Pages

Tuesday, February 22, 2022

Hành trình khám phá thế giới các loại trà

 BM

Có sáu loại trà “thật” thường được công nhận, nhưng trên thực tế, có tới hàng trăm loại trà, mỗi loại đều có những đặc điểm riêng và cách pha trà riêng biệt.

Trà là thức uống phổ biến nhất trên thế giới sau nước lọc đồng thời cũng chứa đựng giá trị truyền thống và lịch sử.

“Trà làm dịu tinh thần và điều hòa tâm trí, xua tan sự ủ rũ và giảm mệt mỏi, đánh thức suy nghĩ và ngăn ngừa cơn buồn ngủ, giúp cơ thể sảng khoái và nhẹ nhàng, cũng như khiến tư duy nhận thức trở nên rõ ràng” —Lu Yu, “The Classic of Tea” (Tạm dịch: Tác phẩm kinh điển về Trà). 

Trà từ lâu đã trở thành một trong những thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Theo trang World Tea News, trà chỉ đứng sau nước lọc về mức độ phổ biến. Thật đáng kinh ngạc khi có tới 25,000 tách trà được tiêu thụ mỗi giây trên toàn cầu, tương đương với 2.16 tỷ cốc mỗi ngày!

Trà là một thức uống cổ xưa, được viết đến rất nhiều trong các tác phẩm. “The Classic of Tea” hay “Ch’a Ching”, được đánh giá là một cuốn sách tinh túy về trà, và được cho là tác phẩm đầu tiên về chủ đề này.

BM

Được viết bởi nhà sư Phật giáo Lu Yu vào thời nhà Đường của Trung cộng, “The Classic of Tea” đã khiến trà trở nên nổi tiếng ở Trung cộng . Tác phẩm trình bày chi tiết mọi khía cạnh của trà, từ cách trồng và sản xuất đến sự thông thái và nghệ thuật uống trà.

Trà có nguồn gốc từ thời cổ đại

Trong khi nhà sư Lu Yu được biết đến như một Trà sư, thì Thần Nông là người có công phát hiện ra trà cách đây khoảng 5,000 năm.

Theo truyền thuyết, Thần Nông là Tam Hoàng Trung cộng cổ đại. Sinh ra vào thế kỷ 28 trước Công nguyên, người ta kể rằng mẹ của ông là một công chúa và cha ông là một con rồng trên thiên thượng.

Thần Nông được biết đến như một vị cha đẻ của y học Trung Hoa với khả năng siêu phàm. Để xoa dịu nỗi đau khổ của mọi người, ông đã đi khắp nơi để tìm kiếm các loại cây và quả mọng khác nhau nhằm xác định tác dụng của chúng trong việc chữa bệnh. Truyền thuyết kể rằng Thần Nông có dạ dày trong suốt và có thể nhìn thấy trực tiếp tác dụng của một loài thực vật đối với cơ thể khi thử nghiệm.

BM

Một ngày nọ, khi đang đun một ấm nước uống, một vài loại lá cây không rõ nguồn gốc đã bị gió thổi vào nồi. Là một nhà thảo dược nhạy bén, Thần Nông đã nếm thử loại nước này và cảm thấy như được tiếp thêm sinh lực. Và thức uống có tên là trà đã được sinh ra một cách tình cờ kể từ đó.

Ban đầu trà được sử dụng vì các đặc tính y học, giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa, trầm cảm, mệt mỏi, v.v. Thần Nông đã sử dụng trà làm thuốc giải độc khoảng 85 lần, sau khi vô tình chính bản thân ông bị trúng độc trong lúc thử nghiệm các loại thảo mộc khác nhau.

Đến thời nhà Đường (618–906 sau Công nguyên), lần đầu tiên trà được ghi nhận như một loại thức uống hàng ngày. Văn hóa uống trà bắt đầu từ các nhà sư Phật giáo, họ sử dụng trà trong các nghi lễ, và sau đó trà nhanh chóng lan rộng ra dân chúng.

BM

Chính trong thời kỳ “Hoàng kim” này, văn hóa trà đã ra đời. Trà đã trở thành thức uống trên khắp nơi ở Trung Hoa, đồng thời nghi thức pha chế và uống trà được nâng lên thành một loại hình nghệ thuật. Uống trà cần một không gian, tư tưởng, cũng như dụng cụ pha và uống trà đặc biệt. Đó là một trải nghiệm gần như tâm linh, đề cao cảnh giới Thiên nhân hợp nhất.

Đến thời nhà Minh vào giữa những năm 1300, một thị trường trà xa hoa đã phát triển. Trà trở thành biểu tượng của địa vị, với những loại trà ngon nhất dành cho giới thượng lưu. Những người sành trà thường nói về chất lượng sắc thái và sự khác biệt tinh tế của trà, trong khi các học giả ca tụng khả năng khiến tâm trí trở nên minh mẫn và tập trung hơn của trà. Trên thực tế, trà không chỉ được nhắc đến trong nhiều bài thơ, mà còn là nguồn cảm hứng trong nhiều bức tranh.

Trà lan rộng ra khắp thế giới

BM

Trong 3,000 năm kể từ khi xuất hiện, trà chỉ phổ biến ở Trung Hoa. Mãi cho đến năm 805 SCN, trà mới bắt đầu di cư sang các vùng miền khác.

Đó là do một nhà sư Phật giáo đến từ Nhật Bản, người đầu tiên mang hạt giống về nhà. Ban đầu trà được tiêu thụ trong các tu viện, cuối cùng lan rộng ra toàn xã hội và phát triển đến mức độ phổ biến gần như ở Trung Hoa.

Sau đó, trà được mang đến khắp phần còn lại của Á châu và Trung Đông, cuối cùng đến Nga và Âu Châu vào những năm 1600. Các thương gia Bồ Đào Nha là những người Âu Châu đầu tiên mang trà về nước, trong khi người Hà Lan là những người đầu tiên nhập khẩu trà từ Trung Hoa. 

Vào những năm 1700, trà đã trở thành thức uống phổ biến nhất ở Anh, trong khi ở Ấn Độ, nơi cây trà là giống bản địa, nhưng trà vẫn chưa trở thành một phần trong chế độ ăn uống của người Ấn Độ cho đến khi người Anh bắt đầu sản xuất trà ở đây vào giữa những năm 1800.

BM

Trà đã đến châu Mỹ với những người thuộc địa. Chính việc đánh thuế cao của Công ty British East India lên sản phẩm trà đã dẫn tới sự thành lập của Đảng Trà Boston, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh Cách mạng, đánh dấu sự kết thúc tình yêu giữa Hoa Kỳ và trà trong nhiều năm. 

Trà từ lâu đã được tôn vinh như một nghi lễ. Tại Trung cộng, nghi lễ Cha Dao, hay Trà đạo phát triển trong suốt thời nhà Đường. Nghi lễ này được đúc kết từ Phật giáo và Đạo giáo, bao gồm sáu khía cạnh chính: tâm thái khi uống trà, cách chọn trà, chọn nước, chọn ấm trà, không khí thưởng trà và kỹ thuật pha trà.

Ở Nhật Bản, nghi lễ Chanoyu là một tương tác thanh lịch và thân mật giữa chủ nhà, khách, trà và dụng cụ pha trà, nhằm tôn vinh các yếu tố “hài hòa, tinh khiết, tôn trọng và yên tĩnh”.

BM

Trà từ lâu đã được tôn vinh cùng với nghi lễ.

Anh Quốc gần như gắn liền với trà chiều (còn gọi là trà bàn thấp). Vào những năm 1840, Nữ công tước xứ Bedford Anna bắt đầu uống trà với đồ ăn nhẹ vào khoảng 4 giờ chiều được ghi lại như là một truyền thống. Tiệc trà cao (uống trên bàn cao) bắt nguồn từ tầng lớp lao động, bao gồm một bữa ăn đầy đủ và một ấm trà vào khoảng 5 – 6 giờ chiều.

BM

Nước Anh nổi tiếng với trà chiều.

Mỹ Quốc đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử triển ở thời hiện đại của trà, phổ biến trà đá dưới sức nóng của Hội chợ Thế giới vào năm 1904 ở St. Louis, và trà túi lọc được phát minh vào khoảng năm 1908.

Cách sản xuất trà 

BM

Những người đam mê trà có thể ngạc nhiên khi biết rằng tất cả các loại trà (không bao gồm trà thảo mộc) đều có nguồn gốc từ cây trà Camellia Sinensis. Khi đến thăm Vườn trà Charleston ở Nam Carolina vào mùa hè năm ngoái, tôi đã khám phá ra rằng chính cách chế biến lá trà đã tạo ra nhiều loại trà khác nhau.

Chất lượng và hương vị của trà, giống như rượu vang, bị ảnh hưởng bởi môi trường trồng trọt. Cây trà thường phát triển tốt nhất ở những nơi có độ cao với lượng mưa lớn và đất có tính acid, giàu khoáng chất. Và mặc dù trà được trồng ở hơn 30 quốc gia, nhưng phần lớn chỉ đến từ một số nơi: Trung cộng, Ấn Độ, Sri Lanka, Kenya và Indonesia.

BM

Những người đam mê trà có thể ngạc nhiên khi biết rằng tất cả các loại trà đều chỉ xuất phát từ cây trà Camellia Sinensis.

Trà là một trong số ít cây trồng vẫn được thu hoạch chủ yếu bằng tay. Việc hái bằng tay giúp bảo vệ những chiếc lá mỏng manh khỏi bị bầm dập và cho phép chỉ những lá tốt nhất được sử dụng để pha trà. Mặc dù hiện nay đôi khi người ta sử dụng máy móc để thu hoạch nhưng chúng tạo ra một sản phẩm kém hơn rất nhiều.

Mặc dù có hàng trăm loại trà, nhưng chỉ có sáu loại trà “thật” được công nhận, bao gồm: trà trắng, trà xanh, trà ô long, trà đen (được gọi là trà đỏ ở Trung cộng), cùng với trà vàng và trà Phổ Nhĩ ít được biết đến hơn. Phần còn lại là hỗn hợp trà và trà thảo mộc được làm từ hoa, rễ, lá cây hoặc vỏ cây. Loại trà này được coi là “dịch truyền” hoặc nước thuốc sắc.

BM

Quy trình làm trà chính thống bắt đầu với việc hong khô lá trà trong một quy trình có thông khí tốt kéo dài từ 12 – 18 giờ, được gọi là làm héo. Làm héo loại bỏ khoảng 50 – 60% hàm lượng nước của lá, làm cho lá mềm hơn và phù hợp hơn với quá trình cán trà sau đó.

Bước tiếp theo là quá trình oxy hóa hoặc lên men. Quá trình oxy hóa là một quá trình lên men xảy ra tự nhiên khi lá được hái và protein trong lá tiếp xúc với không khí. Trong khi sản xuất trà, quá trình oxy hóa càng nhiều, trà càng sẫm màu. Để đẩy nhanh quá trình oxy hóa, một quy trình được gọi là cán trà được sử dụng để làm dập lá và giải phóng nhiều hơi ẩm tiếp xúc với không khí hơn. Để dừng quá trình oxy hóa, lá được làm nóng bằng quá trình sao khô giúp loại bỏ bất kỳ độ ẩm nào còn sót lại.

Chính quá trình oxy hóa đã tạo ra các loại trà khác nhau. Về cơ bản, trà xanh không bị oxy hóa, trà trắng bị oxy hóa khoảng 1% – 10%, trà ô long bị oxy hóa 10% – 85% và trà đen bị oxy hóa 100%. Trà vàng được chế biến tương tự như trà xanh, nhưng thêm một bước trong đó lá vẫn còn độ ẩm, gây ra quá trình oxy hóa nhẹ. Còn trà Phổ Nhĩ thì được lên men bằng các vi sinh vật như nấm men.

Những lợi ích sức khỏe của trà 

BM

Trà đã được coi trọng trong hàng ngàn năm nay ở phương Đông vì những lợi ích sức khỏe, và phương Tây cuối cùng cũng bắt đầu công nhận những điều này.

Trong số các loại trà, trà xanh có chứa epigallocatechin gallate và nhiều chất chống oxy hóa khác nhau, được coi là tốt cho sức khỏe nhất. Theo WebMD, trà xanh có thể giúp đốt cháy chất béo, ngăn ngừa sự phát triển của nhiều bệnh ung thư, giảm nguy cơ mắc các bệnh thần kinh như Alzheimer và Parkinson, cải thiện mức cholesterol và giảm nguy cơ đột quỵ.

Trà đen có tác dụng chống đột quỵ và khói thuốc lá gây hại cho phổi, trong khi trà trắng có một số đặc tính chống ung thư mạnh nhất. Trà ô long và trà Phổ Nhĩ giúp giảm cholesterol xấu. Ngoài ra, trà Phổ Nhĩ còn có thể giúp ngăn ngừa tăng cân.

BM

Trong Đông y, người ta nói rằng bạn có thể đi một ngày không có thức ăn, nhưng không thể không có trà. Mặc dù không phải là quan niệm phổ biến trong y học phương Tây, nhưng Đông y tin rằng cơ thể cần cân bằng giữa làm mát và làm ấm. Trà có khả năng tuyệt vời giúp làm ấm và làm mát cơ thể, giúp cơ thể trở lại trạng thái cân bằng.

Ví dụ, vết thâm là dấu hiệu thể hiện có quá nhiều nhiệt bên trong, vì vậy nên dùng trà giải nhiệt, chẳng hạn như trà xanh hoặc trà trắng. Tiêu hóa kém là biểu hiện của cơ thể quá lạnh, vì vậy tốt nhất nên dùng trà ấm, chẳng hạn như trà đen hoặc trà Phổ Nhĩ. Theo nguyên tắc chung, trà xanh tốt nhất vào mùa hè và cho người trẻ trong khi trà đen tốt nhất vào mùa đông và cho người già.

Phẩm chất của từng loại trà

BM

Các lựa chọn để thưởng trà rất nhiều và đa dạng, từ túi trà lọc pha trong một cốc nước nóng đến việc mua riêng một ấm trà bằng đất cho từng loại trà lá rời, với đồ dùng và dụng cụ pha trà thích hợp. Bạn thậm chí có thể tạo chòi hoặc phòng uống trà của riêng mình để thưởng thức trà trong một môi trường thư giãn.

Dù theo cách nào thì bạn cũng nên bắt đầu từ việc tìm hiểu phẩm chất của các loại trà. 

Trà trắng, một trong những loại trà được săn lùng nhiều nhất, được cả những người đam mê trà và những người mới bắt đầu uống trà ưa chuộng. Đây là một loại trà tinh tế được chế biến tối thiểu, có hương vị nhẹ nhàng của hoa và trái cây, vì vậy rất phù hợp cho những người mới làm quen với trà. Theo trang Sencha Tea  Bar, hai trong số những loại trà trắng được ưa chuộng nhất là cây kim tiền và hoa mẫu đơn trắng.

BM

Trà xanh, thường được sao trên chảo theo phương pháp truyền thống của Trung cộng, có mùi thơm đặc trưng, trong khi trà matcha Nhật Bản, được sản xuất bằng cách nghiền lá trà xanh thành bột mịn, có hương thảo mộc với vị đắng nhẹ và dư vị ngọt ngào.

Trà ô long với hương hoa lưu lại nhẹ nhàng. Các loại trà ô long ít oxy hóa có xu hướng có nhiều hương hoa hơn, trong khi các loại trà oxy hóa nhiều hơn có hương đậm đà và vị mạch nha.

Trà đen chiếm 75% lượng trà tiêu thụ trên toàn cầu với các hương vị khác nhau, tùy thuộc vào khu vực và sự đa dạng của cây chè. Trà Ceylon, được trồng ở Sri Lanka có hương socola đậm đà và cam quýt, trong khi trà đen của Trung cộng có vị đậm, chát. Trà Ấn Độ Assam mang hương vị mạch nha, vị đất, trong khi trà Darjeeling chứa đựng hương hoa và trái cây. 

BM

Trà Phổ Nhĩ ít được biết đến hơn, phổ biến ở Trung cộng cùng với trà vàng, có phẩm chất tương tự như trà đen và trà xanh.

Nhiệt độ nước và thời gian pha trà rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng đến hương vị của trà. Trà xanh nên được pha chế đơn giản nhất và ngâm trong nước ở nhiệt độ từ 150°F -160°F (khoảng 66°C – 70°C) trong 2 – 4 phút. Trà trắng nên được ngâm trong nước ở 180°F (khoảng 82°C) trong 4 – 6 phút, trà ô long ở 190°F (khoảng 88°C) trong 5 – 8 phút và trà đen, là loại khó nhất, trong nước sôi từ 4 – 6 phút.

Để trải nghiệm các loại trà khác nhau, hãy tìm kiếm cửa hàng trà ở địa phương của bạn hoặc trên internet. Seven Cups nhập khẩu trực tiếp các loại trà truyền thống, thủ công từ Trung cộng, trong khi Tea Forté, Palais Des Thes, Art of Tea, Teavivre, Red Blossom Tea và Adagio bán các loại trà từ khắp nơi trên thế giới, cũng như đồ dùng pha trà. Bạn cũng có thể thử một loại trà mới mỗi tháng bằng cách tham gia câu lạc bộ đăng ký trà, tham gia các lớp học về trà trực tuyến hoặc thậm chí đào tạo để trở thành người thưởng trà.

BM

Mặc dù tôi vẫn luôn thưởng thức trà, nhưng tôi chưa bao giờ nhận ra được thế giới của trà rộng lớn như thế nào. Đó là một hành trình khám phá đối với tôi và tôi hy vọng bạn cũng vậy.

Nếu bạn chưa từng thưởng thức trà, tôi hy vọng bạn sẽ làm như vậy và nếu bạn đã từng biết một chút về trà trước đây, tôi hy vọng bạn sẽ có cảm hứng để khám phá thêm về nó.

Tatiana Denning, D.O. là một bác sĩ gia đình và chủ sở hữu của Simpura Weight Loss and Wellness. Cô tin vào việc cung cấp cho bệnh nhân kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ thông qua quản lý cân nặng, tạo lập thói quen lành mạnh để phòng ngừa bệnh tật.

 

 

Tatiana Denning  _  Tú Liên
***

Cô gái hái chè và thằng “Phải Gió”

 BM 

Trong kho tàng ca dao VN, phần lớn các câu ca dao dùng để tả những sinh hoạt cộng đồng, hay đề cao những đức tính tốt nhằm mục đích khuyên nhủ người đời..

***

Người Mỹ nghĩ gì khi uống “Trà”

BM
Các lọai “Trà” Hoa Kỳ thường uống, dân Mỹ nghĩ gì khi uống “Trà”

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.