Pages

Friday, August 11, 2023

Lạm dụng aspirin gây tăng 20% nguy cơ thiếu máu ở người lớn tuổi

 BM

Aspirin là loại thuốc phổ biến giúp giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên, loại thuốc này thường hay bị lạm dụng, và việc dùng lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu ở người cao tuổi.


Trong số những loại thuốc tưởng như vô hại có thể mua tự do mà nhiều người tìm đến đôi khi dùng chúng hàng ngày và bỏ qua các tác dụng phụ, nổi bật nhất là aspirin.


Aspirin (acid acetylsalicylic) là loại thuốc thông thường giúp giảm đau và chống viêm. Việc dùng aspirin liều thấp hàng ngày được ủng hộ để giảm độ nhớt máu và ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ ở người có nguy cơ cao. Tuy nhiên, đây là loại thuốc thường bị lạm dụng, và nhiều người dùng chúng dù không cần thiết.


BM


Bên cạnh đặc tính giảm đau, hạ sốt và chống viêm, aspirin còn có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Khi các mảng xơ vữa (chứa cholesterol và các chất khác) vỡ ra và cơ thể cố gắng hạn chế tổn thương bằng cách hình thành cục máu đông, huyết khối sẽ xuất hiện. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ. Aspirin tác động lên tiểu cầu và việc dùng thuốc thường xuyên có thể làm giảm khả năng hình thành huyết khối.


Một nghiên cứu được công bố trên Biên niên sử về Y học Nội khoa năm 2019 cho thấy khoảng 23.4% (29 triệu) người Mỹ trưởng thành từ 40 tuổi trở lên báo cáo về việc dùng aspirin hàng ngày để phòng ngừa bệnh tim mạch. Trong số đó, 22.8% (khoảng 6,6 triệu) người không có chỉ định của bác sĩ. Gần một nửa số người từ 70 tuổi trở lên không bị bệnh tim mạch nhưng dùng aspirin.


Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, một phần đáng kể người trưởng thành đang dùng aspirin mà không có khuyến nghị của bác sĩ và có thể bác sĩ không biết điều đó. Điều cần thiết là các bác sĩ phải hỏi về việc dùng aspirin hiện tại của bệnh nhân và khuyên họ cân nhắc giữa lợi ích và tác hại, đặc biệt với người lớn tuổi và người có tiền sử viêm loét dạ dày.


Theo Trường Y Harvard, Nhà xuất bản Sức khỏe Harvard, một bài báo nhấn mạnh rằng aspirin là loại thuốc thường xuyên bị lạm dụng. Chưa đến một nửa số người được hưởng lợi từ việc dùng aspirin liều thấp hàng ngày và nhiều người vẫn dùng dù không có chỉ định. Nếu bạn không có bệnh tim nhưng bị huyết áp cao hoặc có các yếu tố rủi ro khác, quan trọng là không nên tự cho rằng việc dùng aspirin hàng ngày là một lựa chọn có lợi. Chuyên gia tim mạch của Bệnh viện Brigham and Women, Tiến sĩ Christopher Cannon nói: “Mọi người đều cho rằng aspirin là vô hại, nhưng không phải vậy.”


Một nghiên cứu mới được công bố trên Annals of Internal Medicine vào tháng 07 năm nay cho thấy, với người lớn tuổi khỏe mạnh từ 65 tuổi trở lên, aspirin liều thấp hàng ngày làm tăng khoảng 20% nguy cơ thiếu máu.


BM

Các nhà nghiên cứu đã chia ngẫu nhiên 19,114 người tham gia từ 65 tuổi trở lên thành hai nhóm, một nhóm nhận 100 mg aspirin liều thấp hàng ngày và nhóm kia nhận giả dược. Họ theo dõi thường xuyên nồng độ hemoglobin và ferritin của người tham gia trong thời gian trung bình khoảng 4.5 năm. Kết quả cho thấy aspirin liều thấp, không liên quan đến tình trạng chảy máu đáng kể, làm giảm nồng độ ferritin và tăng tỷ lệ thiếu máu ở người lớn tuổi khỏe mạnh. Việc theo dõi thường xuyên nồng độ huyết sắc tố nên được xem xét với người lớn tuổi dùng aspirin.


Bà Zoe McQuilten, tác giả chính của nghiên cứu và là phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng và Y tế Dự phòng thuộc Đại học Monash, nhấn mạnh rằng trong khi chảy máu là tác dụng phụ đã biết của aspirin, có rất ít nghiên cứu về tác động của việc dùng aspirin lâu dài với bệnh thiếu máu ở người lớn tuổi.


Theo bà McQuilten, nghiên cứu làm sáng tỏ thêm nguy cơ thiếu máu của aspirin, đặc biệt là với người bị bệnh tiềm ẩn như bệnh thận, mà những tác động có thể nghiêm trọng hơn. Bà kêu gọi bệnh nhân làm theo lời khuyên của bác sĩ khi dùng aspirin thường xuyên và chỉ thay đổi cách điều trị sau khi tham vấn ý kiến của họ. Bà nói, “Bệnh nhân không nên thay đổi phác đồ điều trị bằng aspirin mà không thảo luận với bác sĩ.”


Thiếu máu là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi, với tỷ lệ phổ biến từ 10-24% trong nhóm dân số này, theo một đánh giá được công bố trên Blood năm 2018. Người lớn tuổi nhập viện và nằm viện dễ bị thiếu máu hơn, với tỷ lệ 40 và 47%. Tỷ lệ thiếu máu tăng theo độ tuổi, và ở người lớn tuổi nhập viện và điều trị ngoại trú, tỷ lệ bị bệnh ở nam giới từ 80 tuổi trở lên là gần 50%.


Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), thiếu máu ở người lớn tuổi có liên quan đến tình trạng suy giảm chức năng, mệt mỏi trầm trọng, khuyết tật, triệu chứng trầm cảm và các vấn đề về nhận thức.


Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ đã công bố các khuyến nghị vào năm ngoái, khuyên rằng người lớn từ 60 tuổi trở lên không nên dùng aspirin liều thấp để phòng ngừa bệnh tim mạch.


BM


Tiến sĩ Erin Michos, bác sĩ y khoa, chuyên gia khoa học sức khỏe, phó giám đốc khoa tim mạch dự phòng của Trung tâm Phòng ngừa Bệnh tim Ciccarone, cho biết trong một bài viết về sức khỏe của bà, “Nếu bạn bị đau tim hoặc đột quỵ, chắc chắn rằng việc dùng aspirin liều thấp sẽ có lợi. Nhưng nếu bạn không bị bệnh tim, bạn có nên dùng thuốc để dự phòng hay không? Câu trả lời cho hầu hết mọi người có lẽ là không.”


Tiến sĩ Michos nói, “Nhưng với những người còn lại có nguy cơ thấp hoặc trung bình, có vẻ như rủi ro của aspirin là lớn hơn so với lợi ích.”


Tiến sĩ Michos cũng nói rằng, đặc biệt với bệnh nhân lớn tuổi, bà sẽ cân nhắc kỹ về việc dùng thuốc nếu họ không bị bệnh tim. “Có khả năng, các giải pháp khác như dùng statin thích hợp, kiểm soát huyết áp chuyên sâu và ngừng hút thuốc là cách phòng ngừa hiệu quả hơn so với aspirin.”


Tiến sĩ Michos gợi ý rằng cách tốt nhất để đánh giá mức độ rủi ro của thuốc là thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bác sĩ có thể cân nhắc những rủi ro và lợi ích để xác định liệu aspirin liều thấp có phù hợp với một cá nhân hay không.




David Chu  _  Thanh Ngọc
***

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.