Pages

Saturday, May 25, 2019

Dùng cỏ dại để chống biến đổi khí hậu

BM
Hơn 60 năm trước, khi còn là một đứa trẻ, nhà nông Peter Andrews chứng kiến cơn bão bụi đầu tiên trong đời.

Ông vẫn còn nhớ rõ. "Âm thanh rất khủng khiếp," ông kể. "Chúng tôi nấp trong nhà chờ bão đi qua. Cả bầu trời tối đen. Và thiệt hại mà chúng tôi thấy ngày hôm sau còn tồi tệ hơn vậy."

Gió đã phá trụi nhiều cây trong đất gia đình ông. Vài con ngựa và gia súc chết ngạt vì bụi.

Trải nghiệm ban đầu đã dẫn ông đến mối quan tâm đặc biệt: cố gắng hồi sinh đất đai ở Úc, vì bão bụi chỉ xảy ra ở những vùng nóng, khô cằn nơi rất ít cây cỏ giữ đất.

BM
Trải nghiệm bão bụi khi còn nhỏ đã khiến Peter Andrews tiếp cận với nông nghiệp theo cách khác.

"Nó thực sự khiến tôi… suy nghĩ tìm ra giải pháp để giữ cho đất đai được cân bằng," Andrew nói. "Sau nhiều thập niên, qua quan sát tôi học được cách giữ cho đất đai màu mỡ, và hiểu được vì sao mỗi vùng đất đều có hệ thống tự nhiên của riêng nó. Ở Úc, chúng tôi đã tàn phá cảnh quan bằng nền nông nghiệp kiểu châu Âu. Chúng tôi cần tìm ra cách để hồi sinh đất."

BM

Trong thập niên 1970 và 1980, Andrews trở nên quan tâm tới nông nghiệp bền vững. Ông nhìn vào dòng nước và cây trồng sinh sôi trên đất nhà mình, và cố gắng tránh sử dụng phân bón và thuốc diệt cỏ. Ông muốn làm cho nông trại có thể bền bỉ trước môi trường nhất có thể.

Một vấn đề điển hình là hạn hán. Vấn đề khác là cỏ mọc đầy trên đất gia đình, trong khi cây trồng bản địa thì không chịu mọc.

Ông đã nhận ra hai điểm quan trọng. Đầu tiên, cây trồng là yếu tố quan trọng để khiến đất cân bằng. Thứ hai, nước cũng vậy.

BM
Ông Andrews dành cả đời để học cách giữ cho đất đai màu mỡ

Ông nhận thấy mỗi vùng đất đều có vòng quay của riêng nó - nơi nước bắt nguồn và nơi nước chảy đến.

Để có thể hồi sinh một vùng đất bị xói mòn, bạn phải bắt đầu từ điểm cao nhất, làm cho dòng nước chảy chậm lại, sau đó từ từ đi xuống, lọc nước bằng bất cứ loại cây trồng nào có sẵn ở đó, ông giải thích.

Đây là nguồn gốc ý tưởng của ông về làm nông theo chu trình tự nhiên.

Cỏ dại giữ nước

Đó là năm khô nóng tới mức kỷ lục ở hầu hết các vùng ở Úc.

Một phúc trình khoa học gần đây cho thấy mùa hè năm ngoái ở Úc được đánh giá có "những đợt không khí nóng, những ngày nóng bức kéo dài, cháy rừng xảy ra khắp nước Úc, và mưa lụt nặng nề ở bang Queensland".

Biến đổi khí hậu và quá trình khai hoang đất đã khiến nhiệt độ tăng vọt, thời tiết trở nên khắc nghiệt ở Úc, bản phúc trình nói, và "bốn năm vừa qua là bốn năm nóng nhất, nóng kỷ lục trên bề mặt Địa Cầu". Rất nhiều người do không thể trồng cấy hay cho chăn nuôi gia súc đã phải rời bỏ nông trại.

BM
Thời tiết ngày càng khô nóng khiến nhiều người buộc phải rời bỏ trang trại

Nghiên cứu từ Hội đồng Bảo tồn Tự nhiên Úc (NCC) cũng cảnh báo về tình trạng mất rừng ở Úc, đặc biệt là vùng New South Wales "ở quy mô chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua," giám đốc điều hành NCC Kate Smolski nói.

Bản phúc trình của NCC giải thích tình trạng phá rừng có nghĩa là có ít cây xanh hơn trong việc "gây mưa, làm mát thời tiết và hấp thụ khí carbon".

Do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, điều kiện tự nhiên và tình trạng phá rừng khiến Andrews gọi Úc là "phòng thí nghiệm của thế giới trong vấn đề thích nghi với thời tiết".

Làm nông nghiệp thuận tự nhiên gồm có bốn yếu tố. Đầu tiên là khôi phục độ màu mỡ để cải tạo đất đai; thứ hai là gia tăng nguồn nước ngầm; thứ ba là tái tạo cây trồng, trong đó có cỏ dại, nếu cần; và thứ tư là cần hiểu nhu cầu đặc thù của từng loại sinh cảnh.

BM
Tái tạo thực vật, trong đó có cỏ nếu cần thiết, là phần quan trọng trong chu trình nông nghiệp thuận tự nhiên.

Ý tưởng của Andrews không được đón nhận rộng rãi. Trong nhiều thập niên, ông bị nhiều người coi như kẻ lập dị. Ông không phải nhà khoa học, và mãi đến năm 2013 người ta mới có bằng chứng khoa học cho thấy làm nông nghiệp thuận tự nhiên có thể hiệu quả.

Một số người phê phán đặt câu hỏi liệu nếu việc quản lý đất đai tốt hơn và tránh phương pháp làm nông kiểu hủy hoại (như chặt cây để làm nông) thì liệu có cần đến nông nghiệp thuận tự nhiên không.

BM

Một số người khác không đồng ý với đề xuất sử dụng cỏ dại của ông: những dự án bảo tồn thường khuyến khích trồng các loại cây đặc hữu của Úc, thay vì để cho loài cỏ xâm lấn phát triển, vì người ta cho rằng cỏ cạnh tranh với cây trồng bản địa để giành nguồn nước quý hiếm.

Nhưng một khu vực thử nghiệm phương pháp nông nghiệp thuận tự nhiên tiến hành ở nơi cách thành phố Canberra một giờ xe chạy về phía đông có vẻ như đã chứng minh ý tưởng của Andrews về cỏ là hiệu quả - tuy hiện thời đây mới chỉ là thử nghiệm trong quy mô nhỏ. Khu vực thử nghiệp dài 6km trải dài theo dòng suối Mulloon vốn chảy qua một mạng lưới các nông trại trồng cây hữu cơ giờ đang ứng dụng cách làm của Andrews.

Năm 2016, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc công bố Nông trang Tự nhiên Mullon Creek là một trong số ít những nông trại trên thế giới thực sự bền vững, và mạng lưới này khen ngợi mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên.

BM
Suối Mulloon trước và sau khi ứng dụng phương pháp canh tác thuận tự nhiên

Tại Suối Mulloon, tôi gặp Gary Nairn, chủ tịch Học viện Mulloon, một tổ chức nghiên cứu và giảng dạy về phương pháp canh tác bền vững và tái sinh, khuyến khích theo cách làm của Andrews.

Ông chỉ vào những cây mâm xôi xâm thực mà nhóm của ông cắt tỉa, những cây bụi được cắt gọn giờ nằm trong một phần hồ, giúp lọc nước hồ. Tiếng nước chảy và tiếng các loài chim nhỏ âm vang trong không gian khi tôi lại gần.

Học viện Mulloon được đặt trong khu trang trại kế bên hồ nước và được đặt theo tên Andrews.
Nơi đây giảng dạy phương pháp canh tác thuận tự nhiên cho nông dân, nhà khoa học và sinh viên đại học.

Học viện Mulloon cũng làm việc với nhiều trường đại học ở Úc để quan trắc tình trạng nước dọc theo dòng suối bằng thiết bị đo áp suất do các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Úc và Đại học Canberra lắp đặt.

"Các nhà khoa học đã cho thấy quá trình canh tác thuận tự nhiên đã làm tăng dòng chảy, nâng mực nước ngầm," Nairn giải thích.

BM
Các chuyên gia từ Viện Mulloon đã phát hiện ra nông nghiệp thuận tự nhiên có thể làm tăng mực nước ngầm

Nhóm nghiên cứu của ông hiện đang làm việc ở đoạn suối chảy xa hơn nữa ra 43km, chạy qua 20.000 ha nông trại để trồng thêm cỏ, đập tràn, giống như bờ đập dọc theo dòng suối. Bờ suối được làm bằng đá, kẽ hở giữa đá được phủ đầy thân cây mâm xôi chặt nhỏ để làm màng lọc nước và giảm tốc độ dòng chảy.

Dù có rất ít mưa, dòng suối giờ đã chảy lại và đồng cỏ một thời chỉ là đất khô cằn lở lói vì hạn hán nay đã phủ màu xanh. Đó là vì bờ đập có tác dụng, giúp đất thấm độ ẩm nhiều hơn và giúp cây trồng có thể sinh trưởng dọc theo bờ suối.

"Cỏ và đập cản hấp thu năng lượng từ nước, và giúp cảnh quan thêm độ ẩm," Nairn cho biết. 

BM
Nông trại tự nhiên Mulloon Creek vào năm 2005, trước khi phương thức canh tác góp phần hồi sinh phần lớn cây cỏ dọc theo dòng suối

Toàn bộ quá trình gần giống như "tạo ra một miếng bọt biển khổng lồ làm từ cỏ", ông nói.

"Những gì chúng tôi học được là không bao giờ tiêu diệt cỏ dại cho đến khi bạn hiểu lý do mà loài cỏ đó đang tồn tại. Khi có rất nhiều cỏ dại thường nghĩa là có điều gì đó không ổn với độ màu mỡ của đất đai. Nếu bạn nhổ hết cỏ đi, bạn cần phải thay thế chúng bằng loài cây khác," ông lý giải.

Những loại cây mọc dại có thể được chặt và thả xuống suối như việc đã được làm ở hồ nước bên ngoài Học viện Mulloon.

Theo Nairn, bằng cách này, những loài cây bản địa Úc sẽ dần dần mọc lại. Thật vậy, một số loài đã quay trở lại dọc theo dòng suối.

Bồn hút chứa carbon

Vẻ đẹp của cỏ dại là chúng cũng hoạt động như một bồn carbon: hệ thống hút carbon khỏi bầu khí quyển và tích trữ carbon thành dạng khác. Điều này có thể giúp kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu.

BM
Bằng cách hấp thụ khí carbon khỏi bầu khí quyển, cỏ dại có thể giúp kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu.

"Rừng, đại dương và đất đai, tất cả đều có thể loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển và tích trữ chúng," Christa Anderson, nhà nghiên cứu khí hậu từ Quỹ Quốc tế về Tự Nhiên ở Hoa Kỳ cho biết.

Anderson giải thích rằng lượng CO2 mà một hệ sinh thái có thể hấp thụ được phụ thuộc vào việc nó ở đâu và được kiểm soát ra sao.

"Trong khi rừng có tiềm năng tích trữ carbon lớn nhất và vì vậy có thể giúp giảm thiểu khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác, thì vẫn còn lượng lớn phương thức canh tác nông nghiệp có thể giúp tăng khả năng tích trữ carbon," Anderson giải thích.

BM

"Ta cần loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển bằng cách cải thiện việc quản lý rừng, bảo tồn và hồi phục vùng đất ngập nước, đất than bùn và rong biển, và cải thiện quá trình canh tác nông nghiệp."

Một số nhà khoa học giờ đây tự hỏi liệu thậm chí những dự án nhỏ như Nông trại Mulloon Creek có thể có tác dụng như bồn chứa carbon để hồi phục sinh cảnh hay không, nếu có đủ số lượng các nhà nông khác cũng cùng thamgia tạo ra những "khối bọt biển khổng lồ từ cỏ dại".

"Khi bạn tích trữ nước trong đất, bạn có thể hút carbon vào trong đất và khiến đất tăng năng suất và bền vững hơn," Nairn cho biết thêm.

BM
Hầu hết vùng New South Wales và Queensland ngày nay là đất khô cằn

Điều này quan trọng vì quá nhiều rừng đã bị chặt phá dành đất cho nông nghiệp quy mô lớn khiến cho các bồn chứa carbon dần mất đi.

Những dải đất ở New South Wales và Queensland giờ đây cằn khô vì đất bị khai phá dành chỗ cho trang trại quy mô lớn. Nhưng với hàng tỷ tỷ tấn, đất đai và cây cỏ có thể tích trữ gấp đôi số lượng carbon trong bầu khí quyển - vì vậy ta cần nhiều cây cối hơn nữa, chứ không phải ít hơn, để có thể hút lượng carbon sản sinh ngày càng nhiều từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người.

Câu hỏi là liệu những dự án nhỏ có đủ để đưa nông trại hồi sinh trở lại, trong khi tình trạng mất rừng và suy thoái đất diễn ra ở quy mô vô cùng lớn.

Nairn cho rằng có lý do để ta có thể lạc quan. "Bạn chỉ cần ý chí để thực hiện điều này," ông nói. "Điều mà chúng tôi tự hào là chúng tôi đang dành cho người trẻ niềm hy vọng vào nông nghiệp thuận tự nhiên - niềm hy vọng rằng bạn có thể tiếp tục sống trên mặt đất nếu bạn quản lý nước và cây cối tốt hơn."

Peter Andrews đồng ý, dù ông nói thêm rằng ông luôn ghét cụm từ nông nghiệp thuận tự nhiên.

BM

"Cái tên đó khiến tôi khó chịu. Việc này thực sự chỉ là quan sát cảnh quan và trả lại tình trạng ban đầu của nó trong khả năng tốt nhất bạn có thể làm. Mỗi loài cây đều có lý do để tồn tại."

Trong khi những lành lãnh đạo thế giới vẫn đang tranh luận liệu có thể hay không, vào khi nào và bằng cách nào ta có thể cắt giảm khí thải carbon, thì một nông trại bền vững bên dòng Suối Mulloon ở Úc đang chứng minh những loài cỏ dại công nghệ tầm thường có thể hút carbon và khiến dòng sông chảy trở lại.

Đây là giải pháp nhỏ nhưng đáng chú ý trước vấn đề nghiêm trọng toàn cầu.



Georgina Kenyon

BM

TT Trump ra lệnh điều tra hồ sơ từ nguồn gốc vụ án Trump-Russia
Nồi cơm điện tách đường trong gạo
Bị phạt vì 'vừa lái xe vừa gãi mặt'
Phá đường dây ấu dâm xuyên Úc, Thái, Mỹ
Những hiện tượng quái lạ
Cuộc đua vào tâm Trái Đất
Văn hóa tù binh văn minh Nội Chiến
Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng vượt qua ngưỡng cửa lịch sử
Những thủ thuật thiết kế sân bay
Huawei có tồn tại khi bị Mỹ cấm cửa?
Hộ tống hạm USS Kirk tối 30 tháng Tư 1975
Cô gái gốc Việt chế áo chống đạn ‘đầu tiên trên thế giới’
Đề xuất của Trump về di trú khơi dậy tranh cãi
NASA vĩ đại trở lại
Thêm một đồng minh của Tàu cộng & Việt cộng “Gãy Cánh”
Sợi dây đắt nhất thế giới
Quan Tây & Quan Ta
Suy nghĩ rập khuôn dễ đánh giá sai tình hình
Đội tàu phá hoại nhất của Trung cộng trở lại Biển Đông
R.I.P: Nhà thơ Tô Thùy Yên

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.