Chúng ta đang sống
trong mùa Phục sinh. Hôm nay, cũng là ngày chúng ta cùng hiện diện để cầu nguyện
cho công lý và hòa bình, cách đặc biệt cầu nguyện cho tiến trình hòa hợp hòa giải
dân tộc được thực hiện, để mọi thành phần trong xã hội cùng sát cánh bên nhau
gây dựng lại giang sơn cơ đồ mà cha ông chúng ta đã để lại.
Chúa phục sinh để
cho ai?
Dĩ nhiên, câu trả lời
là: không phải để cho Chúa, bởi Ngài là Đấng trường sinh. Việc Ngài đến thế
gian, đi vào trong cái chết và hôm nay phục sinh khải hoàn là để khẳng định cho
thế gian biết sự tất thắng của sự thiện trên sự ác, của công lý trên bất công,
của tình yêu trên hận thù. Phục sinh – như bài Tin mừng hôm nay cho thấy, là sự
khải hoàn của Chúa chúng ta. Chính trong sự khải hoàn của Con Thiên Chúa mà
nhân loại được giải thoát và được cứu độ. Do đó, phục sinh còn có thể mang một
ý nghĩa khác là nhờ sự phục sinh, mọi thực tại cùng được hồi sinh ngay trong
chính sự khốn cùng của nó.
Thành ra, có thể
nói, Chúa phục sinh là làm cho mọi thực tại được đổi mới, như Thánh Gioan đã được
thị kiến trong bài đọc thứ 2, trích sách Khải huyền mà chúng ta vừa nghe công bố.
Thánh nhân viết: “Tôi đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua
đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, từ
trời xuống từ nơi Thiên Chúa… Và tôi nghe có tiếng lớn từ ngai vàng phán ra:
“Đây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ
lau khô mọi giọt lệ nơi mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn
than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ nữa, vì các việc cũ đã qua đi”
(Kh 21, 1-5).
Như vậy, với những gì
chúng ta vừa nói, thì chúng ta phải xác tín mạnh mẽ rằng, Chúa đã Phục sinh
cũng có nghĩa là Ngài đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta, để cùng đi với
chúng ta vào trong mọi thực tại của cuộc sống và để cùng Ngài và nhờ Ngài, mọi
sự được phát triển và hồi sinh. Không có sự thay đổi nào nơi cuộc sống, thì ta
chưa sống mầu nhiệm phục sinh. Không có sự dấn thân can đảm để đổi mới cuộc đời,
thì ta chưa là người thực sự tin vào mầu nhiệm Chúa đã phục sinh và tin rằng
Ngài đang sống và ở giữa chúng ta.
Nhưng, làm thế nào để
có thể sống mầu nhiệm phục sinh mang tới sự hồi sinh?
Tối rất thích những
suy tư của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chia sẻ trong Thánh lễ đêm vọng phục sinh
2015. Ngài nói rằng chúng ta không thể sống mầu nhiệm phục sinh nếu chúng ta
không tiến thẳng vào trong nấm mồ nơi chôn giấu sự chết – là chính những thực tại
đang chi phối cuộc đời chúng ta. Đó có thể là nấm mồ của sự tội, của hận thù, của
bất công, của những toan tính nhân loại đang kìm kẹp sự tiến bộ của con người.
Và, việc tiến vào mầu nhiệm này buộc chúng ta không được sợ hãi thực tại: ở chỗ
chúng ta không được khóa kín bản thân mình. Chúng ta không được tẩu thoát khỏi
những gì chúng ta không hiểu được. Chúng ta không được nhắm mắt lại trước những
vấn đề hay chối bỏ chúng. Chúng ta không được gạt đi các vấn nạn của chúng ta…
Việc tiến vào mầu
nhiệm này đòi chúng ta vượt ra khỏi những gì là thoải mái dễ chịu, ra khỏi những
gì là lười biếng, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm đang kềm giữ chúng ta lại, và phải
xông pha đi tìm sự thật, sự mỹ và tình yêu.
Để tiến vào mầu nhiệm
này, chúng ta cần phải khiêm nhượng, cần đến những gì thấp hèn hạ cấp chúng ta
xuống khỏi cái bệ là cái ‘Tôi‘ quá ư kiêu hãnh, đầy tự phụ. Chúng ta cần đến một
sự khiêm tốn không coi mình quá quan trọng, nhìn nhận mình thực sự là ai: là
con người yếu đuối đã có những lúc sai lầm, là tội nhân cần được thứ tha.
Như vậy, như Đức
Giáo hoàng nói, thì sống mầu nhiệm phục sinh là bước chân mạnh mẽ vào giữa cuộc
đời, giữa sóng biển trần gian đầy giông tố, trong ý thức trách nhiệm của một
con người mang sứ mạng canh tân và làm sống lại những gì đã bị tội lỗi, sự sai
lầm trong những chọn lựa chính trị, sự ác, sự bất công đã chôn vùi từng người
chúng ta và rộng hơn là quê hương, đất nước chúng ta.
Quê hương mình rồi sẽ
ra sao?
Thực tế, đã có quá
nhiều nấm mồ đang chôn vùi tương lai của chúng ta, cũng như của con cái chúng
ta mà chúng ta đang phải đối diện. Đó có thể là sự tác trách trong trách nhiệm
công dân. Đó có thể là sự dửng dưng đối với vận mệnh đất nước. Đó có thể là lối
sống mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa. Đó có thể là những chính sách xã hội sai
lầm, không vì dân vì nước, nhưng chỉ vì lợi ích phe nhóm của giới cầm quyền… Tắt
một lời, có quá nhiều những thực tại đang đe dọa giống nòi, đang triệt tiêu sức
mạnh của cả một dân tộc với 4000 năm lịch sử, mà trong đó có lỗi của mỗi người
chúng ta.
Những ngày này của
41 năm trước, đất nước chúng ta bắt đầu bước vào một giai đoạn mới. Chắc chắn,
trừ những người trẻ sinh sau năm 1975, những ngày này là những ngày mà có rất
nhiều cảm xúc, trong đó có cả sự sợ hãi, đau đớn tiếp tục ùa về trong ký ức mỗi
chúng ta.
Đối với bản thân
chúng tôi, một người đến từ “bên thắng cuộc”, chúng tôi đã có lúc mừng vui vì
cuộc chiến phi nghĩa này. Chúng tôi cũng đã từng được dạy cho phải căm thù, phải
ghét bỏ những người bị cho là “ngụy quân ngụy quyền”. Điều bi đát là những người
bị cho là “ngụy” thì trong đó có rất nhiều người là người thân, ruột thịt của
chính mình. Nhưng, rồi thời gian trôi đi, càng ngày chúng tôi càng nhận thấy rằng
chẳng có “bên thắng cuộc” và cũng chẳng có bên gọi là “thua cuộc” mà chỉ có cả
dân tộc Việt bị thua trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, huynh đệ tương tàn. Tất
cả chúng ta là nạn nhân của những chọn lựa sai lầm trong quá khứ của “bên thắng
cuộc”, với những hành xử phi nhân, những chính sách xã hội sai lầm, cùng sự
kiêu ngạo của kẻ chiến thắng, nhưng lại chỉ mãi ăn mày quá khứ, khiến đất nước
loạn ly, người người ly tán làm suy yếu nội lực cả một dân tộc, biến đất nước
chúng ta thành một đất nước lạc hậu và nghèo đói.
Sáng nay, khi ngồi
suy nghĩ về thời cuộc về những biến cố đang diễn ra rộng khắp trên quê hương,
tôi bắt gặp được bài thơ của một người con Việt Nam, quê hương Miền trung, chứng
kiến cảnh cá chết hàng loạt do sự tác trách của con người đã viết những vần thơ
đau đáu nước mắt.
Bài thơ có tựa đề:
Chúng ta không có đủ
thời giờ để nói về mọi nấm mồ đang chôn vùi hy vọng, đang làm suy yếu giống nòi
và đang đặt đất nước chúng ta vào một hoàn cảnh nguy hiểm với nguy cơ mất nước
gần kề. Chúng ta cũng không có giờ để nhắc lại những chính sách lầm lạc, những
cách hành xử bất công của bên thắng cuộc gây nên sự loạn ly, sự chia cắt, gây
nên cơn hiểm họa diệt vong của đất nước. Nhất là, trong bối cảnh của Thánh lễ cầu
nguyện cho công lý hôm nay, ngày chúng ta cầu nguyện cho sự hòa giải hòa hợp
dân tộc, việc nhắc lại sẽ lại khoét sâu những vết thương của quá khứ. Điều mà
chúng ta hôm nay cần nói với nhau là chẳng lẽ tất cả 90 triệu dân Việt Nam cứ
tiếp tục cúi đầu và chỉ dám thốt lên những lời ai oán: “Ai lập đền trời kêu
cúng để cho… Ai sẽ kêu oan, nói lên điều đau nhất. Hay dân mình nói mãi để mình
nghe!”.
Chúng tôi nghĩ rằng,
chúng ta sẽ lại chỉ “nói mãi để mình nghe”, nếu chúng ta tiếp tục vô cảm với vận
mệnh đất nước, nếu chúng ta không một lòng, một ý, nếu chúng ta tiếp tục để cho
những vết thương của quá khứ chia rẽ dân tộc này.
Tôi rất thích bài
hát “Triệu con tim” của nhạc sĩ Trúc Hồ, bằng những ca từ da diết tình cảm quê
hương, ông mong mỏi:
Quê hương mình rồi sẽ
ra sao? Đó phải là câu hỏi đặt ra cho mỗi người Việt Nam, cách riêng những người
Công giáo chúng ta hôm nay.
Đất nước chúng ta cần
một sự đổi thay, cần một sự hòa giải, hòa hợp đích thực từ cả hai phía để không
còn sự phân biệt vùng Miền, trong nước hay hải ngoại, đảng phái, chính trị, tôn
giáo, bên thắng, bên thua. Chúng ta cần quên đi quá khứ thương đau, trong ý thức
cả dân tộc đang bị thua cuộc, tụt hậu so với các nước lân cận, trong đó có cả
những nước yếu như Lào và Campuchia. Chúng ta đang bị giặc ngoại xâm xâm lấn từng
ngày đe dọa tới sự tồn vong của dân tộc. Đối với những người vẫn tự cho mình là
bên thắng cuộc, những bài hát như: “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cần
được đưa vào viện bảo tàng, bởi những bài hát ấy mỗi khi cất lên sẽ lại có “triệu
người vui, triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt đã từng nhận định.
Cần phải khiêm nhường
nhìn nhận rằng, không có ai thắng trong cuộc chiến phi nghĩa này, mà chỉ có một
dân tộc Việt Nam đang bị thua trong nỗi đau họa mất nước gần kề. Thiết nghĩ đã
tới lúc, tất cả mọi người dân Việt Nam, cách đặc biệt những thành phần lãnh đạo
đất nước hiện nay, cần phải sám hối lỗi lầm vì đã không làm tròn trách nhiệm của
một công dân mang trong mình dòng máu Việt Nam, gây nên thảm cảnh bi đát hiện
nay cho đất nước.
Tạm kết
Hôm nay, chúng ta cầu
nguyện cho công lý và hòa bình trong khung cảnh cùng với cả Hội Thánh mừng mầu
nhiệm phục sinh. Chúa phục sinh là Ngài đang sống và đang đồng hành với tất
chúng ta, với dân tộc Việt Nam này. Chúa Phục sinh là để chúng ta dấn bước vào
trong các thực tại của cuộc sống để làm cho cuộc sống hồi sinh, để làm cho cuộc
đời và xã hội được thay đổi theo kế hoạch nhiệm mầu của Chúa. Và để có được sự
thay đổi đó, chúng ta được mời gọi, như Chúa Giêsu nói với các môn đệ, cũng là
nói với chúng ta hôm nay, “hãy yêu thương nhau”, bỏ qua mọi khác biệt, mọi hận
thù, mọi đau thương của quá khứ để cùng nhau xây dựng một xã hội mới công bình,
ấm no. Nhờ đó, nội lực đất nước được tái tạo để có thể đương đầu với các thế lực
nội, ngoại xâm.
Xin Đức Giêsu Phục
sinh, là Đấng đang sống, đang hiện diện giữa chúng con trên mảnh đất hình chữ S
này. Chính Ngài đã nói với các môn đệ xưa, cũng là đang nói với tất cả chúng
con hôm nay, lúc này: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh
em”. Xin cho mọi người dân Việt, không phân biệt chính kiến, tôn giáo biết bỏ
qua hận thù, để cùng nhau chung tay xây dựng quê hương.
Amen.
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc
Nam Phong, C.Ss.R.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.