Pages

Saturday, December 28, 2019

Bị trầm cảm ở nơi 'hạnh phúc nhất thế giới'

BM
Phơi mình dưới ánh nắng mặt trời bên ngoài hàng hiên của quán cà phê trang trí theo phong cách đồ nội thất Bắc Âu tối giản với những món đồ bằng vải sặc sỡ, Tuukka Saarni là hình ảnh điển hình của một chàng trai trên áp phích quảng cáo về Phần Lan, quốc gia đã đạt ngôi vị đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc trong hai năm liên tiếp.

"Ngay tại thời điểm này, tôi thực sự thấy hạnh phúc tràn trề," cậu thanh niên 19 tuổi trẻ măng, vừa mới học xong trung học và sắp bắt đầu công việc ở một cửa hàng tạp hóa sau vài tháng tìm việc, nói.

Sự thực là cậu đánh giá mức độ hạnh phúc của mình là 10/10, và cậu cũng cho biết bản thân và cả nhóm bạn bè của mình chưa từng trải qua trầm cảm.

"Cuộc sống của chúng tôi thực sự đang diễn ra hết sức tốt đẹp," cậu nói. "Đó là sự kết hợp tuyệt vời của mọi thứ với nhau. Chúng tôi có thời tiết tốt - ít ra thỉnh thoảng cũng có những ngày nắng đẹp thế này - có nền giáo dục tốt và hệ thống y tế tốt."

Cậu đánh giá cao nền văn hóa quốc gia luôn khuyến khích công dân dành thời gian cho riêng mình đồng thời giao lưu chan hòa với bạn bè. Cạnh đó, Phần Lan là một đất nước giàu có với tỷ lệ thất nghiệp thấp. "Có rất nhiều việc làm... nếu chủ động tìm kiếm thì ai cũng đều có thể có việc làm," cậu nói.

Chính những tiêu chí này - bên cạnh mức độ tin cậy cao, bảo mật an toàn và tỷ lệ bất bình đẳng thấp - là lý do khiến cho Phần Lan đoạt vị trí đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc toàn cầu (tuy đôi khi vị trí này cũng gây tranh cãi).

Quốc gia nhỏ bé thuộc Bắc Âu này, với dân số chỉ có 5,5 triệu người, từ lâu nay luôn là nơi con người ta dễ bị rơi vào tâm trạng buồn chán do thời gian mùa đông tối tăm ảm đạm kéo dài - đó không phải là một nơi mà bạn thường xuyên được bao bọc bởi bầu không khí vui vẻ hay những cảm xúc tích cực khác.

Tuy nhiên, giống như các nước Scandinavi láng giềng, Phần Lan lại ghi điểm ở nhiều tiêu chí khác vốn được dùng làm tiêu chuẩn để đo lường chỉ số hạnh phúc.

'Thế giới trở nên phức tạp hơn'

BM
Với hệ thống phúc lợi lớn tốt và tỷ lệ bất bình đẳng thấp, Phần Lan là nơi có nhiều thanh thiếu niên như Tuukka lớn lên trong hạnh phúc và không hề có triệu chứng trầm cảm

Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng hình ảnh Phần Lan được coi là một quốc gia hạnh phúc lại đang lấn lướt, khiến người ta ít để ý tới những thách thức trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần - đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.

Một số người tin rằng điều đó thậm chí có thể khiến người Phần Lan ít có ý thức về căn bệnh và khó nhận ra các triệu chứng trầm cảm để từ đó tìm cách điều trị.

Tỷ lệ tự tử ở Phần Lan hiện chỉ bằng một nửa so với thời thập niên 1990 và đã giảm ở tất cả các nhóm tuổi. Sự tiến bộ này có được là nhờ chiến dịch trên toàn quốc nhằm ngăn chặn việc tự tử khi mọi thứ trở nên tồi tệ nhất, bên cạnh việc tình hình điều trị trầm cảm đã được cải thiện.

Nhưng tỷ lệ tự tử ở nước này hiện vẫn cao hơn mức trung bình của châu Âu.

Một phần ba số ca tử vong ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi là do tự tử.

Theo bản phúc trình Dưới Bóng Hạnh Phúc (In the Shadow of Happiness) ra hồi 2018 do Hội đồng Bộ trưởng các nước Bắc Âu và Viện Nghiên cứu Hạnh phúc ở Copenhagen thực hiện, khoảng 16% phụ nữ Phần Lan từ 18 đến 23 tuổi và 11% nam giới trẻ thừa nhận mình đang phải "vật lộn" hay "chịu đựng" trong cuộc sống.

Tỷ lệ này chỉ thấp hơn tỷ lệ của nhóm từ 80 tuổi trở lên.

Công trình nghiên cứu chuyên sâu mới nhất trên phạm vi toàn quốc về trầm cảm ở Phần Lan được thực hiện từ hồi 2011, nhưng tổ chức phi lợi nhuận Mieli (Sức khoẻ Tâm thần Phần Lan - Mental Health Finland) ước tính rằng khoảng 20% trong số những người dưới 30 tuổi đã từng trải qua các triệu chứng trầm cảm hồi năm ngoái, 2018.

"Đây là vấn đề phổ biến," Juho Mertanen, nhà tâm lý học của tổ chức này cho biết. "Ngày càng có những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ này có thể tăng lên, mặc dù sự gia tăng không đến mức cực đoan như những gì được một số hãng truyền thông nêu ra."

Một bản phúc trình ra hồi 2017 của Trung tâm Bắc Âu về Phúc lợi và Các Vấn đề Xã hội nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc lạm dụng chất gây nghiện và tình trạng sức khỏe kém, trong đó ghi nhận rằng người Phần Lan uống rượu nhiều hơn các nước láng giềng Bắc Âu. Việc sử dụng ma túy ở nhóm tuổi từ 25 đến 34 cũng gia tăng. Và trong khi tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc thấp, thì tỷ lệ những người trẻ tuổi thất nghiệp lại cao lên một cách đáng kể.

Cuối năm 2018, có đến 12,5% trong số những người từ 15 đến 19 tuổi thất nghiệp, tỷ lệ cao nhất ở Bắc Âu và cao hơn mức trung bình của EU (11,5%).

BM
Dù cho Phần Lan luôn xếp hạng cao trên thế giới trong các cuộc điều tra về hạnh phúc, nhưng trên thực tế, tình trạng lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm và tự tử ở tuổi vị thành niên tại nước này cao hơn nhiều so với mức trung bình ở châu Âu

Mertanen đồng ý rằng thị trường việc làm ở Phần Lan đóng vai một trò trong vấn đề sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bởi vì "có rất nhiều những điều không chắc chắn ngày nay".

Dù Phần Lan là một quốc gia ổn định về tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng tình trạng bất bình đẳng đang có chiều hướng gia tăng, ông nói thêm.

Ông cũng chỉ ra rằng Phần Lan đang hoà vào xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực số hóa và áp dụng mô hình thị trường công ăn việc làm tạm thời, ngắn hạn và không ổn định; đây là những yếu tố tác động tới sức khoẻ tâm thần của giới trẻ phương tây.

"Thế giới đang trở nên phức tạp hơn... Nền kinh tế đang thay đổi - giờ đây đang có những nghề nghiệp kém ổn định nhưng bạn vẫn nhận làm công việc đó rồi cứ mòn mỏi theo đuổi công việc đó cho đến lúc nghỉ hưu," Mertanen nói.

Mạng xã hội, theo ông, có lẽ cũng tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Phần Lan và ở cả các nơi khác.

Ông nhanh chóng chỉ ra rằng nghiên cứu dài hạn trên quy mô lớn nhằm đánh giá tác động của những lượt 'like' trên Instagram và Facebook hiện vẫn còn chưa được thực hiện đủ mức, nhưng "những người trầm cảm thường hay có xu hướng so sánh", và mạng xã hội khiến người ra rất dễ dàng "bắt đầu so sánh những khoảnh khắc tồi tệ nhất của họ với những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời người khác".

Mertanen nói rằng thậm chí có thể xảy ra tình trạng là việc Phần Lan được đưa ra như một nơi ai ai cũng hài lòng, hạnh phúc sẽ tác động tiêu cực một cách trầm trọng hơn đối với thanh thiếu niên Phần Lan.

"Tôi có thể nói về công trình nghiên cứu về hạnh phúc và mạng xã hội rằng... Tôi có thể thấy là nó đang nhồi nhét cái kiểu thế giới đen-trắng rõ ràng vào đầu óc của những người trầm cảm," ông nói.

'Mọi thứ dường như đều ổn, nhưng mà...'

Quan điểm này được chia sẻ bởi nhiều người trẻ ở Phần Lan, những người đã từng trải qua trầm cảm.

"Bạn gần như cảm thấy mình không có quyền trầm cảm khi sống ở một đất nước như Phần Lan, nơi có mức sống cao như thế này," Kirsi-Marja Moberg giải thích. Cô hiện 34 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khi còn là thiếu niên và cô đã phải vật lộn với căn bệnh trong suốt những năm ngoài 20 tuổi.

BM
Theo các chuyên gia, việc coi Phần Lan là một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới có thể gây tác động tiêu cực đến giới thanh thiếu niên đang phải vật lộn với chứng trầm cảm.

"Bạn có cảm giác là bạn cần phải vui hưởng mọi cơ hội mình có khi mình vẫn đang còn trẻ trung. Xã hội cũng thực sự khiến cho bạn cảm thấy cần giữ hình ảnh đó."

"Ở Phần Lan ... bạn cảm thấy như mọi thứ sẽ ổn cả, mặc dù thực tế không phải vậy," Jonne Juntura, bác sĩ tập sự 27 tuổi, từng bị trầm cảm sáu tháng trong thời gian học đại học, đồng ý với quan điểm trên.

Anh chỉ ra rằng những vấn đề cá nhân và các khó khăn trong xã hội thường dẫn đến trầm cảm - ví dụ như chia tay người yêu hoặc suy thoái kinh tế - và trầm cảm là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bất kể tiêu chuẩn sống của họ là gì.

"Mặc dù các số liệu thống kê cho thấy chúng tôi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, nhưng điều đó không nói lên toàn bộ câu chuyện. Bởi trầm cảm là một căn bệnh và không phải lúc nào nó cũng liên quan đến hoàn cảnh sống."

"Thời điểm mà cá nhân tôi bị bệnh, mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều ổn. Tôi thực sự yêu thích trường học. Tôi có những sở thích cá nhân thú vị. Tôi có một mối tình. Quả là chả có bất ổn gây sốc nào trong cuộc sống của tôi cả. Nhưng tôi vẫn cứ mắc bệnh đấy thôi," anh giải thích.

Vết nhơ xã hội

Hầu hết các chuyên gia sức khỏe tâm thần đều đồng ý rằng những điều cấm kị xung quanh trầm cảm và tâm trạng lo lắng đã bắt đầu bị dỡ bỏ ở Phần Lan, đặc biệt là kể từ khi nước này thúc đẩy chiến dịch chống tự tử trên toàn quốc.

Điều này đã góp phần khiến nhiều người chủ động tìm cách chữa trị căn bệnh, tuy nhiên điều đó lại khiến cho việc so sánh tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm qua các năm và giữa các nhóm lứa tuổi trở nên khó khăn hơn.

Song nhiều người Phần Lan trẻ tuổi đã từng trải qua trầm cảm, trong đó có Kirsi-Marja Moberg, đều tin rằng vẫn còn tồn tại thái độ kỳ thị đối với những người "được xác định là mặc chứng trầm cảm".

"Điều này phụ thuộc vào nhóm xã hội mà bạn thuộc về, thậm chí cho dù bạn đang sống ở Phần Lan, nơi mọi người có thể tự do nói về mọi thứ... thì điều cấm kỵ này chắc chắn vẫn tồn tại," cô nói.

BM
Mặc dù các định kiến về sức khỏe tâm thần đã bị phá bỏ, những thanh niên như Kirsi-Maria và Jonne vẫn cảm thấy bệnh trầm cảm vẫn bị coi là một điều cấm kỵ

Trong một nền văn hóa mà tính riêng tư rất được coi trọng thì việc công khai thể hiện cảm xúc là điều hiếm hoi, và thậm chí việc trò chuyện về chủ đề này cũng được giới hạn ở mức tối thiểu, cho nên việc thừa nhận và thảo luận công khai về trầm cảm vẫn là điều thách thức đối với một số người Phần Lan mắc chứng bệnh này.

"Đó không chỉ là định kiến," Jonne Juntura nói về việc người Phần Lan nổi tiếng là kín đáo trong giao tiếp.

Hiện đang điều trị cho các bệnh nhân bị trầm cảm, anh cho biết rằng những chàng trai trẻ ở Phần Lan thấy rất khó nói thành lời về căn bệnh của mình.

"Vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn thường bị gán với tính cách yếu đuối, và trong một nền văn hóa coi trọng nam tính thì một số người thấy rất khó nói về điều mà họ cảm thấy là khiến cho người ta mất mặt."

Tìm cách điều trị

Trong vấn đề chữa bệnh trầm cảm, chính quyền thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm về các dịch vụ sức khỏe tâm thần, và đây là mảng bị đánh thuế nặng. Mà như vậy có nghĩa là những người có vấn đề về tâm thần về mặt lý thuyết là không nên tìm cách tìm kiếm sự trợ giúp, nếu không họ sẽ phải rút hầu bao tốn kém kha khá để chi trả.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có những cuộc tranh luận chính trị về tình trạng bệnh nhân phải xếp hàng dài trong danh sách chờ đợi ở các thành phố lớn, về việc điều trị cho bệnh nhân ở các vùng xa xôi hẻo lánh, và việc chăm sóc dành cho thiếu niên đang chuẩn bị bước sang tuổi trưởng thành.

BM
Việc tiếp cận được các biện pháp điều trị sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Phần Lan, nơi bệnh nhân thường phải chờ đợi hàng tuần hay thậm chí hàng tháng mới lấy được lịch hẹn khám

"Rất khó để nhận được sự giúp đỡ nhanh chóng. Có khi mất đến vài tuần hoặc thậm chí vài tháng. Và nếu đó là tình huống bệnh nhân đang trong cơn khủng hoảng thì chờ như thế là quá lâu," Emmi Kuosmanen, chuyên tư vấn cho thanh thiếu niên tại một trường trung học ở Helsinki, nói. "Tôi nghĩ rằng nhu cầu thì tăng... nhưng ngành y tế lại chưa theo kịp."

Nhà tâm lý học tâm thần Phần Lan Juho Mertanen đồng ý rằng can thiệp sớm là rất quan trọng để phục hồi, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi lần đầu tiên trải qua các triệu chứng trầm cảm.
"Nói chung, với sức khỏe tâm thần, nếu bạn không được giúp đỡ sớm thì sau này sẽ phải mất rất nhiều thời gian điều trị, càng để lâu bệnh càng khó chữa," ông nói.

Một công cụ đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây là nền tảng trực tuyến Cổng Hỗ trợ Sức khỏe Tâm thần (Mental Health Hub), được thành lập bởi giáo sư Grigori Joffe và Bác sĩ Matti Holi thuộc Bệnh viện Trung tâm Đại học tổng hợp Helsinki.

Hiện được sử dụng bởi tất cả các khu vực y tế, nền tảng này cung cấp thông tin về nơi cần điều trị, các công cụ hỗ trợ tự điều trị và thậm chí bao gồm các buổi trị liệu trực tuyến qua video cho những người bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình.

Ngoài ra, còn có một đường dây nóng khẩn cấp toàn quốc của Cơ quan Y tế Tâm thần Phần Lan điều hành.

Trong lúc đó, một thỉnh nguyện thư toàn quốc - theo đó muốn rằng tất cả những ai cần được giúp đỡ về vấn đề sức khoẻ tâm thần cần phải được chữa trị bằng hình thức trị liệu tâm lý ngắn trong vòng một tháng - đã thu thập được hơn 50 ngàn chữ ký, mức tối thiểu cần có để đề xuất được đưa ra thảo luận trước quốc hội.

Krista Kiuru, Bộ trưởng Bộ Hôn nhân Gia đình và Dịch vụ Xã hội Phần Lan ủng hộ sáng kiến này; dự kiến nó sẽ được các chính trị gia thảo luận sớm.

Chi phí cho sáng kiến này ước tính vào khoảng 35 triệu euro mỗi năm, tuy nhiên các nhà vận động nói rằng nó sẽ giúp tiết kiệm gấp 10 lần nhờ việc nó giúp làm giảm bớt các khoản trợ cấp đau ốm hoặc thất nghiệp.

Nâng cao nhận thức toàn cầu

Bác sĩ tập sự Jonne Juntura nói anh tin rằng cho dù Phần Lan đang có những thách thức trong việc xử lý vấn đề trầm cảm ở thanh thiếu niên, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ tiếp tục được cải thiện.

Anh hy vọng rằng - bên cạnh sự đầu tư thêm nữa vào việc can thiệp, chữa trị sớm - việc thảo luận trên toàn quốc ở một quy mô lớn hơn sẽ được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh trầm cảm.

Theo Juntura, việc sức khỏe tâm thần gần đây được đưa vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là một ví dụ cho thấy sự thay đổi trong thái độ đối với bệnh trầm cảm trong những năm gần đây.

"Mọi người đang từ từ hiểu được là vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng đến mức nào, phải mất bao nhiêu công của để chữa trị từng trường hợp riêng lẻ và bao nhiêu nguồn lực khi nó trở thành vấn đề có quy mô xã hội," anh giải thích. "Vẫn còn rất nhiều việc phải làm... Song tôi thấy rất lạc quan."



Maddy Savage


BM

Nhìn lại những chiến thắng thực của TT Donald Trump năm 2019
Cuộc chiến vô hình _ Robert Spading viết về Trung cộng
10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2019
Mắm tôm _ “người thì xua đuổi, kẻ lại thèm thuồng”
Giáng Sinh là một mầu nhiệm thuộc phạm trù đức tin tôn giáo
Giải mã về ẩn số cha Giuse Trần Đình Long
Các ni cô ở Sri Lanka và cuộc chiến giành giấy tờ tùy thân
Khi sự hoan ái lên ngôi trong nghệ thuật
TT Trump bị đàn hặc
10 bất ngờ về kinh tế tiểu bang Texas của Mỹ
Vũ khí công hiệu của người biểu tình Hong Kong
Ngôi sao thể thao quốc tế chỉ trích TC về người Uighur
Một thời cà phê Sài Gòn
Tình Người Biết Ơn _ Human Love for Gratitude
Niềm tin và đức tin tôn giáo của con người
Nước nào bỏ tù nhiều ký giả nhất trong năm 2019?
Nhìn lại lịch sử thu hồi đất ở Việt Nam
Điều gì thực sự ở đằng sau việc luận tội điên rồ của đảng Dân Chủ
Ai cũng cần một vòng tay ôm
Việt Nam có một chế độ lạ đời

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.