trở nên không thể canh tác và không thể sống được nữa. Trên tất cả những thay đổi tai hại này là ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cây cối làm sạch không khí bằng cách hấp thụ các chất ô nhiễm và giữ các hạt vật chất trên lá, cành và thân cây.
Các nhà nghiên cứu ở Cục Lâm nghiệp Mỹ đã tính toán rằng chỉ riêng cây cối ở Mỹ đã loại bỏ 17,4 triệu tấn chất ô nhiễm không khí mỗi năm, một dịch vụ trị giá 6,8 tỷ đô la.
Nhờ đó có ít nhất 850 sinh mạng được cứu và tránh được ít nhất 670.000 ca hô hấp cấp tính.
Bệnh dịch lây lan
D'Odorico nói thêm rằng chúng ta có thể chứng kiến sự bùng nổ những căn bệnh mới hoặc hiếm lây sang từ những sinh vật mà thông thường chúng ta không có tiếp xúc.
Ông và các đồng sự đã phát hiện ra rằng virus Ebola truyền qua con người ở những điểm nóng mà rừng bị tàn phá ghê gớm.
Nếu rừng bị mất đột ngột ở khắp nơi thì sự tiếp xúc của con người với những căn bệnh truyền nhiễm từ động vật như Ebola, virus Nipah và virus Tây Sông Nile sẽ gia tăng tạm thời, ông nói, cũng như những căn bệnh thông qua muỗi như sốt rét và sốt xuất huyết.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cây cối và thiên nhiên tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Chẳng hạn như Cục Bảo tồn Môi trường của tiểu bang New York khuyên chúng ta nên đi bộ trong rừng để tăng cường sức khỏe tổng thể, bao gồm giảm căng thẳng, tăng mức năng lượng và cải thiện giấc ngủ.
Cây cối dường như cũng giúp cơ thể hồi phục: một nghiên cứu nổi tiếng vào năm 1984 tiết lộ rằng bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật có thời gian nằm viện ngắn hơn nếu họ có tầm nhìn ra cây xanh chứ không phải bức tường gạch.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã tiết lộ rằng dành thời gian hòa mình vào cỏ cây làm giảm các triệu chứng ở trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, và nhiều nghiên cứu cũng đã ghi nhận sự tương quan cùng chiều giữa không gian xanh và các buổi biểu diễn của trẻ em ở trường học.
Cây thậm chí có thể giúp phòng chống tội phạm: một nghiên cứu cho thấy độ che phủ cây tăng 10% dẫn đến tội phạm giảm 12% ở Baltimore.
"Có quá nhiều thứ dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần mà có thể được giảm đáng kể nếu như chúng ta dành thời gian sống trong khu vực có cây cối," Kathy Willis, giáo sư về đa dạng sinh học tại Đại học Oxford, nói. "Đó là lý do tại sao 'tắm rừng' hiện là một cách điều trị tại Nhật Bản."
Tổn thương tinh thần
Sự mất mát cây cối cũng sẽ tạo ra tổn thương văn hóa sâu sắc.
Cây xanh là phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ và được thể hiện rất nhiều trong nghệ thuật, văn học, thơ ca, âm nhạc và hơn nữa.
Chúng đã được đưa vào tín ngưỡng vật linh từ thời tiền sử và đóng vai trò nổi bật trong các tôn giáo lớn ngày nay.
Đức Phật đạt được giác ngộ sau khi thiền định dưới gốc cây Bồ Đề 49 ngày còn người Ấn giáo thờ phượng tại cây Peepal, vốn có vai trò tượng trưng cho Thần Vishnu.
Trong Kinh Cựu Ước, Đức Chúa Trời tạo ra cây cối vào ngày thứ ba sáng thế - trước cả động vật và con người - và theo Kinh Thánh, Chúa Giê-su đã chết trên cây thánh giá gỗ được làm từ cây.
"Nhiều người xem rừng cây như là tiền bạc," Lowman nói. "Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ nghĩ ra một con số tiền bạc cho tầm quan trọng của rừng về mặt tinh thần."
Với tất cả những điều ở trên, con người sẽ phải rất khổ sở để tồn tại trong một thế giới không có cây cối.
Lối sống đô thị hóa của phương Tây sẽ nhanh chóng trở thành quá khứ và nhiều người trong chúng ta sẽ chết vì đói, nóng, hạn hán và lũ lụt.
Các cộng đồng sống sót, Lowman tin rằng, rất có thể là những người còn lưu lại những hiểu biết truyền thống về cách sống trong môi trường không có cây cối, như người dân bản địa ở Úc.
Mặt khác, Crowther ngờ rằng sự sống sẽ chỉ còn tồn tại ở nơi giống như sao Hỏa với sự hỗ trợ của công nghệ và hoàn toàn tách rời khỏi sự sống mà chúng ta luôn biết.
"Ngay cả khi chúng ta có thể sống trong một thế giới không có cây cối, ai mà muốn như vậy chứ?" Crowther nói.
"Hành tinh này là độc nhất so với mọi thứ khác mà chúng ta biết trong vũ trụ do một thứ không thể giải thích được gọi là sự sống, và nếu như không còn cây cối, gần như tất cả mọi thứ trên hành tinh sẽ bị phá hỏng."
Rachel Nuwer
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.