Wednesday, March 31, 2021

Gửi thế hệ tương lai: ‘Hãy tìm kiếm và đòi hỏi Sự Thật’

 image

Nhiều năm về trước, tôi đã bay một chuyến trở về miền Đông từ California để tham dự một đám tang. Trong suốt đoạn đường cuối cùng trong chuyến đi, tôi đã xem một tờ báo tôi mua trong lúc dừng chân tại nhà ga. Một bài báo trong đó có những lời khuyên từ một số nhà quản lý của những tập đoàn khổng lồ đã thu hút sự chú ý của tôi – đặc biệt là một câu chuyện. Tác giả bài báo ấy đang phỏng vấn một vị CEO (Giám đốc điều hành) của một công ty toàn cầu và mong muốn ông ta chia sẻ về bất kỳ kinh nghiệm quý báu nào mà ông đã tích lũy được sau nhiều năm làm việc.


Thân gửi Thế Hệ Tương Lai, chuyên mục đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ.

 

Vị giám đốc ấy đã chia sẻ một câu chuyện về khoảng thời gian mà ông và gia đình có một chuyến du lịch đến Ấn Độ. Tại đây, họ có cơ hội tham gia một chuyến tham quan động vật với hướng dẫn viên, họ cưỡi trên những con voi to lớn băng qua nhiều vùng đất xinh đẹp. Tại các điểm tham quan trong suốt lộ trình, cả nhóm sẽ dừng lại và bước xuống trong khi hướng dẫn viên bắt đầu kiểm tra từng con voi một.


image


Anh ta bắt đầu bằng việc đóng một chiếc cọc thép sâu xuống đất khoảng 1 foot Anh (khoảng 30 cm) bằng một chiếc búa nhỏ gọn nhưng tương đối nặng ký, và lặp lại điều đó với mỗi con voi. Tiếp theo, anh ấy bước đến và lấy sợi dây dắt của mỗi con voi rồi nhanh chóng cột chúng vào chiếc cọc thép ở ngay trước mắt chúng. Vị giám đốc đã bắt đầu bị thu hút bởi cách người hướng dẫn đã làm với những con vật to lớn này. Ông ấy đã hỏi người hướng dẫn viên rằng điều gì đã ngăn con voi không làm một việc đơn giản là nhấc cái đầu to lớn của nó và kéo cái cọc thép nhỏ bé và yếu ớt kia ra để có thể tự do đi lại? Chắc chắn là chiếc cọc thép bé xíu chỉ cắm sâu 30 cm tuyệt đối không thể nào đủ khả năng giữ một con vật to lớn ở đúng vị trí được.


image


Người hướng dẫn đã trả lời vị giám đốc như sau: “Bạn nói đúng, con voi rất dễ dàng nhấc cái đầu lên và nhẹ nhàng thoát khỏi cái cọc thép kia, nhưng nó lại không biết điều đó”.

 

Người hướng dẫn viên đã giải thích rằng ngay từ khi con voi còn bé, nó đã bị cột chặt trong điều kiện như vậy. Con voi con sẽ cố gắng kéo cái cột thép đó lên vài lần nhưng nó đã không có đủ sức mạnh để thành công. Kể từ lúc đó cho đến khi trưởng thành thành một con voi to lớn như bây giờ, nó vẫn luôn nghĩ rằng nó không thể nào kéo cái cột thép đó ra khỏi mặt đất được.


image


Vào lúc ấy, vị CEO đã nghĩ đến những người mà ông từng quen biết trong kinh doanh, những người có hoàn cảnh tương tự như con voi này, những người có năng lực phi thường nhưng bằng cách nào đó họ đã trói buộc chính mình vào những ký ức và sự tưởng tượng, để rồi không thể nhấc nổi cái đầu lên và tự giải thoát cho bản thân mình.


image


Câu chuyện này đã gây tiếng vang lớn cho đến hôm nay. Ngày nay, chúng ta đã đi từ thời đại Công nghệ Thông tin cho đến thời đại Công nghệ Thông tin Sai lệch. Sự dối trá của Chủ nghĩa Xã hội về tư duy “nạn nhân” đã nhắm vào thế hệ của các bạn và làm cho rất nhiều người trong các bạn hoàn toàn tin tưởng rằng chính phủ là đáp án cho toàn bộ cuộc sống của mình. Tham vọng và trách nhiệm cá nhân bị coi là bẩn thỉu và xấu xa. Đừng tin vào điều đó.


image


Nếu Chủ nghĩa Xã hội thực sự vượt trội so với nền kinh tế thị trường của chúng ta, thì người dân Hoa Kỳ đã phải đổ xô đến biên giới các quốc gia khác ở Trung và Nam Hoa Kỳ để xin tị nạn hơn là điều ngược lại như hiện nay.

 

Hãy tìm kiếm và truy cầu sự thật. Tự giáo dục chính mình. Nhận lấy trách nhiệm của mình. Nhấc cái đầu mình lên. Và Tự do sẽ đến.

 

 

 

John Alexander _ Hoàng Long


image


Phân biệt và kỳ thị người gốc Á đã có từ lâu
Hiện tượng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer
IRS giải ngân chậm chi phiếu kích thích
Đằng sau sự trỗi dậy của các cuộc tấn công chống người Á châu
Một bài viết để hiểu lý do H&M bị tẩy chay tại đại lục
Cố vấn Trung cộng đã lên kế hoạch chi tiết để đánh bại Hoa Kỳ
Tác động có hại rất lớn nếu nâng lương tối thiểu của liên bang lên 15 USD
Con dâu ông Trump tố Đảng Dân chủ 'đạo đức giả'
Biden sợ gì mà 52 ngày không dám gặp truyền thông?
Đây là chiến lược đánh bại Trung cộng
Điều gì sẽ xảy ra khi ông bà cùng con cái nuôi dạy cháu
Người Mỹ Thực dụng
Kinh tế thời Biden sẽ trở thành đoàn tàu trượt bánh
Nhau thai người ở chợ đen Trung cộng
Sáu trong tám nạn nhân 3 tiệm spa ở Atlanta là phụ nữ châu Á
IRS bắt đầu giải ngân chi phiếu cứu trợ 1.9 nghìn tỷ USD
Nước Mỹ sau một năm với Covid
7 vấn đề sức khỏe do dùng gối sai
Cứu trợ COVID-19 trị giá 1.9 nghìn tỷ USD
Đại dịch _ phòng ngừa _ và sự chắc chắn của việc đổ lỗi

Phân biệt và kỳ thị người gốc Á đã có từ lâu

 image


Suốt hơn mười năm qua, cuộc sống của tôi mỗi năm chia làm ba phần, ở châu Âu nơi có công việc, ở châu Á nơi có gia đình, và ở châu Úc nơi có bạn trai. Vì ảnh hưởng của đại dịch, cả năm qua tôi sống ở một trong những bang bảo thủ nhất Australia: bang Queensland.

 

Khi cuộc sống chỉ giới hạn ở một thành phố nhỏ bé ven biển, tôi thốt nhiên nhận thấy ngoài những điều tôi hằng yêu mến, nước Úc cũng có một phần giống châu Âu và Mỹ.

 

Đó là khi bạn có làn da vàng, hầu hết thiên hạ sẽ tự động cho rằng bạn là người Trung cộng. Đó là khi con virus corona bị gọi là "virus China" (tổng thống Trump), thì cứ có làn da vàng là bạn có thể mang hình hài của một con virus.

 

Vào mỗi buổi chiều khi chúng tôi đi dạo trên bờ biển, không ít lần tôi nhận thấy những ánh mắt tò mò dõi theo. Có người ngoái lại và thì thầm bàn tán. Một lần tôi hắng giọng ho, ngẩng lên thì thấy vài khuôn mặt nhìn tôi chằm chằm.

 

Các cuộc tấn công vào người gốc Á tăng mạnh khắp thế giới


image

Người gốc Á ở Detroit, Mỹ, hưởng ứng các cuộc biểu tình toàn quốc phản đối phân biệt và kỳ thị người gốc Á


Tôi may mắn không phải là nạn nhân của hàng ngàn cuộc tấn công nhằm vào dân Á thời gian gần đây (COVID hate crime). Nhưng ngay từ đầu đại dịch, tôi đã cảm nhận được sự đề phòng từ những người không quen biết xung quanh.

 

Đầu tháng ba năm ngoái, khi bước chân vào toa xe điện ở Amsterdam, một người phụ nữ bỗng ngẩng lên, nhìn tôi rồi sợ hãi thì thầm: "Người Trung cộng?". Khi đó, các ca bệnh ở châu Âu chủ yếu lan từ Ý. Tôi không nén được cười, nhưng vẫn ra vẻ sợ hãi không kém, rồi thì thầm: "Người Ý?".

 

Từ đó đến nay, sự đề phòng đã biến thành thù ghét và hành động tội ác. Theo số liệu trích dẫn tại một bài viết trên Time, tại New Zealand, 54% người gốc Trung cộng bị phân biệt đối xử; tổng số các cuộc tấn công nhằm vào dân gốc Á tăng 300% tại Anh; tới 12% các cuộc tấn công vào người Á ở Úc là các tình thế mang tính đe dọa bạo lực. Đỉnh điểm của làn sóng thù ghét người Á là cuộc thảm sát tại Mỹ hai tuần trước khi một tên sát nhân xả súng vào ba tiệm thẩm mỹ và giết chết 8 nạn nhân, 6 người trong số đó là phụ nữ gốc Á.

 

Nhưng sự thù ghét người Á không phải chờ đến COVID mới xuất hiện. Trận đại dịch này chỉ là cái cớ để cái cây thù hằn ấy nẩy nở mạnh mẽ hơn.

 

Phân biệt chủng tộc và kỳ thị người gốc Á tại Mỹ


 image

Để thấy rõ lịch sử của tệ phân biệt chủng tộc nhằm vào người Á, chúng ta có thể lấy Mỹ làm ví dụ - miền đất mà hầu hết mọi thành viên đều là dân di cư.

 

Từ giữa thế kỷ 19, người Trung cộng đã chấp nhận làm các công việc nguy hiểm trong hầm mỏ. Ngay lập tức, họ trở thành nạn nhân của làn sóng kỳ thị với lý do "cướp cơm của người da trắng".


image

Khoảng năm 1852, cho thấy thợ mỏ Trung cộng làm việc cùng thợ mỏ da trắng ở Aubine Ravine, California

 

Năm 1853, Ling Sing bị một người da trắng là George Hall bắn chết. Hall bị khép tội tử hình với ba nhân chứng người Trung cộng. Tuy nhiên, toà án tối cao California không những xử trắng cho Hall mà còn tạo tiền đề cho một đạo luật phân biệt chủng tộc, theo đó, dân gốc Á, hệt như dân da đen, là một chủng tộc hạ đẳng, "không đủ trí tuệ và khả năng làm chứng" (testify) để kết tội kẻ khác, trong trường hợp này là dân da trắng.

 

Sau người Trung cộng, hàng loạt các cộng đồng gốc Á khác như Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Hmong, Bangladesh ...vv đều trở thành đối tượng bị phân biệt và kỳ thị, với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, phải đến khi làn sóng kỳ thị người Nhật diễn ra trong giai đoạn Nhật tăng tốc phát triển thị trường ô tô ở Mỹ thì lịch sử mới được chứng kiến một bước ngoặt có ý nghĩa.


image


Năm 1982, một chàng trai trẻ gốc Trung cộng tên là Vincent Chin tới quán bar trước ngày anh chuẩn bị cưới vợ. Hai người đàn ông da trắng xô xát với Chin, cho rằng anh là người Nhật và kết tội người Nhật khiến dân lao động Mỹ trong ngành ô tô thất nghiệp. Sau khi rời quán bar, họ lái xe đi tìm anh và dùng gậy đánh bóng chày quật anh trọng thương. Anh tử vong sau đó mấy ngày. Hai kẻ sát nhân sau đó chỉ hưởng án treo và bị phạt 3000 đôla.


image


Vụ án của Vincent Chin là giọt nước tràn ly. Nó đánh dấu một thời điểm lịch sử: Sự ra đời của phong trào chống sự phân biệt chủng tộc và kỳ thị người châu Á. Cái chết của Vincent Chin đã đem lại sự bảo trợ pháp lý và sự ủng hộ mang tính xã hội cho hàng chục cộng đồng gốc Á trên khắp nước Mỹ. Bộ phim tư liệu "Who killed Vincent Chin" trở thành dấu ấn đáng ghi nhớ của điện ảnh Mỹ.

 

Phân biệt chủng tộc và kỳ thị với người Việt Nam


image


Những người tị nạn (thuyền nhân) Việt Nam tới Mỹ sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc. Quá trình nhập cư này không quá khó khăn chính là nhờ đạo Luật Nhập Cư năm 1965. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh dân quyền do người da đen khởi xướng. Nhờ đó mà tất cả mọi người bất kể màu da, sắc tộc, tôn giáo đều có thể vào Mỹ định cư.

 

Đối mặt với làn sóng thuyền nhân, cộng đồng da đen ở Mỹ đã mạnh mẽ kêu gọi tiếp nhận người tị nạn. Trên tờ New York Times năm 1978, với tựa đề "Cộng đồng da đen thúc giục Mỹ tiếp nhận người tị nạn Đông Dương", tác giả viết: "Là những công dân trong cộng đồng da đen đang đối diện với thiếu thốn kinh tế nên chúng tôi đồng cảm với những người anh em châu Á đang trong trại tị nạn."


image

Một gia đình người Việt tị nạn đặt chân tới trại Pendleton, California, năm 1975

 

Khi đến được Mỹ, nhiều người Việt ở Texas chủ yếu làm nghề đánh bắt tôm. Họ gặp vô số khó khăn khi cộng đồng người da trắng kìm hãm, hối thúc các cửa hàng không mua bán với chủ thuyền người Việt, hoặc lobby chính phủ để số lượng thuyền và đăng ký bị kiểm soát chặt chẽ hơn.


Tuy nhiên, bằng sự chăm chỉ, chấp nhận khó khăn và bán giá rẻ hơn, người Việt dần dần vươn lên vị trí cao hơn trong bậc thang kinh tế và xã hội. Hệt như tình trạng với người Trung cộng, sự thành công của họ trở thành nỗi lo sợ "cướp cơm của người da trắng".


image


Nguy hiểm hơn, họ còn rơi vào tầm ngắm của nhóm Ku Klux Klan (KKK) - một tổ chức da trắng thượng đẳng với lịch sử dày đặc các tội ác dã man với người da đen. Bốn thuyền đánh cá của người Việt bị đốt, các vùng đánh bắt cá bị cấm cản, một ngôi nhà bị đốt cháy bằng bom.


image


Xung đột lên đến đỉnh cao khi hai anh em một gia đình người Việt vì tự vệ mà giết chết một người đàn ông da trắng. KKK ngay lập tức tổ chức một cuộc tuần hành với hơn 750 người, tố cáo những chủ thuyền người Việt là cộng sản nằm vùng.

 

Kỳ thị tích cực cũng có những hậu quả tiêu cực

 

Nhiều người châu Á sống ở Âu Mỹ cảm thấy tự hào khi thỉnh thoảng được ca ngợi là sắc dân mẫu mực (Model Minority), chăm chỉ làm ăn, con cái thành đạt. Thoạt đầu, đó có vẻ là điều thuận lợi.

 

Tuy nhiên, mặt sau của những lời khen vẫn là những định kiến. Người Á bị mặc định bảo thủ, ngây thơ chính trị, và luôn là người ngoài cuộc. Dù sống nhiều đời ở quê hương mới, họ vẫn bị coi là ngoại bang vì định kiến không nhiệt tình tham gia vào các cuộc đối thoại làm thay đổi xã hội. Chăm chỉ kiếm tiền, họ cần im lặng ngoan ngoãn sống như một kẻ xa lạ trong nhà mà không ai cần đề phòng.


image

Một phụ nữ giơ cao chiếc nón Việt với dòng chữ "Stop Hate" (chấm dứt thù hằn) tại công viên Columbus, Chinatown, New York ngày 21/3/2021

 

Họ phải thành công, nhưng một cách vừa phải. Chạm một mức nào đó, người da trắng sẽ coi họ là đối thủ và dùng kỳ thị làm vũ khí để ngăn cản họ tranh chấp địa vị thống trị xã hội.


Cùng là dân di cư, nhưng người da trắng coi quê mới như là đất của mình chứ không phải do tranh chấp với người bản địa. Người da đen vốn bị ép di cư thì không bao giờ bị đuổi "cút trở về đất nước của mày" (Go back where you come from). Người Á và người Mỹ la tinh là hai đối tượng hay bị "đuổi" nhất. Họ bị cho rằng chết sẽ quay đầu về quê hương, tiền gửi về cố quốc, không cố gắng nói tiếng bản xứ, kinh doanh và sống co cụm, không trung thành với quê hương mới.


image


Thứ hai, vài lời khen tặng đó tạo ra ảo tưởng rằng người Á không bị kỳ thị và không bị đối xử bất công. Nếu họ kêu ca, đó là trường hợp cá biệt và không cần quan tâm.

 

Lời khen tặng che đi sự thật là người Á thành công chủ yếu là dân gốc Ấn với tỷ lệ 8% sống dưới mức nghèo đói. Chỉ có gần 26% người Việt có bằng đại học hoặc bằng chuyên môn cao. Đây là con số thấp so với người Thái (43%), Bangladesh (44%), Filipino và Indonesia (48%), Nhật (50%), Trung cộng (53%), Pakistan và Hàn Quốc (54%), cao nhất là Ấn Độ (72%).

 

Tệ hơn, ảo tưởng người Á đầy đủ giỏi giang khiến họ không được hưởng nhiều phúc lợi xã hội. Thậm chí một số trường đại học top đầu ở Mỹ đã bí mật loại sinh viên gốc Á khỏi danh sách những người trúng tuyển.


image

Một số trường đại học top đầu ở Mỹ đã bí mật loại sinh viên gốc Á khỏi danh sách những người trúng tuyển.

 

Hệ lụy thứ ba của kỳ thị tích cực là áp lực khủng khiếp để luôn xuất hiện với tư cách sắc dân mẫu mực, dù vẫn phải chịu đủ liều lượng phân biệt kỳ thị như mọi sắc dân thiểu số khác.

 

Áp lực này khiến người Á có tỷ lệ trầm cảm và ý nghĩ muốn tự tử khá cao. Văn hoá Á vốn coi trầm cảm là bệnh tâm thần, đáng xấu hổ, khiến áp lực càng trở nên nguy hiểm, khi phát hiện ra thì đã muộn. Một số trường học đã phải có tư vấn riêng nhằm vào học sinh sinh viên châu Á.

 

Kỳ thị người Á và dục hóa phụ nữ Á Đông


image


Năm 2019, ca sĩ Kacey Musgraves làm dậy sóng khi biểu diễn và diện chiếc áo dài của Việt Nam mà không mặc quần. Ngoài cuộc tranh luận về cưỡng đoạt văn hóa (cultural appropriation), chuyên gia trang điểm nổi tiếng gốc Việt Michelle Phan lên tiếng phản đối chiếc áo dài không quần là một hành động dục tính hoá phụ nữ châu Á (sexual fetishization of Asian women), gắn liền hình ảnh họ với sự phục tùng tình dục.


image


Sự dục hoá phụ nữ Á Đông bắt đầu ở phương Tây vào thế kỷ thứ 19 với hình ảnh geisha trên đồ gốm sứ, tạo ấn tượng phụ nữ Á đẹp như một thứ đồ trang trí. Trong văn hoá đại chúng, từ "China doll" - búp bê Trung Hoa - cũng hàm ý tương tự, ám chỉ người phụ nữ đẹp, im lặng, thụ động, thậm chí bị phi nhân hoá như một thứ đồ để chơi và phục vụ.

 

Bước vào thế kỷ 20, phụ nữ Á Đông tiếp tục gắn liền với hình ảnh những người đàn bà ngoan ngoãn, phục tùng, trẻ con, ngây ngô, và sẵn sàng phục vụ tình dục. Điều này trở nên tệ hại hơn với những cuộc chiến ở châu Á nơi nhục dục là mặt sau của đạn pháo.


image


Trong thế chiến hai, lính Nhật bắt giam hàng nghìn phụ nữ Hàn Quốc và Trung cộng làm nô lệ tình dục. Trong chiến tranh Việt Nam, nước láng giềng Thái Lan trở thành nơi để lính Mỹ thoả mãn nhu cầu tình dục. Trong văn hoá và phim ảnh đại chúng, nhiều phụ nữ Việt xuất hiện với các khung hình nông cạn về lao động tình dục hoặc là người tình của lính Mỹ.

 

Bước vào xã hội hiện đại, phụ nữ Á Đông vẫn tiếp tục bị nhìn qua lăng kính như vậy. Trên những website hẹn hò, những cô gái châu Á thường bị coi là mục tiêu tình dục, với các lý do nhục dục như "chưa ngủ với gái Á bao giờ", "gái Á đẹp kiểu lạ lùng", "ngủ với gái Á rất biết phục tùng".

 

Một số website tìm vợ qua môi giới hay bộ phim tư liệu Seeking Asian Female (Tìm vợ người Á) cũng tiết lộ rằng đàn ông mong đợi ở cô dâu châu Á sự ngoan ngoãn vâng lời của một nô lệ tình dục. Trên các trang sex, phụ nữ châu Á đóng phim khiêu dâm cũng thường bị đặt vào các tư thế bị chiếm hữu, khuất phục, tra tấn, hoặc ép buộc.


image

Nhiều quán bar đèn đỏ ở Bangkok mọc lên để phục vụ lính Mỹ trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam

 

Việc coi phụ nữ châu Á là yếu đuối, ngoan ngoãn, dễ phục tùng, không dám đối kháng và tố cáo tội ác cũng là một trong những lý do khiến họ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công thời đại dịch khi 68% nạn nhân là phụ nữ, thậm chí các bà già.

 

Với cuộc thảm sát 6 phụ nữ gốc Á tại Mỹ, thủ phạm cũng thú nhận ra tay vì cho rằng các cơ sở thẩm mỹ là mầm mống của tội lỗi tình dục mà anh ta muốn triệt bỏ.

 

Văn hóa khoan dung


image


Chính vì các hệ luỵ lịch sử như vậy, người da màu, bất kể đến từ đâu, đều có chung một thách thức là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Người da đen đã trả giá bằng máu và sinh mạng cho những quyền bình đẳng cơ bản mà người da màu ngày nay đang tận hưởng.

 

Nhưng cuộc chiến ấy chưa kết thúc, quá khứ chưa khép lại. Và vì thế, văn hoá khoan dung (tolerance) trở thành yếu tố then chốt để tồn tại cùng nhau.

 

Ví dụ, văn hoá khoan dung khiến ta nhìn ra xa hơn sự hiềm khích mang tên Việt Nam - Trung cộng. Mối thù ấy với ta có thể sâu đậm, nhưng với thiên hạ có khi là tiểu tiết.


image

Người da màu, bất kể đến từ đâu, đều có chung một thách thức là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng

 

Khi ta hiểu rằng người đời thường đánh đồng dân da vàng với nhau, sự thù hằn mà họ chứng kiến khi ta chửi rủa Trung cộng không làm họ cảm thông với ta hơn. Khi dân da vàng bị vơ đũa cả nắm, không nạn nhân nào đủ thời gian để thanh minh: "Khoan đã, tôi không phải người Trung cộng".

 

Văn hoá khoan dung, vì thế, giúp ta không vô tình tự vả vào mặt mình. Nó giúp ta phân biệt được người Trung cộng và chính phủ Trung cộng.

 

Nó cũng giúp ta không để sự thù ghét che lấp một sự thật rằng, đôi khi, ta cũng có thể là đồng minh của kẻ thù.

 

 

 

Nguyễn Phương Mai


image


Hiện tượng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer
IRS giải ngân chậm chi phiếu kích thích
Đằng sau sự trỗi dậy của các cuộc tấn công chống người Á châu
Một bài viết để hiểu lý do H&M bị tẩy chay tại đại lục
Cố vấn Trung cộng đã lên kế hoạch chi tiết để đánh bại Hoa Kỳ
Tác động có hại rất lớn nếu nâng lương tối thiểu của liên bang lên 15 USD
Con dâu ông Trump tố Đảng Dân chủ 'đạo đức giả'
Biden sợ gì mà 52 ngày không dám gặp truyền thông?
Đây là chiến lược đánh bại Trung cộng
Điều gì sẽ xảy ra khi ông bà cùng con cái nuôi dạy cháu
Người Mỹ Thực dụng
Kinh tế thời Biden sẽ trở thành đoàn tàu trượt bánh
Nhau thai người ở chợ đen Trung cộng
Sáu trong tám nạn nhân 3 tiệm spa ở Atlanta là phụ nữ châu Á
IRS bắt đầu giải ngân chi phiếu cứu trợ 1.9 nghìn tỷ USD
Nước Mỹ sau một năm với Covid
7 vấn đề sức khỏe do dùng gối sai
Cứu trợ COVID-19 trị giá 1.9 nghìn tỷ USD
Đại dịch _ phòng ngừa _ và sự chắc chắn của việc đổ lỗi
Texas dỡ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang vì COVID

Hiện tượng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer

 image

Tình trạng mất trí nhớ (dementia) thường xảy ra cho người già, nhưng không phải mọi người khi già đều mất trí nhớ.


Nhiều người tưởng lầm là sự mất trí nhớ và bệnh Alzheimer cùng là một thứ bệnh, nhưng thật ra không phải như vậy.


Trung bình chỉ có 10% số người trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer, nhưng cho những cụ trên 85, tỷ số là 1/3.

Hiện nay, theo ước tính, có khoảng năm triệu người Mỹ trên 65 tuổi bị bệnh Alzheimer và trên toàn thế giới có khoảng 35.6 triệu người bị mất trí nhớ.


Nói đúng ra, trí nhớ của tất cả mọi người đều không hoàn hảo. Có những dữ kiện chúng ta tưởng là nhớ đúng 100% nhưng trên thực tế theo thời gian, trí nhớ bị phai mờ với những “lỗ hổng”.

image


Bộ não chúng ta sẽ tìm cách điền vào những “chỗ trống” đó bằng những hư cấu không có thực hay không chính xác.


Vì thế khi chúng ta lớn tuổi, chuyện giảm trí nhớ xảy ra cho tất cả mọi người, nhưng mức độ và tốc độ suy sụp tùy theo bản chất của mỗi cá nhân.


Riêng những người bị Alzheimer, tốc độ suy sụp rất nhanh, có khi trong vòng vài tháng đã thấy sự khác biệt.


image


Thế thì, những dấu hiệu khác biệt đó là gì?

Hầu hết các sách y khoa đều nói rằng dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là mất trí nhớ.


Khổ nỗi là sự mất trí nhớ không xảy ra qua đêm trong thời gian đầu nên rất khó mà nhận biết.


Mà nếu có chút lãng trí xảy ra thì thường bị bỏ qua, hay bị người thân phán cho những chữ như “già rồi, lẩm cẩm” là xong câu chuyện.


Một khi sự mất trí nhớ xảy ra có thể nhận thấy được thì thường là quá trễ.

image


Người có triệu chứng Alzheimer thường bắt đầu lặp lại những câu chuyện hay câu hỏi nhiều lần và bất chợt. Ví dụ, có khi họ đang nói chuyện thời năm 1975, đùng một cái nhảy qua nói chuyện đánh football năm 2015, rồi quay lại thời cụ Diệm bị đảo chánh và vài ngày sau lại nhắc lại những chuyện đó.


Hoặc, họ có vấn đề theo dõi câu chuyện của người khác. Ví dụ người ta đang bàn chuyện đám cưới, người có vấn đề lại “đóng góp” chuyện lính Mỹ đổ bộ ở Normandy!


Nghĩa là, nhớ đâu nói đó, không có thứ tự. Không nên nhầm lẫn với thói quen suy nghĩ của người bệnh. Đa số, thường bị bỏ qua là “lâu nay tánh vẫn thế!”.

Cùng lúc với chuyện lãng trí, quên chỗ này, chỗ kia, dấu hiệu sớm nhất của bệnh Alzheimer là việc đi đứng không vững và hay té ngã.


BM

Dĩ nhiên là khi người lớn tuổi, hay bị té ngã có thể do nhiều nguyên do khác nhau đưa đến, nhưng không nên bỏ qua mà phán cho câu “già yếu nên như vậy”.


Có người đang ngồi trên ghế vẫn bị té lăn quay xuống đất vì không giữ được thăng bằng, như vậy không phải hoàn toàn là yếu!


Người bị Alzheimer thường có dáng đi như lê lết trên mặt đất như chim cánh cụt.


Họ không nhấc được bàn chân khỏi mặt đất và hai chân thường hay bị quíu, như không biết chân nào phải bước trước và chân nào theo sau.


Có khi họ như lúng túng muốn bước hai chân tới trước cùng một lúc. Đó là lý do tại sao họ dễ bị té.

Ngoài ra, lý do dễ mất thăng bằng, và hay bị té là khả năng nhìn vật thể chung quanh theo định thức không gian 3 chiều không còn chính xác nữa.


Thí dụ cái bàn, cái ghế có thể bị nhìn méo đi, hay khoảng cách ước lượng từ điểm A đến điểm B không còn đúng nữa.

image


Khoa học vẫn chưa tìm ra gene di truyền gây ra bệnh Alzheimer. Người ta đã tìm khắp bộ DNA của con người và ghi nhận được 33 điểm khả nghi.


Tuy nhiên những người có gene apolipoprotein E (APOE) ở trên nhiễm sắc thể số 19 sẽ có nguy cơ tăng cao. Ngoài ra nguy cơ có thể thay đổi qua sự tương tác giữa gene và môi trường.

image


Căn nguyên của bệnh Alzheimer là do những vảy (plaques) chung quanh tế bào não, tương tự như vảy đóng trong mạch máu.


Khác với vảy cholesterol trong máu, những vảy trong não này được tạo thành bởi chất protein.


Những vảy protein như những chất cách điện, hệ quả là những tín hiệu được truyền đi từ một tế bào thần kinh này đến tế bào khác bị ngăn chặn.

Hiện tượng cách ly này không chỉ xảy ra giữa tế bào này với tế bào khác mà còn ở ngay trong tế bào thần kinh, như những chùm tơ nhện, gọi là “tangles of Tau protein”.


image


Ngoài việc cách ly sóng điện những vảy protein còn tiết ra chất độc để hủy diệt tế bào thần kinh, vì thế não bộ dần dần teo nhỏ lại.

Hiện tượng đóng vảy không xảy ra qua đêm mà kéo dài có khi cả chục năm trước khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Nói cho dễ hiểu, “người thường” không có bệnh Alzheimer cũng bị đóng vảy trong não chút đỉnh khi… già yếu.


Nhưng đối với người có bệnh, tốc độ suy sụp, đổ dốc sẽ rất nhanh.

Dĩ nhiên, triệu chứng mấu chốt của bệnh mất trí nhớ phải là sự mất khả năng tư duy, khả năng nhớ, nhưng những triệu chứng khác do sự suy yếu của não bộ đưa đến, ví dụ như khả năng nói và vệ sinh cá nhân sẽ xảy ra cùng lúc, chứ không theo thứ tự.


Như thế, sự suy yếu xảy ra một cách toàn bộ, từ trí nhớ, đến suy yếu thị giác và khả năng giữ thăng bằng.

Khi bệnh càng nặng, người bệnh sẽ mất khả năng tư duy, không còn nhận biết người quen, không nhớ những chuyện mới xảy ra gần như tức thì.


Họ sẽ có vấn đề hiểu câu hỏi, sử dụng từ ngữ để diễn tả hay tốn nhiều thì giờ để trả lời một câu hỏi có khi rất đơn giản.


Khuôn mặt như khờ đi, không biểu lộ được cảm xúc.


Họ mất khái niệm về thời gian và không gian.


image


Tâm tính của người bị mất trí nhớ cũng thay đổi, có khi họ trở nên trầm cảm, cô đơn nhưng có lúc hung dữ, bướng bỉnh vì trong tư duy hạn hẹp, không ai hiểu được họ.

Cuối cùng là mất luôn khả năng vệ sinh cá nhân như tiểu tiện và đại tiện. Người bệnh chỉ nhận biết được một vài người thân săn sóc cho họ.


Khi thiếu những người này, hay khi phải rời xa những môi trường quen thuộc, thường sẽ bị kích động những cơn sợ khủng hoảng tinh thần, gọi là panic attacks, làm cho họ cứng người đi, càng dễ bị té ngã thêm.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi sâu vào việc chẩn bệnh và thuốc chữa trị. Tuy nhiên, dựa trên những kiến thức cơ bản ở trên, tôi hy vọng bạn đọc có thể phát hiện ra bệnh tình của người thân và đưa họ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nên nhớ tất cả các loại “thuốc chữa” hiện nay không có khả năng chữa dứt bệnh mà chỉ làm cho tốc độ phát triển của bệnh chậm đi.


Và nếu thuốc chữa càng sớm thì phẩm chất đời sống của bệnh nhân cũng như của người thân săn sóc cho bệnh nhân sẽ đỡ khổ hơn nhiều.


image


Nói chung, mọi người khi lớn tuổi đều có nguy cơ bị mất trí nhớ. Để giảm bớt nguy cơ bị mất trí nhớ, một số biện pháp cần thực thi ngay từ bây giờ:

Trước hết, bạn phải có một chế độ ăn uống cân bằng, điều độ, nhiều rau trái, tập thể dục đều đặn, như đi bộ ba tới năm giờ mỗi tuần, và ngủ đủ tám tiếng mỗi ngày.


Ngủ đêm không đủ thì tranh thủ ngủ ngày! Những người ngủ đầy đủ và có ngủ trưa thường sống lâu và ít bị mất trí nhớ.

1. Học khiêu vũ:

image


Ta nói nôm na là tập… “nhảy đầm”. Nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine năm 2003 cho biết khiêu vũ vừa là một môn thể dục thể thao, vừa là một trò chơi đòi hỏi suy nghĩ, tiến thoái trong mỗi bước.


Khi khiêu vũ, lượng máu không những chỉ dồn về bắp thịt mà còn đổ về phía não bộ nhiều hơn vì khiêu vũ đòi hỏi cả thể lực lẫn trí tuệ.

2. Học chơi một thứ nhạc cụ hoặc nghe nhạc:

image


Nhiều nghiên cứu cho thấy người chơi nhạc cụ trên 10 năm sẽ có trí nhớ tốt hơn một người không chơi nhạc.


Trong trường hợp bạn không có đủ thời giờ hay năng khiếu âm nhạc, nên tập nghe và thưởng thức âm nhạc.

3. Học một ngôn ngữ khác:

image


Một nghiên cứu đăng trên tờ Neurology năm 2013 cho biết những người nói thông thạo hai thứ tiếng, khả năng bị mất trí nhớ chậm đi bốn năm rưỡi so với người chỉ biết một thứ tiếng.

4. Học đánh cờ hay chơi video game:

image


Một nghiên cứu của Pháp năm 2013 cho thấy những ai chơi cờ, hay chơi các loại game như bingo, xì lát, poker… (nhưng đừng ghiền quá, và cũng tránh “ngồi computer” hay TV nhiều nhé), khả năng bị mất trí nhớ giảm đi 15%.

5. Đọc sách:

image


Không cần phải đọc nhiều, nhưng khi đọc sách nên bỏ thì giờ suy nghĩ, nghiền ngẫm nội dung của sách, truyện.


Đọc truyện mới lạ có lợi hơn là đọc chuyện cũ đã biết.


Đừng đọc Thiên Long Bát Bộ hay Tam Quốc Chí đến lần thứ 10!

6. Chú tâm làm một việc cho xong, đừng ôm đồm nhiều thứ vô một:

image


Người chú tâm làm xong một việc ít bị lãng trí hay mất trí nhớ hơn người làm hai ba việc cùng một lúc.


Ví dụ khi ăn thì đừng xem TV! Ngoài ra nên biết dùng thời giờ một cách hữu hiệu.

7. Học đan, may vá, hay làm vườn:

image


Khảo sát thống kê năm 2013 cho biết những người có những thú vui kể trên, trí óc minh mẫn hơn những người không có “thú vui ” để tiêu khiển.

8. Sống có mục đích:

image


Sống lạc quan, yêu đời và có giao thiệp với bạn bè người thân làm bớt tình trạng cô độc, sầu muộn.

9. Tập viết:

image


Viết văn, viết truyện, viết thơ cho bạn bè, viết nhật ký, viết hồi ký… làm giảm khả năng mất trí nhớ về sau.

10. Cuối cùng, tập làm việc nhà:

image


Những người làm lụng chân tay, làm việc trong nhà ít bị mất trí nhớ hơn người ngồi một chỗ xem TV hay nhìn “bóng câu qua khung cửa sổ”.


Nói chung là phải tích cực “động não”. Tất cả các hoạt động trên đây nên bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ ở lứa tuổi nào. Không nên đợi tới 60, 70 mới lo ngăn ngừa mất trí nhớ!

 

 

 

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh


image