"Ta có thể lý giải được niềm tin và hành vi tôn giáo thông qua cách mà tâm trí của loài người vận hành," nhà nhân loại học người Pháp Pascal Boyer viết trong cuốn Religion Explained (Lý Giải Về Tôn Giáo).
Hãy xem xét một số thuộc tính tâm trí của con người, bắt đầu với một thứ gọi là Cơ Chế Nhận Biết Yếu Tố Siêu Nhạy Cảm (Hypersensitive Agency Detection Device - HADD).
HADD là thứ mà nhà khoa học nghiên cứu cấu trúc nhận thức Justin Barrett gọi là niềm tin nội tâm và có tính bản năng. Nó luôn hoạt động trong não bộ của chúng ta ngay cả khi ta không nhận ra là nó đang hoạt động.
Thế còn đức tin mà chúng ta lĩnh hội được là những thứ chúng ta chủ động suy nghĩ tới.
Niềm tin nội tâm hình thành từ các công cụ tâm lý khác nhau, mà Barrett gọi là "các hệ thống suy luận trực giác".
Ngoài việc phát hiện những dấu hiệu tâm linh, những công cụ tâm lý này bao gồm trực giác sinh học, trực giác vật lý và trực giác đạo đức.
Chẳng hạn, trực giác vật lý khiến trẻ em tự nhiên đã biết rằng các vật thể rắn không thể xuyên qua các vật thể rắn khác và sẽ rơi xuống đất nếu không được cầm nắm.
Đối với trực giác đạo đức, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đánh giá của trẻ sơ sinh ba tháng tuổi về hành vi phù hợp xã hội và hành vi không phù hợp xã hội của một người là giống với quan niệm đạo đức của người trưởng thành.
Mối liên hệ giữa niềm tin nội tâm và đức tin
Barrett nói rằng niềm tin nội tâm chiếm vị trí rất quan trọng trong việc hình thành đức tin mà con người ta lĩnh hội được.
"Niềm tin nội tâm của một người càng cao thì càng có nhiều khả năng là người đó sẽ lĩnh hội được đức tin."
Để đánh giá đức tin của con người đối với Chúa, chúng ta cần bắt đầu tìm hiểu xem liệu những đức tin đó có bám rễ sâu vào niềm tin nội tâm hay không.
Nhưng làm thế nào để chúng ta đi từ những niềm tin nội tâm như HADD và trực giác sinh học đến những đức tin được lĩnh hội như đặt lòng tin vào Chúa, tin tưởng rằng Chúa sẽ ban phước cho người thiện lành và trừng phạt kẻ xấu?
Đây chính là điểm để Barrett viện dẫn đến ý tưởng về các khái niệm hiệu ứng phản trực quan tối thiểu (MCI - minimally counterintuitive concepts). Về cơ bản, nó chính là trực giác với một vài điều chỉnh nho nhỏ.
Barrett đưa ra ví dụ về tấm thảm bay: đó là một tấm thảm không khác gì những tấm thảm bình thường, ngoại trừ việc nó có thể bay.
"Các ý tưởng trực quan khi được đơn giản hoá và kết hợp với một chút sáng tạo thì sẽ gây chú ý nhiều hơn, và nhờ vậy các ý tưởng đó được người ta nhận biết rõ ràng, sâu sắc hơn."
Bộ não của chúng ta có thể phải gắng sức để cân bằng sau cái chết của những người thân yêu; ở đây có sự mơ hồ mà các đức tin tôn giáo khác nhau có thể giúp lý giải
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nghiên cứu về giao thoa văn hóa đã chỉ ra rằng các khái niệm MCI được nhớ lại và chia sẻ một cách dễ dàng.
Có hai lý do dẫn đến việc này, Barrett nói.
Thứ nhất là các MCI vẫn duy trì cấu trúc khái niệm của chúng. Và thứ hai, các MCI có xu hướng nổi bật hơn so với các khái niệm thông thường.
"Cái gì sẽ khiến bạn chú ý tới nhiều hơn," ông viết, "một củ khoai tây màu nâu, một củ khoai tây nặng hai cân Anh, hay một củ khoai tây vô hình?"
Đức tin tôn giáo được chia sẻ - và chúng được chia sẻ bởi loài người có cấu trúc giải phẫu thần kinh giống nhau.
Bộ công cụ tâm lý của chúng ta chứa đầy các thành kiến tích tụ từ bao đời, chẳng hạn như thuộc tính HADD khiến chúng ta đưa ra một số những kết luận sai lầm. (Hầu hết các lần ta nghe thấy tiếng xào xạc thì đó chỉ là âm thanh do gió gây ra chứ không phải là do có thú dữ đang rình mò xung quanh. Thế nhưng HADD khiến ta e rằng có thú dữ, cho nên cảnh giác, đề phòng hơn, và điều đó có lợi cho sự sinh tồn của chúng ta.)
Đối với những ai có bộ não dễ bị kích thích, ưa tìm đến sự trung gian và tìm kiếm sự chú ý ở mọi nơi, tôn giáo được tiếp nhận một cách rất tự nhiên.
Tinh thần, thể xác và linh hồn
Như Daniel Dennett, triết gia, cây viết đồng thời là nhà khoa học nhận thức, chỉ ra, chúng ta rất khó nguyện ý từ bỏ quan điểm của mình, nhất là sau khi có người thân yêu qua đời.
Ông viết rằng, cái chết đó "khiến chúng ta phải đối đầu với một nhiệm vụ quan trọng về nhận thức: đó là phải thay đổi mọi thói quen suy nghĩ để thích nghi với một thế giới mà trong đó mình vừa mất đi một người thân".
Cho nên chúng ta nói về những người thân yêu đã qua đời như thể họ vẫn còn ở quanh đâu đây, kể chuyện về họ, tự nhủ với lòng mình rằng có lẽ là họ sẽ đồng ý với các quyết định của mình.
Nói tóm lại, chúng ta vẫn giữ họ bên mình.
Nhưng về mặt vật lý thì đó là điều không thể, bởi vì, như nhà nhân loại học nổi tiếng Boyer đã chỉ ra, xác chết là một vấn đề. "Cần phải làm điều gì đó" đối với các thi thể.
Thực sự thì "tôn giáo ít liên quan đến cái chết mà liên quan nhiều hơn tới thi thể".
Vì lý do này, một số người cho rằng các yếu tố siêu nhiên xuất hiện sớm nhất chính là những người đã khuất, những hồn ma: hồn ma hầu như giống hệt chúng ta, ngoại trừ việc hồn ma có thể xuyên qua tường rồi biến mất.
Liên quan chặt chẽ đến ý tưởng nhân tố siêu nhiên là những điều Dennett gọi là hiện tượng chơi bài ngửa.
Cơ chế nhận biết đi kèm với những rủi ro nhất định: có ai đó biết về chuyện xấu mà ta đã làm không? Làm thế nào mà ta chắc chắn rằng người đó biết, và làm thế nào để ta biết chắc là chuyện đó khiến người đó nghĩ về ta như thế nào? Đó là những câu hỏi phức tạp, và con người không đủ khả năng trả lời.
Để học cách tránh bị sa lầy vào chuyện này, mọi người cần được dạy luật chơi bằng cách đặt ngửa tất cả các quân bài lên bàn. Khi đó, người dạy chúng ta chơi bài là người xem được toàn bộ các quân bài: họ nhìn thấy mọi thứ và dựa theo đó mà đưa ra các chỉ dẫn cho chúng ta.
Những người đầu tiên nhìn được mọi thứ, Dennett nói, chính là tổ tiên đã khuất của chúng ta. Và những mầm mống sơ khai này đã được chính thức hoá trong các học thuyết thần học khác nhau.
Bản năng 'không tự giác' ở con người
"Con người không xử sự đúng mực chỉ vì họ sẽ bị trừng phạt nếu không xử sự đúng mực," nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar nói, "nếu không thì tất cả chúng ta sẽ đều lái xe an toàn mà không chạy quá tốc độ."
Vấn đề thực sự không phải là hình phạt được áp dụng sẽ nặng nề đến mức nào, mà là nguy cơ hành vi không đúng mực đó bị phát hiện cao tới mức nào. Nếu nguy cơ thấp, ông nói, con người ta sẽ sẵn sàng chấp nhận hình phạt.
Niềm tin tâm linh ban đầu khác xa với các tôn giáo được tổ chức chặt chẽ ngày nay
Đây là một vấn đề lớn trong thời tiền sử. Khi các nhóm săn bắn hái lượm phát triển, họ cần thiết lập một cơ chế trừng phạt - nhưng nhóm càng đông thì càng ít có cơ hội phát hiện ra hành vi vi phạm.
Và thế là xuất hiện những người biết được mọi thứ: "Chúng ta không nhìn thấy ngươi đã làm gì vào tối thứ Bảy, nhưng có người biết đấy, hãy coi chừng," Dunbar nêu giả định.
Ý tưởng này phù hợp với các công cụ tâm lý trực giác như thuộc tính HADD và trực giác đạo đức, cho nên nó được tổ tiên chúng ta với bộ não đã tiến hoá dễ dàng tiếp nhận. Thêm nữa, nó còn có tác dụng theo dõi, điều chỉnh hành vi từ dưới lên trên trong toàn bộ cấu trúc xã hội.
"Bạn luôn hành xử tốt hơn khi hành vi của bạn là xuất phát từ cam kết tự giác cá nhân chứ không phải do bị bắt buộc," Dunbar nói.
Như tôi đã phân tích trong phần trước của loạt bài này, đạo đức xuất hiện trước tôn giáo, điều đương nhiên hợp lý dựa trên những gì chúng ta biết về nguồn gốc xưa cũ của sự cảm thông và màn trình diễn.
Song câu hỏi chưa được giải đáp là tại sao đạo đức lại được kết nối rõ ràng với tôn giáo.
Boyer đặt mối liên hệ này trong trực giác đạo đức và niềm tin của chúng ta rằng các vị thần và tổ tiên đã khuất ảnh hưởng tới các lựa chọn đạo đức của chúng ta.
"Trực giác đạo đức cho rằng nếu bạn có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, không bị làm biến dạng, bạn sẽ ngay lập tức nhận định xem nó đúng hay sai. Khái niệm tôn giáo chỉ là khái niệm của những người ngay lập tức có viễn cảnh về bức tranh đó."
Ví dụ: Giả sử tôi làm điều gì đó mà bản thân cảm thấy là có lỗi. Như vậy có nghĩa là một Đấng nào đó có thông tin tổng thể về hành động của tôi sẽ coi hành động này là sai. Tôn giáo cho tôi biết rằng những Đấng nào đó này có tồn tại, và phải mất một chặng dài để giải thích lý do tại sao tôi cảm thấy có lỗi ngay từ đầu.
Boyer tóm tắt lại như sau: "Hầu hết các trực giác đạo đức của chúng ta đều rõ ràng nhưng chúng ta không hiểu căn nguyên khiến phát sinh các trực giác đó... Việc coi những trực giác này là do ý của một Đấng nào đó sẽ giúp đơn giản hoá vấn đề để lý giải vì sao chúng ta lại có những trực giác này."
Do đó, Boyer kết luận, các khái niệm tôn giáo, theo một cách nào đó "tồn tại ký sinh trên các trực giác đạo đức."
Brandon Ambrosino
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.