Nhìn hình ảnh người
phụ nữ trẻ măng, có gương mặt bầu bĩnh, giọng nói nhẹ nhàng, trong vắt, khó ai
có thể nghĩ rằng cô lại là Giám Đốc Dược của hệ thống Prime Healthcare
Services, điều hành khoa Dược của 42 bệnh viện nằm rải rác ở 14 tiểu bang Hoa Kỳ.
Điều quan trọng hơn,
nữ dược sĩ ra đời chỉ hai tháng trước biến cố 1975, là hậu duệ của H.O7, đến Mỹ
năm 1991, vừa được nhận giải thưởng của Hội Di Sản Á Châu (Asian Heritage
Awards) và Bằng khen của Quốc Hội tiểu bang California trao tặng cho Doanh Gia
Xuất Sắc bởi những đóng góp của cô trong lãnh vực công tác của mình.
Người phụ nữ đó là
Christina Ngọc Cao (Cao Xuân Thanh Ngọc).
Giám đốc Dược của hệ
thống bệnh viện Prime Healthcare Services ở tuổi 40
Vẫn còn lâng lâng
trong niềm vui với những gì được trao tặng, Christina giải thích về lý do được
nhận giải thưởng, “Khi họ quyết định trao giải thưởng này cho tôi, có lẽ vì họ
không chỉ nhìn vào công việc mỗi ngày của tôi là lo chuyên môn của khoa Dược,
mà còn phải chịu trách nhiệm điều phối cho khoảng ngân sách lên tới $300 triệu
mỗi năm để lo cho khoa Dược của 42 bệnh viện trong hệ thống.”
Prime Healthcare
Services trong nhiều năm liền được xếp vào Top 15 hệ thống y tế xuất sắc trên
toàn quốc gia. Hệ thống y tế này hiện nay có 42 bệnh viện nằm ở 14 tiểu bang,
trong đó có những bệnh viện khá quen thuộc với người gốc Việt, như Huntington
Beach Hospital, Garden Grove Medical Center, West Anaheim Hospital Medical
Center, hay Centinela Hospital Medical Center, Desert Valley Hospital Medical
Center... Trong số này, có bệnh viện 80 giường, nhưng cũng có bệnh viện lên đến
500 giường bệnh.
“Tính đến lúc này,
trong ngành Dược chưa có ai đảm nhiệm chức vụ tương tự ở lứa tuổi trẻ như vậy,”
cô “khoe” một cách hồn nhiên.
Giải thích cho sự tò
mò của tôi, là "Công việc cụ thể của một giám đốc Dược (Corporate
Director) của toàn hệ thống là gì?", Dược Sĩ Christina cho biết, “Trách
nhiệm hàng ngày của tôi là phối hợp và giám sát 42 khoa Dược của 42 bệnh viện
trên toàn quốc; duy trì và xem xét các chính sách, qui trình để đảm bảo sự điều
phối, quản lý, lưu trữ, và sử dụng thuốc an toàn tại tất cả các nơi trong hệ thống.”
Không chỉ vậy, cả việc
“quản lý nhân sự, quyết định tài chính về hàng tồn kho, đánh giá và quyết định
mua thuốc mới, thực hiện các khảo sát đánh giá toàn hệ thống, giám sát ngân
sách và ứng dụng những kế hoạch phù hợp nhằm sửa chữa và cải tiến chi phí dược
của toàn hệ thống...” cũng là trách nhiệm của nữ giám đốc Dược này.
Cô nhận xét, “Nói
chung là mình không chỉ lo cho bệnh nhân có sức khỏe tốt hơn khi trở về nhà mà
đây cũng là một công việc kinh doanh mà nếu mình không làm cho nó vận hành tốt,
có hiệu quả, sinh lợi thì bệnh viện sẽ bị phá sản.”
"Vậy điều thú vị
với công việc này là gì khi một dược sĩ thực thi nhiệm vụ trong vai trò của một
người quản lý, một người làm thương mại?” Tôi lại thắc mắc.
“Thú vị nhất tôi thấy
là khi mình là thành viên của một đội ngũ gọi là 'Transitional team'. Có nghĩa
là mỗi khi công ty mua một bệnh viện mới là mình đồng hành cùng những người quản
trị trong công ty để bay tới bệnh viện đó xem coi họ vận hành nó như thế nào.
Thường thì những bệnh viện mà công ty tôi mua là bị phá sản (bankruptcy) hoặc
đã sắp đóng cửa vì không có vận hành hiệu quả, không thể tiếp tục được nữa.
Công ty tôi đầu tư tiền vô để vực bệnh viện đó dậy,” Christina nói một cách từ
tốn.
Cô giải thích thêm,
“Sự thú vị nằm ở chỗ mình tham gia vào việc đánh giá, đưa ra những đề nghị chỉnh
đốn lại cách vận hành bệnh viện để nó đi đúng với những điều căn bản. Có những bệnh
viện rất nhỏ, người bệnh lưu trú không nhiều mà nhân viên thì lại quá đông, như
vậy thì làm sao có đủ tiền trả cho nhân viên? Mà không có tiền thì chẳng chóng
thì chày bệnh viện sẽ đóng cửa.”
Dược Sĩ Christina
Ngọc Cao (trái) và ông Mike Cattivera, đại diện Ban Tổ Chức trao
giải Doanh Gia Xuất Sắc.
|
“Cho nên, là một
thành viên trong nhóm đó, mình đánh giá hết mọi thứ có liên quan đến thuốc men
rồi đưa ra những kiến nghị như xiết chặt lại đội ngũ nhân viên, quản lý lại
danh sách thuốc, cái gì cần giữ, cái gì không nên giữ, rồi xiết chặt lại việc vận
hành công ty, những gì không đúng phải chỉnh sửa lại.
Tôi tận mắt chứng kiến chỉ
trong vòng năm vừa rồi thôi, khi công ty mua thêm 10 bệnh viện, thì sau khi
thay đổi, đã có một số bệnh viện vực dậy và bắt đầu kiếm tiền được. Như vậy,
mình đã góp phần trong việc không những giúp cho cộng đồng đó giữ được bệnh viện
không bị đóng, cũng giúp cho người dân nơi đó có bệnh viện để tới, mình cũng
góp phần giữ lại rất nhiều công việc cho những người nhân công ở đó, chứ nếu một
bệnh viện đóng cửa thì biết bao nhiêu người bị mất việc.” Với những người đam
mê công việc, thì cứ đụng đến chuyên môn là dường như câu chuyện sẽ không bao
giờ dứt. Christina cũng thế, cô nói về công việc của mình một cách say sưa đến
lạ.
Và giải thưởng dành
cho “Doanh Gia Xuất Sắc” mà nữ dược sĩ này nhận được cũng không có gì khiến người
khác ngạc nhiên. Bởi cô xứng đáng được như thế, cho những công việc của mình.
Con đường trở thành
một giám đốc khoa Dược
Con đường trở thành
dược sĩ của Christina có lẽ xuất phát từ ý nguyện của ông ngoại.
“Hồi trước ông ngoại
có tiệm thuốc tây tên Trần Xuân Vịnh ở Hội An. Ông mất năm 1972 với ước nguyện
để lại là mong muốn một trong những người con thành dược sĩ theo bước chân ông.
Nhưng do nhiều hoàn cảnh, nên các con của ông ngoại không ai trở thành dược sĩ
hết,” cô kể.
Qua Mỹ khi gần 17 tuổi,
như nhiều con em của các gia đình gốc Việt, Christina cũng từng muốn trở thành
bác sĩ.
“Nhưng lúc ở UCI thấy
sao học bác sĩ sao mà dài đăng đẳng, sợ học không nổi. Lúc đó đọc sách báo lại
thấy ngành dược có vẻ hợp với phụ nữ hơn, mà mình cũng có thể kiếm tiền được
khá khá để chăm lo cho gia đình, nên quyết định học dược, cũng là để thay mẹ thực
hiện ước nguyện của ông ngoại,” cô nói thêm.
Tốt nghiệp trường dược
ở Florida năm 2004, Christina ở lại đó thêm một năm làm nội trú để trao dồi
thêm kiến thức. “Sau một năm đó, tôi quyết định chỉ làm ở bệnh viện chứ không
muốn ra ngoài làm vì thấy đó là nơi có thể vừa giữ cho mình kiến thức chuyên
môn, vừa là công việc mỗi ngày rất khác nhau, không dễ làm cho mình chán.”
Năm 2007, khi trở lại
California, Christina được nhận vào làm dược sĩ cho bệnh viện Desert Valley
Hospital Medical Center, ở Victorville. Cô cho biết, “Đây là bệnh viện đầu tiên
của Bác Sĩ Prem Reddy, chủ nhân của công ty Prime Healthcare Services.”
Dược Sĩ Christina Ngọc Cao cùng chồng và các con.
Chỉ sau một năm làm
việc, Christina đã nhận được lời đề nghị từ tổng giám đốc bệnh viện rằng “có muốn
giữ nhiệm vụ quản lý dược của bệnh viện không?”
|
“Khi đó tôi mới chỉ
ra trường 3 năm thôi, còn rất non trẻ, chưa biết gì về quản lý hết, nhưng tôi
thầm nói với chính mình là 'nhận trước rồi học sau'. Tôi hơi liều khi nhận nhiệm
vụ đó.
Nhưng đó là khởi đầu cho việc tôi trở thành người quản lý khoa Dược
(director pharmacy) của nhiều bệnh viện khác nhau trước khi nắm giữ nhiệm vụ
giám đốc Dược như hiện nay,” Dược Sĩ Christina nhớ lại.
“Kinh nghiệm của một
phụ nữ để có thể đảm nhiệm công việc đầy trách nhiệm này là gì?”
Christina trả lời
câu hỏi của tôi sau một thoáng suy nghĩ, “Nhìn lại, tôi thấy mình đôi khi mình
cần phải liều, phải làm gan một chút xíu. Khi cơ hội đến, mình ráng nắm lấy, bởi
có thể mình thành công, có thể mình thất bại. Nếu thành công thì mình vui mừng,
còn thất bại thì sẽ lấy đó làm bài học, chứ không phải để chùn bước.”
“Tôi thấy mình lớn
lên ở Việt Nam, phải trải qua rất nhiều sự khổ cực mới sang được đây, thì đó là
cả một cơ hội mà nếu mình không biết nắm bắt thì thành công sẽ không bao giờ tới
với mình,” cô nói thêm.
Và, người phụ nữ có
ánh mắt nhìn thẳng đầy tự tin cũng không ngần ngại cho biết, “Giấc mơ của tôi
là sẽ trở thành phó chủ tịch điều hành khoa Dược của hệ thống mà tôi đang làm
việc, Prime Healthcare Services. Tôi nhìn thấy viễn tưởng đó trong tương lai, nếu
như tôi luôn làm tốt với những gì mình đang có.”
Ngọc Lan/NV
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.