Các tiêu đề đáng sợ gần đây đã phổ biến trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội và ngành công nghiệp tin tức mô tả người Hoa Kỳ gốc Á là nạn nhân của ngày càng nhiều các cuộc tấn công, cả về ngôn từ lẫn thân thể. Để phân tích kỹ lưỡng những điều đằng sau trào lưu này đòi hỏi một cái nhìn sâu hơn vào một vấn đề phức tạp, đa chiều.
The Epoch Times đã trao đổi với gần một chục người với xuất thân, chuyên môn và kinh nghiệm cá nhân khác nhau. Những người này bao gồm người Hoa Kỳ gốc Á đã từng trực tiếp trải qua sự phân biệt chủng tộc, những luật sư có chuyên môn về tội phạm thù hận, các cựu quan chức chấp pháp, những chuyên gia an toàn công cộng, các học giả, nhà hoạt động v.v.
Phân biệt chủng tộc đã luôn tồn tại, và trong những năm gần đây, người Á châu ngày càng trở thành con mồi của những tội ác có động cơ liên quan đến chủng tộc, tuy nhiên, mức độ của vấn đề này khác nhau tùy thuộc vào nguồn gốc. Những tội ác thù hận trong lịch sử đã không được báo cáo đầy đủ, và hầu hết các nạn nhân, đặc biệt là người nhập cư, e ngại báo cáo bất cứ điều gì cho nhà chức trách. Dữ liệu quốc gia đáng tin cậy về các tội ác thù hận chống người Á châu, và lịch sử quá trình phía sau những tội ác này, cũng ít khi tìm thấy.
Người dân tham dự một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của tội ác thù hận chống người Á châu tại Quảng trường Union ở New York hôm 19/03/2021.
Theo dữ liệu từ tổ chức bất vụ lợi Stop AAPI Hate, đã có 3,795 sự việc được báo cáo từ ngày 19/03/2020 đến ngày 28/02/2021. Quấy rối bằng lời nói chiếm 68% tổng số báo cáo, trong khi các vụ tấn công thân thể chỉ chiếm hơn 11%. Báo cáo này bao gồm các báo cáo trực tiếp nêu chi tiết việc sử dụng những lời nói kháy phân biệt chủng tộc và các trường hợp xa lánh.
Dữ liệu liên bang cho thấy đã có 158 tội thù hận bài xích người Á châu được các cơ quan cảnh sát báo cáo cho FBI trong năm 2019, tăng từ 148 vụ của năm trước đó; dữ liệu gần hơn vẫn chưa được công bố. Theo một phân tích dữ liệu sơ bộ chính thức của cảnh sát, Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa cực đoan và Thù hận tại Đại học Tiểu bang California cho biết vào năm 2020, các tội thù hận bài xích người Á châu đã tăng 149% ở 16 thành phố trong số những thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ. Đợt tăng đột biến đầu tiên diễn ra vào tháng 3/2020 và tháng 4/2020 khi cả nước bắt đầu phong tỏa do đại dịch virus Trung cộng.
Hôm 18/03 tại một phiên điều trần có tiêu đề “Phân biệt đối xử và Bạo lực đối với Người Hoa Kỳ gốc Á,” một học giả làm chứng trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện nói rằng mặc dù một số hành vi phạm tội chắc chắn được thúc đẩy bởi thành kiến, nhưng tốt nhất là “hãy thận trọng khi chỉ giải thích xu hướng mở rộng hơn này là một sự gia tăng tội phạm thù hận,” vì những tội này “nên được hiểu là một phần của sự gia tăng lớn hơn về bạo lực.”
Ông Charles Fain Lehman, một viện sĩ Viện Manhattan làm việc chủ yếu về Sáng kiến Trật tự và An toàn Công cộng của viện này, đã làm chứng rằng mặc dù một số vụ trong các vụ tấn công gần đây rõ ràng là do thành kiến chủng tộc, nhưng lý do đằng sau những vụ khác lại không rõ ràng như thế. Ông đưa ra ví dụ về Yahya Muslim, một người vô gia cư đã bị bắt vì xô ngã ba người trưởng thành gốc Á ở Khu phố Tàu của Oakland. Luật sư bào chữa của Muslim quy cho nguyên nhân của các cuộc tấn công là do tiền sử bệnh tâm thần của anh này và tuyên bố bất kỳ câu chuyện nào khác là “sai sự thật, gây hiểu lầm, và gây chia rẽ.” Ông Lehman đã liệt kê một số trường hợp tương tự.
“Tôi khá chắc chắn rằng sự gia tăng tội phạm nói chung là một phần của điều đang thúc đẩy sự gia tăng đặc biệt hơn này, mặc dù nó có thể không hoàn toàn chính xác là điều đang thúc đẩy vấn đề này,” ông Lehman nói với The Epoch Times.
Một người thắp nến trong một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của tội ác thù hận chống người châu Á tại Quảng trường Union ở New York hôm 19/03/2021.
Nhà tội phạm học Jeff Asher ước tính rằng năm 2020 đã chứng kiến kỷ lục mức tăng trong một năm lớn nhất về số vụ sát nhân, vì số vụ sát nhân tăng đến hơn 30% ở gần 40 thành phố lớn.
Theo dữ liệu mới, xu hướng này dường như đã tiếp tục diễn ra trong năm nay.
“Mô hình đó xuất hiện ở các thành phố nơi cư dân Á châu đang bị tấn công,” ông Lehman nói trong lời khai của mình, mà trong đó ông cũng gọi các cuộc tấn công bạo lực là “một sản phẩm của những tội phạm tự do chuyển vùng,” và nói thêm, “Nếu có gì để đổ lỗi cho vụ khủng bố hiện gây tai họa cho người Hoa Kỳ gốc Á, thì đó là việc các quan chức công đã lơ là bổn phận của mình trong việc bảo đảm an toàn công cộng.”
Ông Lehman, người lưu ý rằng những cáo trạng liên quan có thể dẫn đến một hình phạt bổ sung đáng kể tính theo số năm thụ án, cho biết luôn có một mối nguy hiểm trong việc xác định sai tội thù hận.
Ông nói với The Epoch Times, “Tôi nghĩ rằng những người đưa ra lập luận này thường cùng là những người nghĩ rằng hệ thống tư pháp của chúng ta là không khoan dung. Nếu một người đàn ông vô gia cư mắc bệnh tâm thần tấn công ba người trưởng thành gốc Á và túm lấy họ, tôi nghĩ cách chúng ta đối phó với anh ta không nhất thiết là phải phạt anh ta 10 năm vì các tội thù hận.”
“Điều quan trọng là phải đẩy lùi sự mù quáng và phân biệt chủng tộc. Nhưng, biện pháp tốt nhất là giữ an toàn cho mọi người, và công cụ tốt nhất để giữ an toàn cho mọi người là hệ thống tư pháp hình sự.”
“Rất khó để thay đổi suy nghĩ của những người mù quáng và phân biệt chủng tộc; giữ cho đường phố an toàn thì dễ dàng hơn nhiều. Điều đó có nghĩa là tài trợ đầy đủ cho các sở cảnh sát. Điều đó có nghĩa là sắp xếp nhiều cảnh sát đi tuần tra hơn, đặc biệt là ở các khu dân cư người Hoa Kỳ gốc Á.”
Tuy nhiên, một số nhà hoạt động và các nhóm lập luận rằng bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho vấn đề này sẽ phức tạp hơn việc chỉ cử thêm cảnh sát vào các cộng đồng người Á châu.
Ít nhất trong một số trường hợp thì, “đại dịch toàn cầu đã tăng cường cho các tội ác thù hận cụ thể chống lại người Á châu,” theo ông Brian Higgins, một cảnh sát trưởng đã nghỉ hưu của Cảnh sát Quận Bergen ở New Jersey, nơi ông đã phục vụ trong 27 năm.
Ông Higgins, một trợ giảng tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, cho biết cứ khi nào có một lượng lớn người dân Hoa Kỳ thế hệ thứ nhất hay người nhập cư, chẳng hạn như ở New Jersey và Thành phố New York nơi có dòng người nhập cư gốc Trung cộng, Nhật Bản và Nam Hàn, thì nhiều người sẽ e ngại báo cáo tội phạm với cảnh sát.
Ông Higgins nói với The Epoch Times, “Bởi vì quý vị đang ở một quốc gia khác, với thói quen là không tin tưởng cảnh sát. Họ vẫn giữ quan niệm đó trong cộng đồng của riêng họ.”
Quận Bergen, nơi ông Higgins dành phần lớn sự nghiệp chấp pháp của mình, có một lượng lớn người dân Hoa Kỳ gốc Hàn. Ông nói rằng khi những quần thể nhập cư này tăng lên, “như quý vị tưởng tượng, quý vị sẽ có nhiều tội hơn liên quan đến người Á châu – dù chúng cụ thể có là tội thù hận hay không.”
Nhưng ông Higgins cũng cảnh báo về việc cố gắng tìm tòi các động cơ ẩn giấu trong một số trường hợp nhất định.
Ông nói: “Tôi nghĩ điều tình cờ xảy ra đôi khi là chúng ta quá cứng nhắc. Tôi nghĩ nếu nó trông giống một con vịt và đi như một con vịt, thì nó có thể là một con vịt.”
Những câu chuyện cá nhân
Khi làn sóng các vụ việc gần đây thu hút được sự chú ý, người Hoa Kỳ gốc Á bắt đầu chia sẻ câu chuyện của họ về việc trải qua sự phân biệt chủng tộc khi lớn lên. Nhiều người nhập cư gốc Á đã chuyển đến Hoa Kỳ với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái của họ.
Gia đình bà Carolyn Kamii ban đầu nhập cư từ Nhật Bản đến California hơn một thế kỷ trước.
Họ đến Los Angeles trong những năm 1890 và mua trang trại nông nghiệp nơi họ đã làm việc cho đến khi họ bị buộc phải từ bỏ nó trong thời gian giam giữ những người Hoa Kỳ gốc Nhật trong Đệ nhị Thế chiến.
“Lớn lên ở LA thì phân biệt chủng tộc đối với người Á châu không phải là điều mới mẻ đối với tôi,” bà Kamii nói với The Epoch Times. “Gia đình tôi đã phải chịu đựng rất nhiều kể từ khi họ đến vào thế kỷ 19. … LA hồi đầu thế kỷ 20 đầy sự thù hận đối với người nhập cư, đặc biệt là người Á châu.”
Ông chú cố của bà Kamii là Thẩm phán John Aiso – người Á châu đầu tiên được bổ nhiệm vào tòa án cao cấp của LA. Khi còn nhỏ, ông được các bạn cùng lớp bầu làm lớp trưởng ở trung học cơ sở, nhưng các bậc phụ huynh da trắng phản đối việc này, cho rằng một người Nhật không nên được làm lớp trưởng. Ông Aiso cũng chiến thắng giải hùng biện quốc gia khi còn là nam sinh Trung học Hollywood, nhưng bị buộc phải từ bỏ và chuẩn bị cho ngôi vị á quân của mình. Sau đó, ông theo học Trường Luật Harvard.
Bà Kamii tin rằng những sự cố gần đây vượt “trên cả virus” về phạm vi những gì đang thúc đẩy nó. Bà đề cập đến một câu chuyện của Los Angeles Times nói về một gia đình Trung cộng hồi năm ngoái chuyển từ Covina, một khu vực kém sung túc hơn, đến khu Ladera Heights của tầng lớp trung lưu da màu và bị quấy rối suốt đêm trong nhiều tháng. Nó trở thành một vấn đề đến nỗi hàng xóm của họ đã can thiệp để giúp canh chừng những kẻ quấy rối hàng đêm.
Bà nói: “Tôi nghĩ nó liên quan đến việc các nền văn hóa-đang xâm nhập vào những cộng đồng da trắng thuộc tầng lớp trung lưu-được tầng lớp hiện thời nhìn nhận như thế nào. Tôi nghĩ những sự kiện gần đây là một sự nối tiếp về việc nền văn hóa của người da trắng cảm nhận ra sao khi những người thiểu số bắt đầu nắm giữ các vị trí công quyền, chiếm giữ các vị trí trong tầng lớp trung lưu, ‘trở nên thành công,’ v.v. – một phần là sợ hãi, một phần do ghen tị.”
Ông Christopher Rim, một người Hoa Kỳ gốc Á, sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành của Command Education, một công ty tư vấn tuyển sinh và giáo dục có trụ sở tại Thành phố New York, nói rằng quan điểm và tội ác thù hận chống người Á châu “luôn hiện hữu ở đất nước này.”
Ông Rim nói với The Epoch Times rằng, “Chúng tôi đã thấy điều đó trong suốt lịch sử của đất nước này, nhưng trong năm qua, các tội ác thù hận chống người Á châu đã tăng đột biến sau những lời nói và hành động của Tổng thống Donald Trump giữa đại dịch virus corona. Chúng ta phải xem xét lại luật tội phạm thù hận để bảo vệ tốt hơn người da màu và cộng đồng của chúng ta.”
Cựu tổng thống Trump đã phủ nhận rằng việc sử dụng thuật ngữ “virus Trung cộng” có liên quan đến chủng tộc. “Nó không hề phân biệt chủng tộc,” ông nói vào hồi tháng 03/2020. “Virus này đến từ Trung cộng. Đó là lý do.”
Các loại virus thường được đặt tên theo nơi xuất xứ của chúng, cũng thông thường như đặt tên các căn bệnh. Về phần mình vào hồi tháng 03/2020, The Epoch Times đã quyết định gọi loại virus này là “virus Trung cộng,” để chỉ ra vai trò của Trung cộng trong việc không ngăn chặn sự lây lan của virus này ra toàn thế giới.
Hồi đầu tháng 12/2019, các quan chức của Trung cộng đã biết việc virus này xuất hiện ở Vũ Hán, tuy nhiên, họ vẫn giữ kín thông tin này trong sáu tuần khi người dân địa phương và du khách tiếp tục đến và đi, lây lan loại virus này ra khắp thế giới mà không bị cấm.
Các quan chức Trung cộng đã bắt giữ những người cố gắng cảnh báo về mối nguy hiểm này, cáo buộc họ tung “tin đồn,” đồng thời còn dùng cơ chế kiểm duyệt nghiêm ngặt của chế độ cộng sản để ngăn chặn việc đưa tin lên các phương tiện truyền thông và xóa bất kỳ nội dung nào đề cập về nó khỏi mạng xã hội.
Ông Jason Miller, phát ngôn viên và là cố vấn của cựu tổng thống Trump, đã không phúc đáp các yêu cầu bình luận từ The Epoch Times về việc cựu tổng thống Trump sử dụng thuật ngữ “virus Trung cộng.”
Ông Art Chang, một người Hoa Kỳ gốc Á đang tranh cử chức thị trưởng Thành phố New York, cho biết một trong những lý do ông chuyển đến thành phố này vào năm 1985 “là để thoát khỏi nạn phân biệt chủng tộc ở Ohio, nơi tôi lớn lên, và New Haven, Connecticut, nơi tôi theo học đại học.”
Ông Chang nói với The Epoch Times, “Tôi đã chịu đựng sự xúc phạm thỉnh thoảng là ‘da vàng,’ ‘mắt híp,’ ‘đồ xuẩn ngốc,’ trong những năm qua, nhưng điều đó còn xa so với những gì tôi đã trải qua trước đây.”
Ông Chang cho biết trước đây ông chưa bao giờ thấy mức độ hỗ trợ và sự hoạt động tích cực như hiện tại của cộng đồng dành cho các tổ chức của người Hoa Kỳ gốc Á.
Một số người, như bà Sheena Yap Chan, một diễn giả chính, người sở hữu kênh podcast, và là một tác giả, đã quy trách nhiệm vấn đề này cho “huyền thoại thiểu số kiểu mẫu,” một thuật ngữ thường được dùng để mô tả một nhóm thiểu số “được coi là đặc biệt thành công, đặc biệt là theo cách trái ngược với các nhóm thiểu số khác,” theo một báo cáo từ Trường Luật Harvard.
“Tuy nhiên, có lẽ khía cạnh mơ hồ nhất của lập luận thiểu số kiểu mẫu là một thiếu sót về phương pháp luận cơ bản – không có khả năng giải thích thành phần sắc thái của chính cộng đồng người Hoa Kỳ gốc Á,” báo cáo này lưu ý.
Bà Chan nói với The Epoch Times rằng huyền thoại thiểu số kiểu mẫu “đã làm mất nhân tính của phụ nữ Á châu trong xã hội ngày nay.”
Bà nói, “Phụ nữ ít có khả năng tố cáo tội phạm hơn do sự giáo dục của chúng tôi. Khi một điều gì đó đau buồn xảy ra, chúng tôi thường giữ nó cho riêng mình hoặc phớt lờ rằng nó đã xảy ra. Ngoài ra, lớn lên trong văn hóa Á châu, chúng tôi muốn giữ thể diện và không bao giờ làm hoen ố tên tuổi của gia đình ngay cả khi trải nghiệm đau thương đó không phải lỗi của chúng tôi. … Chúng tôi cuối cùng đã trở thành mục tiêu dễ dàng để nhắm đến.”
Trong những năm gần đây, những người Hoa Kỳ gốc Á cũng cáo buộc các trường đại học Ivy League như Harvard đã phân biệt đối xử với họ khi các tổ chức này cố gắng tạo những cơ hội cho các nhóm chủng tộc không có đại diện trong trường của họ.
Tác giả kiêm nhà báo Kenny Xu, người đã viết cuốn sách “An Inconvenient Minority” (tạm dịch: Một nhóm thiểu số phiền phức), nói với The Epoch Times rằng gần đây người Hoa Kỳ gốc Á đã gây khó khăn cho câu chuyện của phe cánh tả về những người da trắng có đặc quyền và những người da màu bị áp bức.
“Tôi nghĩ rằng nó làm gia tăng căng thẳng căn bản này trong xã hội của chúng ta, đặc biệt là trong nền văn hóa ‘thức tỉnh’ của chúng ta, vốn là điều xảy ra khi quý vị ban đặc quyền cho câu chuyện về những nhóm thiểu số nào đó hơn là về những nhóm người khác, bởi vì người Hoa Kỳ gốc Á thường là tầng lớp thứ hai trong câu chuyện về chủng tộc của cánh tả ngày nay,” ông Xu nói.
Trong khi đó, một số nhà văn và học giả người Hoa Kỳ gốc Á chẳng hạn như ông Wenyuan Wu, giám đốc điều hành tại tổ chức Người California vì Quyền Bình đẳng, và cô Melissa Chen, biên tập viên New York tại tạp chí The Spectator, đã cảnh báo không nên cố gắng giải quyết các vấn đề bằng cách sử dụng chính trị sắc tộc và chủng tộc, khi cảnh báo rằng nó mang những biến chứng có hại.
Cải cách bảo lãnh tại ngoại và luật tội phạm thù hận
Luật tội phạm thù hận đã là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận trong những năm gần đây. FBI đã định nghĩa một tội ác thù hận là một “tội ác chống lại một người hoặc tài sản được thúc đẩy hoàn toàn hoặc một phần bởi thành kiến của người phạm tội đối với chủng tộc, tôn giáo, khuyết tật, khuynh hướng tình dục, sắc tộc, giới tính, hoặc bản dạng giới tính.”
Định nghĩa của FBI nêu rõ rằng “bản thân thù hận không phải là một tội ác – và FBI luôn quan tâm đến việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do dân sự khác.”
Ông David Clark, luật sư tại văn phòng Luật Clark có trụ sở tại Michigan, cho biết những trường hợp bị kết án là tội phạm thù hận rất ít, “do cần phải chứng minh được động cơ khi kết tội ai đó về tội danh này, đặc biệt là khi động cơ đó phải nằm ngoài một nghi vấn hợp lý.”
Ông Clark nói với The Epoch Times, “Các cáo trạng sát nhân thì thường thấy hơn vì chúng mang tính trực tiếp, việc sử dụng chính tội ác này làm bằng chứng đủ để chứng minh tính hợp lệ của cáo buộc đó. Tuy nhiên, các tội ác thù hận đòi hỏi những cách khó hơn và phức tạp hơn để bảo đảm cho việc kết tội, do đó khiến cho việc truy tố các nghi phạm gặp khó khăn hơn.”
Những người tham dự một buổi cầu nguyện cho những nạn nhân của các tội ác thù hận chống người Á châu tại Quảng trường Union ở New York hôm 19/03/2021.
Ông Higgins cho biết “vô cùng khó” để buộc tội ai đó tội thù hận do cách luật này được soạn thảo. “Quý vị phải đi vào tâm trí của ai đó” và chứng minh rằng quý vị biết suy nghĩ của họ tại thời điểm đó, ông cho biết và nói thêm rằng thông thường cách duy nhất để làm điều này là kiểm tra các bài viết đăng trên mạng xã hội của nghi phạm, hoặc những email và tin nhắn của họ.
“Nếu một cá nhân đến một khu phố có đông người Hoa Kỳ gốc Á và phạm tội với một trong những người đó, … liệu người đó có chính xác là đã đi đến khu phố đó để nhắm mục tiêu vào một nhóm cụ thể không?” ông Higgins nói với The Epoch Times.
Ông Higgins cũng cảnh báo về tiền đề của các cáo trạng tội ác thù hận. Ông nói: “Chúng ta muốn dập tắt nạn phân biệt chủng tộc, chúng ta muốn ngăn chặn những tội ác thù hận, phải không? Nhưng nếu tôi không ghét quý vị vì màu da của quý vị và tôi đánh quý vị thì sao – tôi có nên bị buộc tội danh nào đó nhẹ hơn không?. Đó vẫn là một tội bạo lực với một người khác.”
Ông Higgins cho biết các sĩ quan cảnh sát thường được cử đến để ứng phó với sự gia tăng tội phạm, nhưng cũng có những phản ứng lại khác, chẳng hạn như sự tham gia và nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. Ông cảnh báo rằng mọi người nên cẩn thận để không chính trị hóa vấn đề.
Theo ông Higgins, luật cải cách bảo lãnh tại ngoại cũng cần được chỉnh sửa và có khả năng bị loại bỏ. Khi có sự gia tăng các cuộc tấn công bài Do Thái vào năm ngoái ở New York, các nhà lãnh đạo và cư dân Do Thái nói với The Epoch Times rằng luật cải cách tại ngoại hầu tra mới của thành phố – vốn cho phép người phạm tội ra tù mà không phải trả tiền bảo lãnh – là quá khoan dung, nhận định rằng điều đó chỉ khuyến khích những kẻ tấn công tái phạm.
Ông Higgins nói, “Cân nhắc lại về những thay đổi đối với luật tại ngoại hầu tra chắc chắn sẽ giúp giảm các vụ phạm tội thù hận. Tôi chắc chắn đó là kết quả trực tiếp, nhưng thực sự thì tôi không biết sẽ ở mức độ nào. Nếu quý vị nhìn vào thời điểm áp dụng biện pháp cải cách tại ngoại hầu tra, thì những lần gia tăng tội phạm là có liên quan mật thiết với nhau.
“Không còn sợ phải vào tù nữa. Có rất nhiều ví dụ về những cá nhân đã phạm nhiều tội trong vài ngày, những người đã bị bắt và được thả, thì lại bị bắt và được trả tự do.”
Ông Lehman nói với The Epoch Times, “Ngay cả khi 90% những người mà quý vị đã thả nhờ tại ngoại hầu tra không phạm tội nhiều hơn, 10% số còn lại sẽ ra ngoài và tái phạm. Chúng tôi biết rằng tội phạm là một hiện tượng được tập trung cao độ. Một người dự đoán tốt về việc trở thành một tội phạm hình sự là đang trở thành một tội phạm hình sự.”
Sự lợi dụng của Trung cộng
Theo các học giả, những nhà hoạt động nhân quyền, và các nhà báo, những người mà đã chỉ ra rằng Trung cộng đã vũ khí hóa phân biệt chủng tộc bằng cách gán ghép những lời chỉ trích Trung cộng với sự phân biệt đối xử với người Trung cộng, thì giữa toàn bộ sự việc này, Trung cộng đã không ngần ngại khai thác câu chuyện mới đây để thúc đẩy tuyên truyền của chính mình và chia rẽ Hoa Kỳ hơn nữa.
Ông Adrian Zenz, một thành viên cao cấp chuyên nghiên cứu về Trung cộng tại Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản, người đã phơi bày những vụ vi phạm nhân quyền khủng khiếp do Trung cộng thực hiện, cho biết có một “xu hướng mới là vũ khí hóa phân biệt chủng tộc chống lại giới học thuật về Trung cộng.”
Ông Zenz đã viết trong một bài đăng trên Twitter rằng Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận hiếu chiến do Trung cộng điều hành, đã buộc tội ông và nhà báo Josh Rogin của tờ Washington Post “chịu trách nhiệm cho sự phân biệt chủng tộc bài xích người Á châu ở Hoa Kỳ.” Cả hai ông đều đã chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung cộng đối với công dân Trung cộng.
“Trước đây, một số bài viết trên mạng xã hội đã cáo buộc các học giả nghiên cứu những hoạt động gây ảnh hưởng của Trung cộng ở phương Tây là có ‘bàn tay nhuốm máu’ (một thuật ngữ cũng được sử dụng để chống lại tôi trong các cuộc tấn công trực tuyến gần đây),” ông Zens viết trên Twitter.
Một người phụ nữ cầm một tấm biển bằng bìa cứng có tên các nạn nhân của vụ xả súng ở Atlanta, trong một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của sự thù ghét người Á châu, ở New York hôm 19/03/2021.
“Việc vũ khí hóa phân biệt chủng tộc chống lại các hình thức học thuật chọn lọc về Trung cộng nhằm dùng để tăng cường những chia rẽ hiện có và thúc đẩy thông tin sai lệch và sự hiểu lầm hơn là các công việc có sắc thái học thuật. Cuối cùng thì điều đó lại khá nguy hiểm như chính sự phân biệt chủng tộc.”
Một bài báo đăng ngày 12/03 trên tờ Foreign Policy lưu ý rằng “trong khi Moscow cố gắng tự cho mình là một nhà lãnh đạo của những người bị áp bức trên toàn thế giới, thì thay vào đó, Bắc Kinh lại đang cố gắng thể hiện bản thân mình là người đứng đầu cộng đồng người Hoa toàn cầu.”
Phóng viên Melissa Chan gần đây đã chia sẻ bài báo tương tự trên tài khoản Twitter và thêm vào nhận định của cô.
“Điều mang tới sự đồng cảm với tôi xung quanh bài viết này là việc các nhà văn Hoa Kỳ gốc Á nhận ra họ phản đối cả hai trường hợp: sự căm thù chống người Á châu của những người phân biệt chủng tộc vốn coi họ là kém tính người hơn, và Đảng Cộng sản Trung cộng sử dụng người Trung Hoa như là những con tốt chính trị,” cô Chan viết hôm 16/03.
“Bất kỳ ai nghĩ rằng chúng ta chỉ nên tập trung vào cái này chứ không phải cái kia thì dường như không thể nhận ra là nhiều việc có thể được làm cùng một lúc. Nhưng đó là điều Twitter dành cho quý vị.”
Ông Nathan Law, một nhà hoạt động Hồng Kông ủng hộ dân chủ nổi tiếng, cũng có chung cảm nhận. Trong một bài đăng trên Twitter hôm 18/03, ông mô tả cách mà trong đó Trung cộng tuyên truyền những lời bôi nhọ của họ là “đáng ghê tởm,” khi đề cập đến một bài báo của Thời báo Hoàn Cầu mà đã cáo buộc The New York Times và cô Chan là “kích động thù hận chống lại các nhóm Á châu, do các báo cáo thiên vị và vô căn cứ của họ.”
“Trung cộng mô tả tất cả người Trung cộng là những tín đồ của các nhà độc tài, bêu xấu hình ảnh của dân tộc hơn bất cứ điều gì khác,” ông Law viết. “Hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đang ở trong các trại tập trung do lòng căm thù của Trung cộng đối với các tôn giáo và sự đa sắc tộc. Đạo đức giả đến như thế.”
Cô Melissa Chen của tờ The Spectator đã lên án câu chuyện tuyên truyền mà bình phẩm Trung cộng hoặc việc giải quyết đại dịch của nó “hẳn phải có nghĩa quý vị là một người phân biệt chủng tộc, người mà coi nhẹ động cơ chủng tộc của kẻ xả súng.”
“Chắc chắn quý vị thấy vấn đề đó bằng việc kết hợp sự chỉ trích chính trị của một quốc gia với sự phân biệt chủng tộc?” cô Chen đã viết trong một loạt các bài đăng trên Twitter. “Và chắc chắn quý vị thấy điều này mang lại lợi ích cho ai?”
“Sự kết hợp này là gian xảo và nguy hiểm, và về cơ bản là một sự trợ giúp to lớn cho các hoạt động đánh vào tâm lý của Trung cộng. Phương tiện truyền thông của chúng ta đã phóng túng tới mức giả vờ tìm kiếm sự thật và đang đưa những câu chuyện quay trở lại vào trong những cốt truyện được định trước.”
Bowen Xiao _ Thanh Xuân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.