Wednesday, December 25, 2019

Giáng Sinh là một mầu nhiệm thuộc phạm trù đức tin tôn giáo

BM

Hàng năm vào ngày 25 tháng 12, các giáo hội và tín đồ có chung niềm tin vào Đấng Tạo hóa hay Thiên Chúa, đã mừng kính trọng thể lễ Giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần cứu chuộc nhân loại. Đồng thời lễ Giáng sinh cũng đã trở thành ngày sinh hoạt văn hóa tại nhiều quốc gia và là dịp cho mọi người không có chung niềm tin, có một ngày nghĩ ngơi, sum họp gia đình, bạn bè và vui chơi giải trí.

Nhân dịp này, chúng tôi nghĩ về “Mầu nhiệm Giáng sinh” thuộc phạm trù đức tin tôn giáo vốn là một nhu cầu tâm linh của con người và là một dân quyền hiến định cần được luật pháp bảo vệ chống lại sự xâm hại bất cứ từ đâu tới. Bài viết lần lượt trình bày:

GIÁNG SINH LÀ MỘT MÀU NHIỆM THUỘC PHẠM TRÙ ĐỨC TIN TÔN GIÁO

BM
  
Như chúng ta đều biết, từ khi con người xuất hiện trên trái đất, qua nhiều thời đại đến nay, vấn nạn muôn thuở của loài người vẫn chưa được giải đáp là vũ trụ vạn vật trong đó có con người từ đâu hiện hữu, sinh sống qua thời gian hữu hạn, rồi tiêu vong (chết) sẽ đi về đâu?

Con người qua các thời đại, vẫn không ngừng nỗ lực kiếm tìm câu trả lời cho vấn nạn trên. Tầm tri thức hay mức độ hiểu biết hay ánh sáng khoa học về vũ trụ vạn vật trong đó có con người không ngừng mở rộng, nhưng đến nay thành quả chỉ có mức độ, phần còn lại tạm thời vẫn do các tôn giáo lý giải cách này cách khác bằng luận lý của niềm tin, dưới “cặp mắt đức tin”.

1_ Có sự khác biệt giữa hai phạm trù khoa học (đức lý) và phạm trù tôn giáo (đức tin)

BM
  
Khoa học là “Tri thức” hay là tầm hiểu biết của con người (chúng tôi tạm gọi là “Đức lý”). Đó là những sự hiểu biết căn cơ, có thể chứng minh bằng luận lý và thực nghiệm. Đó là một chân lý tuyệt đối, vì được mọi người hữu thần cũng như vô thần công nhận như 2+2=4. Con người đã và đang nỗ lực mở rộng “tầm tri thức” để khám phá các quy luật vận hành của vũ trụ vạn vật, với ước mong tìm được chân lý tuyệt đối, để có được câu trả lời trọn vẹn được mọi người công nhận, cho các vấn nạn muôn thuở của lòai người: Vũ trụ, vạn vật trong đó có con người từ đâu tới và sẽ đi về đâu?

Niềm tin tôn giáo là phạm trù “Đức tin” của mỗi con người, tiếp nối phạm trù “Đức lý” (hay khoa học), do mỗi con người tùy theo hòan cảnh sống, đã được chọn lựa cho ngay khi chào đời do gia đình và tiếp tục giữ Đức tin sau này khôn lớn; hay khi có đủ ý thức tự nguyên, tự giác lựa chọn một niềm tin tôn giáo riêng… Tất cả đều để tự giải đáp cho những vấn nạn muôn thuở của lòai người và thể hiện Đức tin trong cuộc sống để đạt cùng đích của cuộc đời sau cái chết. Đức tin tôn giáo không thể chứng minh bằng luận lý và thực nghiệm, vì nó vượt khỏi “tầm tri thức” (phạm trù “Đức lý”) của con người. Những gì mà ánh sáng khoa học ( tầm tri thức) chưa soi rọi tới, thì ánh sáng tôn giáo (phạm trù Đức tin) sẽ soi rọi.

BM
  
Vì thế các tôn giáo thường tin vào các hiện tượng siêu hình (metaphysics) gọi là sự mầu nhiệm (miracle) hay phép lạ. Các tín đồ Thiên Chúa Giáo thì tin vào Mầu nhiệm Giáng sinh cũng như nhiều màu nhiện khác, như màu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Màu nhiệm phục sinh, màu nhiệm Đức Mẹ đồng trinh.v.v…

2_ Mầu nhiệm Giáng sinh.

Đối với các tín đồ Thiên Chúa Giáo, tin vào vũ trụ vạn vật đều là do một “Đấng Toàn Năng” tác tạo, cho nó vận hành theo quy luật chung cũng như riêng cho mỗi loài. Vì vậy sự thể Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh xuống thế làm người để cứu chuộc tội tổ tông của loài người là Adam và Eva là mang một ý nghĩa mầu nhiệm (Miraculous, marvelous. supernatural), được thể hiện qua các hiện tượng lạ phát sinh từ và chung quanh con người siêu phàm mang tên Giêsu ấy.Là một mầu nhiệm vì vượt tầm tri thức hữu hạn của con người nên không thể hiểu được, nếu không được trang bị bằng cặp mắt đức tin tôn giáo.

BM
  
Thật vậy, với tầm tri thức hữu hạn, con người làm sao có thể hiểu được và chấp nhận một hài nhi bé nhỏ, sinh ra trong cảnh nghèo hèn máng cỏ bò lừa, bởi một trinh nữ có tên là Maria, sống chung mà không phải vợ chồng, với một người bạn có chung niềm tin, làm nghề thợ mộc có tên là Giuse. Nghĩa là Hài Nhi Giêsu ấy, đã được thụ thai trong cung lòng Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và Hài Nhi ấy sau này lại xưng mình là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần để cứu chuộc nhân loại, đã làm nhiều phép lạ cả thể, nhất là những phép lạ xẩy ra vào ba năm cuối đời đi rao giảng và mạc khải cho loài người về Thiên Chúa và Ơn Cứu Ðộ. Sau cùng đã hoàn tất chương trình cứu độ bằng một cái chết treo khổ nhục trên thập tự giá vào tuổi 33; để rồi sau ba ngày Ðức Giêsu đã sống lại và lên Trời trước mặt nhiều người đương thời.

Những người chứng kiến các phép lạ xẩy ra từ và chung quanh con người phi phàm Giêsu có thể tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh, song chỉ là số ít. Còn biết bao người đương thời, cũng như con người các thời đại sau này không được tận mắt chứng kiến các phép lạ thì sao? Hiển nhiên khó mà có lòng tin vào Mầu Nhiệm Giáng Sinh cũng như các mầu nhiệm khác thuộc quyền năng của Thượng Ðế, nếu không có “đức tin tôn giáo”.

BM
  
Tuy nhiên đây chỉ là nói theo luận lý thông thường của tầm tri thức hữu hạn của con người. Ngoài tầm tri thức hữu hạn này, con người còn tiềm ẩn một khả năng vượt trội, siêu hình, đó là Ðức Tin tôn giáo, một khi được khơi động sẽ có thể hiểu biết và cảm nghiệm được mọi mầu nhiệm trong thế giới siêu hình vô hạn. Các tín đồ có niềm tin nơi Thượng Ðế, chính là những con người được trang bị cặp mắt Ðức Tin, để có thể nhận thức được những gì vượt tầm tri thức hữu hạn của con người.

Hiện tại, sau 2019 năm Hài Nhi Giêsu ra đời, đã có hàng tỉ nhân loại tin vào ơn Cứu Ðộ qua mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần cứu chuộc nhân loại. Bằng niềm tin này, người ta có thể lý giải dễ dàng những sự kiện siêu tự nhiên từ một căn bản: Nếu đã tin và chấp nhận một Thượng Ðế Toàn Năng đã tác tạo vũ trụ vạn vật và cho nó vận hành theo những quy luật riêng cho từng loài và quy luật chung cho mọi loài, thì không có gì Thượng Ðế không làm được.

Một điển hình, nếu ngày nay con người đã mở rộng tầm tri thức để có thể khám phá ra quy luật cấu tạo con người theo quy luật chuyền sinh của Thượng Ðế, là sự phối hợp giữ tinh trùng của người nam với noãn sào của người nữ, kết tụ thành bào thai, phát triển thời gian sớm muộn 9 tháng 10 ngày. Từ đó làm theo quy luật này để tạo ra con người bằng cách lấy chất liệu từ con người vốn là vật thụ tạo của Thượng Ðế, cho thụ thai trong ống nghiệm có điều kiện môi sinh như trong cung lòng người nữ, hay cho thụ thai trong chính cung lòng người nữ, thì đối với quyền năng Thượng Ðế, việc thụ thai của Hài Nhi Giêsu trong cung lòng trinh nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần vào hơn 2019 năm trước đây, là điều hiển nhiên có thể, không có gì phải tranh luận như nhiều thế kỷ trước đây. Trinh Nữ Maria sau khi sinh Hài Nhi Giêsu vẫn còn đồng trinh là hệ quả tất nhiên do cách thụ thai ngoài sự giao hợp lưỡng tính thông thường cũng là điều hiển nhiên không thể biện giải bằng luận lý thông thường (Đức lý) nên được coi là một màu nhiệm theo luận lý của niềm tin (Đức tin) .Như vậy là luận lý của niềm tin tôn giáo đã được luận lý của tầm tri thức (khoa học) mở rộng của con người chứng minh là sự thật.

Ðến đây vấn đề chỉ còn là con người có chấp nhận mầu nhiệm Giáng Sinh cũng như các mầu nhiệm khác của Thượng Ðế hay không. Vì đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi con người, mà chính Thượng Ðế là Ðấng sáng tạo ra con người, vạn vật, cũng phải tôn trọng tuyệt đối. Bởi vì chỉ với quyền tự do tuyệt đối, con người mới chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình và Thượng Ðế mới xét công, tội để thưởng phạt công bình mỗi con người sau cái chết, trở về với cát bụi theo niềm tin tôn giáo.

KẾT LUẬN

BM
  
Đối với những người có niềm tin nơi Thượng Ðế, qua mầu nhiệm Giáng Sinh, những tín đồ Thiên Chúa Giáo chỉ muốn xác tín rằng: Hơn 2019 năm trước đây, quả thật đã có một Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần, thực hiện sứ mạng cứu chuộc con người khỏi tội nguyên tổ, tạo điều kiện cho con người tái sinh trong nước hằng sống là Thiên đường cực lạc; ở đó chỉ có hạnh phúc, yêu thương, an bình, không khổ đau, chiến tranh hận thù. Các tín đồ tin rằng, nếu như không có tiền đề là mầu nhiệm Giáng Sinh này của Đấng Cứu Thế, số phận con người hẳn đã khác, chắc hẳn là bi thảm hơn nhiều…

Ðể cảm tạ Thượng Ðế, đêm nay cũng như đêm qua và đêm mai, nơi các giáo đường khắp nơi trên mặt địa cầu, những con người có chung niềm tin vào mầu nhiệm Giáng Sinh đều cất cao lời ca chúc tụng của Thiên thần vào đêm Giáng sinh năm xưa nơi hang đá Bethlhem ở vùng Trung Đông, rằng “Vinh danh Thiên Chúa Trên Trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”; cất cao bằng mọi ngôn ngữ khác biệt của loài người. Chúc tụng và ngợi ca Ơn Con Người đã giáng trần cứu độ muôn dân, đem an bình, ơn phúc và yêu thương đến cho mọi người, mọi dân tộc qua các thời đại hôm qua, hôm nay và mãi mãi trên hành tinh này, cho đến tận thế.


Thiện Ý

BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.