Pages

Tuesday, May 25, 2021

Vài nét về nhạc sĩ Tô Huyền Vân _ Quê Hương Bỏ Lại

 image

Ban “Calypso Day’ O”, với Vân Quang, Khánh Ngọc, Tô Huyền Vân


Vào thập niên 1955-65 tại Saigon rộ lên phong trào hát nhạc ngoại quốc và nhạc ngoại quốc lời Việt. Các phòng trà, các vũ trường thậm chí các đại nhạc hội đều không thể thiếu các khuôn mặt của các ca sĩ trẻ như Thanh Lan, Paolo, Joe Marcel đang làm mưa làm gió với nhạc Pháp lẫn lời Việt như “La plus belle pour aller dancer” ,”Capri c’est fini” , “Delilla” v.v.. vào mỗi đêm ở Ma Cabane, Tour d’Ivoire và Baccara, cùng các phòng trà lớn như Anh Vũ . Maxims ..v..v.. Xen lẫn vào đám đông các ca sĩ đương thời đó có một khuôn mặt bạch diện thư sinh từ miền Trung mới vào Nam vài năm và chuyên hát nhạc tình ca cũng hào hứng góp phần vào với ban tam ca trẻ có cái tên ngộ nghĩnh là “Calypso Day’ O”. Đó là bước khởi đầu vào nghiệp cầm ca của ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Tô Huyền Vân.


Thuở thiếu thời ông theo học tại Lycée Đà nẵng sau đó ra Huế tiếp tục chương trình Trung Học tại trường dòng La San Pellerin. Cũng tại đây được một Sư huynh thương mến vì thấy ông có năng khiếu về âm nhạc và có một giọng hát tốt nên mỗi chiều thứ năm sư huynh đặc biệt dành thêm thì giờ dạy cho ông về nhạc lý cùng ký âm pháp và cách xử dụng nhạc khí Tây ban cầm cổ điển Flamenco.

 

Một buổi sáng chúa nhật sau giờ hát lễ tại thánh đường nhỏ của trường, ông được một người bạn kề tai nói nhỏ, rằng có một cô ca sĩ đi xem lễ đã nghe ông hát một lần trong thánh đường và hỏi ông có muốn ra hát cho đài phát thanh Huế vào mỗi chiều thứ bảy trong chương trình nhạc thính phòng của đài không? vì hiện tại đài đang cần một người nam có chất giọng trong và mạnh, nếu muốn thì cô sẽ giới thiệu ông cho nhạc sĩ Dương thiệu Tước, hiện là nhạc trưởng của đài Phát thanh Huế lúc bấy giờ. Và đó cũng là cơ hội đầu tiên mà ông mang nghệ danh là tài tử Tô Huyền Vân (và chưa phải là ca sĩ nên không được lãnh tiền thù lao). Không ngờ khi đi với ông bạn ra đài phát thanh Huế ông mới biết rằng người ca sĩ mà ông sẽ gặp lại chính là nữ danh ca nổi tiếng đương thời mà ông đã hằng ái mộ từ lâu là ca sĩ Minh Trang và cũng là phu nhân của nhạc sĩ Dương thiệu Tước với ca khúc bất hủ đương thời “Đêm tàn bến Ngự”.


image


Từ đó tài tử Tô Huyền Vân mỗi chiều thứ bảy xin sư huynh bề trên đặc biệt cho phép ông ra phố sớm hơn thường lệ để đến đài gặp nhạc sĩ Lâm Tuyền tập dượt cho trước khi vào phòng thâu âm với ban nhạc Dương thiệu Tước cùng các cộng sự là các nhạc sĩ Văn Giảng, Ngô Ganh, Lâm Tuyền, Châu Kỳ…v.v..

 

Năm 1953 ông rời Huế để vào Nam tiếp tục công việc học hành cho xong chương trình Trung học và cuối tuần thì vẫn đi hát tiếp cho các đài phát thanh như đài Pháp Á vào mỗi chiều thứ sáu (lúc bấy giờ còn gọi là đài Hirondelle hay đài Con Nhạn) cùng ban Dân Nam của Anh Lân và bà Túy Hoa ở Đài phát thanh Saigon. Cũng vào mùa hè năm đó ông ghi tên vào kỳ thi Tuyển lựa ca sĩ đầu tiên do danh hài Trần văn Trạch tổ chức tại rạp Thống Nhất (lúc bấy giờ còn gọi là rạp hát Norodom). Vào chung kết ông chiếm hạng nhì với bản Tình Ca của Phạm Duy, và hạng nhất là ca sĩ Vân Hùng (cũng là nghệ sĩ trình diễn sân khấu lúc bấy giờ). Từ đó nghệ danh “ca sĩ Tô Huyền Vân” đã có thêm chút ít tiếng tăm nên các phòng trà và đài phát thanh cùng các đại nhạc hội mời hát liên miên. Ông cũng được các hãng phim thi nhau ký giao kèo mời đóng các vai chính. Đầu tiên là hãng Việt Thanh trong phim “Lưu bình Dương Lễ” cùng với kỳ nữ Kim Cương, kế đến là “Sự tích Trầu Cau” với Thẩm thúy Hằng do hãng Mỹ Vân, và sau đó là hãng phim Kim Lan với “Người mẹ Hiền” cùng với Kim Cương.


image


Cũng vì một tai nạn suýt chết do sự cẩu thả và thiếu sót phương tiện của các hãng phim do người Hoa Chợ Lớn làm chủ lúc bấy giờ nên đáng lẽ quay một cận cảnh (gros plan) có thể quay ngay tại phim trường, song họ lại mang bầu đoàn thê tử ra sông Saigon mà quay, (lâu quá ông không còn nhớ rõ tên phim, có lẽ anh MC Ngọc Phu còn nhớ rõ vì cảnh đó Ngọc Phu đóng vai tay thích khách vào đâm lén nhà vua) phim do hãng phim Việt Thanh hợp tác với một hãng khác ở Hong Kong qua. Sau vụ chết hụt đó ông đâm đơn kiện hai hãng phim trên nhưng hãng Việt Thanh cam kết chịu bồi thường và xin lỗi nên từ đó trở đi ông không còn tha thiết với việc đóng phim nữa, nhất là với các hãng phim của người Hoa. Thời đó làm gì có stunts để đóng thế các vai chính khi quay các cảnh nguy hiểm như bây giờ, sau đó cũng vì quá bận công việc ở sở làm nên ông nghỉ đóng phim mà chỉ chú tâm vào âm nhạc nhiều hơn.


image


Như đã nói ở phần trên, riêng ông không muốn dẩm vào bước chân của các ca sĩ hát nhạc ngoại quốc tiếng Pháp đương thời mà có ý chọn cho mình một hướng khác là sẽ hát theo loại dân ca hải đảo Cariibean. Lúc đó bên Mỹ rộ lên phong trào hát nhạc Cariibes và thính giả đang phát cuồng lên say sưa với một Harry Belafonte, người ca sĩ hải đảo da đen Caribbean đang làm mưa làm gió với các nhạc phẩm “Banana boat song”.. “Matilda”.. và “Cocoanut woman” trong một nhịp điệu Calypso đập trống mới lạ cùng một tiết tấu vuốt nhẹ cung đàn guitar. Ông bèn nhờ một người bạn ngoại quốc gởi mua dùm cho mình một album của người ca sĩ nổi danh đó và đem về nghiền ngẫm sau đó ông quyết định lập một ban tam ca chuyên hát về “Calypso songs”.


Thoạt tiên ông mời nam ca sĩ là nghệ sĩ Hùng Cường cũng có một giọng hát mạnh như ông, và ông chọn nữ ca sĩ đứng chung là ca sĩ Bích Chiêu con gái lớn của nghệ sĩ Lữ Liên rất giỏi sinh ngữ Anh, nhưng sau đó chỉ vài tuần tập dượt thì cô Bích Chiêu có giấy thông hành phải đi Pháp gấp nên ông phải mời ca sĩ Khánh Ngọc đứng chung thành ban tam ca đầu tiên hát tiếng Anh. Với bản “Day O” ban tam ca Calypso thành công rực rỡ trong buổi hát đầu tiên tại rạp hát Thống Nhất Norodom, và sau đó tiếp tục ở các phòng trà ca nhạc như Ma Cabane của ông bầu Joe Marcel, Baccara, cùng Maxim của ông bầu Nghĩa Hynos. Nhưng dịp may không đến hai lần mà là dịp xui đến cả hai lần, lần trước thì ca sĩ Bích Chiêu đột ngột rời đoàn đi Pháp, lần này lại đến phiên ca sĩ Khánh Ngọc cũng cuốn gói xuất dương sang Hoa Kỳ để học diễn xuất ở trường kịch nghệ Pasadena!. Thế là ban tam ca Calypso tan vỡ và sau đó cũng vì công việc làm ăn quá đa đoan nên ông đành giã từ “kiếp cầm ca”.


image


Từ đó trở đi khi có thì giờ rảnh rỗi thì ông lại dành cho công việc sáng tác nhạc. Nhạc của ông viết cùng với nhiều thể loại, sau này cả về đạo ca nhưng ông xuất bản rất ít, mãi cho đến khi rời nước sang Hoa Kỳ, vào đầu năm 1976 (đầu Xuân Bính Thìn) ông mới cho ra đời tác phẩm đầu tay trên đất nước tạm dung này là “Quê hương bỏ lại”, tiếp theo sau đó là “Kiếp Nhân sinh”.


BM

https://www.youtube.com/watch?v=QkKVOYe_qp4


Niềm đam mê âm nhạc vẫn không dừng, kiếp tằm phải nhả tơ cho dẫu tuổi đời mỗi ngày càng chồng chất song ông vẫn không ngừng sáng tác. Tổng cộng với trên dưới 80 nhạc phẩm về các thể điệu: tình ca, quê hương ca, thân phận ca và cả đạo ca, song ông thích thú nhất là tác phẩm Kiếp Nhân sinh, thể hiện một nhân sinh quan với tư tưởng “hư không”. “Mọi việc trên đời đều là vô nghĩa! Mọi sự đều là hư ảo và phù hoa!…” Theo ông cho biết thì thuyết hư không bên Kitô giáo chỉ dành riêng cho phần vật chất mà thôi. Trong bài của ông có nói về linh hồn và linh hồn thì vay mượn từ Đấng Sáng tạo và khi thể xác này trở về với bụi đất thì linh hồn sẽ phải trả lại cho Đấng Sáng Tạo. Đó là ẩn dụ trong sáng tác này (Sách truyền đạo/King Salomon – Thánh Kinh Kitô giáo).


image


Những năm trước 1975 tại Saigon ông quá bận rộn trong công việc sinh kế nên không có thời giờ để giao tác phẩm cho các ca sĩ cùng liên lạc với các nhà xuất bản. Tất cả 80 nhạc phẩm trên đều nằm trong 2 tập nhạc dưới tiêu đề “Hồn thơ trong Ý nhạc”. Hiện ông đang sống hưu hạ với bà xã, vui thú điền viên với con cháu và mảnh vườn nhỏ sau nhà.


BM

https://www.youtube.com/watch?v=KQaiVqlBc18


BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.