Biến đổi khí hậu ước tính đến năm 2050 sẽ khiến cho 143 triệu người tính mất nơi ăn chốn ở. Tình trạng nước biển dâng cao đã và đang thực sự đe dọa các quốc gia nhiệt đới nhỏ bé. Có thể làm được gì để giúp họ?
Không thể phủ nhận được các bằng chứng của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Nhưng phản ứng của các chính phủ đối với biến đổi khí hậu thường vì động cơ chính trị xã hội, chứ không thực sự nhấn mạnh đến tính chất nghiêm trọng đã cận kề của mối nguy cơ này.
Trong thời gian gần đây, đã có những phản ứng dữ dội từ các nhóm như Extinction Rebellion ("Nổi dậy chống lại tình trạng tuyệt chủng") chống lại sự thờ ơ này, trong đó họ nhấn mạnh rằng các quốc gia giàu có ở Bắc Bán Cầu cần phải có hành động quyết liệt.
Các quốc gia giàu có, công nghiệp hóa lâu đời này - và khoảng 100 đại tập đoàn có trụ sở chính ở đó, theo một báo cáo - là những tác nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu thông qua xả khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng cũng lại là những bên đangth oái thác các thỏa thuận toàn cầu trong việc hỗ trợ một cách có ý nghĩa cho các nước đang phát triển chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Việc các hòn đảo đã hoặc đang chìm dần đã tồn tại từ lâu, cho thấy tương lai mà những quốc đảo nhỏ sẽ phải đối diện.
Trên thực tế, đây đã và đang là những mối đe doạ thật sự xảy, đã và đang ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc sống người dân ở những nơi này.
Nhiều quốc đảo nhỏ buộc phải áp dụng trở lại chính sách tái định cư và di dân trước đây vốn đã rất bị ghét bỏ nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Dưới đây là câu chuyện về Kiritimati (phát âm là Ki-ri-si-mas) thuộc quần đảo san hô lớn nhất thế giới, nằm giữa Thái Bình Dương.
Nghiên cứu kỹ hơn câu chuyện về hòn đảo đặc biệt này sẽ giúp làm sáng tỏ những vấn đề mà những người sống ở các vùng lãnh thổ tương tự trên khắp thế giới phải đối mặt, và những vấn đề bất cập của chính sách quốc tế hiện nay.
Các đảo nhân tạo hoặc bờ kè ven biển có thể bảo vệ Cộng hòa Kiribati khỏi nguy cơ tiếp tục bị mất đất
Kiritimati có một quá khứ tăm tối, bị đô hộ bởi chủ nghĩa thực dân Anh và là nơi để thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Kiritimati giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào ngày 12/7/1979, và Cộng hòa Kiribati được thành lập để cai quản một nhóm 33 hòn đảo nằm rải rác hai bên đường xích đạo.
Nay, một mối đe dọa phức tạp đang dần hiện ra.
Nơi cao nhất chỉ có cao độ không quá hai mét so với mực nước biển, Kiritimati là một trong những quần đảo có người sinh sống dễ bị tổn thương nhất trên hành tinh bởi tình trạng thay đổi khí hậu.
Quần đảo nằm ở trung tâm của Trái Đất, song hầu như chả ai biết chính xác nó ở đâu trên bản đồ thế giới, và cũng chẳng mấy ai biết gì về nền văn hoá và phong tục, tập quán phong phú của người dân nơi đây.
Nền văn hóa này có nguy cơ cao sẽ bị xóa sổ. Cứ bảy đợt di dân ở Kiribati - dù là sơ tán giữa các đảo hay di dân quốc tế - thì có một là do thay đổi môi trường. Một bản phúc trình ra hồi 2016 của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng một nửa số hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng lên ở Kiritimati.
Mực nước biển dâng cao cũng đặt ra những thách thức đối với việc lưu trữ an toàn chất thải hạt nhân trên các quốc đảo nhỏ - một tồn dư dai dẳng từ quá khứ thuộc địa của nơi này.
Những người phải ra đi trở thành dân tị nạn khí hậu: họ buộc phải rời bỏ nhà cửa do tác động của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, và phải bắt đầu lại cuộc đời ở những nơi khác, họ bị mất đi văn hóa, cộng đồng và quyền tự quyết.
Vấn đề này càng ngày càng nghiêm trọng. Các cơn bão ngày càng nhiều và mạnh hơn, các vụ thiên tai khiến cho mỗi năm có trung bình 24,1 triệu người phải ly tán nhà cửa kể từ 2008 tới nay, và Ngân hàng Thế giới ước tính rằng sẽ có 143 triệu người phải di cư vào năm 2050 chỉ trong ba khu vực: vùng hạ Sahara của châu Phi, Nam Á và Mỹ Latin.
Tại Kiritimati, đã có một vài cơ chế được tạo ra nhằm giúp đỡ dân đảo. Ví dụ, chính phủ Kiribati đã thực hiện chương trình di dân chu toàn "Migration with Dignity", với mục đích tạo ra lực lượng lao động có trình độ, có thể tìm được việc làm tốt ở nước ngoài.
Chính phủ cũng đã mua 6.000 mẫu Anh trên đảo Fiji ở Nam Thái Bình Dương vào năm 2014 để thử nghiệm đảm bảo an ninh lương thực khi môi trường thay đổi.
Người dân địa phương thường xuyên phải sửa chữa đường sá bị lũ lụt phá hỏng trên các hòn đảo của Cộng hòa Kiribati
New Zealand cũng mở chương trình xổ số hàng năm theo đó trao quyền định cư cho những người may mắn, chương trình Pacific Access Ballot.
Chương trình này mở cơ hội để mỗi năm có 75 công dân Kiribati được quyền tái định cư ở New Zealand. Tuy nhiên, tin tức nói con số này vẫn chưa được dùng hết. Cũng là điều dễ hiểu, người dân đảo Kiritimati không muốn rời khỏi quê hương, gia đình và môi trường sống thân thuộc của mình.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc nói rằng Úc và New Zealand cần phải cải thiện việc huy động lao động thời vụ và cho phép mở cửa đối với di dân là công dân Kiritimati bị tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng công việc thời vụ thường là lao động phổ thông và ít có triển vọng mang lại cuộc sống tốt hơn.
Do chính sách quốc tế chú trọng vào việc tái định cư thay vì giúp người dân có khả năng thích nghi với nơi ở mới cũng như chương trình hỗ trợ dài hạn, cho nên những lựa chọn này vẫn không mang lại quyền tự quyết thực sự cho người dân Kiritimati.
Các chính sách này coi họ như những món hàng, và biến việc tái đinh cư thành các kế hoạch tái phối trí công ăn việc làm.
Điều đó cũng có nghĩa là các dự án có lợi cho địa phương, như sân bay mới, chương trình cung cấp nhà ở dài hạn và chiến lược du lịch biển mới có thể sớm trở thành đồ thừa.
Các chiến lược thực tế với chi phí phải chăng nhằm bồi đắp và duy trì đất đảo là thứ cần thiết để tránh nguy cơ bắt buộc phải di cư.
Dâng cao
Khuyến khích dân chúng di cư tất nhiên là lựa chọn với chi phí thấp nhất. Nhưng chúng ta không nên sập bẫy với việc cho rằng đây là lựa chọn duy nhất. Chúng ta vẫn có cách để giữ hòn đảo này không bị chìm xuống dưới mặt nước biển.
Đây không chỉ là vấn đề về con người - bỏ mặc một hòn đảo chìm sâu dưới biển rốt cuộc cũng chính là tuyên án tử đối với một loài chim không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất - chim bokikokiko hay còn gọi là chim chích sậy Kiritimati.
Các quốc đảo nhỏ khác mà đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng lên cũng là nơi sinh sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Quần đảo Marshall, chẳng hạn, là nơi sinh sống của loài cua dừa, là loài động vật chỉ có ở đảo này, nơi chúng bị người dân địa phương bắt, ăn thịt.
Với độ tuổi trung bình là 22, các thế hệ tương lai của Kiribati sẽ phải chịu nhiều tổn thất nhất từ tình trạng nước biển dâng cao
Viện trợ quốc tế có thể giải quyết nhiều vấn đề trong tương lai và giúp bảo tồn vùng đất đẹp đẽ đến kinh ngạc này cho con người, động vật và thực vật, nhưng việc thiếu sự hỗ trợ từ các quốc gia giàu có khiến cho người dân ở các quốc đảo nhỏ khó lòng tính đến chuyện cân nhắc những phương án như thế.
Các đảo nhân tạo đã được xây dựng ở Dubai - tại sao không làm tương tự ở đây?
Có nhiều lựa chọn khác nhau về mặt kỹ thuật hạ tầng bảo vệ bờ biển, chẳng hạn như công nghệ gia cố bờ biển và bồi đắp, mở rộng đảo.
Những phương án như vậy có thể bảo vệ quê hương của người Kiritimati đồng thời tăng cường khả năng hồi phục của những nơi này - nếu có viện trợ quốc tế dồi dào và nhất quán hơn từ các quốc gia là tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu này.
Tại thời điểm viết bài này, không có một định nghĩa được quốc tế công nhận về người tị nạn khí hậu, và khái niệm này cũng chưa được quy định trong Công ước về Người Tị nạn của Liên Hiệp Quốc 1951.
Điều này tạo ra một khoảng cách về mức độ bảo hộ, do suy thoái môi trường không được định nghĩa là "sự đàn áp", bất chấp thực tế là tình trạng biến đổi khí hậu phát sinh phần lớn do các hoạt động phát thải của các nước công nghiệp hóa và thái độ vô trách nhiệm của họ trong cuộc chiến chống lại các hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Hội nghị Thượng đỉnh Hành động vì Khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào ngày 23/9/2019 tới có thể bắt đầu giải quyết một số thách thức này.
Nhưng đối với hàng triệu người sống ở những nơi bị đe dọa trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, câu hỏi ở đây là công lý cho môi trường và khí hậu.
Câu hỏi này không phải chỉ là về chuyện các mối nguy hiểm do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra đang được đề cập giải quyết, mà còn là tại sao những người muốn tiếp tục sống ở các quốc đảo nhỏ lại thường không có nguồn lực hoặc quyền tự chủ để tự mình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác.
Becky Alexis-Martin, James Dyke, Jonathan Turnbull và Stephanie MalinThe Conversation
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.