Có một điều khiến người Tây kinh ngạc khi mới đến Việt Nam: họ thường được đối xử như một thứ đặc biệt, quý hiếm.
Và phải công nhận, bản thân tôi cũng đã hưởng lợi từ điều đó trong suốt năm năm qua. Nói một cách tổng quát, người nước ngoài được xã hội Việt Nam đối xử khá nhiệt tình và chu đáo. Chúng tôi được quý trọng, được trẻ con chào bằng ”hello”, được phụ nữ chú ý và thậm chí được khen đẹp trai. Tại nhà hàng, chúng tôi có thể được ưu tiên phục vụ. Chúng tôi được khen ”giỏi, dễ thương quá” khi biết một vài từ tiếng Việt và được mời tham gia video quảng cáo và chương trình trải nghiệm trên truyền hình.
Thi thoảng chúng tôi thậm chí được công an tha thứ khi lái xe không có giấy tờ hay không đội mũ. Và lý do là bởi chúng tôi có một ngoại hình nhất định (da trắng, dáng cao, mũi cao chẳng hạn) và có một quốc tịch nhất định (được coi là đến từ phương Tây).
Dưới bài viết của tôi về nạn giáo viên Tây ba lô ở Việt Nam, vẫn có rất nhiều ý kiến khẳng định rằng “học giao tiếp với Tây tốt hơn”. Và những ý kiến này nhận được sự đồng tình cao. Điều này hình như dựa trên một giả định rất đáng sợ là cho dù “Tây ba lô” không có kỹ năng sư phạm, nhưng họ vẫn sẽ dành hết tâm sức và thời gian để dạy bạn nói, họ vẫn chăm chỉ, nhiệt tình và có tác phong chuyên nghiệp. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ở bất kỳ nền văn hóa nào cũng có những kẻ thiếu chuyên nghiệp và thích ăn sẵn.
Thật vậy, cách người Việt nhận thấy người Tây vẫn ẩn chứa tính khái quát, thiên vị, định kiến. Ví dụ, người da trắng được coi là giàu có trong khi trên thực tế, phương Tây bao gồm rất nhiều quốc gia chưa phát triển (tại Đông Âu hay Nam Mỹ chẳng hạn). Xu hướng ”vơ đũa cả nắm” vẫn ẩn sâu trong đầu của nhiều người Việt, và nhiều khi họ mê Tây vô căn cứ, cho rằng chúng tôi giỏi giang, văn minh, vượt trội vì đến từ một nền văn hóa được cho là tiến bộ, phát triển hơn.
Thật vậy, tôi đã không ít lần có cảm giác kỳ cục rằng tôi được quý trọng chỉ đơn thuần do mình là người Tây chứ không phải vì mình có một tính cách hay phẩm chất cá nhân nhất định. Trên thực tế, phương Tây bao gồm hàng chục quốc gia Âu Mỹ, Úc và hơn một tỷ người với những kinh tế, lịch sử, văn hoá, bản sắc dân tộc rất đa dạng, rất khác biệt. Ví dụ, một người Canada sẽ rất khác người Anh và một người Anh sẽ rất khác người Nga hay người Ý. Thay vì mê Tây, hãy mê sự xuất sắc cá nhân và giá trị thật của một người. Bởi ở xứ Tây cũng như ở xứ ta, nơi nào cũng có người tốt và người xấu, và một số người nước ngoài có thể lợi dụng lòng tin vô căn cứ của người Việt.
Theo tôi, người Việt có xu hướng mê Tây bởi đất nước Việt Nam đã mở cửa với thế giới bên ngoài cách đây chưa lâu và trong thời gian dài người Việt đã không có cơ hội tiếp cận người nước ngoài. Cho nên bây giờ nhiều người Việt dễ hào hứng khi gặp được những người đã từng được coi xa lạ, bí ẩn. Điều này đặc biệt đúng ở nông thôn, nơi mà người Tây vẫn là một cảnh hiếm gặp.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng người Việt vẫn chưa biết nhiều về phương Tây và về các sự khác biệt về địa lý, lịch sử, văn hóa của các dân tộc phương Tây. Ví dụ, bản thân tôi đến từ Serbia, một quốc gia nhỏ của Đông Nam Âu với bảy triệu dân, và tôi phải nói rằng rất ít người Việt biết quê hương của tôi nằm ở đâu. Nhưng theo tôi đó là điều dễ hiểu vì Châu Âu có hơn bốn mươi nước, và thực lòng mà nói, chúng tôi cũng không biết nhiều về gần năm mươi nước Châu Á hay năm mươi bốn nước châu Phi. Cho nên những gì người Việt biết về người Tây thường dựa trên những quan niệm phổ thông và ký ức tập thể, thường chỉ là những hình mẫu được du nhập qua truyền thông và văn hóa đại chúng (phim Hollywood chẳng hạn).
Khi tôi hỏi người ta tại sao họ mê Tây, họ đáp: ”Bởi người Tây cởi mở và tự tin, làm việc chuyên nghiệp, có tư duy độc lập, phản biện”.
Mọi dân tộc có thể dành cho ta những bài học quý giá. Bạn có thể đọc sách, nghiên cứu về các nền văn hóa phương Tây để thu lượm tin tức và kiến thức, để hiểu biết rõ hơn về những thành tựu và đóng góp của họ, và nếu có thể, hãy tìm cơ hội tiếp xúc những người Tây để hiểu hơn họ như thế nào, họ có những điểm mạnh và điểm yếu gì. Thay vì so sánh ai hơn kém ai, chúng ta phải học hỏi lẫn nhau và đối xử với nhau một cách bình đẳng hơn. Chúng ta phải tôn trọng nhau nhưng trước hết, chúng ta phải tự tôn trọng chính mình.
Tuy nhiên, tôi có cảm giác người Việt vẫn chưa thực sự tự tin về mình, vẫn tự coi mình kém cỏi, lép vế về giá trị so với người Tây như đang mang mặc cảm, tự ti. Và đây là một điều rất đáng buồn. Ví dụ, tôi hay hỏi ý kiến của học sinh về tính cách người Việt và họ hay đưa ra những từ tiêu cực như ”bất lịch sự” hay ”lười biếng”. Hỏi về lịch sử Việt Nam thì họ lắc đầu, bảo ”chán” như thể không muốn biết đến lịch sử nước mình. Chuyện văn học, điện ảnh cũng vậy: đa phần học sinh của tôi chỉ thích xem phim và đọc sách nước ngoài.
Tương tự, nhiều người Việt ưa chuộng hàng hóa nước ngoài, cái gì cũng có nhãn xuất xứ nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức…) được cho rằng là có chất lượng cao và là hàng đáng ưu tiên bất chấp giá cả cao. Điện thoại, xe ô tô, quần áo, nông sản và các sản phẩm nhập khẩu khác được ngày càng ưa chuộng. Trong xu thế toàn cầu hóa, đây là một điều dễ hiểu và khá phổ biến không riêng ở Việt Nam. Tiêu dùng hay sở hữu những sản phẩm của các thương hiệu quốc tế là một cách để hội nhập với thế thế giới hiện đại. Tuy nhiên, đâu phải tất cả mọi hàng hóa nhập khẩu đều tốt và có chất lượng cao? Người tiêu dùng nên phán xét và đánh giá một cách khách quan chất lượng và giá cả của từng sản phẩm trước khi quyết định mua thay vì chỉ lưu ý đến nơi xuất xứ.
Mặt khác, khi tôi hỏi người Việt về các thương hiệu và hàng hóa xuất xứ Việt Nam, nhiều người tỏ ra hoài nghi và chê bai, bảo họ thích dùng những hàng hóa nước ngoài hơn. Khi tôi hỏi về lý do, họ bảo là do hàng hóa nước ngoài đáng tin cậy hơn. Điều này cho thấy người Việt vẫn chưa tin tưởng nhau, vẫn nghi ngờ giá trị của chính mình. Trước khi chúng ta muốn được người khác tôn trọng, chúng ta phải có lòng tự trọng trước.
Như các dân tộc khác, người Việt có nhiều lý do để thấy tự hào. Ví dụ, tình đoàn kết, gắn bó trong gia đình và dân tộc, sự kính trọng đối với người lớn tuổi và tính lạc quan vững vàng là những phẩm chất tốt đẹp của người Việt mà người nước ngoài có thể ngưỡng mộ và học hỏi.
Và quả thật, người Việt rất yêu nước mình. Cách cả nước cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam là một bằng chứng rõ ràng. Lòng yêu nước mãnh liệt này là một điều thật đáng khâm phục. Nhưng nó chưa đủ.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.