Pages

Monday, October 28, 2019

Tị nạn niềm tin

BM
Khi nghe tin về chiếc công ten nơ cách đây 3 ngày, tôi nhớ đến một bài phỏng vấn lâu rồi, khi tôi chia sẻ rằng nhiều người Việt rời bỏ quê hương để “tị nạn niềm tin”.

Ngày xưa, rất nhiều trong số cả triệu thuyền nhân bỏ đi vì họ không có niềm tin vào cuộc sống trong chế độ mới sau miền Nam về tay chính quyền miền Bắc.

Ngày nay, chúng ta đang có một cuộc di cư âm thầm hơn. Người giàu đi kiểu người giàu, bằng con đường du học, đi làm, kết hôn cả giả lẫn thật, đầu tư kinh tế. Nhiều người bạn tôi đã lên kế hoạch rất chi tiết và cẩn thận cho cả gia đình từ khi con còn bé tí.

Họ giàu có, thành đạt, hạnh phúc, nhưng vẫn quyết định bỏ dở để ra nước ngoài sống một cuộc sống có phần buồn bã cô đơn. Họ hy sinh cho thế hệ F1, không muốn con cái phải sống cuộc sống ô nhiễm cả về môi trường lẫn tâm linh, nơi ăn uống run mình vì sợ độc, ra đường thì hít bụi mịn + thuỷ ngân, đến cơ quan thì phải gù lưng thì mới sống ổn. Họ sợ con cái họ không có đủ thời gian để hưởng thành quả của một xã hội văn minh cho trọn. Quan chức Việt Nam thì hẳn có nhiều người giống Trung cộng, đưa con cái sang sống ở nước ngoài, mang theo tiền của, hễ trong nước có động là biến.

BM  

Và người nghèo đi kiểu người nghèo, bằng thuyền, bằng công ten nơ, bằng đi bộ xuyên rừng... Mình thấy nhiều bạn có ý trách nạn nhân, rằng gần tỷ đồng vay được sao không ở VN làm ăn. Chúng ta thật may mắn vì không ở trong hoàn cảnh của họ. Hãy nhìn vấn đề chi tiết hơn một chút để cảm thông cho những phận người này:

Thứ nhất, rất nhiều người nghèo ra đi khi thiếu thông tin, thậm chí bị lừa đảo. Những lời đồn thổi và sự hứa hẹn ma mị khiến họ tin rằng chuyến đi an toàn và tương lai xán lạn. Chả cứ người Việt xa xôi bị lừa, dân Đông Âu cũng vậy. Khi tôi còn làm thiện nguyện cho Salvation Army tại Amsterdam, mỗi tối thứ năm đi đưa nước trà cà phê cho các cô gái làm lao động tình dục ở phố đèn đỏ, đôi khi nghe chuyện của họ thấy thương vô cùng. Có lần một toà nhà nơi các cô ngồi chờ khách sáng trưng lên với một show laze có hình vũ nữ với các điệu nhảy sôi động. Đèn tắt, các cô ngồi lại bên cửa sổ. Thông điệp gửi tới xã hội rất rõ ràng: Các cô bị dụ sang Hà Lan để làm diễn viên múa. Khi tới nơi, họ bị ném vào một vòng xoáy của nợ nần, của bắt nạt, của tủi hổ, nhiều người bị giữ hộ chiếu làm tin, và họ không dám trở về, hoặc không thể trở về quê hương với bàn tay trắng.

BM
  
Thứ hai, nhiều người nghèo ra đi vì gánh nặng gia đình. Số tiền họ vay, nếu ở VN, có lẽ họ tính toán rằng chỉ có thể nuôi chính mình. Nhưng lao động dành dụm ở nước ngoài chỉ vài năm là trả hết nợ, thêm vài năm nữa là có vốn, thêm vài năm nữa biết đâu được ở lại, đổi đời toàn diện, không những giúp mình mà còn cả gia đình. Tôi đã chứng kiến những đường dây đưa người đi nước ngoài theo đường hôn nhân giả, anh em họ lấy nhau, vợ chồng vờ ly hôn, chị gái nhận con cuả em trai làm con nuôi, thay tên đổi họ, dắt díu người này chằng chéo người kia có khi cả làng cuối cùng đi trót lọt bằng hôn nhân giả và bảo lãnh gia đình. Số tiền vay ban đầu giờ là quá nhỏ so với số lãi mà họ đạt được.

BM
  
Thứ ba, yếu tố văn hoá về sự sĩ diện là rất lớn. Bạn bè tôi nhiều người vừa thích vừa sợ về VN. Mỗi lần về tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền vào quà cáp và ăn uống. Cả năm đi săn hàng giảm giá để nhét đầy vali về làm quà. Đưa quà đôi khi còn bị dè bỉu. Sống ở Tây khổ đến mấy về mà không tươm tất thì cả làng chê cười. Ngày tôi về quê nội, dù chả mấy thân quen nhưng ông anh họ dắt tôi ra nghĩa trang, chỉ khu mộ dòng họ và nói: "Chị Mai là Giáo sư tiến sĩ ở nước ngoài, bao giờ chị cho quê tiền để xây mộ nhà mình to nhất khu này?" Tôi còn chưa hoàn hồn thì anh nói tiếp: "Rồi chị Mai nhận đứa út nhà em là con nuôi và bảo lãnh cho cháu đi nhé". Suốt chuyến thăm ngắn ngủi ấy, anh kể về những ngôi nhà xây bằng tiền con gái đi lấy chồng Hàn Quốc gửi về cho ba má. Nhìn anh dậy lúc 4h sáng làm quần quật cả ngày, tôi vừa thương vừa giận.

Chúng ta không chỉ có tị nạn giáo dục, tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế, tị nạn môi trường. Tổng hợp tất cả những điều đó, tôi gọi là "tị nạn niềm tin". Đó là khi một chính quyền không tạo cho người dân niềm tin rằng dù cuộc sống có những khúc quanh, nhưng đi một hồi thì tương lai phải có tí màu hồng.

Đất nước không còn chiến tranh, kinh tế cũng tốt lên. Nhưng số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về Vấn đề Kinh tế và Xã hội cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài, nhiều hơn thời thuyền nhân. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 100 nghìn người Việt di cư.

Hẳn nhiên, di cư sẽ tiếp tục diễn ra, kể cả từ những nước giàu. Việt Nam đứng đầu top các nước cho người nước ngoài tìm đến làm việc vì giá sinh hoạt rẻ và môi trường nhiều cơ hội đó thôi. Tây dùng từ expat cho sang, người đến từ nước nghèo dùng từ immigrant, nhưng kỳ thự̣c chả có mấy khác biệt. Đều là chim, tìm đất lành để đậu.

BM

Di cư là một quá trình không thể ngăn cản từ thuở khai thiên lập địa. Vấn đề là làm thế nào để những chuyến lên đường ấy không kết thúc thảm thương trong chiếc công ten nơ đông lạnh.



Mai Phuong Nguyen
***

Danh sách tên tuổi của một số nạn nhân trong vụ 39 di dân Việt chết ở Anh

BM
Theo trang web Newsmax, tên tuổi của một số nạn nhân trong vụ 39 người di dân lậu Việt chết trong chiếc xe tải đang trên đường đến Anh đã được công bố.

Theo trang mạng này, cảnh sát Anh Quốc  rất thận trọng khi tuyên bố quốc tịch của nạn nhân. Chính quyền CSVN hiện đang làm việc với cảnh sát điều tra Anh để nhận dạng 39 người đang nằm trong bệnh viện Broomfield tại thành phố Chelmsford.

BM
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam

Theo linh mục Đặng Hữu Nam, hầu hết 39 người được tìm thấy đã chết có thể đều đến từ Việt Nam. Số liệu này phù hợp với thông tin trình báo của người dân với chính quyền về các trường hợp người thân mất liên lạc với gia đình.

Theo thông tin mới nhất từ phóng viên địa bàn tại Anh, cộng đồng người Việt Nam ở Anh đã xác định được trong 39 người tử nạn tại Anh phần lớn tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, Nghệ An: 25 người huyện Yên Thành, 2 người huyện Diễn Châu, 2 người Vinh; Hà Tĩnh: 4 người huyện Can Lộc, 1 người thị trấn Nghèn, 1 người Hồng Lĩnh. 04 người không xác định được.

BM  

Sau đây là tên tuổi của 11 người đầu tiên:

·        Phạm Thị Trà My (26 tuổi), quê Can Lộc (Hà Tĩnh)
·        Võ Nhân Du, sinh 05/5/2000; quê quán: xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
·        Nguyễn Đình Lượng, sinh ngày 20/1/1999. là con trai trong gia đình ông Nguyễn Đình Gia và bà Trần Thị Huân, một gia đình nông dân ở Huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh.
·        Nguyễn Văn Hùng; xóm 11, Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An, thuộc giáo xứ Trung Song, giáo phận Vinh
·        Hoàng Văn Tiếp, sinh năm: 2001; Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An, thuộc giáo xứ Trung Song, giáo phận Vinh
·        Nguyễn Đình Tứ (sinh năm 1993), xã Đô Thành, Yên Thành (Nghệ An)
·        Lê Văn Hà (sinh năm 1991), quê quán: xóm Yên Hội, xã Đô Thành, Yên Thành (Nghệ An)
·        Bùi Thị Hương, quê quán: xã Đô Thành, Yên Thành (Nghệ An)
·        Võ Ngọc Nam (SN 1991, trú ở xóm 10, xã Thọ Thành)
·        Bùi Thái Thắng (quê ở thị xã Hồng Lĩnh).
·        Bùi Thị Nhung, Yên Thành (Nghệ An)


BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.