43 người Campuchia bị Mỹ trục xuất về đến Phnom Penh, thủ đô Campuchia, theo một đạo luật cho phép hồi hương những di dân phạm trọng tội mà chưa trở thành công dân Mỹ.
Đây là nhóm đông nhất được trả về Campuchia theo một thỏa thuận song phương năm 2002. Hơn 500 người Campuchia khác đã bị trục xuất về nước.
Chương trình trục xuất người phạm tội gây nhiều tranh cãi vì làm cho nhiều gia đình ly tán và, trong nhiểu trường hợp, những người trở về chưa từng sống tại Campuchia vì là con cái của những người tị nạn trốn đến những trại tị nạn Thái Lan để tránh chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cai trị Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979.
Những người chỉ trích chính sách trục xuất nói rằng những người phạm tội là hậu quả của biến chuyển xã hội. Những người trở về được xem như khó hội nhập vào xã hội Campuchia vì nhiều người đã sống hầu hết cuộc đời tại Mỹ.
Hai cựu tội phạm người Campuchia vào ngày 30/3 năm nay được Thống đốc bang California Jerry Brown ân xá, ít nhất tạm thời không bị nguy cơ trục xuất.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn tuyên bố nhận những người bị Mỹ trục xuất.
Ông Gen Dim Ra, một cảnh sát di trú cao cấp giám sát những người trở về, cho hay trong nhóm về đến Phnom Penh ngày 5/4 có 3 phụ nữ.
Ông nói những người còn có thân nhân tại Campuchia sẽ sống với bà con của họ, và những người không có thân nhân sẽ được một tổ chức tư dạy nghề, với tiền tài trợ của chính phủ Mỹ trước khi hội nhập vào xã hội Campuchia.
Chính sách trục xuất đã làm tổn hại đến mối quan hệ vốn đã lạnh nhạt giữa Campuchia và Hoa Kỳ.
Tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố là ông muốn tu chính thỏa thuận năm 2002 với Washington vốn cho phép thi hành Luật Trách nhiệm Di dân và Cải cách Di trú năm 1996 nhằm chống di dân bất hợp pháp và khủng bố.
Ông Hun Sen, cai trị Campuchia trong hơn 3 thập niên, nói thỏa thuận nên được duyệt xét lại trên căn bản “nhân đạo” vì thỏa thuận chia cách các gia đình định cư ở Mỹ.
Lời kêu gọi xét lại đạo luật đã được các giới chức Campuchia nêu lên lần đầu tiên vào năm 2016. Những người này yêu cầu tái thương thuyết hay ngưng thi hành luật để tạo điều kiện dễ dàng cho vấn đề hội nhập.
Sau đó, Campuchia ngưng hay làm chậm lại việc chấp nhận những người bị trục xuất trở về.
Đáp trả, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia ngưng cấp visa vào tháng 9 năm ngoái đối với những giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Campuchia và gia đình của họ, một động thái do Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ khởi động.
Đáp lại, Campuchia ngưng hoạt động của các toán do quân đội Mỹ chỉ đạo tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ liệt kê danh sách còn 48 người Mỹ mất tích tại Campuchia.
Vào tháng 2 năm nay, một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc chế tài visa đối với các giới chức cao cấp Bộ Ngoại giao Campuchia có thể được gỡ bỏ “trong một tương lai gần” nếu chính phủ Campuchia thi hành lời hứa nhận lại những người bị Mỹ trục xuất.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.