Pages

Friday, May 21, 2021

Israel _ Hamas, trò chơi “tên lửa và lá chắn”?

 image

Rốc-kết phóng đi từ dải Gaza bị hệ thống lá chắn tên lửa "Vòm sắt" bắn chặn ngày 10/05/2021.


Trong cuộc đối đầu mới với Nhà nước Do Thái, phe Hamas đã cho thấy thế mạnh quân sự ngày càng lớn. Với một kho dự trữ rốc-kết lớn hơn nhiều, kể từ giờ phe Hamas có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Israel. Trên đây là những quan sát của nhà phân tích quân sự Michel Goya, cựu đại tá thủy quân lục chiến, trên đài France Culture.

Kể từ khi đối đầu bùng nổ, hôm 10/05/2021, tổng cộng đã có hơn 210 người Palestine bị giết chết trên dải Gaza, trong đó có ít nhất 61 trẻ em và hơn 1.440 người bị thương, theo như số liệu bên phía Palestine công bố.

image

Ngược lại, phía Israel chỉ có 12 người chết, trong đó có một trẻ em và 294 người bị thương do trúng đạn rốc-kết. Nhà nước Do Thái tố cáo hơn 3.450 quả tên lửa đã được phóng đi từ dải Gaza nhắm vào Israel. Nhiều quả tên lửa trong số đó đã không đi vào được lãnh thổ Israel, số khác đã bị hệ thống lá chắn chống tên lửa “Vòm Sắt” bắn chặn.

Câu hỏi thứ nhất: so với cuộc chiến năm 2014 giữa Israel và Hamas trên dải Gaza, cuộc xung đột lần này có những diễn tiến gì mới?

image


Về mặt cơ bản, không có thay đổi lớn. Kể từ khi Hamas kiểm soát dải Gaza, đã có ba cuộc chiến nổ ra. Trận thứ nhất là trong giai đoạn 2008-2009, đợt thứ hai ngắn hơn là vào năm 2012, và cuộc chiến thứ ba, dữ dội hơn là trong năm 2014. Sau đó là một khoảng thời gian bình yên.

Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến một cuộc đối đầu mới giống với những lần trước, chỉ vì một lý do chính: Phạm vi hành động của đôi bên đều rất hạn hẹp. Về mặt quân sự, đây là một tình trạng bị tắc nghẽn. Dẫu sao thì người ta cũng nhận thấy thế mạnh của phe Hamas lớn dần và đã được hoàn thiện hơn. Từ năm 2010, phong trào đấu tranh vì Palestine này đã có một sự nâng cấp về chiến thuật.

image


Nhưng cùng lúc Hamas cũng bị chặn và không thể xâm chiếm Israel ! Nhà nước Do Thái được bảo vệ bằng một rào chắn địa hình, ngăn chặn các cuộc xâm nhập bằng đường bộ và nhờ vào rào chắn phòng không, giúp đánh chặn phần lớn các cuộc không kích. Làm thế nào gây chiến với Israel và áp đặt ý chí của mình bằng vũ khí ? Điều này rất khó. Giờ chỉ còn cách duy nhất là sử dụng chiều không gian thứ ba: Hoặc tìm cách đột kích bằng các đường hầm, bằng máy bay siêu nhẹ, những gì có thể cho phép vượt qua rào chắn; hoặc phóng rốc-kết hay tên lửa.

Ở phía bên kia, cũng tương tự như vậy. Cứ như thể có hai pháo đài đặt cạnh nhau. Với Israel, vấn đề cũng như nhau: Làm thế nào áp đặt ý muốn của mình lên phe Hamas? Tiến vào dải Gaza và thực hiện một chiến dịch trên bộ là có thể, nhưng sẽ rất khó, nguy hiểm hơn nhiều cho các lực lượng Israel. Giờ người ta đang đi đến tình thế là hai đội quân đối mặt nhau và phóng đi những quả tên lửa mà phần lớn đều rớt xuống thường dân.

Vũ khí của Hamas giờ nhiều hơn và tinh vi hơn. Phải chăng điều này đang làm thay đổi đôi chút thế cân bằng quân sự?

image


Đó vẫn luôn là trò chơi tên lửa và lá chắn. Kho vũ khí của Hamas, cũng như của Hezbollah ở Liban đã gia tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Cả hai khía cạnh này đều quan trọng. Rốc-kết phóng đi ngày càng xa hơn và có thể có sức công phá ngày càng mạnh hơn.

Phe Hamas ngày nay có khả năng đánh sâu vào trong lãnh thổ Israel và nhắm vào các mục tiêu nhạy cảm. Hoặc nhắm thẳng vào dân chúng, nhưng cũng vào cả sân bay, khu công nghiệp…  Và điều quan trọng hơn cả bán kính hành động, chính là Hamas ngày càng có nhiều đạn dược. Năm 2014, trong vòng 45 ngày xung đột, phe này đã sử dụng 4.500 quả tên lửa, tức là 100 quả mỗi ngày.

image


Trong cuộc khủng hoảng lần này, Hamas đã bắn đi 3.000 quả rốc-kết chỉ trong vòng một tuần chiến sự ! Đây là cách duy nhất để đâm thủng lá chắn phòng thủ của Israel, hệ thống “Vòm Sắt” nổi tiếng. Hệ thống phòng thủ này có khả năng bắn chặn đến 90% số tên lửa, nhưng 10% vẫn có thể lọt qua. Chỉ có điều, kho trữ tên lửa của “Vòm Sắt” không phải là vô hạn. Thứ nữa, hệ thống này rất đắt. Mỗi một chiếc tên lửa được bắn đi để chặn một quả rốc-kết tốn đến 40 ngàn đô la và đôi khi phải cần đến hai chiếc như thế mới đủ.

Người ta có cảm giác là quân đội Israel do dự khởi động một chiến dịch trên bộ ở dải Gaza?

image


Israel do dự là do một điều bất ngờ có thật trong cuộc chiến năm 2014, không phải vì những quả rốc-kết của Hamas, mà vì phe này có một lực lượng bộ binh rất tốt. Binh sĩ của họ chiến đấu giỏi, một cách chuyên nghiệp với tất cả các kỹ năng, như biết sử dụng tốt địa hình, tổ chức phục kích và được trang bị đầy đủ, cụ thể là tên lửa chống tăng hiện đại, hay súng trường bắn tỉa tầm xa.

Trong chiến dịch năm 2014, Israel đã khởi động các cuộc đột kích trên bộ bên trong dải Gaza để phá hủy các bãi phóng tên lửa, lối vào đường hầm… Họ cảm thấy buộc phải tiến sâu vào bên trong thành phố Gaza và họ đã bị mất đến 66 binh sĩ. Nhiều hơn so với số lính Pháp tử trận ở Sahel trong vòng 8 năm !

Giống như ở biên giới Israel – Lebanon ở phía bắc, phải chăng ở đây có một dạng cân bằng lực lượng đang được thiết lập?

image


Ở đây có một hình thức răn đe lẫn nhau. Điều nghịch lý chính là có một sự răn đe giữa các quân đội, bởi vì nếu như Hamas hay Hezbollah đối đầu trực diện với các lực lượng trên bộ của Israel, họ sẽ bị đánh bại.

image
Lực lượng an ninh của Hamas Palestine tại trường đào tạo cảnh sát trên dải Gaza, ngày 16/07/2019.


Ngược lại, nếu Israel tiến vào những vùng do Hamas hay Hezbollah kiểm soát, họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Cả hai phía đều do dự cả. Do vậy, chỉ còn lại rốc-kết và tên lửa. Và vì không gì ngăn cản được : Israel có thể hầu như tấn công trên khắp dải Gaza mà không lo bị trừng phạt và Palestine cũng có thể phóng rốc-kết nhắm vào Israel.


Điều đó có nghĩa là chính thường dân trả giá đắt thay cho binh sĩ Israel và chiến binh Hamas?

image


Đây là một cuộc chiến mà ở đó thường dân bị thiệt thòi nhiều nhất. Đó còn là một mặt khác của cuộc chiến. Vì phải bảo toàn tính mạng binh sĩ, rủi ro đó đã được chuyển sang cho thường dân. Hoặc là một cách trực tiếp, bởi vì đánh vào những vùng dân cư dễ dàng hơn là tấn công các lực lượng đối thủ; Hoặc bởi vì xung đột kéo dài và đến một lúc nào đó, số thương vong thường dân tăng lên. Vấn đề ở đây chính là đạt được điều mà giới quân nhân thường gọi là “hiệu quả của chiến lược”. Nói một cách khác : Làm thế nào để thắng ?

Từ lâu, bộ tham mưu Israel tập trung vào việc kiểm soát các cao điểm như những đồi cao ở Cisjordani hay cao nguyên Golan Syria. Trong những cuộc chiến chống Hamas ở Gaza, khái niệm này dường như kém hiệu quả ?

image


Bởi vì Israel không phải lo các cuộc tấn công trên bộ. Chính vì điều này mà quân đội Israel đã sơ tán dân ở phía nam Liban năm 2000 và dải Gaza năm 2005, với ý tưởng thiết kế một vành đai phòng thủ và kiểm soát từ xa, nhờ vào một lực lượng tấn công mạnh mẽ.

Trên thực tế, đây là một tính toán sai lầm. Điều này mở ra một địa bàn trống cho đối thủ, đến định cư, chen chân vào, chiếm lấy địa bàn và kiểm soát dân chúng. Giờ người ta đang đi đến một hình thức vô hiệu hóa lẫn nhau, và tình trạng này có thể còn tồn tại trong một quãng thời gian rất dài.

Khi tôi còn tại ngũ, tôi từng tham gia một phái đoàn Pháp đến Israel năm 2004 và chúng tôi có gặp gỡ tổng tham mưu trưởng Israel lúc bấy giờ. Nhiều sĩ quan nói với chúng tôi rằng “vấn đề Palestine đã giải quyết xong, bởi vì không còn các vụ tấn công khủng bố nữa”. Israel đã khởi công xây dựng bức tường phân cách với Cisjordanie bị chiếm đóng và số vụ tấn công đã giảm hẳn.

image


Những sĩ quan đó còn nói thêm rằng “vấn đề thật sự cho chúng tôi chính là Iran”, như vậy họ vạch thêm một vòng các mối đe dọa thứ ba xa xôi.

Hamas sẽ có những phát triển về vũ khí ra sao trong thời gian tới?

Phe Hamas đang suy nghĩ làm thế nào phá vỡ thế ưu việt của Israel như “Vòm Sắt” hay không quân. Họ đã có những mưu tính. Người Palestine có thể sử dụng các loại bóng bay để vận chuyển chất nổ mà không lo bị ra-đa phát hiện. Ngoài ra, còn có giải pháp dùng drone ở độ cao rất thấp, và những loại thiết bị bay này cũng đã có. Điều này buộc Israel phải thiết lập những hệ thống phòng thủ mới. Trong các quân đội hiện đại, cần phải có một hệ thống chống drone.

image


Và còn có vài điều khác có lẽ sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho Israel, đó chính là những thiết bị có thể chống lại thế ưu việt không quân của Israel. Hiện Nhà nước Do Thái chiếm ưu thế trên không. Nhưng các ngành công nghiệp vũ khí của Nga và Trung cộng có thể bắt đầu đang phân phối và xuất khẩu các loại thiết bị hiệu quả.

Nếu như một tổ chức như phe Hamas bắt đầu trang bị những hệ thống phòng không hữu hiệu, thì đúng là điều đó sẽ làm thay đổi rất nhiều cuộc chơi này. Israel buộc phải thích ứng để chống lại những mối đe dọa đó.

image


Đây chính là một bài toán hóc búa cho bộ tham mưu Israel, bởi vì Hamas ngày nay đã mạnh hơn. Đó là một đạo quân có đến 40 ngàn chiến binh, và một nửa trong số này là những quân nhân thường trực chuyên nghiệp được trang bị tốt, những người đã biến dải Gaza thành một thành trì. Họ có một mạng lưới đường hầm ngầm. Họ đã quen thuộc với sức mạnh không quân của Israel. Khi mối đe dọa đến từ trên cao, thì họ chui xuống dưới mặt đất.

Liệu người ta có thể nói rằng Hamas đang trên đà trở thành một Hezbollah mới ở phía nam Israel?

image


Có thể nói là như vậy. Phe Hezbollah năm 2006 đã chống cự tốt với quân đội Israel, một điều chưa từng thấy. Chưa có một quân đội Ả Rập nào có khả năng làm được điều đó.

 

 

 

Minh Anh


image

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.