Pages

Wednesday, July 31, 2013

Xây dựng một di sản mới của Mỹ ở Việt Nam

image
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của Việt Nam trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục ở Tòa Bạch Ốc, ngày 25/7/2013.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tuy không đạt được nhiều kết quả thực chất nhưng đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng đã diễn ra đúng như những gì mà người ta có thể chờ đợi.

Bất chấp những khác biệt, cả Mỹ và Việt Nam đều có ý định phát triển mối quan hệ, với điều kiện, dĩ nhiên, là một số tiến bộ về phía Việt Nam.

Kết quả nổi bật nhất của cuộc gặp chính là việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã xác lập mối quan hệ “đối tác toàn diện” nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc gặp có lẽ mang tính biểu tượng: cuộc gặp gỡ đã tạo cơ hội để hai vị nguyên thủ cho thế giới thấy rằng hai cựu thù đã sẵn sàng cho những bước kế tiếp.

image
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là liệu chuyến thăm này có dẫn đến những điều lớn lao hơn và tốt đẹp hơn hay không?

Những bước tiếp theo

Những gì diễn ra tiếp sau cuộc gặp này thì còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, sự can dự sâu sắc hơn về ngoại giao và chính trị dường như là mong muốn của cả hai bên.


Việc đối thoại giữa các nước để xóa nhòa sự khác biệt, đặc biệt là về dân chủ và nhân quyền, chắc chắn sẽ cho thấy là khó khăn nhất, song đó lại là một thách thức xứng đáng để chinh phục.

Người Mỹ phải xây dựng một di sản mới ở Việt Nam thay vì chỉ là những mục tiêu chiến lược và lợi ích kinh tế.

Mười tám năm sau khi tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995, di sản của Mỹ ở Việt Nam vẫn gần như không thay đổi: một cường quốc bên ngoài mà Việt Nam (hay đúng hơn Bắc Việt Nam trước năm 1975) từng chống lại trong một cuộc chiến, với hậu quả ngoài mong muốn là chất độc màu da cam cùng hiệu ứng phụ kéo dài cho đến tận hôm nay của nó.

image
Người Mỹ gọi cuộc xung đột này là chiến tranh Việt Nam, nhưng người Việt Nam lại gọi đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sự thù nghịch có thể không còn hiện diện ở đây nữa, thay vào đó là những quan ngại tức thời khác; song cho dù người ta có cố gắng thoát khỏi quá khứ để tiến về phía trước thì quá khứ cũng không bao giờ bị lãng quên.

Mặc dù cả hai nước đã xích lại gần nhau hơn kể từ năm 1995, song từ “gần nhau hơn” kia lại mang tính tương đối nếu xét tới thực tế là trước đây quan hệ giữa hai quốc gia không tồn tại. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cho đến khi thành tích nhân quyền của nó tiến bộ rõ rệt.

Thật không may là trước đây, sự phê phán của Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền của Việt Nam lại rơi vào những cái tai điếc ở Hà Nội. Như thể một bài toán chi phí - lợi ích, Hoa Kỳ không có nhiều để mất khi yêu cầu Việt Nam làm nhiều hơn để cải thiện tình hình nhân quyền, còn Việt Nam lại không có nhiều để mất khi phớt lờ yêu cầu đó.
image
Trên phương diện kinh doanh, cả hai nước đều khá hài lòng với tình trạng hiện thời. Hoa Kỳ coi Việt Nam như một thị trường mới khác để khám phá, còn Việt Nam thì xem Hoa Kỳ như một nhà đầu tư mới trong nền kinh tế đang phát triển của họ. Đối với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, điều quan trọng là Việt Nam làm nhiều hơn để cải thiện thành tích nhân quyền. Tuy nhiên, đơn giản là Việt Nam chưa bao giờ đủ quan trọng đối với chính phủ của các tổng thống kế tiếp nhau ở Mỹ để họ phải dốc hết năng lượng ngoại giao và chính trị cho chủ đề ấy.

Bây giờ thì điều này không còn đúng nữa. Với việc Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương, hay chính sách xoay trục như người ta vẫn thường đề cập đến, Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, đã trở thành một nhân tố trong chiến lược mới của Hoa Kỳ.

Ngược lại, như cách mà chiến lược tái cân bằng làm tăng giá trị của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc cũng làm tăng giá trị của Mỹ đối với Việt Nam.

Bắt tay vào hành động

Bất kể là Tổng thống Obama hay một ai khác, Hoa Kỳ cũng cần nỗ lực để xây dựng một di sản mới ở Việt Nam. Một di sản được xây dựng dựa trên cải cách dân chủ và nhân quyền sẽ không chỉ đạt được những gì mà Hoa Kỳ từng đề ra để phấn đấu trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mà còn đem đến cho nhân dân Việt Nam một xã hội tự do và cởi mở. Thay vì bom đạn, thứ vũ khí mà người ta lựa chọn ở đây sẽ là ngoại giao và giáo dục.
image
Chủ nghĩa Đại Hán đang hồi sinh mạnh mẽ ở Trung Quốc – thực ra nó chưa bao giờ ngủ quên mà như lời của cố lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình là chỉ “náu mình chờ thời” thôi – và phả hơi nóng gay gắt vào Việt Nam. Cả thế giới đang phải dè chừng với Trung Quốc chứ không riêng gì Việt Nam, một đất nước luôn phải đứng trước âm mưu thôn tính từ hàng ngàn năm nay của họ.

Cho dù rồi đây Hoa Kỳ có trở thành đối tác chiến lược toàn diện hay đồng minh của Việt Nam đi chăng nữa thì đó vẫn chỉ là yếu tố ngoại lực, điều kiện đủ; còn điều kiện cần, điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tồn tại và phát triển bên cạnh một gã láng giềng luôn lăm le nuốt chửng mình phải là nội lực, là một Việt Nam hùng mạnh. Muốn vậy, Việt Nam phải là một đất nước tự do - dân chủ; chỉ với một thể chế dân chủ, minh bạch, các nguồn lực xã hội mới được phân bổ theo những cách thức đạt hiệu quả cao nhất.

Vượt qua sức ỳ của cả một bộ máy khổng lồ, bảo thủ, trì trệ, cũng như sự kháng cự mạnh mẽ của các nhóm lợi ích đang tác oai tác quái trong hệ thống hiện hành ở Việt Nam để hướng tới cải cách là chuyện không đơn giản.

Muốn vậy, ngoài sự lên tiếng mạnh mẽ của các lực lượng tiến bộ trong nước, sự quyết đoán của các nhà lãnh đạo cấp tiến cũng như sự thức tỉnh của các nhà lãnh đạo bảo thủ thì áp lực bên ngoài là hết sức quan trọng.
image
Cao trào dân chủ hoá trên thế giới và trong khu vực đang tạo ra một áp lực lên giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng đó chỉ là thứ áp lực vô hình, gián tiếp. Áp lực này đôi khi lại gây ra tác dụng ngược là đẩy giới lãnh đạo bảo thủ Việt Nam vào con đường cố thủ, như những gì mà chúng ta đã chứng kiến thời gian qua. Áp lực cụ thể, trực tiếp tác động đến lên hệ thống hiện hành là từ các đối tác mà Việt Nam buộc phải hợp tác như Liên Hợp Quốc, EU … và đặc biệt là Hoa Kỳ.

image
Chính vì vậy, Hoa Kỳ không được phép nương nhẹ Việt Nam trên những vấn đề có tính nguyên tắc như nhân quyền hay cải cách trong khu vực doanh nghiệp nhà nước (khi đàm phán TPP).

Thông điệp thay đổi

Lớp lãnh đạo hiện nay của Việt Nam cần phải hiểu rằng thế giới đang thay đổi rất nhanh, rằng người dân Việt Nam đang ngày càng trở nên bất an, và rằng chính sách cầu hoà thường thấy của giới lãnh đạo Việt Nam không còn hiệu quả nữa.


Lớp trẻ Việt Nam ngày nay đã quá hiểu những hạn chế của chính phủ. Ngoài ra, họ cũng ý thức được rằng họ có nhiều lựa chọn.

Việc Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ đối tác toàn diện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam bắt tay vào tiến trình cải cách, dân chủ hoá đất nước bằng một bản hiến pháp mới tự do, dân chủ, phù hợp với xu thế của thời đại.
image
Điều này không chỉ phát đi tín hiệu rõ ràng và tích cực nhất đến một Hoa Kỳ vẫn đang còn hồ nghi, lưỡng lự, mà quan trọng hơn là mở đường cho sự phát triển bền vững của nước nhà, vì một Việt Nam tự do, dân chủ, nhân văn và cường thịnh.

Với cán cân quyền lực đang thuận lợi cho phía Mỹ, nhất là khi mà chính sách xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương của họ không nhất thiết phải dựa vào sự hợp tác của Việt Nam, Hoa Kỳ có thể điều đình để đòi hỏi Việt Nam phải cải cách.

Hoa Kỳ cần nêu rõ với Đảng CSVN rằng họ không phải là mối đe doạ đối với Việt Nam, rằng họ có thể đem đến sự hỗ trợ nào đó cho Việt Nam song chỉ khi một số điều kiện nhất định được thoả mãn.

Di sản Hoa Kỳ

Việc Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trao tặng Tổng thống Obama một bản sao lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gửi Tổng thống Truman là thông điệp nhiều ý nghĩa.

67 năm trước, Chủ tịch HCM đã chọn lối rẽ cộng sản sau khi thất bại trong việc thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ năm 1946 buộc họ phải dựa vào khối cộng sản để phát động 9 năm kháng chiến chống Pháp mà hệ quả sau đó là sự can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tranh Nam-Bắc Việt Nam 1954-1975.
image
67 năm sau, các nhà lãnh đạo Việt Nam ở Ba Đình lại cảm thấy cần đến Mỹ hơn bao giờ hết. Thông điệp không thể nhầm lẫn mà Chủ tịch Sang chuyển tới Tổng thống Obama là hãy hợp tác với chúng tôi vì quyền lợi của tất cả chúng ta; Việt Nam đã sẵn sàng bước qua khúc quanh lịch sử 67 năm để hướng tới một tương lai tươi sáng trong quan hệ Việt-Mỹ, như buổi sáng đẹp trời ấm áp hôm 25/7/2013, khi Chủ tịch hiện thời của Việt Nam bước vào Nhà Trắng mang theo bức thông điệp 67 năm trước của Chủ tịch HCM - vị lãnh tụ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - là hãy giúp Việt Nam chúng tôi!

image
Vài năm tới đây là cơ hội thuận lợi để Hoa Kỳ củng cố hình ảnh của họ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp cả khu vực, khẳng định rằng họ vẫn là nguồn cảm hứng cho tự do và dân chủ. Tuy nhiên, để biến điều này thành hiện thực, Hoa Kỳ phải hành động tương ứng. Liệu Hoa Kỳ còn có thể tạo ra một di sản nào lớn hơn ở Việt Nam so với việc thiết lập một nền tự do - dân chủ trên đất nước này?



Vũ Đức Khanh_Lê Anh Hùng

image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.