Thursday, September 15, 2022

Mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm và nguy cơ tự tử

 BM

Cảnh báo: Bài viết có chứa nhiều chi tiết đề cập đến vấn đề tự tử

 

Vào một buổi chiều tháng 4/2018, tôi đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi qua chiếc điện thoại để bàn vốn bỏ xó lâu nay.

 

Qua tín hiệu chập chờn của điện thoại cố định, một nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter, Anh Quốc, thực hiện cuộc phỏng vấn để kiểm tra xem tôi có phải là đối tượng phù hợp cho một thử nghiệm lâm sàng hay không.

 

Cô thuộc nhóm nghiên cứu tính hiệu quả của ketamine - một loại thuốc gây mê an thần đang dự kiến được cải biến thành thuốc chống trầm cảm. Đây là phương thức điều trị dược lý đầu tiên dành cho chứng trầm cảm được khởi xướng trong vài thập kỷ gần đây.


BM


Các nhà khoa học ở Exeter hy vọng loại thuốc này khi kết hợp với điều trị tâm lý có thể giúp người nghiện rượu tránh tái nghiện.

 

Các câu hỏi được nêu ra để làm rõ liệu tôi có phụ thuộc vào rượu hay không, điều này không có gì là ngạc nhiên vì tôi đăng ký tham gia thử nghiệm để đối phó với vấn đề uống rượu của bản thân. Nhưng ở đây có hai câu hỏi khiến tôi cảm thấy như bị lột trần, rất khó chịu.

 

"Có bao giờ anh nghĩ đến tự tử hoặc làm thứ gì đó gây tổn hại đến bản thân không?" nhà nghiên cứu hỏi.

 

Tôi vắt óc suy nghĩ vì sao cô ấy lại hỏi điều này. Tôi tự giả dụ là ai ai cũng đều từng có ý nghĩ như vậy vào một vài thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tôi không thể biết được câu trả lời có vai trò thiết yếu đến đâu trong cuộc phỏng vấn. Nhưng tôi ngần ngừ trả lời là "có".


BM


Tiếp theo là hai câu hỏi: "Anh có thường hay nghĩ về điều đó không?" và "Anh đã từng lên kế hoạch tự tử bao giờ chưa?"

 

Tôi có ý nghĩ đó ngay vào đầu giờ sáng ngày hôm đó và vào nhiều ngày khác nữa, tôi nói, song không có kế hoạch cụ thể nào cả.

 

Nhưng trong lúc chuỗi câu hỏi này tạo cảm giác vừa kỳ cục vừa mang tính xâm lấn, xoi mói, thì điều mà sau đó tôi phát hiện ra lại vừa đáng thất vọng, lại vừa đáng bực mình - đó là chuyện những câu trả lời của tôi đã được diễn giải ra sao.

 

Không thử nghiệm lâm sàng trên người có nguy cơ tự tử


BM


Tôi có vài người bạn là các nhà tâm lý học và một người đang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng trong ngành dược. Họ nói với tôi một điều khiến tôi ngạc nhiên: các thử nghiệm lâm sàng cho thuốc chống trầm cảm thường loại bỏ sự tham gia của các bệnh nhân có nguy cơ tự tử.

 

Trên thực tế, đây là cách bảo vệ bệnh nhân và nó là điều rất quan trọng trong việc thử nghiệm một phương pháp điều trị mới.

 

Rất dễ thấy tại sao điều này lại quan trọng như vậy - các bác sĩ và nhà nghiên cứu không muốn làm tăng rủi ro cho nhóm các cá nhân dễ bị tổn thương bằng việc thử nghiệm loại thuốc mới lên họ. Đây cũng là lý do tại sao phụ nữ mang thai chẳng hạn thường không được đưa vào các chương trình nghiên cứu thuốc hoặc vaccine mới.


Thế nhưng dường như đây là một tiêu chí kỳ lạ dành cho chính loại thuốc sẽ được dùng để điều trị nhóm người có nguy cơ tự tử cao nhất.

 

Cũng không ngạc nhiên khi những người có thể cần đến thuốc chống trầm cảm trả lời "có" với những câu hỏi như vậy. Theo một số ước tính, khoảng 50-66% những người tự tử có biểu hiện một vài dạng rối loạn tâm trạng (dù vậy cũng nên biết rằng chỉ khoảng từ 2-4% những người được điều trị trầm cảm tìm đến tự tử mà thôi).

 

Liệu việc loại trừ những người này ra khỏi thử nghiệm có làm nảy sinh những vấn đề mới?

BM

Mặc dù câu hỏi được tôi trả lời là "có", các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter vẫn lựa chọn tôi tham gia thử nghiệm của họ, và kết quả thử nghiệm đã được công bố vào tháng 1/2022.

 

Nhưng với tư cách là một cây bút về khoa học từng làm việc trong ngành dược và hiện chủ yếu chuyên viết về mảng này, tôi muốn tìm hiểu tại sao những người với ý nghĩ tự tử lại có thể bị loại ra khỏi thử nghiệm kiểu này.

 

Rủi ro cho bệnh nhân

 

Điều này cũng dẫn đến một câu hỏi quan trọng: liệu quy ước bất thành văn này có khiến bệnh nhân gặp rủi ro hay không nếu về sau chính họ được kê đơn loại thuốc được phê duyệt từ các thử nghiệm như vậy?

 

Khó mà phân định rành mạch trong vấn đề này. Một số cơ quan quản lý y dược nhận thấy cách làm trên có thể làm méo mó kết quả thử nghiệm liên quan đến tính hiệu quả và rủi ro từ việc sử dụng thuốc.

 

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cách làm đó đồng nghĩa với việc những người tiến hành thử nghiệm có thể do có xung đột quyền lợi hoặc có thiên kiến trong việc ghi nhận kết quả mà coi nhẹ rủi ro phát sinh từ việc dùng thuốc.

 

Song những người triển khai thử nghiệm lâm sàng cũng là những người gánh trên vai trách nhiệm đạo đức đảm bảo sức khỏe, mà nhất là tính mạng bệnh nhân tham gia thử nghiệm.


BM


Giờ đây, các nhà nghiên cứu bắt đầu tự hỏi liệu việc loại bỏ nhóm bệnh nhân này ra khỏi những người tham gia thử nghiệm có phải là cách tiếp cận đúng đắn không, và liệu có cách nào khác để đưa họ vào thử nghiệm mà vẫn đảm bảo an toàn cho họ hay không.

 

Để thực hiện bước đầu tiên nhằm thoát ra khỏi mê trận đạo đức mà các chính sách này tạo ra, họ đang soạn thảo các chiến lược mới nhằm giúp đưa nhóm bệnh nhân phổ quát hơn tham gia thử nghiệm.

 

Đương nhiên, chúng ta kỳ vọng thuốc chống trầm cảm sẽ trở thành công cụ chủ chốt bảo vệ con người khỏi cảm giác chán sống. Tuy nhiên, mối lo ngại về loại thuốc này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 1990.

 

Khi đó đã xuất hiện các báo cáo nói rằng loại thuốc cần kê đơn - được biết đến với công dụng ức chế tái hấp thụ serotonin có chọn lọc (SSRIs) - làm tăng ý định tự tử ở bệnh nhân dùng thuốc.

 

Trong nhóm thuốc SSRI có thuốc paroxetine, được bán dưới nhãn hiệu Paxil và Seroxat và nhiều tên khác, và thuốc fluoxetine, được bán dưới nhãn hiệu phổ biến nhất là Prozac.


BM


Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các thuốc chống trầm cảm được sử dụng rộng rãi này gây phản tác dụng lên bệnh nhân.

 

Chương trình Panorama của BBC vào năm 2002 phát phóng sự, nêu vấn đề ra công luận. Vào năm 2004, các nhà khoa học Anh nhấn mạnh SSRIs có thể làm tăng rủi ro hành vi tự sát ở trẻ em và thiếu niên. Ngày nay, giới chức y tế cảnh báo rủi ro về ý muốn tự vẫn và tự làm hại mình, đặc biệt khi các loại thuốc này được dùng để điều trị cho người dưới 25 tuổi.

 

Eli Lilly, nhà sản xuất nhãn thuốc Prozac, nói rằng fluoxetine giờ đây nằm trong số "các loại thuốc được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử" và rằng hãng đã nộp đầy đủ dữ liệu về an toàn thuốc cho các cơ quan quản lý nhà nước qua nhiều thập kỷ.

 

"Fluoxetine được phê duyệt bởi MHRA và FDA để điều trị trầm cảm ở trẻ em và tiếp tục được các nhà quản lý, dược sỹ và bệnh nhân coi là mang lại lợi ích tích cực cho bệnh nhân," người phát ngôn của hãng cho biết.

 

Vấn đề trở nên rắc rối hơn khi một nghiên cứu vào năm 2014 chỉ ra rằng những khuyến cáo này đã làm suy giảm việc sử dụng thuốc chống trầm cảm, và việc này đến lượt nó dẫn đến tình trạng tỷ lệ tự tử gia tăng.

 

Sự cân nhắc của các cơ quan quản lý y dược


BM


Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác lại phản biện kết quả này, trong đó có cả các nhà nghiên cứu làm việc cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

 

Hoàn toàn dễ hiểu khi các nhà khoa học muốn tránh tình thế tương tự, điều có thể khiến những người dễ bị tổn thương gặp rủi ro.

 

Trong công việc của mình, các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm lâm sàng cần có phương pháp để đánh giá rủi ro tự tử trước và sau khi bệnh nhân dùng thuốc. Để giúp thực hiện điều này, họ phát triển một vài bảng câu hỏi để xếp hạng nguy cơ tự tử dựa trên các thang điểm không chênh nhau nhiều lắm.

 

Các câu hỏi mà tôi đã phải trả lời đến từ Thang điểm Columbia về Mức độ Nghiêm trọng của Tự tử (C-SSRS), bác sỹ tâm lý học Celia Morgan đến từ Đại học Exeter (bà là người chỉ đạo thử nghiệm mà tôi tham gia) giải thích với tôi thế.

 

Mọi thử nghiệm lâm sàng thực hiện ở Anh đều phải được chấp thuận bởi Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) của Anh. Tương tự, mọi thử nghiệm thuốc điều trị mới ở Mỹ phải được phê duyệt bởi FDA.

 

Khi nhóm của Morgan nộp sản phẩm thử nghiệm ban đầu, MHRA yêu cầu họ nộp kèm C-SSRS, đây là thang điểm phổ biến trong các thử nghiệm trên thế giới.


BM


Nhưng thang điểm đánh giá nguy cơ tự tử không được sử dụng để khảo sát người tham gia trong mọi thử nghiệm y học, Hugh Davies, nhà tư vấn đạo đức nghiên cứu cho Cơ quan Nghiên cứu Y tế của Anh, nói.

 

"Khi cảm thấy là có sự liên quan tới nguy cơ tự tử, quý vị cần phải xem xét mối liên quan đó và trả lời câu hỏi 'Liệu việc tham gia nghiên cứu có làm tăng rủi ro không? Lợi ích cụ thể là gì? Làm sao để đánh giá được những lợi ích đó?'," ông nói.

 

"Quý vị nên đưa ra thang điểm đối với mức độ rủi ro tự tử. Xem xét nguy cơ thực sự là gì, định lượng nó, và sau đó đưa ra đánh giá. Trên mức rủi ro này, ta phải loại họ ra khỏi thử nghiệm. Dưới mức đó, ta sẽ đưa họ vào."

 

Tình huống cũng tương tự đối với các thử nghiệm được giám sát bởi FDA ở Hoa Kỳ và Cơ quan Quản lý Dược phẩm ở Châu Âu.

 

Trong thực tiễn, điều này có nghĩa là các thử nghiệm dược phẩm ảnh hưởng lên não bộ cần áp dụng tiêu chuẩn đánh giá người tham gia dựa trên thang điểm nguy cơ tự tử.


Một số thử nghiệm thuốc chống trầm cảm vốn từng áp dụng cách đánh giá này nhưng không loại các đối tượng có nguy cơ tự tử cao ra khỏi quá trình thử nghiệm, nay bắt đầu áp dụng lại việc chấp nhận hoặc loại bỏ người tham gia. Tuy nhiên, các thử nghiệm như thế này vẫn khá hiếm hoi.

 

Dẫu vậy, với việc có quá nhiều thử nghiệm loại bỏ người tham gia dựa trên rủi ro tự tử, cách tiếp cận này liệu có thực sự bảo vệ người tham gia thử nghiệm không?


BM


"Nguy cơ tự tử trong các thử nghiệm đã giảm xuống," Arif Khan nói, giám đốc y khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Tây Bắc ở Bellvenue, Washington, nói. Theo ông, đương nhiên là không có gì ngạc nhiên khi việc sàng lọc các bệnh nhân có nguy cơ đã dẫn tới tỷ lệ tự tử thấp hơn trong các thử nghiệm lâm sàng.

 

Năm 2018, một nghiên cứu do Khan và các đồng nghiệp thực hiện cho thấy số ca tự tử giảm từ 644 trên 100.000 bệnh nhân xuống còn chỉ 26 trên 100.000.

 

Con số các trường hợp tìm cách tự tử cũng giảm mạnh, ngay cả đối với những người được điều trị bằng giả dược thay vì thuốc chống trầm cảm.

 

Kết quả này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tự tử toàn cầu giảm 36% trong 20 năm kể từ năm 2000, nhưng riêng ở Mỹ tỷ lệ này tăng 46%.

 

Tuy không thể loại trừ khả năng việc thay đổi thiết kế thử nghiệm ảnh hưởng đến kết quả, nhưng Khan và đồng sự cho rằng đây có thể là do việc sử dụng các phương pháp như bảng câu hỏi C-SSRS.

 

"Các kết quả này có thể phản ánh quy trình tăng mức sàng lọc và loại bỏ một cách hữu hiệu các bệnh nhân có ý muốn tự tử khỏi việc tham gia thử nghiệm," họ viết.

Nhưng không phải tất cả đều cho rằng thử nghiệm đang trở nên an toàn hơn.

 

Càng uống thuốc trầm cảm càng dễ tăng nguy cơ tự tử?


BM


Tôi có vài người bạn là các nhà tâm lý học và một người đang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng trong ngành dược. Họ nói với tôi một điều khiến tôi ngạc nhiên: các thử nghiệm lâm sàng cho thuốc chống trầm cảm thường loại bỏ sự tham gia của các bệnh nhân có nguy cơ tự tử.

 

Trên thực tế, đây là cách bảo vệ bệnh nhân và nó là điều rất quan trọng trong việc thử nghiệm một phương pháp điều trị mới.

 

Thế nhưng dường như đây là một tiêu chí kỳ lạ dành cho chính loại thuốc sẽ được dùng để điều trị nhóm người có nguy cơ tự tử cao nhất.

 

Những ý kiến theo đó cho rằng rủi ro tự tử trong các thử nghiệm đã giảm mạnh là "cực kỳ không đáng tin cậy", Michael Hengartner, giảng viên cao cấp và nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Ứng dụng Zurich, nói.

 

Theo ông, có một lý do là các vụ tự tử hoặc tìm cách tự tử vẫn diễn ra, nhưng các công ty tiến hành thử nghiệm đã không ghi nhận một cách đúng đắn.

 

Hengartner đưa ra luận điểm trên dựa vào các bằng chứng, trong đó có một nghiên cứu năm 2014 so sánh các kết quả được công bố trên các tạp chí khoa học với dữ liệu chi tiết trên cơ sở dữ liệu trực tuyến.

 

Hơn nửa số ca tự tử có trong cơ sở dữ liệu không được đưa vào bài viết tính đến thời điểm đăng tải.

 

Hengartner nói rằng thậm chí có cả cáo buộc các vụ tìm cách tự tử đã được ghi nhận là "mất ổn định cảm xúc (thay đổi cảm xúc mãn tính) hoặc trầm cảm chuyển biến xấu", thay vì được ghi nhận theo đúng bản chất là tự tử bất thành.

 

Phản hồi ý kiến này, Arif Khan, giám đốc y khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Tây Bắc ở Bellvenue, Washington, cho biết dữ liệu thử nghiệm phải được kiểm tra lại bởi nhân viên FDA. "Nếu những báo cáo này không đáng tin, vậy thứ gì mới đáng tin đây?" ông đặt câu hỏi.

 

Phát ngôn viên của FDA nói cơ quan này khuyến khích "tuân thủ quy định pháp luật" khi đăng ký thử nghiệm và nộp kết quả. "Khi những quy định này không được tuân thủ, FDA có quyền ra hành động cưỡng chế," FDA cho hay.

 

FDA "đặc biệt nghiêm túc" trong việc thực hiện vai trò cơ quan quản lý đối với việc đăng ký và báo cáo kết quả thử nghiệm. Trong khi đó, phát ngôn viên của MHRA nói rằng tuy cơ quan này không bình luận về nghiên cứu cụ thể nào, họ nhấn mạnh các chuẩn mực mà thử nghiệm phải tuân theo và nghĩa vụ liên quan trong việc công bố kết quả.


Càng uống thuốc trầm cảm càng dễ tăng nguy cơ tự tử?


BM

Hengartner củng cố bằng chứng trước đó rằng thuốc điều trị trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ tự tử.

 

Vào năm 2021, ông và các đồng nghiệp công bố một nghiên cứu xem xét dữ liệu từ 27 cuộc nghiên cứu, theo dõi các bệnh nhân được kê đơn SSRIs và các loại thuốc chống trầm cảm tương tự khác, thay vì xem xét các nghiên cứu khoa học về kết quả thử nghiệm lâm sàng.

 

Điều này có ích vì các vụ tự tử vẫn còn khá hiếm - do đó để ước tính một cách đáng tin cậy bất cứ thay đổi nào của rủi ro, ta cần phải theo dõi rất nhiều bệnh nhân, Hengartner nói.

 

Nhóm của ông thực hiện rà soát hơn 1 triệu 450 ngàn đối tượng. Họ tìm ra mối liên hệ giữa SSRIs cũng như các thuốc trầm cảm "thế hệ mới" với việc gia tăng nguy cơ tự tử ở người trẻ tuổi và người trưởng thành khi so sánh với những người không dùng thuốc.

 

Bằng việc phân tích liệu các nghiên cứu hay tác giả nghiên cứu có được tài trợ bởi ngành dược hay không, nhóm của Hengartner cũng tìm thấy bằng chứng có những xung đột quyền lợi tài chính và kết quả công bố thiên lệch theo hướng tích cực. "Chúng tôi nhận thấy hoàn toàn không có bằng chứng cho việc giảm rủi ro tự tử," Hengartner nhấn mạnh.

 

Như vậy, ngay cả khi việc sàng lọc được thực hiện nhằm bảo vệ người tham gia thử nghiệm, nó vẫn có thể dẫn đến vấn đề khác.

 

Điều trớ trêu là việc loại bỏ những người có nguy cơ tự tử khỏi thử nghiệm thuốc trầm cảm đồng nghĩa với việc nguy cơ gia tăng tỷ lệ tự tử ở chính nhóm người dễ bị tổn thương này lại không được xem xét đến. Và điều này có thể để lại hậu quả lớn hơn nếu sau đó thuốc thử nghiệm được phê duyệt sử dụng đại trà.


BM


"Chúng tôi biết từ nhiều nghiên cứu rằng những người được đưa vào thử nghiệm thuốc trầm cảm gần như không đại diện cho số đông thực sự sẽ dùng thuốc, bởi vì các nhà nghiên cứu đưa ra tiêu chuẩn đưa vào tham gia hay loại trừ việc tham dự thử nghiệm rất nghiêm ngặt," Hengartner nói.

 

Ví dụ, hầu hết các thử nghiệm thuốc trầm cảm cũng không chọn thử nghiệm trên những người đang dùng các loại thuốc khác hoặc những người có vấn đề lạm dụng chất gây nghiện.

 

Việc này giúp phân chia người tham gia một cách dễ dàng vào các nhóm có thể so sánh được trong các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, vốn thường được coi là cách tốt nhất để thử nghiệm các biện pháp điều trị y tế mới. Việc kiểm soát nghiêm ngặt ai sẽ được đưa vào thử nghiệm được xem là cách để giúp đảm bảo các nhà nghiên cứu có được dấu hiệu rõ ràng nhất của việc điều trị hiệu quả.

 

Nhưng điều đó cũng tạo ra điểm yếu quan trọng trong thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên.

 

Việc sàng lọc người tham gia dựa trên các yếu tố như có mắc các bệnh khác, lạm dụng chất kích thích và có nguy cơ tự tử có nghĩa là các thử nghiệm này không trực tiếp phản ánh con số thực tế lượng người dùng thuốc trên thế giới. "Quý vị không thể thực sự quy chiếu kết quả nghiên cứu lên nhóm dân số đông đảo hơn," Hengartner nói.

 

"Bằng việc loại bỏ toàn bộ một số nhóm người nào đó ra khỏi nghiên cứu, những nhóm người này bị từ chối các lợi ích tiềm tàng từ kết quả nghiên cứu và dẫn đến việc sức khỏe của họ có thể phải chịu tổn hại," Ana Iltis, giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học, Y tế và Xã hội tại Đại học Wake Forest ở Winston-Salem, Hoa Kỳ, nói.

 

Vào tháng 2/2020, Iltis và đồng nghiệp đã xem xét 64 kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố trong thời gian 1991-2013. Chỉ có một thử nghiệm đưa vào một người tham gia có tiềm tàng nguy cơ tự tử.

 

"Phòng tránh rủi ro nghiên cứu bằng việc loại trừ người tham gia giải quyết được một vấn đề nhưng lại tạo ra nhiều vấn đề khác," Iltis nói. Bà tin rằng các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y tế nên tìm kiếm phương thức khác để giúp đỡ những người có "những mối quan tâm sức khỏe phổ quát hơn".

 

Các cơ quan quản lý y tế cấp quốc gia nói rằng họ muốn xử lý vấn đề này.

 

Năm 2018, FDA nêu trong hướng dẫn rằng bệnh nhân với tiền sử bệnh có ý muốn hoặc đã có hành vi tự tử "không nên bị loại ra một cách có hệ thống" khỏi các thử nghiệm lâm sàng về các bệnh rối loạn suy nhược chính.


BM


"Chúng tôi đang nỗ lực đảm bảo tính đại diện có ý nghĩa cho các nhóm thiểu số trong thử nghiệm lâm sàng sản phẩm y tế mới, cùng lúc đảm bảo đưa ra biện pháp phòng ngừa đầy đủ để bảo vệ người tham gia nghiên cứu," phát ngôn viên FDA chia sẻ với tôi.


Các cơ quan quản lý dược phẩm khác trên thế giới cũng có chung quan điểm.


Phát ngôn viên MHRA đồng ý rằng không nên loại trừ một cách có hệ thống. "Tiêu chí lựa chọn và loại trừ được quyết định và đánh giá dựa trên phân tích rủi ro-lợi ích của từng thử nghiệm," MHRA nói.

 

"Điều quan trọng là bất cứ chương trình phát triển lâm sàng nào cũng nên mang tính đại diện cho nhóm người dùng chịu ảnh hưởng bởi triệu chứng mà sản phẩm đó dự kiến điều trị."

 

Đề xuất mới


BM


Để giúp các nhà nghiên cứu đưa vào thử nghiệm lâm sàng những người gặp rủi ro tự tử, Iltis và đồng nghiệp đề xuất một chiến lược mới khi thiết kế nghiên cứu.

 

"Việc lựa chọn người tham gia cần ít nhất ba yếu tố quan trọng," bà giải thích. "Điều đầu tiên là có các cam kết thử nghiệm sản phẩm bằng văn bản về việc lựa chọn cả những người có nguy cơ tự tử và thiết lập biện pháp bảo vệ họ phù hợp."

 

Các phương thức bảo vệ bao gồm giám sát người tham gia, tìm hiểu khi nào họ có thể phải được đưa vào bệnh viện, và trao đổi với người chăm sóc và các thành viên trong gia đình.

 

Các nhà nghiên cứu cũng cần nói chuyện với người tham gia về giới hạn bảo mật thông tin liên quan đến vấn đề tự tử và có kế hoạch xử lý khi người tham gia tiết lộ ý định tự tử và tìm cách tự tử.

 

Cuối cùng, các sản phẩm thử nghiệm cần bao gồm việc giám sát an toàn và tiêu chí rút người tham gia ra khỏi thử nghiệm hoặc dừng nghiên cứu vì lý do an toàn.

 

Yếu tố quan trọng thứ hai là các nhà nghiên cứu phải sẵn lòng lựa chọn những người như vậy và họ cũng nên chủ động trong việc đưa những người này vào nghiên cứu, Iltis cho biết thêm.

 

"Yếu tố quan trọng thứ ba là tìm được những người sẵn lòng và đủ khả năng tình nguyện tham gia," bà nói.

 

Các bước này sẽ giúp các nhóm thực hiện thử nghiệm lâm sàng vượt qua rào cản về trách nhiệm pháp lý và rủi ro từ phía người tham gia thử nghiệm, theo Iltis và các đồng nghiệp của bà.

 

Thử thách chủ yếu còn lại là vấn đề chi phí sẽ khá tốn kém, và không có những ưu đãi tài chính để khuyến khích các nhà nghiên cứu áp dụng đề xuất này.

 

Do vậy, Iltis chưa nghe nói đến bất kỳ nghiên cứu nào áp dụng cách tiếp cận mà nhóm bà đề xuất. "Thay đổi trong nghiên cứu dược phẩm và y sinh cần nhiều thời gian," bà nói. "Tôi không mong đợi sẽ có thay đổi lớn cho đến khi có động lực rõ ràng để khuyến khích sự cải tiến."

 

Vấn đề vẫn gây tranh cãi


BM


Khan thì vẫn hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục loại trừ nhóm người có nguy cơ tự tử khỏi các thử nghiệm. Cộng đồng y học, ngành dược và các nhà quản lý không muốn đẩy những người có nguy cơ tự tử vào các thử nghiệm lâm sàng, ông nói.

 

"Nếu một công ty ghi nhận một vụ tự tử trong quá trình thử nghiệm, quý vị nghĩ điều gì sẽ xảy ra cho công ty đó?" ông hỏi.

 

Ông cũng cho rằng hướng dẫn của FDA đã giảm thiểu vấn đề về các nhóm người bị loại ra khỏi thử nghiệm lâm sàng. Người tham gia thử nghiệm nên "đại diện cho các đặc điểm của tập hợp những người có liên quan đến thử nghiệm mà không xét đến tuổi tác, giới tính, chủng tộc và sắc tộc", hướng dẫn về tính đa dạng của FDA viết.

 

Bên cạnh đó, khi mà dược phẩm không hướng đến mục tiêu điều trị cho tâm trạng muốn tự tử, thì nguy cơ tự tử của một người sẽ không liên quan gì đến thử nghiệm, Khan nói.

 

Khan cũng cho biết có những hội đồng - được thiết lập để đảm bảo nghiên cứu y học được thực hiện có đạo đức - sẽ không để các thử nghiệm được tiến hành nếu có sự tham gia thử nghiệm của những người có nguy cơ tự tử cao.

 

Nhưng tại sao lại như vậy? Và liệu ta có thể thay đổi điều đó?

 

Hugh Davis giải thích quy tắc then chốt cho thí nghiệm trên người được ghi rõ trong Tuyên bố Helsinki.

 

"Dù cho mục đích chính của nghiên cứu y học là để khai phá kiến thức mới, mục đích này không bao giờ được đặt lên trên quyền và lợi ích của đối tượng nghiên cứu," Tuyên bố Helsinki viết. Dựa trên điều này, các thử nghiệm nên tránh làm tăng rủi ro cho người tham gia, Khan nói.


BM


Tuy vậy các nhà nghiên cứu về đạo đức vẫn tranh luận liệu điều này có phải lúc nào cũng đúng hay không, Davis nói.

 

Theo đó, từ sự quả quyết của Khan, tôi hỏi 16 thành viên của hội đồng đạo đức nghiên cứu đặt tại Oxford do Davis làm chủ tịch về việc họ cân bằng các cân nhắc này thế nào khi quyết định phê duyệt một thử nghiệm.

 

Tôi đưa ra vài câu hỏi về việc liệu họ có cho phép người dễ tự tử tham gia thử nghiệm hay không. Tôi cũng hỏi liệu họ có ủng hộ các chiến lược đề xuất bởi Iltis và đồng nghiệp của bà hay không.

 

Trong số 8 thành viên đồng ý trả lời, hầu hết họ đồng ý bảng câu hỏi như C-SSRS là thiết yếu trong việc đo lường nguy cơ tự tử. Họ cũng sẽ xem xét cụ thể thử nghiệm phục vụ cho giai đoạn nào trong quy trình phát triển thuốc, và rủi ro tự tử ở mức độ nào.

 

Ví dụ, đối với dược phẩm lần đầu được thử nghiệm trên người, những người có nguy cơ tự tử cần phải được loại ra khỏi thử nghiệm.

 

"Dĩ nhiên là nếu đối tượng người dùng bao gồm cả những người dễ bị tổn thương (những người có tiền sử trầm cảm nặng, rối loạn tâm thần, v.v...), tôi cần thấy không chỉ quy trình sàng lọc mà còn cả chiến lược quản lý những người nguy cơ cao," Christine Montague-Johnson, y tá nghiên cứu nhi khoa cao cấp tại Đại học Oxford, và là một trong các thành viên hội đồng đạo đức, nói.

 

Nhưng với các điều kiện này, phần lớn đồng ý rằng nếu có một chiến lược tương tự như đề xuất của Iltis, họ sẽ cho phép tiến hành thử nghiệm có bao gồm cả những người có nguy cơ tự tử.

 

Dĩ nhiên, đây chỉ là quan điểm của một hội đồng đạo đức đặt tại Anh Quốc, khi trả lời các câu hỏi đặt ra trong tình huống giả định. Nhưng những chia sẻ này giúp ta hiểu thêm về các quyết định mà những người phê duyệt thử nghiệm lâm sàng phải cân nhắc trước khi cho phép tiến hành thử nghiệm.

 

Và kể cả với các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt bệnh nhân nguy cơ cao trong quá trình thử nghiệm, như Iltis có đề cập đến trong đề xuất của bà, không phải tất cả các nhóm nghiên cứu đều được trang bị đầy đủ để ứng phó với hậu quả tiềm tàng.

 

"Chỉ có một nhà nghiên cứu gan dạ mới có thể nói 'Tôi sẽ đưa vào nghiên cứu những người có nguy cơ tự tử kể cả khi phương thuốc điều trị có thể làm bệnh tình họ xấu đi'," Davis nói.

 

"Họ cần tìm đến hội đồng đạo đức và nói, chúng tôi có một hướng đi dũng cảm, và họ cần cho thấy lợi ích là không thể chối cãi. Sau đó hội đồng cần lắng nghe quan điểm từ tất cả các nhóm có lợi ích chính đáng từ thử nghiệm và cả những quan điểm từ các cuộc tranh luận dài lê thê. Chỉ có một hội đồng can đảm mới chấp nhận chuyện đó."

 

Nhưng cũng không nên bỏ qua lợi ích của việc này. Việc được lựa chọn vào các thử nghiệm giúp ích cho những bệnh nhân tham gia thử nghiệm như tôi, nhưng cũng đồng thời làm rõ rủi ro xung quanh phương pháp điều trị trầm cảm. Điều đó có nghĩa dược phẩm sẽ trở nên an toàn hơn cho số đông bệnh nhân.

 

Vào thời kỳ mà Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của nhiều người, điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.


Như Davis đã chỉ ra, cần đến những bước đi táo bạo từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và công ty dược phẩm nếu muốn thay đổi cách mà các thử nghiệm đang được tiến hành.

 

"Nhưng tôi vẫn cho rằng đôi khi chúng ta cần phải dũng cảm," ông nói thêm.

 

 

 

Andy Extance


baomai.blogspot.com

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Chân dung văn nghệ sĩ Việt
Giảm cân giúp giảm viêm khớp gối
10 cách đơn giản chống lão hóa cho khớp gối
Biden thúc đẩy bầu cử giữa kỳ bằng tâm lý ‘ghét Trump’
Bạn đang cảm thấy khó khăn với chứng rụng tóc?
Forbes xóa bài báo về thiếu nữ chuyển giới
Khi nào thì chứng sợ ông Trump mới kết thúc?
Vitamin tình bạn
Chính sách chuyển giới ở 50 tiểu bang Mỹ khác nhau...
Biden bị cuồng nặng
Không phải môi trường _ lợi nhuận đang thúc đẩy vi...
5 dự án sửa chữa có thể làm giảm giá trị ngôi nhà ...
Lá gan đang kêu cứu bạn! 4 cách bảo vệ gan
Gorbachev có công với ai, có tội với ai?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.