Pages

Friday, May 30, 2014

VN xích lại gần cựu thù Hoa Kỳ

image
Tàu Việt Nam và Trung Quốc gần giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt gần quần đảo Hoàng Sa
VN xích lại gần cựu thù Hoa Kỳ, Nhật Bản giữa lúc tranh chấp Biển Đông leo thang

Giới phân tích nói xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam đang đẩy Hà Nội xích lại gần hơn với Washington và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, kể cả Nhật Bản và Philippines.

Theo bản tin của tờ South China Morning Post, những giải pháp của Hà Nội bị hạn chế giữa lúc họ đang cố gắng lôi kéo sự chú ý của quốc tế, và cùng lúc không muốn phương hại tới quan hệ với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc, một đối tác quan trọng về ý thức hệ và kinh tế.

Tờ báo dẫn lời Giáo sư Li Ming jiang của Đại học Quan hệ Quốc tế Singapore, nói rằng trong ngắn hạn Việt Nam và Hoa Kỳ có khả năng tăng cường hợp tác quân sự. Nhưng về lâu về dài, các vấn đề như tình hình nhân quyền tại Việt Nam sẽ ngăn cản nỗ lực tạo dựng một quan hệ đối tác bền chặt hơn.
image
Việt Nam cũng đang chuẩn bị chung kết một thỏa thuận để Việt Nam nhận thêm tàu tuần tiễu của Nhật. Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng ủng hộ Hà Nội trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ The Wall Street Journal mới đây.

Sáng thứ Sáu, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã rời Nhật Bản lên đường sang Singapore để dự hội nghị an ninh ba ngày. Theo dự kiến, tại đây ông sẽ đưa ra hình ảnh một nước Nhật như một lực đối trọng với sức mạnh đang tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Các hãng tin AFP, Kyodo và AP tường thuật rằng trong một bài diễn văn quan trọng đọc vào tối hôm nay, Thủ Tướng Abe sẽ vạch ra viễn kiến của ông về những gì mà Nhật Bản có thể đóng góp cho nền hòa bình toàn cầu.

Các giới chức Nhật cho biết tại hội nghị Singapore, Thủ Tướng Abe cũng sẽ giải thích vì sao Nhật Bản đang tái xét những hạn chế về pháp lý đã được áp đặt bởi Hiến Pháp chủ hòa của nước ông, trong bối cảnh tình hình an ninh đang thay đổi.

image
Thủ Tướng Abe sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel hôm nay, thứ Sáu, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Onodera sẽ gặp Bộ trưởng Hagel vào ngày thứ Bảy.

Các cuộc họp cấp cao diễn ra giữa lúc trong nội địa Nhật Bản đang có tranh cãi gay gắt hơn về liệu Nhật Bản có nên hành xử quyền tự vệ, và sửa đổi chính sách chủ hòa của Nhật Bản sau thời chiến, hay không.

Các động thái của Nhật Bản nhằm tháo gỡ các hạn chế để có khả năng bênh vực các đồng minh bị tấn công quân sự đang gây nhiều quan ngại tại Trung Quốc và Nam Triều Tiên.

image
Bất cứ cuộc tranh cãi nào giữa Tokyo và Bắc Kinh cũng sẽ thu hút sự chú ý tại hội nghị an ninh Singapore, trong bối cảnh các chiến đấu cơ Trung Quốc mới đây đã áp sát một cách bất thường các máy bay của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản trên Biển Hoa Đông.

Trí thức Việt Nam gửi thư ngỏ về tình hình khẩn cấp của đất nước

image
Hơn một trăm nhà trí thức Việt Nam vừa ra thư ngỏ gửi đến đồng bào trong và ngoài nước cùng các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, bày tỏ quan tâm về “tình thế hiểm nghèo khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm”, tiếp theo sau những sự cố dồn dập xảy từ đầu tháng Năm, trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trang mạng boxit.com đăng bức thư ngỏ có chữ ký của nhiều trí thức cả trong lẫn ngoài nước. Trên danh sách này có tên nhiều nhà hoạt động, nhà văn nhà thơ, nhà báo và một số đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Danh sách này còn có chữ ký của một số lãnh đạo tôn giáo và quân đội, trong đó có Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.

Bức thư ngỏ tố cáo mưu đồ lấn chiếm Biển Đông và “hành vi xâm lược bằng vũ lực, ngang nhiên vi phạm luật pháp và các cam kết quốc tế” mà Trung Quốc đã ký kết. 
image
Bức thư ngỏ này được soạn thảo bởi nhóm trí thức đã khởi xướng kiến nghị 72 và ký tuyên bố quyền thực thi quyền chính trị và dân sự.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, một trong những người đã ký vào thư ngỏ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho biết thông điệp chính của lá thư ngỏ này:

“Cái thông điệp nổi bật là phải dứt bỏ 4 tốt và 16 chữ vàng, mối quan hệ lệ thuộc vào Trung Quốc, đấy là cái thứ nhất. Thứ hai là, chỉ có xây dựng một hệ thống dân chủ thực sự, một nền dân chủ và một nền pháp trị thực sự, tức là không còn độc đảng, không còn toàn trị thì Việt Nam mới có cơ chống ngoại xâm, bởi vì Việt Nam hiện bây giờ đang trơ trọi, tuy rằng trong nước, Tivi vẫn nói rằng nhân dân thế giới ủng hộ, nhưng mà thực sự là bất chấp sự kêu gọi của ông Thủ Tướng, những nước mà lên tiếng mạnh mẽ cũng chỉ nói một cách chiếu lệ mà thôi bởi vì một nước độc đảng, một chế độ độc tài khó mà thuyết phục được những người khác làm bạn.”

image
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu IDS và từng là Chủ tịch Hội Tin Học Việt Nam, nói rằng đã đến lúc Đảng Cộng Sản Việt Nam nên gạt sang một bên 16 chữ vàng và 4 chữ tốt trong quan hệ với Trung Quốc.

Nhưng liệu tình hình thực tế trong nước đã chín muồi cho các đảng chính trị khác sẵn sàng hoạt động hay chưa, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:

“Tôi nghĩ rằng nếu mà người dân thúc ép và bản thân những người cầm quyền cũng hiểu được điều đấy và có một thay đổi về mặt pháp luật, hợp thức hóa các đảng chính trị khác hoạt động thì tôi nghĩ rất là nhanh chóng họ có thể tự tổ chức được, chứ không có gì là quá khó khăn cả.”

Bức thư ngỏ nói chính quyền Việt Nam vẫn trấn áp các cuộc biểu tình khi người dân muốn bày tỏ ý chí muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia và chống xâm lược trước dã tâm muốn thôn tính Biển Đông của Bắc Kinh.

image
Nhóm khởi xướng bức thư ngỏ nói rằng tình hình nguy hiểm hiện nay là một thách thức, nhưng có thể là “một cơ hội lớn cho dân tộc chấn hưng theo con đường dân tộc và dân chủ”.
Bức thư kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước hãy đoàn kết và kiên quyết đấu tranh để bảo vệ độc lập  và chủ quyền quốc gia.



image



image

image


image

image

image

image

image

image

image

image


image




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.