Sunday, March 14, 2021

Nước Mỹ sau một năm với Covid

 image

11/3/21 ghi dấu ngày nước Mỹ và cả thế giới đã trải qua một năm co cụm sống với Covid-19, một loại siêu vi khuẩn xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc bên Trung cộng, và lây lan ra khắp nơi trong năm 2020, gây khủng hoảng y tế toàn cầu vì chưa có thuốc chữa.

 

Ngày này năm ngoái Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố siêu vi khuẩn xuất hiện vào cuối năm 2019 là một đại dịch, lây nhanh ở nơi phát sinh và đang lan ra thế giới, nhiều nhất ở Ý, Hàn quốc và trên một trăm quốc gia đã có người nhiễm bệnh.

 

Chiều hôm đó Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm du khách vào Mỹ từ châu Âu, ngoại trừ từ Anh quốc.

 

Khi WHO công bố đại dịch toàn cầu, nước Mỹ mới có hơn nghìn ca nhiễm và chừng ba chục người chết vì Covid. Điều quan ngại là tốc độ lây lan và người nhiễm bệnh có thể chết, nhất là người già và những người có bệnh nền.


image


Hơn tháng trước đó, ngày 27/1 nhật báo Washington Post chạy tin trang nhất về bệnh dịch mới: "Chinese virus infections and death toll spike" và đưa tin trên 50 triệu người dân ở Trung cộng bị phong tỏa và có nhiều người đã chết vì dịch này.

 

Bài báo cho biết CDC, cơ quan kiểm soát bệnh dịch của Hoa Kỳ, xác nhận 5 ca nhiễm tại Mỹ và cảnh báo có nguy cơ lây lan trong dân.

 

Ngày 31/1 Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm du khách từ Trung cộng vào Mỹ.

 

Tết Canh Tý rơi vào ngày 25/1/20. Truyền thông đưa tin Vũ Hán như thành phố ma, không bóng người qua lại khi tết về.

 

Trong khi vùng Vịnh San Francisco vẫn có sinh hoạt lễ hội vui chơi đón tết, vẫn tụ họp xem tranh giải Super Bowl sôi nổi giữa đội nhà 49ers và đội Chiefs từ bang Missouri. Diễn hành mừng xuân của người Hoa vẫn tưng bừng trong tiếng pháo rền vang.

 

Một tháng sau tết, vùng San Francisco mới thực sự dao động trước những tin tức về bệnh dịch lây lan nhanh và gây tử vong cho nhiều người ở các tiểu bang Washington, New York.


image


Ngày 9/3 du thuyền Grand Princess với hai nghìn du khách, có hai chục người bị nhiễm, được cho vào đậu ở một khu biệt lập tại bến cảng Oakland, California sau khi phải chạy lòng vòng ngoài khơi nhiều ngày.

 

Du khách được di tản, đưa đi cách ly tại những căn cứ quân sự trên toàn nước Mỹ trước khi cho về lại với gia đình. Đó là biện pháp cách ly triệt để nhất để phòng lây lan bệnh dịch trong nước Mỹ.

 

Nhưng sau đó các biện pháp phòng dịch trên nước Mỹ chỉ mang tính tự nguyện. Nhiều người xét nghiệm với kết quả dương tính, giới chức y tế cũng chỉ khuyến cáo về nhà tự cách ly với người thân, không có các trung tâm cách ly cho người bệnh.

 

Khi số người bị nhiễm nặng tăng lên và bệnh viện hết chỗ là lúc khủng hoảng y tế xảy ra tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ, nặng nhất là New York.


image


Giữa tháng Ba 2020 California có 150 ca nhiễm và vài người chết. Vùng Vịnh San Francisco mới có vài chục ca và đã ban hành lệnh ở trong nhà - Shelter-in-Place. Trường học đóng cửa. Cơ sở thương mại, nhà hàng ăn, quán rượu, khu giải trí ngưng hoạt động. Giáo đường, đền thờ cũng cài then. Nói chung chỉ còn những siêu thị, cây xăng và ngân hàng mở cửa. Vùng vịnh San Francisco là khu vực đầu tiên ở Mỹ có lệnh cấm túc.

 

Ít ngày sau, lệnh đóng cửa được Thống đốc Gavin Newsom ban hành cho toàn tiểu bang. Các trường lên kế hoạch chuyển qua dạy trực tuyến cho đến hết niên học.

 

Một vài lần tôi lái xe chạy vòng vòng quan sát. Sáng thứ Hai đầu tuần mà xa lộ thật vắng cho tôi cảm giác lo âu như chưa bao giờ có. Chiều xuống, đường phố không còn chút sinh động, vắng lặng như thành phố ma.

 

Tương lai rồi sẽ ra sao. Có đủ nhu yếu phẩm trong những ngày tới. Bệnh dịch sẽ kéo dài bao lâu? Có hy vọng gì cho nắng ấm sẽ làm Covid biến đi như Tổng thống Trump nói?


image

Khu thương mại San Francisco vắng người qua lại vào tháng 4/2020

 

Động đất lớn năm 1989 rung chuyển cả vùng, làm sập xa lộ và một mảng cầu Bay Bridge. Biến cố 9/11 gây chấn động toàn nước Mỹ. Nhưng chưa lần nào nỗi lo lắng kéo dài như trong mùa dịch này. Bao giờ cuộc sống sẽ trở lại bình thường?

 

Mùa hè đến trong nắng ấm và yên lặng. Cách ly và phòng chống được nới lỏng. Hàng quán cho ngồi ăn bên ngoài. Nơi thờ phượng mở cửa cho cầu nguyện với số người giới hạn. Nhưng số ca nhiễm và người chết dường như không giảm. Mỗi ngày xem truyền hình hiện lên con số lây nhiễm, số ca tử vong toàn cầu và tại nước Mỹ mà lo.

 

Đợt bùng phát cuối năm của bệnh dịch mới kinh hoàng và tôi cảm nhận được là Covid đã đến gần. Người thân quen chết bên miền Đông, nhiều người gần gũi trong gia đình, trong cộng đồng vật vã với cơn bệnh nhiều ngày.

 

Chỉ sau một năm Covid đã lây lan cho gần 30 triệu người Mỹ, với 530 nghìn tử vong. Covid đã làm đảo lộn đời sống kinh tế và chính trị Hoa Kỳ.

 

Tổng thống Trump vì Covid mà không còn được đa số dân tín nhiệm cho một nhiệm kỳ thứ hai. Nếu không có nó, chuyện tranh đua vào Bạch Ốc năm 2020 sẽ căn cứ và thành tích phát triển kinh tế như mọi khi. Vì Covid mà sinh hoạt kinh tế đóng băng, cách tổ chức bầu cử thay đổi và gây tranh cãi với kết quả mà cho tới giờ Donald Trump cũng chưa chấp nhận thua cuộc.


image

Đến nay đã có tất cả 120 triệu người nhiễm bệnh và 2 triệu 700 nghìn tử vong trên toàn thế giới.

 

Nhiều người thắc mắc vì sao một cường quốc như Hoa Kỳ lại có số ca lây nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.

 

Hai yếu tố đưa đến khủng hoảng y tế nguy hại nhất cho nước Mỹ trong năm qua là vì một nước dân chủ và Covid đã bị chính trị hoá.

 

Chính trị hoá vì Cộng hoà và Dân chủ ngay từ đầu đã có cách nhìn khác nhau về phòng chống Covid. Tổng thống Donald Trump, đại diện cho phía Cộng hoà, xem thường nó nên không quyết tâm ngăn ngừa. Ông cho là bệnh dịch cũng như cúm hằng năm rồi sẽ mau chóng qua đi, nên không ra lệnh đóng cửa sinh hoạt kinh tế.

 

Các thống đốc tiểu bang, tuỳ theo là người đảng Cộng Hòa hay Dân chủ cũng có các chính sách phòng chống khác nhau. Thống đốc Dân chủ như ở California, New York ban hành lệnh cấm túc, đóng cửa doanh nghiệp sớm hơn những nơi có thống đốc Cộng hoà như Texas, Florida.


image


Vì chế độ dân chủ, việc lãnh đạo có chính sách giới hạn sinh hoạt không được mọi người dân đồng tình. Ở California, khi có lệnh cấm tụ họp, đóng cửa cơ sở thương mại thì vẫn có người không tuân lệnh. Một nhà thờ trong khu vực San Jose vẫn mở, giáo dân vào hát, làm việc thờ phượng vì mục sư cho rằng lệnh cấm nhà thờ mở cửa là vi phạm tự do tôn giáo. Có chủ cơ sở thương mại không đóng cửa vì muốn tự do mưu sinh. Chính quyền địa phương phải đối phó, từ cảnh cáo, thu hồi môn bài, tới tranh tụng trước tòa án.

 

Vì thế đã có phong trào đòi bãi nhiệm Thống đốc Gavin Newsom và việc xin chữ ký đang được tiến hành. Đã có 2 triệu người ký tên, hơn số 1.5 triệu cần có để văn phòng bầu cử tiểu bang tổ chức bầu cử bãi nhiệm trong những tháng tới.

 

Trước khu Grand Century ở San Jose thường có một bàn lấy chữ ký bãi nhiệm vì có người Việt cho rằng Thống đốc Newsom không cho cơ sở thương mại mở cửa làm, gây thiệt hại tài chính. Có người không tin vào cách Đảng Dân chủ đối phó với Covid khi xen vào cuộc sống của dân, giới hạn nhiều sinh hoạt.


image

Chích ngừa Covid đang được khai triển diện rộng trên toàn nước Mỹ

 

Đến nay Tổng thống Joe Biden lên làm lãnh đạo đã gần hai tháng và tranh cãi về Covid vẫn làm chia rẽ nước Mỹ. Luật cứu trợ 1 nghìn 900 trăm tỉ đôla vừa được ban hành khi đem ra thảo luận tại hai viện quốc hội đã không được sự ủng hộ của bất cứ dân cử Cộng hoà nào. Vì Đảng Dân chủ đang nắm đa số cả hành pháp lẫn lập pháp nên luật được chấp thuận.

 

Covid đã làm rúng động chính trường Mỹ trong năm qua và còn tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị Hoa Kỳ trong những năm tới.

 

Tổng thống Biden nhận những khủng hoảng cũng như thừa hưởng thành quả của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.


image


Khủng hoảng là số ca lây nhiễm và tử vong của Hoa Kỳ cao nhất thế giới, còn thành quả là thuốc tiêm chủng đã có từ ba tháng qua. Việc tiêm chủng cho dân đang được khai triển trên diện rộng để đến đầu tháng 5 mọi người lớn nếu muốn chích ngừa đều có thuốc. Tổng thống Biden hy vọng đến Lễ Độc lập 4/7 thì gia đình, người thân có thể xum họp ăn mừng.

 

Sau nhiều tuần với thuốc chích, hiện đã có khoảng 10%, hơn 30 triệu dân Mỹ đã được tiêm chủng phòng ngừa Covid. Tổng thống Biden có kế hoạch đưa con số lên đến 100 triệu trong những tuần lễ tới.

 

Một số tiểu bang, hầu hết với thống đốc Cộng hoà, như Texas, Iowa, Mississippi, Oklahoma, Wyoming, Montana, North Dakota đã bãi bỏ các giới hạn liên quan đến Covid, kể cả việc đeo khẩu trang, dù giới chức y tế cảnh báo điều đó có thể làm tăng lây nhiễm và tử vong trở lại. Các tiểu bang West Virginia, South Carolina, Connecticut và Arkansas cũng nới lỏng nhiều giới hạn để thương mại hoạt động trở lại.


image


Riêng California đang theo chính sách bốn màu, căn cứ vào số ca nhiễm và số người phải nhập viện. Màu tím hạn chế nhiều sinh hoạt, màu đỏ cho mở cửa sinh hoạt bên trong với số người giới hạn, màu cam cho sinh hoạt bên trong với số người nhiều hơn và màu vàng là khi đời sống sinh hoạt trở lại bình thường.

 

Các thành phố quanh vùng Vịnh San Francisco nhiều nơi lúc này vẫn còn trong màu tím hay đỏ. Hy vọng cho mùa hè sắp đến, có nắng vàng rực rỡ.

 

 

 

Bùi Văn Phú


image


7 vấn đề sức khỏe do dùng gối sai
Cứu trợ COVID-19 trị giá 1.9 nghìn tỷ USD
Đại dịch _ phòng ngừa _ và sự chắc chắn của việc đổ lỗi
Texas dỡ bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang vì COVID
Lý do tượng vàng tạc hình ông Trump cầm ‘cây đũa thần’
Căng thẳng và hệ thống miễn dịch
Gửi thế hệ tương lai _ ‘Cuộc sống tốt hơn nhiều khi ta có gia đình ở bên’
Nước Mỹ vì sao nên nông nỗi?
Điều nhỏ bé với tình yêu vĩ đại
Tính cách phương Tây định hình bởi Giáo hội La Mã?
Thành phố 'nổi' giữa ngập lụt ở Lagos, Nigeria
Chloe Zhao _ phụ nữ châu Á đầu tiên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất
5 thượng nghị sĩ ĐCH bỏ phiếu kết tội cựu TT Trump bị khiển trách
Thói quen đặc biệt của bà cụ mất trí nhớ
Cựu TT Trump gợi ý tranh cử năm 2024, chỉ trích TT Biden
Ông Trump truy đuổi các RINOs: ‘Hãy loại bỏ tất cả bọn họ’
Ba cái thiếu kinh niên của người già
Trump tại CPAC _ Phong trào MAGA ‘còn lâu mới kết thúc’
Nhờ đâu cựu Tổng thống Trump được xử 'trắng án'?
Vụ 'đánh cắp kimchi' lại thổi bùng mối thù Hàn-Trung

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.