Pages

Thursday, February 17, 2022

Cái ác trong cách ăn

 BM

Từ Hy Thái Hậu (Empress Dowager Cixi, 1835-1908)

 

Ăn sao gọi là ác? Dễ lắm, khi người ta ăn con thú đang quằn quại, đau đớn với sự hả hê thích thú vậy thì không ác thì gọi là gì mới đúng?

 

Lịch sử Trung Hoa dưới thời Từ Hy Thái Hậu đã ghi lại tỉ mỉ việc chiêu đãi của triều đình đối với phái đoàn sứ thần, tướng lãnh các quốc gia Tây phương. Tiệc được chuẩn bị gần một năm trời, sử dụng 1,750 người phục vụ, tốn kém 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và đại tiệc kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu từ Giao thừa Tết nguyên đán Giáp Tuất.

 

Triều đình nào của Trung Hoa cũng giống nhau ở điểm càng hoành tráng càng tốt vì để giữ sĩ diện và cũng là dịp chứng tỏ với nước ngoài sức mạnh của Trung Hoa. Tuy nhiên trong đại tiệc của Từ Hy Thái Hậu việc được lịch sử ghi lại không phải là mức độ xa hoa tốn kém mà do một món ăn được chuẩn bị tỉ mỉ trong nhiều tháng để khoản đãi khách mời. Món ăn được đặt tên là Hầu não, tức là não con khỉ còn sống, bị gọt mất phần vỏ não và người ăn chỉ việc cầm muỗng múc chất nhầy trong bộ óc và… thưởng thức.


BM


Con khỉ mang ra tế sống cũng không phải là khỉ thường gặp mà nó được bắt tận một khu rừng được đồn đãi là có những quả lê quý khi bọn khỉ ăn vào sẽ làm cho trí óc của chúng sạch sẽ và tăng thêm sinh lực trong bộ não. Khỉ được bắt về nuôi trong lồng bạc, cho ăn uống những loại thực phẩm cao cấp như cháo tổ yến, cho uống nhân sâm và rượu nhung hươu. Người Tàu tin rằng ăn uống như vậy con khỉ sẽ tẩy uế dòng máu đang chảy trong người và từ đó não bộ sẽ tinh anh hơn.

 

Tới ngày đãi tiệc, một chú khỉ được mang ra cho một bàn ăn năm người. Để tăng thêm phần long trọng, Từ Hy Thái Hậu lập một kịch bản không khác mấy với cách đấu tố trong Cải cách ruộng đất của Việt Nam, đó là một thái giám trước khi gọt não con khỉ sẽ tuyên đọc tội trạng của con khỉ này tùy theo tên mà chúng được đặt. Những cái tên gian ác trong lịch sử Trung Hoa sẽ được nêu lên như Tần Cối, Bí Trọng, Vưu Hồn, Bàng Hồng, Trương Bang Xương, Mao Diên Thọ… và sau mỗi cái tên được hô lên là một con khỉ “đền tội” trước thực khách.


BM


Lịch sử không ghi chép việc khách mời có ý kiến như thế nào trước bữa tiệc mang hình ảnh dã man mà bà Từ Hy sáng tác cho họ, chỉ biết rằng kể từ đó thế giới Tây phương nhìn Trung Hoa như một đất nước man rợ và hợp sức “thanh toán” nó như để giải quyết cho một giống dân khát máu.

 

Món óc khỉ


BM


Hầu não tuy bị lên án một cách giận dữ nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở… Việt Nam! Tôi nhớ rất rõ vào khoảng năm 1990 tình cờ xem một video clip chiếu cảnh ăn óc khỉ ở Nha Trang mà lạnh mình. Trên một hòn đảo nào đó, đôi tình nhân trung niên ra du lịch và được mời món óc khỉ. Con khỉ mang ra bàn với thân hình tiều tụy, lông lá xác sơ như lâu ngày bị bỏ đói. Nó bị cột tay chân ngồi co ro dưới chiếc bàn gỗ có chừa một cái lỗ trên đầu và cách làm thịt chú khỉ cũng không khác đời Từ Hy là mấy. Cũng cầm dao gọt vỏ não, sọ được rắc lên chút muối tiêu chanh và hai ông bà vừa ăn vừa… nhợn!


BM


Cái video ấy ám ảnh tôi cho tận tới bây giờ khi đang ngồi viết lại những gì tận mắt chứng kiến. Người ta tàn ác cỡ nào cũng không thể đành lòng ăn sống nuốt tươi một sinh vật đáng thương như chú khỉ. Con người được tạo hóa ban cho đức tính từ tâm và việc ăn tươi nuốt sống một sinh vật được xem là bất thường nếu nói nặng hơn là mọi rợ.

 

Trung Hoa trong suốt thời kỳ lập quốc có không biết bao nhiêu là món ăn mà chỉ nghĩ đến thôi người ta đã rùng mình. Đầu bếp người Hoa nổi tiếng là giàu óc tưởng tượng, chi tiết hóa món ăn đến mức cầu kỳ không cần thiết. Họ tin rằng một con vịt nếu được đặt chân chúng lên một chiếc chảo nóng khi còn sống thì máu của chúng sẽ trương nở tụ xuống chân và làm cho mọi chất dinh dưỡng tập trung ở đó.


BM


Chưa hết, muốn thưởng thức trọn vẹn mùi vị ngon ngọt thì đầu bếp phải chặt hai chân con vịt khi vừa “nướng sống” trên chảo, lúc này máu không còn chảy mà đọng lại trong từng lóng xương con vịt tạo hương vị bất ngờ không thể diễn tả! Làm sao diễn tả được chính xác sự man rợ mà một con người nghĩ ra như thế?

 

Người Việt thì sao? Có dã man như người Hoa hay không? Sau năm 1975, quán nhậu mọc lên khắp nơi, món ăn nào cũng được nghĩ tới và đầu bếp trong các nhà hàng thường là tay ngang, có chút đỉnh vốn liền mở nhà hàng bán đồ… nhậu! Ai cũng biết bán rượu bia sẽ mau làm giàu và cách phục vụ càng khác lạ quán xá càng đông.

 

Có bao giờ bạn và gia đình vào một nhà hàng kêu món lẩu cá kèo chưa? Nếu chưa xin đừng thử, vì nếu thử tôi đoan chắc vợ con bạn sẽ bị ám ảnh ít nhất là suốt nửa quãng đời của họ.

 

Lẩu cá kèo


BM


Lẩu thì cũng bình thường như bao món lẩu khác. Cũng các loại rau như lá vang, rau đắng, bạc hà, bông súng… nhưng cá để nấu món này thì còn bơi lội trong một chiếc sô bằng nhôm. Những con cá kèo hồn nhiên chơi đùa với nhau, tranh nhau bơi, tranh nhau thở và đến một lúc chúng cùng nhau bị đổ vào nồi lẩu đang sôi sùng sục. Khi chiếc vung bằng thủy tinh được đậy lại thực khách vẫn chứng kiến sự đau đớn cùng tận của bầy cá vừa giãy dụa vừa trồi lên cố thở, cố tranh nhau chút sự sống bên trên nồi nước đang sôi…

 

Cái vung bằng thủy tinh là sự cố ý của chủ quán. Ông ta muốn thực khách chứng kiến món hải sản “tươi sống” mà quán ông ta phục vụ và cái nắp vung ấy là chiếc sân khấu không ánh đèn đủ soi rọi vào từng ngõ ngách mang tên lòng trắc ẩn.


BM


Con đuông dừa là một thí dụ khác chứng minh sự vô minh của con người, những con người khi ăn chỉ biết hương vị mà quên hẳn sự sống khác của một sinh vật, dù sinh vật ấy không biết nói tiếng người, cũng không biết la lên tố cáo cái hàm răng bẩn bựa đang cật lực xé hai chúng ra trong những vòm họng thơm tho đầy lời nhân nghĩa.

 

Món đuông dừa


BM


Con đuông dừa không xa lạ gì với dân Bến Tre, nơi cây dừa được xem là thóc là gạo cho toàn tỉnh. Chúng sống trong thân cây dừa và khi cây bị chặt chúng bị tập trung để bán cho các nhà hàng sang trọng. Những con đuông có miệng mà không có mắt chúng bò tung tăng trong rổ của nhà hàng và được bỏ vào một tô nước mắm có cắt vài lát ớt cho khách hàng… thưởng thức.


BM


Nhìn người ta cầm đũa gắp từng con đuông đang bơi lội trong tô, đưa chúng lên miệng rồi “bụp” một tiếng, con đuông trở thành món ăn tươi sống. Tiếng bụp lạnh mình ấy không đủ để tố cáo sự bất nhẫn khi con đuông đã trôi tuột xuống khỏi cuống họng con người. Con đuông cũng như con vịt, con khỉ, con cá kèo… chỉ là những sao chép từ một nền văn hóa thiếu lòng trắc ẩn.

 

Chúng ta đang sống trong một thế kỷ mà một tiếng động bên bờ Đại Tây Dương cũng đủ khiến cho bờ bên kia thức giấc. Đừng đánh động lòng trắc ẩn của người nước khác khi thấy chúng ta nhe răng cấu xé những sinh vật khi chúng còn sống. Hãy văn minh hơn bằng cách giết chúng trước khi ăn, dù sau khi chết chúng kém ngon hơn nhưng bù lại không ai nhìn mình với cặp mắt khinh bỉ và giận dữ.

 



Mặc Lâm

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.