Pages

Tuesday, September 20, 2022

Cơn ác mộng năng lượng ở Âu Châu về năng lượng tái tạo

 BM

Đầu tháng Chín này, ước tính có khoảng 70,000 người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc để kêu gọi chính phủ nước này làm nhiều hơn nữa về việc giá năng lượng rơi vào tình trạng tăng không kiểm soát.

 

Đồng thời ở Đức, các nhóm chính trị cực tả và cực hữu đã gạt sự khác biệt của họ sang một bên để đe dọa sẽ tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần nhằm phản đối chi phí thực phẩm, khí đốt, và năng lượng ngày càng tăng.

 

Ở Naples, Ý, người dân đốt các hóa đơn năng lượng đắt đỏ trên đường phố, trong khi ở Thụy Điển, Na Uy, và Vương quốc Anh, tình trạng bất ổn đã lên đến cao độ.

 

Công dân của những quốc gia này không đơn độc trong sự bất bình của họ.


BM

Theo một báo cáo được công bố hôm 01/09 của công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, tình trạng bất ổn dân sự đã gia tăng ở 101 trên 198 quốc gia.

 

“Dữ liệu trên khảo sát trong thời gian bảy năm, cho thấy quý trước có nhiều quốc gia chứng kiến sự gia tăng rủi ro từ bất ổn dân sự hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi chỉ số này được công bố.”

 

Dữ liệu cho biết thêm rằng “điều tồi tệ nhất chắc chắn vẫn còn ở phía trước,” vì hiện tại hơn 80% các quốc gia trên thế giới có mức lạm phát trên 6%.


BM


Hôm 13/09, bất chấp việc Đạo luật Giảm Lạm Phát mới được thông qua gần đây, chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận rằng lạm phát từ tháng Bảy sang tháng Tám đã tăng và tăng 8.3% so với cùng thời kỳ năm trước.

 

Báo cáo của Verisk Maplecroft gói gọn những điều nêu trên thành một câu súc tích, “Trong những tháng tới, các chính phủ trên toàn thế giới sắp có câu trả lời cho một vấn đề nóng bỏng: Liệu các cuộc biểu tình do áp lực kinh tế xã hội có chuyển thành hành động chống chính phủ rộng rãi và gây rối hơn không?”

 

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang hình thành


BM


Lần cuối cùng thế giới trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng là vào những năm 1970, khi Tổ chức Các nước Xuất cảng Dầu mỏ (OPEC) áp đặt một lệnh cấm vận dầu mỏ vì quyết định tiếp tế cho quân đội Israel của Hoa Kỳ.

 

Sau đó, OPEC đã mở rộng lệnh cấm vận này đối với các quốc gia khác ủng hộ Israel.


Lệnh cấm vận đó đã khiến nền kinh tế Hoa Kỳ trở nên căng thẳng, dẫn đến việc Tổng thống đương thời Richard Nixon công bố Dự án Độc lập, thúc đẩy sự độc lập về năng lượng nội địa.

 

Lệnh cấm vận này cũng dẫn đến việc thành lập kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, và thành lập Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).


IEA bao gồm 31 quốc gia thành viên và tám quốc gia hiệp hội.


BM


Khi thành lập, sứ mệnh của IEA là giúp điều tiết một “phản ứng chung đối với những gián đoạn lớn trong nguồn cung cấp dầu.” Nhưng kể từ khi thành lập, IEA đã phát triển, và giờ đây, nhiệm vụ của cơ quan này bao gồm việc theo dõi quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch “trên lộ trình tiến đến phát thải ròng bằng 0.”

 

Tháng 03/2021, IEA và Ủy ban Âu Châu đã cùng nhau hợp tác để thúc đẩy mục tiêu “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, với việc Phó Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Frans Timmermans tuyên bố, “Liên minh Âu Châu quyết tâm đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 và chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực này.”

 

“Âu Châu đang duy trì lộ trình của mình với Luật Khí hậu EU và gói biện pháp sắp tới để thực hiện mục tiêu giảm 55% phát thải của chúng tôi vào năm 2030.”

 

Tháng 05/2021, IEA đã công bố “lộ trình năng lượng toàn diện đầu tiên trên thế giới,” trong đó nêu rõ rằng con đường dẫn đến “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” là “hẹp và đòi hỏi một sự chuyển đổi chưa từng có về cách năng lượng được sản xuất, vận chuyển, và sử dụng trên toàn cầu.”


BM

Trong một phần của lộ trình nói trên, IEA đã ghi rõ 400 cột mốc cụ thể, bao gồm “kể từ hôm nay, không đầu tư vào các dự án cung cấp nhiên liệu hóa thạch mới, và không có những quyết định đầu tư cuối cùng nào nữa cho các nhà máy ‘than không suy giảm’ mới” (than không suy giảm, “unabated coal”, là than không có công nghệ giảm khí thải CO2).

 

“Đến năm 2035, không có doanh số bán xe du lịch động cơ đốt trong mới, và đến năm 2040, ngành điện toàn cầu đã đạt mức phát thải ròng bằng 0.”


BM


Điều đáng chú ý là IEA thừa nhận rằng lộ trình dẫn đến net-zero liên quan đến các kỹ thuật vốn không sẵn có, “vào năm 2050, gần một nửa mức giảm đến từ các kỹ thuật hiện chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc nguyên mẫu.”

 

Do đó, IEA khuyến khích các chính phủ tái ưu tiên chi tiêu cho việc nghiên cứu và phát triển, đồng thời áp dụng các chính sách lấy “kỹ thuật năng lượng sạch” làm trọng tâm của “chính sách năng lượng và khí hậu.”

 

IEA kết luận, “Đến năm 2050, thế giới năng lượng sẽ hoàn toàn khác biệt.”

 

“Gần 90% sản lượng điện đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó phong năng và quang năng sẽ chiếm gần 70%.”

 

Nếu chính sách trên nghe có vẻ quen thuộc, thì đó là vì Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh một tuần sau khi ông nhậm chức, trong đó cấm cho thuê khoan dầu và khí đốt tự nhiên mới trên các vùng đất và vùng biển của liên bang.

 

Sắc lệnh này cũng ra lệnh cho chính phủ liên bang chỉ sử dụng “xe sạch và không phát thải” cho đội xe của họ vào năm 2035, và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.


BM

Ngoài ra, sắc lệnh này còn đặt vấn đề “khủng hoảng khí hậu” vào trọng tâm của chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và cam kết “đóng góp tích cực” cho Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26).

 

Theo IEA, báo cáo chuyển đổi net zero của họ “nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các cuộc đàm phán cao cấp sẽ diễn ra tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow vào tháng Mười Một.”

 

Và họ đã cung cấp thông tin cho hội nghị này. Tại COP26, 153 quốc gia đã cam kết thực hiện các cam kết net-zero mới vào năm 2030, “Hiệp ước Khí hậu Glasgow thúc đẩy tăng tốc và đặt ra các quy tắc và hệ thống căn bản.”

 

Hơn nữa, “các quốc gia phát triển” cam kết thực hiện mục tiêu tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD vào năm 2035, và “năm tổ chức tài chính công sẽ ngừng hỗ trợ quốc tế cho lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch không suy giảm vào năm tới. Các tổ chức tài chính tư nhân và ngân hàng trung ương đang hành động để tái định hướng hàng ngàn tỷ USD theo hướng net-zero toàn cầu.”

 

Theo Hiệp ước Khí hậu Glasgow, 90% tổng ngân sách của thế giới và 90% lượng phát thải toàn cầu hiện nằm trong các cam kết net zero.

 

Thay đổi phong năng


BM


Đối với một số quốc gia, các cam kết trên tái khẳng định các chính sách mà họ đã thực hiện.

 

Năm 2000, Đức đã ban hành Đạo luật về Các nguồn Năng lượng Tái tạo (EEG), trong đó yêu cầu 6% năng lượng đến từ “các nguồn tài nguyên tái tạo.”

 

Năm 2017, đạo luật này đã được sửa đổi, yêu cầu 40 đến 45% năng lượng phải là “năng lượng tái tạo” vào năm 2025 và lên đến 65% vào năm 2030, theo Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức.

 

Năm 2018, Cộng hòa Séc đã cam kết ít nhất 13% năng lượng tiêu thụ từ “các nguồn tái tạo” vào năm 2020.

 

Họ còn cam kết từ 18% đến 25% sản lượng điện từ “năng lượng tái tạo” vào năm 2040 và cho biết họ “thường ủng hộ” các mục tiêu của EU về giảm phát thải khí nhà kính (GHG).


BM

Ngay trước khi có Hiệp ước Khí hậu Glasgow, Praha đã thông qua chính sách “biến thành phố Praha thành một đô thị thân thiện với môi trường và có trách nhiệm với khí hậu, hấp dẫn để sinh sống,” trong đó bao gồm việc giảm 45% lượng khí thải carbon dioxide (CO2).

 

Năm 2013, Ý đã phát triển Chiến lược Năng lượng Quốc gia để giúp nước này vượt qua các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của EU, trong đó gồm việc giảm phát thải 21% vào năm 2020 so với năm 2005.

 

Kết quả của các chính sách trên là các quốc gia đã loại bỏ dần những thứ như than đá và năng lượng hạt nhân sản xuất nội địa và chuyển sang tăng cường phụ thuộc vào phong năng và quang năng.

 

Tuy nhiên, theo bà Sarah Lohmann, một thành viên không thường trực tại Viện Nghiên cứu Đức đương đại của Mỹ (AICGS) thuộc Đại học Johns Hopkins, có một khoảng cách tồn tại giữa tham vọng và thực tế.


BM


“Thật không may, trong niềm đam mê dẫn đầu khối, Đức đã không hoàn thành tốt môn toán của mình. Họ đã không tạo ra gần như đủ năng lượng tái tạo để thay thế hạt nhân và than đá mà họ đã quyết tâm loại bỏ dần dần.”

 

“Khi lò phản ứng hạt nhân cuối cùng ngừng hoạt động vào năm tới, có khả năng sẽ thiếu 4.5 gigawatt, hoặc tương đương với công suất mà 10 nhà máy nhiệt điện than lớn sẽ cung cấp.”


BM

Do đó, các quốc gia như Ý, Đức, Cộng hòa Séc, các nước EU, và các nước khác, đã quay sang Nga để được trợ giúp. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc nhập cảng khí đốt của Nga chiếm từ 15% đến 40% năng lượng tiêu thụ hàng năm ở các nước Trung Âu và Đông Âu.

 

Khi các quốc gia loại bỏ dần các khoản đầu tư nội địa vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời tăng cường phụ thuộc vào năng lượng tái tạo — thường được hiểu là năng lượng có nguồn gốc từ các nguồn như mặt trời hoặc gió [có khả năng] bổ sung nhanh hơn mức chúng được sử dụng — và khi EU thể hiện sức mạnh của mình bằng cách tăng giá carbon (một loại thuế mà chính phủ đánh vào các quốc gia dựa trên lượng khí thải), thì giá năng lượng đã tăng.

 

IEA tuyên bố: “Điện sản xuất từ các nguồn tái tạo đã tăng 6% trong năm 2021, nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu phi mã.”

 

Sau đó, đầu năm 2022, sự phụ thuộc vào Nga trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu năng lượng và sản xuất đã đạt đến đỉnh điểm khi Nga xâm lược Ukraine.

 

Lịch sử lặp lại với dầu khí của Nga


BM


Giống như những năm 1970, khi Hoa Kỳ hỗ trợ Israel trong việc đối kháng với 15 quốc gia Ả Rập tạo thành OPEC, sự ủng hộ của Hoa Kỳ và Âu Châu dành cho Ukraine trong việc đối kháng với Nga đã dẫn đến việc tạo ra một vòng xoáy khủng hoảng năng lượng khiến giá cả năng lượng vốn đã tăng lại càng tăng cao hơn.

 

Hôm 24/02, Nga xâm lược Ukraine, khiến một cuộc xung đột kéo dài từ năm 2014 ngày càng nghiêm trọng.

 

Để đáp lại, và trong nỗ lực kiềm chế sự xâm lược của Nga, Hoa Kỳ, phối hợp với các quốc gia G-7 cùng Liên minh Âu Châu, đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt leo thang.

 

Ban đầu, các lệnh trừng phạt chỉ mang tính chất tài chính, nhưng chúng không ngăn được việc Nga xâm lược Ukraine, và hôm 08/03, Tổng thống (TT) Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập cảng dầu của Nga. Trước khi có lệnh cấm này, Hoa Kỳ đã nhập cảng khoảng 700,000 thùng mỗi ngày.


BM


Đức và Ba Lan đã tham gia với Hoa Kỳ và cam kết cấm dầu của Nga bằng cách cắt giảm việc nhập cảng theo đường ống vào cuối năm nay.

 

Sau đó, Liên minh Âu Châu đã tham gia các lệnh trừng phạt và áp đặt một lệnh cấm vận một phần đối với dầu của Nga — bắt đầu bằng việc cấm nhập cảng dầu thô bằng đường biển vào tháng Mười Hai và nhập cảng sản phẩm dầu mỏ vào tháng 02/2023, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).


BM

Lúc bắt đầu các lệnh trừng phạt về năng lượng, TT Biden đã thừa nhận rằng chúng sẽ khiến giá năng lượng tăng.

 

“Đây là một bước đi mà chúng tôi đang thực hiện để giáng thêm hình phạt cho ông Putin. Nhưng tại đây, ở Hoa Kỳ, cũng sẽ có những cái giá đắt.”


“Bảo vệ cho tự do sẽ có cái giá của nó — điều đó cũng sẽ khiến chúng ta phải trả giá ở Hoa Kỳ.”

 

Trong các nhận định của mình, ông Biden đã ca ngợi rằng Hoa Kỳ khai thác “nhiều dầu mỏ nội địa hơn so với tất cả các nước Âu Châu cộng lại,” khi thừa nhận rằng Âu Châu đang ở vị thế bấp bênh hơn nhiều do phải nhập cảng năng lượng.


BM


Là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho khối 27 quốc gia, đồng thời cũng là nhà xuất cảng dầu mỏ lớn thứ hai chỉ sau Ả Rập Xê Út, Nga đã trả đũa bằng cách cắt giảm lượng nhập cảng khí đốt tự nhiên [của EU].

 

Tiếp đến, hồi đầu tháng Chín, đại tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã dừng vô thời hạn việc phân phối khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.

 

Trình bày tại một diễn đàn kinh tế ở Nga hôm 07/09, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi — chúng tôi sẽ không cung cấp thứ gì hết,” khi được hỏi về việc phương Tây tiếp tục cố gắng kiềm chế Nga.

 

Những biện pháp trừng phạt này cộng với phản ứng của Nga đã khiến giá năng lượng ở Âu Châu cao ngất ngưởng, lạm phát leo thang, và dẫn đến áp lực kinh tế xã hội.

 

Bất ổn leo thang


BM

Theo IMF, giá lương thực và năng lượng là những yếu tố gây lạm phát nhiều nhất.


Thêm nữa, USA Facts cho biết, kể từ tháng 03/2021, xăng “đã là động lực đơn lẻ gây lạm phát mạnh nhất” ở Hoa Kỳ, chiếm gần 25% lạm phát.

 

Xét đến việc khí đốt chỉ chiếm 4.8% chi tiêu trong Chỉ số Giá tiêu dùng, thì tác động của khí đốt đối với lạm phát là đặc biệt đáng chú ý và được xem là “quá lớn”.

 

IMF cho biết các sự kiện gây bất ổn xã hội lớn — được định nghĩa là biểu tình, bạo loạn, và các hình thức xung đột và rối loạn dân sự khác — rất hiếm và không phải là do bất bình đẳng gây ra như một số tuyên bố đề cập.

 

“Mặc dù bất bình đẳng tăng chậm trong những thập niên gần đây, nhưng trong thập niên vừa qua tình trạng này không tiến triển xấu mấy theo cách có thể lý giải cho việc bất mãn gia tăng gần đây.”

 

Thay vào đó, các yếu tố kinh tế xã hội như giá lương thực và nhiên liệu “dường như đặc biệt quan trọng” cùng với khả năng tiếp cận truyền thông xã hội — cho thấy sự điều hướng và truyền thông cũng đóng một vai trò đáng kể.


BM

Trong báo cáo hồi tháng Chín, Verisk Maplecroft tuyên bố: “Theo ấn bản Chỉ số Bất ổn Dân sự (CUI) mới nhất của chúng tôi, thế giới đang đối mặt với tình trạng bất ổn dân sự gia tăng chưa từng có khi các chính phủ thuộc mọi cấp độ giàu nghèo đang gặp khó khăn với việc lạm phát tác động lên giá các loại thực phẩm chủ yếu và năng lượng.”

 

Báo cáo này nêu rõ, tại Âu Châu, tình trạng bất ổn này là do hậu quả của việc Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn không chỉ giới hạn ở Âu Châu, vì giá năng lượng toàn cầu đang tăng lên do chính sách của các nước.

 

“Tác động này thể hiện rõ rệt trên toàn cầu, với sự bất mãn phổ biến về chi phí sinh hoạt tăng cao xuất hiện trên đường phố của các thị trường phát triển và mới nổi, trải dài từ EU, Sri Lanka và Peru cho đến Kenya, Ecuador và Iran.”

 

Báo cáo này dự đoán tình trạng bất ổn sẽ còn tệ hơn trong sáu tháng tới và trong năm 2023.


BM

“Chỉ khi nào giá lương thực và năng lượng toàn cầu giảm đi nhiều thì mới có thể ngăn chặn xu hướng tiêu cực toàn cầu về các nguy cơ bất ổn dân sự,” báo cáo nói trên cho biết. “Các lo ngại về suy thoái đang tăng cũng như tình hình lạm phát trong năm 2023 được dự đoán còn tệ hơn so với năm 2022.” 

 

“Thời tiết sẽ là một yếu tố quan trọng khác. Một mùa thu và mùa đông lạnh giá ở Âu Châu sẽ khiến cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt vốn đã nghiêm trọng càng thêm tồi tệ. Mặc dù áp lực kinh tế xã hội đã kéo theo các cuộc biểu tình trên khắp thế giới, nhưng sáu tháng tới có thể sẽ còn náo động nhiều hơn nữa.”

 

Hôm 16/08, TT Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) mang tính đảng phái, đạo luật này “hiện đại hóa” Đạo luật Không khí Sạch và thiết lập quyền lực cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) “bảo vệ các gia đình Mỹ khỏi vấn đề khí hậu và ô nhiễm không khí.”


BM


Ngoài ra, thông qua IRA, Quốc hội tái khẳng định rằng các khí nhà kính là “những chất gây ô nhiễm không khí” và chỉ rõ thêm rằng thuật ngữ “khí nhà kính” bao hàm các chất gây ô nhiễm “carbon dioxide (CO2), hydrofluorocarbon (HFC), methane (CH4), nitrous oxide (N2O), perfluorocarbon (PFC), và sulfur hexafluoride (SF6).”


Quỹ Bảo vệ Môi trường tuyên bố: “Các khoản mục của Đạo luật Không khí Sạch mới và các điều khoản mới dựa trên Đạo luật Không khí Sạch này nâng cao các trách nhiệm của EPA theo luật trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng đã có từ lâu bằng các công cụ mới, giải pháp mới, những khoản đầu tư chưa từng có, các chính sách bổ sung, và với mức độ khẩn cấp cao.” 

 

Nói cách khác, do IRA được ban hành, hiện Hoa Kỳ có một luật yêu cầu nước này chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo — giống như Âu Châu.

 



Katie Spence


https://baomai.blogspot.com/

 

Winston Churchill tự nhận mình là một người mau nước mắt
Các tiểu bang sắp cấm xe hơi chạy bằng xăng
Lý do nhân viên cứu hỏa thường được trả lương cao
Quercetin là gì và vì sao chúng ta cần nó?
Đại sụp đổ của đồng nhân dân tệ Trung cộng
Ivy League đang lụi tàn _ và đó là một điều tốt
Các Quý ông đâu cả rồi?
Lý do phong trào ‘rời California’ đang phát triển nhanh chóng
Tiến sĩ Fauci ‘rõ ràng đã lừa dối Quốc hội’ về nguồn gốc COVID-19
Đằng sau thảm họa Siêu Bão năm 1900 tại Texas
Nạn Cuồng trong Cộng Đồng Tị Nạn
Những mối nguy hại của sự cô đơn
Khủng hoảng nhà ở trên toàn cầu?
Chính phủ không phải là bạn của chúng ta
Sự lừa bịp của chính phủ
Chiếc lá nói gì ?
Tom Monaghan _ Nhà sáng lập Domino’s Pizza
Vợ Chồng _ Từ cãi vã đến giải quyết vấn đề
Mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm và nguy cơ tự tử
Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Chân dung văn nghệ sĩ Việt

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.