Pages

Sunday, September 14, 2014

Báo ''Người Hà Nội": Chị Cả Bống

image
Truyện ngắn ''Chị Cả Bống'' của Phạm Lưu Vũ được báo ''Người Hà Nội'' tải đăng với sự mất chức của phó tổng biên tập?! Ðọc truyện, ta có cảm giác rợn da gà, rởn tóc gáy! Tác giả quả đã ''ăn mật gấu'', mới dám ''vuốt râu hùm'' khi dám đem một bức tranh hiện thực xã hội ghê gớm ấy lên mặt giấy!

Bằng giọng văn khi miêu tả gián tiếp (qua các nhân vật), khi trực tiếp miêu tả, tác giả quả thật đã làm người đọc như... nghẹt thở với những hiện thực xã hội từng mảng, từng mảng được dựng lên. Ðầu đề là ''Chị Cả Bống'' nhưng cốt truyện xây dựng nhân vật trí thức là kỹ sư Hoàng. Nhân vật này đã có những bất hạnh trong gia đình (con hư hỏng); lại vấp phải những luật lệ xã hội kỳ quái (luật đóng tiền nuôi tù, xây nhà cho tù ở, luật sửa chữa nhà cửa, luật hối lộ khi gặp cảnh sát giao thông chặn hỏi giấy tờ, luật thẩm phán ăn nhậu, mình phải trả tiền, luật nhận xác, luật chôn cất, kiện tụng... ) cuối cùng dừng lại ở thảm kịch bi thảm, ghê người: Bọn ''blu'' (Medical coat) bệnh viện ''Chúng sinh'' dưới sự ''bật đèn xanh'' của công an và ''chú Sáu bên uỷ ban'', được luật pháp che chắn đã ngang nhiên... mổ bụng người đang sống con của chị Cả Bống để lấy ''mật '' bán chát ăn chia. Chị đã điên vì mơ thấy con hiện về kêu cứu nhưng luật lệ khắt nghiệt vô tâm đã đánh đổ mơ ước gặp con lần cuối của chị.

image
Giá trị một tác phẩm được đánh giá từ hai mặt:  Nội dung và nghệ thuật. Phạm Lưu Vũ đã khá thành công trên phương diện này. Tác giả đã xây dựng hình tượng nhân vật (đại diện cho một tầng lớp) gồm 3 tuyến nhân vật.

Tuyến một: Kỹ sư Hoàng (trí thức tiểu tư sản thấp cổ bé họng, bất lực là nạn nhân của một xã hội coi trọng tiền bạc, ''văn minh'' mà thật suy đồi!). Lão Tiến ''cụt giò'' (người hùng thời chiến anh em tương tàn) nhìn nhận hiện thực mà mình đánh đổi đôi chân cụt quá chua cay, bi đát! Người chủ quan tài ''Nhân nghĩa đường'' (tầng lớp buôn bán nhỏ) cũng không được tự do bán… hòm cho khách, đã phát biểu một câu độc đáo làm ta nhớ lại thời độc quyền thuốc phiện của Pháp:  ''Có thế họ mới có ăn chớ, độc quyền mà''. Chị Cả Bống (đại diện tầng lớp bần cố nông có gia đình tan nát vì thói hư, tật xấu của xã hội) đã điên loạn vì luật lệ dã man mà bọn ''quản lý thị trường" triệt để chấp hành một cách ngu xuẩn, tàn ác: Tịch thu bơ, lạc mà chị mót bán lấy tiền thăm con bị nạn.

Tuyến hai: Ðại diện cho chính quyền thời đại trong tác phẩm: Cảnh sát giao thông, thẩm phán, trưởng khu phố... hống hách, ăn hối lộ trắng trợn, công khai!

Tuyến ba: Ðại diện cho bọn người vô lương tâm, vô lại sống phè phởn trên sự đau thương của người khác như: Mụ tú bà, bọn ''blu'' (từ ả hộ lý đến bác sĩ và cấp trên các ''bác''), viên quản lý nhà xác, bọn khâm liệm, chôn xác...

Như vậy, toàn bộ gần hai mươi nhân vật đại diện đầy đủ mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội đã được tác giả dầy công dựng lên qua ngòi bút hiện thực nhằm phơi bày một thực trạng xã hội trong tác phẩm: Ðó là xã hội với một lớp trẻ bại hoại, hư hỏng (hai đứa con của kỹ sư Hoàng đại diện) "Ðứa con trai lớn 19 tuổi đang ở trung tâm cai nghiện. Ðứa con gái 17... bỏ học đi vũ trường thâu đêm suốt sáng... ". Con của tầng lớp trí thức đã như vậy nên con chị cả Bống cơ hèn còn tồi tệ hơn: ''Hai thằng lớn theo bố làm nghề xin đểu kiêm trấn lột ở bến đò Ðuôi cáo''. Kết qủa cho cuộc đời hư hỏng, lưu manh trên ''bị đâm lòi ruột chết cả ba bố con từ năm kia''. Hiện thực suy thoái đạo đức con người bắt đầu bằng những người ''đầy tớ của nhân dân'' trong tác phẩm là những tên cảnh sát giao thông hống hách "tuýt còi, chỉ thẳng cái dùi cui vằn vện vào mặt anh, một cảnh sát khác ngồi vắt vẻo trên yên xe máy phân khối lớn màu trắng''. Thật là một sự mâu thuẩn hài hước: Giữa một bên cảnh sát đứng đầy đường mà vẫn nhan nhản động tú bà với ''lãi 40% mỗi ngày'' và ban ngày ban mặt, bọn cướp đã cướp xe gây cái chết tức tưởi cho cháu Phúc con chị Cả Bống!

Một xã hội đầy tham nhũng, ăn hối lộ từ trong ra ngoài qua những hình ảnh kỹ sư Hoàng ''móc bóp rút ra một tờ đẹp đẽ vuông vắn có in hình lãnh tụ, bước tới chỗ anh ta...''. Còn có thêm một gã thẩm phán nhắc khéo với một giọng ''hết sức lễ phép'' rằng ''vụ kiện của cơ quan anh có thể bị đình chỉ vì phía anh chưa nộp chi phí cho việc thẩm tra''. Hắn còn muối mặt hơn nhắn rằng ''bữa nhậu chiều qua vì điện thoại cho anh không được mà anh ta và đám chiến hữu bên viện kiểm soát phải ký nợ nhà hàng một khoản kha khá, lúc nào anh ghé qua thanh toán dùm...''. Ta có cảm giác bọn ''Người nách thước kẻ tay đao. Ðầu trâu mặt ngựa ào ào như xôi'' của Nguyễn Du cũng phải ''chào thua'' trước cử chỉ ''lịch thiệp'', ăn giật ''cao cấp'' này trong truyện ngắn "Chị Cả Bống" này của Phạm Lưu Vũ!

Ngòi bút của tác giả tưởng chừng như ''lạnh tanh'' khi điểm qua từng nhân vật trên đến ông ''trưởng khu phố'' về việc thi hành mệnh lệnh nhà nước như ''đóng góp xây dựng nhà tù '', ''sửa nhà không xin phép''. ''Can phạm bây giờ nhiều quá... trong nhà gặp lưu manh, ra đường đụng kẻ cướp; rồi còn lũ ăn trộm, lừa đảo cho vay nặng lãi, nhà tù nào cũng chật ních". Lời nhận xét, phê phán này, tác giả thật khôn khéo vì không để cho kỹ sư Hoàng, chị Cả Bống là nạn nhân trực tiếp nói mà lại để chính người của chúng tự phê với nhau. Chính lão Tiến ''cụt giò'' đã trở thành ''phế thải'', chỉ ''la cà hết nhà này đến nhà khác kiếm câu chuyện làm qùa''. Lão càm ràm vụ họ đòi tiền đóng góp xây nhà tù  ''Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá, phải đóng góp tiền xây nhà tù cho bọn bất lương ở, lại còn phải nai lưng nuôi chúng nữa, trong khi bọn lưu manh ngày càng chiếm đa số, người lương thiện ngày càng giảm đi. Biết đâu đến một lúc nào đó, những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình...''. Câu nói này buông ra từ trong miệng một lớp người thuộc diện đãi ngộ của chế độ (thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng) khiến cho người đọc không khỏi giật mình suy nghĩ về ''cái nhà tù dành cho những người lương thiện''?

Còn công lý? Công lý nằm ở đâu? Chỉ một cái xác chết mà bệnh viện ''Chúng sinh'' (chúng... "xin đểu" lục phủ ngũ tạng người chết thì đúng hơn!) là nơi ''Phép vua thua lệ làng'', chẳng phép tắc gì cả! Hãy xem những ''lương y như từ mẫu'' này: Chúng còn tệ lậu hơn bọn bán thịt, buôn người! Cái chết oan ức, tức tưởi của cháu Phúc con chị Cả Bống đã không làm cho bọn chúng động lòng, trái lại, chúng còn động tâm tham lam lạnh máu coi đó là món hàng béo bở! Cuộc đối thoại của họ với những cú điện thoại tanh mùi ''đồng'' làm tăng thêm tội ác ''phi tính người'' của một nhóm người ''blu'' này.

Bản chất tàn nhẫn tham thố bật ra khi chúng định giá những cái ''mật'' của người chết ''Cái mật hôm trước bán vội quá. Ngay hôm sau có người trả cao hơn cả chục triệu, tiếc đứt ruột''. Chúng là một lũ bất nhân khi mổ bụng người lấy ''mật'' bán. ''Các ông xuống làm ngay đi, thằng này căn cước ghi rõ ràng:19. Ðã kiểm tra, đảm bảo còn nguyên dương... Cái mật này mới tuyệt hảo, để quá hai tiếng có mà hỏng mẹ nó cả chì lẫn chài''. Bọn chúng còn là những kẻ nói láo, ngụy biện khi được gia đình hỏi thăm về nạn nhân ''Trong sổ này không thấy có tên Phúc '', ''Cháu quên không đọc trang cuối, đúng là có ...''. Chúng là một lũ vô trách nhiệm qua ả hộ lý gắt gỏng: ''Biết ai là phúc với họa gì ở đây. Ði mà hỏi trực ban". Chúng là một lũ trâng tráo:  ''anh bác sĩ hé cửa ngó theo, hơi lắc đầu, mỉm cười một nụ cười ý nhị rồi đóng cửa, ung dung quay vào''.

Trong "Tai ngược", Phạm Lưu Vũ cũng miêu tả bọn y bác sĩ thiếu chuyên môn trong việc chuẩn đoán hai đứa bé song sinh là Tiện và Kiền: "Các bệnh viện tuyến dưới (huyện, tỉnh...) không xem xét kỹ, vừa thoạt nhìn thấy hai thằng bé đeo vào nhau như thế, đã tưởng chúng thuộc trường hợp song sinh dính liền, bệnh viện mình không đủ khả năng mổ tách, cứ nhất tề giới thiệu ngay lên bệnh viện tuyến trên".

Bọn ''blu'' như thế thì làm sao có một khu cấp cứu sạch sẽ? Tác giả mô tả cảnh phòng cấp cứu như bãi rác của bông băng, máu me còn con người ''ngồi vạ vật rất chi là bệ rạc''. Ta không hiểu ở đó họ có trưng bày khẩu hiệu ''Xanh như công viên. Sạch như bệnh viện'' không? Cảnh nào cũng manh những điều nghịch lý ''những điều trông thấy'' đó có đau lòng trong ai? Tại sao, những kẻ ''blu'' lại dám ngang nhiên mổ gan, bán mật như vậy? Bởi đằng sau chúng là cả quyền lực chống lưng. Bọn công an điều tra ''bật đèn xanh'':"mổ đi" có gì ''đừng quên '' họ là được. Rồi cả bọn có chức quyền cũng xúm vào chia chát, tranh phần ''cái mật'' cuả thằng bé 19 tuổi xấu số đáng thương: ''Cái mật này tuyệt đối không được bán nghe chưa! Chú Sáu bên uỷ ban đăng ký rồi''. Pháp luật đã đứng sau lưng họ bởi vậy mà khi kỹ sư Hoàng đòi kiện, gã quản lý nhà xác vênh váo, thách thức: ''Tha hồ cho ông kiện, tất cả những cái chết bất đắc kỳ tử thế này đều phải mổ hết, luật pháp quy định như vậy. Hừ có mà điên mới đi kiện luật pháp". Thì ra, ''kiện luật pháp'' cũng giống như ''cái kiến mày kiện củ khoai''! Từ xưa đến nay, câu nói ấy đã thành "bia miệng".

Trong truyện ngắn "Chính danh", nhân vật ông chủ tịch xã Lê Viết Dân là nhóm tham quan, lợi dụng xây cầu treo để cùng các quan lớn "ăn theo". Nhân vật trưởng thôn Đồng Văn Cảnh thuộc nhóm "thấp cổ bé họng" chẳng làm chi được như anh Hoàng. Nhân vật gã quản lý nhà xác trịch thượng, xấc xược giống như nhân vật thằng Hội trong "Chuyện làng Kinh" mà cụ Cả mắng là "thằng mất dạy, thằng hỗn láo". Đủ thấy con người đã không còn tính người thì trí thức hay bần cùng cũng "phi văn hóa" như nhau!

image
Kỹ sư Hoàng từ phản ứng mạnh mẽ (đòi kiện) nhưng khi ''dập đầu'' với những thủ tục phiền phức, bất nhân này vì thương cháu nên anh một lần nữa chịu phép: ''Tôi xin ông, ấy là tôi chót nhỡ mồm... chỉ mong sao mang cháu về nhà...". Vậy mà anh phải qua mấy lần thủ tục ''đầu tiên'' nữa để nhận xác cháu ra. Một phản kháng bị đốt thành tro bụi vì chạm vào bức tường lửa. Vượt qua bức tường này chỉ có những kẻ chuyên nghiệp sử dụng "vi tính" mà thôi! Trong truyện ngắn "Chính danh", nhân vật ông chủ tịch xã Lê Viết Dân là nhóm tham quan, lợi dụng xây cầu treo để cùng các quan lớn "ăn theo". Nhân vật trưởng thôn Đồng Văn Cảnh thuộc nhóm "thấp cổ bé họng" chẳng làm chi được như anh Hoàng.

Độc giả thật sự chóng mặt khi phải đọc những dòng cuối trong truyện ngắn này với sự ngã giá ''băng giá chuyên nghiệp'' của bọn chôn cất: ''chôn mặt lối đi là 12 triệu, phía trong 8 triệu... Chôn đứng rẻ hơn một nửa... thành ra đầy những ma đứng, linh hồn đứng, đứng vĩnh hằng". Giá trị hiện thực của sự ''vĩnh hằng'' này là oan hồn kêu cứu của bé Phúc con chị Cả Bống: ''Mẹ ơi,con chết rồi. Họ đang mổ bụng con. Mẹ ơi...''. Tất cả những mơ hồ, bàng hoàng, kinh khiếp ấy đã giết luôn linh hồn người mẹ cuối cùng. Một gia đình với ba kẻ chết vì bị ''đâm lòi ruột'', một chết vì nạn cướp lột dã man và bị mổ bụng lấy mật bán, một chết cả linh hồn dẫu là truyện nhưng ta cảm thấy cõi lòng xót xa cho kiếp con người. Người đọc đã, đang và sẽ thấy rõ hình ảnh Chí Phèo xách dao tới nhà Bá Kiến đòi quyền sống với một chị Dậu đơn độc giãy giụa trong bần hàn song song với những người cùng khổ sống dậy thì một lũ ''đầu trâu mặt ngựa'', những kẻ ''bán linh hồn cho quỷ dữ" cũng đã không bị xiềng gông nhoi lên, cắn xé cho rách nát chút tâm hồn tốt đẹp còn sót lại của con người !

Tác phẩm khép lại trong ''hoàng hôn bắt đầu buông... cả không gian như chìm trong biển máu''. Tác phẩm làm người đọc thoi thóp theo câu nói của lão Tiến ''cụt giò'': ''Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá''. Hình ảnh chị Cả Bống điên loạn, lê la, liếm láp ở bến đò ''Ðuôi cáo'' như hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở quẩn quanh bên cạnh cái lò gạch, không lối thoát là một bức tranh phơi bày trần trụi cuộc sống bề ngoài tô son trét phấn mà thôi còn ''sự thật vẫn cứ mãi là sự thật'' với những linh hồn ''đứng vĩnh hằng'' đáng sợ!

Hình ảnh một người đàn ông chọn kiếp sống trong tù để mong được ''làm người lương thiện” sao quá bất nhẫn. Nếu đây là một cuộc sống có thật, chúng ta cũng đành đăng ký một xuất trong tù để mong làm người lương thiện! Trước khi làm người lương thiện, chúng ta cũng phải ''nện'' cho cái bọn quản lý thị trường ngu xuẩn kia tơi tả vì chúng đã nhân danh công lý dỏm mà tịch thu mồ hôi nước mắt của chị Cả Bống (những bao bơ lạc, bơ gạo nếp không có... nhãn !!!). Chúng ta có thể cho hết ruột gan để cứu người vô tư và hữu ích nhưng sẽ hiện hồn ma nhát cho những kẻ lương y mất tính người kia mau xuống địa ngục mà sám hối tội lỗi. Những luật pháp kia nếu là sức mạnh của kẻ xấu sao ta không thể dùng đạo luật của ''108 anh hùng Lương Sơn bạc'' mà hành hiệp trượng nghĩa? Bạn sẽ làm gì để những xấu xa trong tác phẩm này cần được giải quyết hỡi những ai đang ôm mộng ''phục quốc''? Thanh gươm Từ Hải vung lên! Thuý Kiều được báo ân, báo oán. Truyện ngắn này cần có những trang tiếp theo để người đọc … 'hạ hỏa'' thay vì cứ phải sống trong cảnh... được "cỡi lên cổ" như ông Tiện trong "Tai ngược" vì thoát khỏi cảnh ông Kiền cỡi cổ này, ông Tiện chẳng thấy gì là vui sướng. Tức là hai người song sinh được phẩu thuật tách đôi thì chẳng còn gì là "tương thân tương trợ"! Nghĩa đen và nghĩa bóng nằm hết trong ngữ cảnh này!

Tiếc thay! ''Chị Cả Bống'' ra đời chưa bao lâu thì cái ''gan'' của Phó tổng biên tập ''Người Hà Nội'' bị... kẻ khác mổ bụng! Chuyện các Tổng, phó biên tập báo từ ''Thanh niên '', ''Người lao động'', ''Báo nhân dân''  bị mất chức đến những ký giả bị truy tố, nhà văn, nhà thơ bị đe dọa… đâu còn là chuyện lạ.

Chúng ta cần phân biệt sự khác nhau giữa thể loại ''phóng sự'' và thể loại ''truyện ngắn'' mới có thể đánh giá đúng một tác phẩm. Văn học phản ánh hiện thực nhưng nhiều khi sự ''hư cấu'' của một tác phẩm vượt ra hiện thực cho phép thì cũng có giá trị như ''ước mơ'' cái gọi là ''chân thiện mỹ'' đến cho con người. Tính giáo dục của một tác phẩm là ở chỗ nó dám nêu lên hiện thực cả ở mức phóng đại nhất định có hiện thực chân xác làm nền. Hiện thực xã hội đúng như trong tác phẩm cũng chỉ mới là một phần ngàn. Xã hội ta đang ngỗn ngang bao tệ nạn tham quan, móc ngoặc mà báo đài, nghị quyết, văn bản mỗi khi nối ngôi, vua nào cũng xin thanh trừng tham nhũng, tệ lậu xã hội. Văn học phải phản ánh hiện thực xã hội mới gọi là "văn học". Tác phẩm miêu tả hiện thực xã hội với những vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình thì nhân vật đó mới có tác dụng xây dựng nhân cách con người. Nhìn vào nhân vật đó, ta có thể thấy rõ những điều tốt đẹp mình cần theo và nên tránh xa những gì nên xa lánh. ''Chị Cả Bống'' nói riêng hay những tác phẩm tương tự nói chung chẳng có gì mà cấm đoán. Con người hay tò mò và chuyện ''thừa nước đục thả câu'' vì văn học và luật pháp thường có ''kẽ hở''. Xem ra, nếu bắt phó tổng biên tập vì dám đăng một tác phẩm tố các hiện thực thì các chủ trương chống tham ô, móc ngoặc của chính phủ hẳn là không có thực?

image
Giá trị ''thẩm mỹ, hiện thực'' của một tác phẩm bị xâm phạm đến mức báo động vì nếu cứ đi sâu vào tác phẩm moi gan, xé ruột tác phẩm để xem cái gì ''nó đang chửi xéo mình'', ''nó lôi mình lên giấy''... E rằng những nhà xuất bản sách cho những nhà văn vĩ đại thế giới như Honoré de Balzac với ''Tấn trò đời'' (La Comédie humaine), Victor - Marie Hugo với ''Những người khốn khổ'' (Les Misérales)... bị ''thọp'' cổ hết. Ngay ở Việt Nam, những ngòi bút hiện thực như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... có ngày cũng bị ''quy án'' : ''Nói xấu chế độ''. Tương lai sau này, văn học Việt Nam sẽ không có tác phẩm nào mang giá trị hiện thực dám phơi bày cái xấu để hướng thiện mà ''sống sót''. Đó chính là nỗi đau của nền văn học hiện thực sau chiến tranh của Việt Nam nói riêng và nền Văn học Việt Nam nói chung.

Không có thời đại nào, xã hội nào, chế độ nào mà ''tốt vĩnh hằng'' nên văn học không thể chỉ có những tác phẩm toàn ca ngợi. Ðường vinh quang sao lại phải ''xây xác quân thù''? Bài ''Tiến quân ca'' của Văn Cao ấy vi phạm một chữ ''Nhân'' của cha ông mà vẫn chưa ai dám sửa đổi nên cứ là ''Quốc ca'' thì ''Chị Cả Bống'' chỉ là ''râu ria, tép riêu'' mà người ta đã ''hoảng hốt'' tịch thu, cấm đoán. Tâm không vững nên dễ động. Kẻ thiếu bản lĩnh thường “thổi rau nguội” vì “kiền canh nóng”. Người không ác thì sợ gì thiên hạ cho mình ác! Ngẫm nghĩ người xưa nói chí lý lắm thay!./.




Ngọc Thiên Hoa


Chị Cả Bống
image


image


image


image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image

image



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.