Monday, December 23, 2019

Vũ khí công hiệu của người biểu tình Hong Kong

BM
Họa sĩ minh họa, nhà thiết kế Elyse Leaf đã vẽ tranh bà Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong vào tháng 7, một tháng sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trong thành phố

Trên một bức tranh biếm họa, gương mặt Carrie Lam, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong bị vỡ ra thành từng mảnh: một nhãn cầu rớt khỏi hốc mắt, phần da thịt ở cằm trái vỡ toác.

Nhiều người biểu tình mặc áo đen, đội mũ cứng màu vàng đứng đầy trên đầu bà, treo thòng xuống trán bà biểu ngữ 'Tiếp sức cho Hong Kong' và dùng loa phóng thanh hét vào tai bà.

Đó là hình ảnh vẽ bởi Elyse Leaf, họa sĩ minh họa và nhà thiết kế 26 tuổi, người đã trút sự phẫn nộ và thất vọng của mình vào tác phẩm.

Cô hoàn thành nó vào tháng 7/2019, một tháng sau khi các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong bùng nổ, bắt nguồn từ dự luật dẫn độ nay đã bị rút bỏ.

"Trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ cảm thấy tức giận điên cuồng đối với một người tới vậy, và người đó chính là bà Carrie Lam," cô nói.

Tác phẩm biếm họa của Elyse Leaf phản ánh khẩu hiệu mang tính biểu tượng của các cuộc biểu tình đang diễn ra: "chúng tôi nguyện chung sức đồng lòng theo đuổi cuộc đấu tranh khó khăn này, song mỗi người sẽ nỗ lực theo cách riêng của mình" - bức tranh đã trở thành một trong những tấm áp phích kỹ thuật số được lan truyền mạnh mẽ trên mạng.

Hình vẽ kỹ thuật số này cũng được in thành các tấm sticker có keo dính phát cho người biểu tình, và cuối cùng họ mang chúng dán trang trí trên khắp đường phố.

Những bức ảnh chụp quang cảnh Hong Kong dán đầy stickers này được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội.

Bức biếm họa của Elyse Leaf là một trong nhiều ví dụ về chu trình sáng tạo từ online đến ngoài đời thực ở Hong Kong.

Được kết hợp giữa văn hóa đại chúng với mỹ thuật, những tác phẩm sáng tạo này trước tiên nhằm phát đi ý thức hệ của các cuộc biểu tình trong thời kỹ thuật số.

Chúng được phân tán qua mạng xã hội, qua những nền tảng tin nhắn được mã hóa như Telegram, và AirDrop của Apple.
Sau đó, chúng đi vào thực tế, trở thành các tác phẩm nghệ thuật mang tính phản kháng hoặc các cuộc biểu tình mang tính trình diễn trên đường phố, biến không gian công cộng thành phòng trưng bày nghệ thuật.

Hình ảnh đường phố đầy các tác phẩm sáng tạo này lại quay trở lại không gian mạng và được lan truyền mạnh mẽ hơn nữa nhờ mạng xã hội.

BM
Một trạm tàu điện ngầm trong thành phố đã trở thành 'Bức tường Lennon', lấy cảm hứng từ sự ngưỡng mộ nhạc sĩ tài hoa John Lennon

"Bản thân sự biến đổi của không gian công cộng đã là nghệ thuật," Him Lo, nghệ sĩ và là quản thủ nghệ thuật ở Hong Kong, nói với tôi tại cuộc toạ đàm Nghệ thuật Tạo hình Nơi Công cộng ('Visual Art in Public Space').

"Sức tưởng tượng ở nơi có không gian công cộng thì to lớn hơn, và chúng tôi tận dụng cơ hội để biến những nơi đó thành nơi thể hiện nghệ thuật."

Nghệ thuật gắn liền với biểu tình

Diễn ra đã được sáu tháng nhưng phong trào biểu tình Hong Kong vẫn rất mạnh mẽ, và các hình thức biểu tình liên tục được sáng tạo, biến hoá.

Bạo lực từ cả hai phía, cảnh sát và người biểu tình cực đoan, đang leo thang. Chính quyền cứng rắn hơn, dùng cả các biện pháp trấn áp, còn người biểu tình đáp trả bằng các chiến thuật ngày càng hung hăng hơn, gây gián đoạn hoạt động của thành phố.

"Cần có sự sáng tạo mãnh liệt để phong trào biểu tình có thể duy trì lâu dài, và sự xuất hiện của sáng tạo nghệ thuật là lẽ tự nhiên trong quá trình này. Những tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hành động chung của người biểu tình, và trao thêm sức mạnh cho phong trào," Giáo sư Francis Lee, Giám đốc Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, nói.

BM
Justin Wong - tác giả của bức tranh Xử tử (Execution) - là một trong những nghệ sĩ chuyên nghiệp có tác phẩm được gắn trên các 'Bức tường Lennon'

Chiến lược hành động 'như nước', lấy cảm hứng triết lý võ thuật nổi tiếng của huyền thoại Lý Tiểu Long, là nguyên tắc cơ bản của các cuộc biểu tình - tụ rồi tan.

Không giống như các cuộc biểu tình chính trị trong quá khứ của thành phố, chẳng hạn như Phong trào Dù năm 2014, khi các chính trị gia cầm đầu phong trào dẫn dắt người biểu tình chiếm đóng các địa điểm cụ thể trong 79 ngày, phong trào phản kháng hiện tại không hoạt động theo một mô hình cứng nhắc, Giáo sư Lee giải thích. "Cần phải liên tục phát triển và luôn có những điểm mới."

Phát biểu tại toạ đàm "Nghệ thuật Tạo hình Nơi Công cộng", nghệ sĩ Hong Kong Kacey Wong, gương mặt nổi tiếng với các tác phẩm nghệ thuật phản kháng, nói rằng do tính chất luôn biến hoá của các cuộc biểu tình, nghệ thuật gắn liền với phong trào đó cũng cần phải biến hoá theo.

Các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bằng công nghệ kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu biến hoá trên.

Nghệ thuật phản kháng, tranh minh họa, các đoạn phim hoạt hình ngắn và áp phích nơi công cộng được các nghệ sĩ ẩn danh sáng tác đã lan truyền rộng rãi trên mạng.

Chẳng hạn, tác phẩm lấy cảm hứng từ phim hoạt hình Nhật Bản và một tác phẩm mang tính biểu tượng có tên Harcourt Romanticist của nghệ sĩ ẩn danh khiến ta liên tưởng đến Nữ thần Tự do Dẫn dắt Nhân dân ('Liberty Leading the People') của họa sĩ thuộc trường phái lãng mạn Eugène Delacroix vẽ về cuộc cách mạng tháng Bảy 1830 tại Paris.

Cùng với tác phẩm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp như Justin Wong, hoạ sĩ Hong Kong, và Badiucao, hoạ sĩ người Trung Hoa đại lục hiện sống ở Úc chuyên sáng tác về chủ đề chính trị, những tác phẩm này trở thành các chủ thể hiện hữu được gắn lên những bức tường 'Lennon Walls'.

Giáo sư Lee giải thích rằng bên cạnh nghệ thuật, phong trào biểu tình đã phát triển thêm các hình thức mới khác nhằm thu hút sự chú ý của thế giới, như gây quỹ hơn 5 triệu đô la Hong Kong (486.000 bảng Anh) để đăng những quảng cáo được thiết kế rất nghệ thuật trên các tờ báo khắp thế giới, nhằm truyền bá thông điệp phản kháng trong thời gian trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20.

BM
Họa sĩ biếm họa chuyên về chủ đề chính trị Badiucao cầm lá cờ được tạo ra từ cảm hứng những 'bức tường Lennon' trong thành phố

Ông nói thêm rằng các lãnh đạo phong trào nhận thức rõ về việc các yếu tố trình diễn có thể biến cuộc biểu tình thành một sự kiện hấp dẫn, có tác động lâu dài.

Ông nhắc tới các ví dụ như sự kiện hàng ngàn người biểu tình nắm tay nhau thành hàng dài trong ánh đèn LED lung linh ở địa điểm mang tính biểu tượng của Hong Kong, Lion Rock vào ngày 23/8; hay cùng hát những bài hát phản kháng tại các trung tâm mua sắm, như bài Vinh quang cho Hong Kong ('Glory to Hong Kong'), một ca khúc được viết bởi cư dân mạng chỉ trong vài tuần đã nhanh chóng trở thành bài hát không chính thức của thành phố.

"Những hình ảnh mang tính biểu tượng này giúp chúng ta hiểu rõ về chính những sự kiện," ông nói.

'Nghệ thuật là vũ khí'

Kacey Wong cũng đã từng tham gia một trong những cuộc biểu tình bằng ca hát.

Có lần, anh đóng vai một raptor - tiếng lóng chỉ lính đặc nhiệm của lực lượng cảnh sát - bị camera ghi lại hình ảnh đang tấn công người biểu tình và thường dân.

Đám đông - ban đầu sợ hãi vì sự xuất hiện của anh - đã sớm thấy nhẹ nhõm khi Wong vung cây dùi cui lên, biến nó thành cây gậy của nhạc trưởng, bắt nhịp cho mọi người cùng hát theo tiếng nhạc phát trên loa.

"Trong thời gian khủng hoảng, phải làm như thế nào đó để có người lắng nghe chúng tôi," Wong nói.

Him Lo cũng chia sẻ mong muốn được lắng nghe, thừa nhận rằng ông cảm thấy giận dữ khi chứng kiến thành phố bị biến thành chiến trường, đặc biệt là vào giữa tháng 11, khi các trường đại học bị cảnh sát chống bạo động bao vây.

Ông thực hiện tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có tên Tội ác ở Hong Kong ('Sin of Hong Kong'), sử dụng các ống đựng hơi cay mà ông thu thập được từ hiện trường. Tác phẩm được trưng bày ở Hong Kong, nhưng sau đó bị cảnh sát dẹp bỏ với lý do việc sở hữu vũ khí và đạn dược là bất hợp pháp.

BM
Các nhà hoạt động trong một cuộc biểu tình đã tạo thành một hàng dài, giơ cao đèn LED tạo thành dòng chữ "Tự do cho Hong Kong" tại địa điểm mang tính biểu tượng của Hong Kong, Lion Rock

"Là một nghệ sĩ, tôi có nhiều vũ khí khác nhau nếu tôi muốn thể hiện thông điệp của mình, như vẽ tranh, làm thơ hay các loại hình truyền thông khác," Lo nói.

"Một số người có thể cho rằng những vũ khí này thật là yếu ớt, nhưng đó là thông điệp mà chúng tôi cần gửi đến tất cả mọi người. Chúng tôi có các lựa chọn khác trước khi phải dùng đến bạo lực."

Nhiều nghệ sĩ đã bắt đầu hưởng ứng với các cuộc biểu tình bằng hình thức nghệ thuật của họ, nhưng cho đến nay mới chỉ có một số ít được giới thiệu tại địa phương.

Một số tác phẩm của hai nghệ sĩ Kacey Wong và Him Lo đã được giới thiệu trong chương trình nhóm có tên Water and Ashes for Creative (R)Evolution, triển lãm đầu tiên ở Paris giới thiệu nghệ thuật phản kháng phát sinh từ phong trào biểu tình 2019 tại Hong Kong.

Chương trình chú trọng giới thiệu các tác phẩm sáng tạo của các họa sĩ, nhà thiết kế và nghệ sĩ ẩn danh, những người nằm trong số những người hoạt động tích cực trong các cuộc biểu tình.

Wong giải thích rằng khi những người sáng tạo và người biểu tình ẩn kín danh tính, họ cùng nhau tạo thành một bản sắc mới, tạo ra cảm giác của một khối thống nhất, nhịp nhàng mà trước đây không tồn tại.

Lo đồng ý, nói rằng các nghệ sĩ là một phần trong phong trào chính trị vốn đang tham gia vào cuộc chiến tái tạo bản sắc Hong Kong và giữ gìn tinh thần của thành phố. 

BM
Kacey Wong - người có tác phẩm Tấm Khiên ('The Shield') - nói rằng gắn liền được với các cuộc biểu tình, nghệ thuật cần phải là thứ nghệ thuật có thể biến hoá

Và đây là cơ hội để sức sáng tạo ẩn danh được thể hiện, bởi các nghệ sĩ không được phép trình bày những thứ này trong tác tác phẩm chính thống nếu như họ muốn phục vụ các khách hàng truyền thống, Elyse Leaf giải thích, và nêu ví dụ là bạn bè của cô, những người đồng thời là các nhà thiết kế, thậm chí là chủ sở hữu của các công ty quảng cáo.

"Người dân Hong Kong chưa bao giờ đoàn kết như vậy," cô nói. "Họ làm hết sức mình để tỏ thái độ và phát đi thông điệp của họ một cách sáng tạo. Trước đây, tôi không yêu Hong Kong nhiều như vậy. Tôi luôn nghĩ về việc sẽ rời đi nơi khác. Nhưng bây giờ tất cả những gì tôi muốn là chiến thắng trong trận này - chiến thắng những người đã gây xáo trộn quê hương tôi, họ không được phép làm thế."


Vivien Chow

BM

Ngôi sao thể thao quốc tế chỉ trích TC về người Uighur
Một thời cà phê Sài Gòn
Tình Người Biết Ơn _ Human Love for Gratitude
Niềm tin và đức tin tôn giáo của con người
Nước nào bỏ tù nhiều ký giả nhất trong năm 2019?
Nhìn lại lịch sử thu hồi đất ở Việt Nam
Điều gì thực sự ở đằng sau việc luận tội điên rồ của đảng Dân Chủ
Ai cũng cần một vòng tay ôm
Việt Nam có một chế độ lạ đời
Mỹ ngừng tiếp nhận Visa du học sinh Việt 2020
Thị trấn bi quan nhất hành tinh ở Phần Lan
Khi tóc không còn xanh…
Hoa Kỳ lần đầu tiên đạt cột mốc độc lập năng lượng sau 70 năm
Người Việt _ Mê Tây sính ngoại
Tị nạn cộng sản “kiểu mới” ở Hàn Quốc?
Địa phương đầu tiên ở Mỹ có thể cấm người tị nạn là nơi nào?
Người mẹ Việt có con ở tuyến đầu Đại học Bách Khoa
Malaysia _ Singapore và cuộc tranh giành 'cơm thịnh soạn'
Từ ‘Đinh Núp street’, nhìn về cách nước Mỹ đặt tên đường
Donald Trump là vị tướng đại tài của Mỹ chuyển sinh?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.