Nhà văn tài hoa Mark Twain với nguồn cảm hứng được khơi dậy từ vùng miền Tây hoang dã của nước Mỹ trong vai trò phóng viên của vùng miền Tây Hoa Kỳ hỗn loạn.
Nhà văn người Mỹ thế kỷ 20 William Faulkner đã gọi ông là “cha đẻ của nền văn học Hoa Kỳ.” Tuy nhiên, ngày nay, liệu có mấy ai trong số những người đồng hương Mỹ quốc của ông biết về nơi khởi sinh của cái chất văn chương thô tháo ấy – một thành phố phất lên nhờ khai thác bạc. Và tương lai chưa đoán định và chưa thành hình của ông cũng như thế, ông bắt đầu sự nghiệp viết lách ở Nevada, và cũng tại nơi đó, ông đã chọn lấy một bút danh và [bắt đầu] thu hút sự chú ý của độc giả.
Ngày nay, Mark Twain được vinh danh là một trong những nhà văn trào phúng đáng kính nhất Hoa Kỳ.
Giàu có trong ngôn từ
Vào tháng 9/1862, Samuel Langhorne Clemens đặt chân đến Thành phố Virginia để làm việc tại tòa soạn báo Territorial Enterprise, 15 tháng từ khi anh chàng khởi hành xuống phía tây trên con đường Overland cùng với người anh trai Orion của mình, vị bộ trưởng mới được bổ nhiệm của địa hạt Nevada. Nhà thám hiểm 26 tuổi này đã dành phần lớn thời gian đó để săn lùng vàng và bạc, trải qua công việc lao động chân tay vất vả, cảnh thiếu thốn tiền bạc, và “tồn tại nhờ nước kiềm và da bò.”
Chàng trai xuất hiện tại tòa báo với chiếc mũ tai bèo tồi tàn, áo sơ mi vải flannel màu xanh ố bạc, và chiếc quần tây mòn xơ chỉ ngắn cũn cỡn trên đầu ủng. Theo người viết tiểu sử đầu tiên của ông kể lại, “Một mái tóc màu nâu đỏ xõa xuống vai và một chùm râu rậm dài đến nửa thắt lưng.”
Trong hoàn cảnh chật vật này, Clemens đã chuyển sang nghề báo. Hóa ra, tờ Enterprise đã đăng những bài viết châm biếm hài hước mà anh chàng đã gửi đến dưới bút danh “Josh” — có lẽ với ý nghĩa của động từ hơn là danh từ — điều này đã thuyết phục được người đồng sở hữu và biên tập viên Joseph Goodman nhận anh vào làm việc. Mark Twain viết: “25 đô la một tuần, giống như một sự xa hoa đầy vênh váo – một gia tài – một sự tiêu tốn tiền của đầy phung phí và tội lỗi.”
Đó là thời kỳ đỉnh cao của sự xa hoa khi sự tiêu xài quái đản và hoạt động khai thác nóng sốt đã định hình nền văn hóa Comstock Lode (*). Dân số của thành phố Virginia đã tăng đến hơn 15,000 người trong cơn sốt vàng năm 1863, thành phố này đã sẵn sàng trở thành thủ phủ của cây xô thơm. Tuy nhiên, người bản xứ Missouri không hề bị mê hoặc: “Chúng tôi muốn có thơ ca,” nhưng khung cảnh lại “trông như một chú mèo biết hát.” (**)
Tờ báo Territorial Enterprise đã chuyển đến một tòa nhà gạch ba tầng mới trên Phố C sầm uất, nơi đông nghịt xe chở thạch anh và các đội vận chuyển hàng hóa. Tồn tại lâu đời nhất và nổi tiếng nhất trong vùng, đây là một tờ nhật báo sốt dẻo với một nhóm chủ bút và một đội ngũ phóng viên luôn trau dồi tài năng sáng tạo và tinh thần hăng say dưới sự quản lý lỏng lẻo của [biên tập viên] Goodman. Một Sam Clemens hỗn xược và liều lĩnh đã được tự do vẫy vùng dưới chế độ [quản lý] thoải mái ấy.
Hài hước kiểu búa tạ và tin tức gây xôn xao dư luận
Thời gian làm việc tại tòa báo đã mang đến cho ông cơ hội quen biết với những nhà báo có tác động đáng kể đến sự phát triển trong công việc viết lách của ông. Họ là những người tin vào thứ báo chí ngay thẳng và có hồn, những người tin vào việc dốc hết mình phát huy chất gây cười thô bạo. Cách tiếp cận hài hước kiểu chiếc búa tạ của Clemens đã tạo nên những tràng cười ha hả cho những người thợ mỏ lành nghề, vang dội từ những ngọn núi tràn xuống các hẻm núi của dòng mạch chính khai thác vàng bạc. Ông thu hút sự chú ý của họ bằng cách hoặc khiến họ vui vẻ hoặc khiến họ khó chịu với lối viết thất thường như tâm trạng của ông, đôi khi thăng hoa đến độ tài tình, thi thoảng lại hạ xuống mức tầm thường.
Tin tức thuần tuý là quá bình thường đối với chàng phóng viên mới học việc. “Tin tức gây xôn xao [dư luận] là điều mà một tờ báo cần,” và ông tự xem mình “được đặc biệt ban tặng năng lực để chắp bút cho những thể loại thông tin đó.” Ông nhận thức được rằng những câu chuyện như vậy rất dễ bị ngụy tạo: Sự phóng đại có thể đưa ngay cả một sự kiện vụn vặt nhất lên trang đầu. Vào một thập kỷ sau đó, ông đã mô tả ngày đầu tiên đi làm của mình trong cuốn cuốn hồi ký “Roughing It” (tạm dịch: Sống thiếu thốn! ) như sau:
Tôi nhìn thấy một toa xe chứa cỏ khô già cỗi khốn khổ được kéo đến từ vùng nông thôn. Nhưng tôi đã tận dụng toa xe đó một cách triệt để. Tôi nhân nó lên mười sáu lần, đưa nó vào thị trấn từ mười sáu hướng khác nhau, từ đó sản xuất ra mười sáu loại hàng hóa khác nhau, và tôi đã làm việc đổ mồ hôi về đám cỏ khô như thể Thành phố Virginia chưa từng thấy nó trước đây.
Khi mọi thứ bắt đầu có vẻ ảm đạm trở lại, một kẻ liều lĩnh đã giết một chàng trai tại một quán rượu, và niềm vui lại trở lại lần nữa. Tôi đã kể lại một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết về vụ sát hại đó.
Trong giới báo chí, Clemens nổi tiếng vì một cái tẩu thuốc nồng nặc mùi khói của mình, mà các đồng nghiệp phong cho nó cái tên là “Tàn tích,” và “tính khí đầy mạo hiểm” khiến ông có biệt danh là “Gã Cố chấp.” Dù có tính hay nổi cáu, nhưng vị phóng viên và sau đó là biên tập viên của thành phố này đã rất được các đồng nghiệp yêu mến và ngưỡng mộ. “Ngày trước, Sam là một nhân viên giỏi nhất,” ngài Goodman nhận xét, “một nghệ sĩ khôi hài và vị đồng nghiệp thú vị nhất có thể tưởng tượng được. Khả năng hài hước của anh ấy liên tục được bộc lộ.”
Đá xoáy và chế nhạo
Clemens đã viết một bài chơi khăm tên là “Người đàn ông hóa đá” sau khoảng một tháng làm việc ở Territorial Enterprise để chế nhạo làn sóng truyền thông đưa tin không có thật về bộ xương hóa thạch đã thu hút sự quan tâm của công chúng. “Cơn điên cuồng này đã dần trở nên lố bịch. Tôi cảm thấy buộc phải chấm dứt sự gian ác ngày càng dâng lên này. Tôi đã chọn chấm dứt cơn điên hóa đá này bằng một tác phẩm trào phúng tinh tế, vô cùng tinh tế.”
Cùng với vẻ phi lý trang nghiêm, ông thuật lại một cuộc khám phá “xác ướp hoá thạch” ở bãi cạn Gravelly gần đó, được minh họa bằng bút pháp mô tả tài tình cho dáng vẻ của xác ướp. “Phần cơ thể đang ở tư thế ngồi, tựa lưng vào một đống hoa màu khổng lồ; thái độ trầm ngâm, ngón cái của tay phải đặt lên cánh mũi, ngón cái của tay trái đỡ một phần cằm, ngón trỏ ấn vào góc trong của mắt phải và kéo mắt mở xếch lên một chút.” Một cuộc điều tra do Thẩm phán Sewell của Thành phố Humboldt tiến hành đã kết luận “người chết đã chết do bị phơi nhiễm kéo dài.”
Điều này cùng những câu lừa phỉnh sau đó của ông đều nhằm mục đích gây cười. Thành công đòi hỏi chúng phải mang lại niềm tin ngay lập tức nhưng cũng chỉ là sự lừa dối nhất thời. Mánh lới là để đạt được sự hời hợt bề mặt; Clemens đã thực hiện như thế trong “Người đàn ông hóa đá” bằng cách sử dụng văn phong phóng sự rất đỗi đúng mực của mình.
Câu chuyện nhanh chóng được các tờ báo khác săn đón và lan rộng đến tận miền đông. Điều này đã tạo ra mối thâm thù trong giới biên tập viên, những người vốn không thể dung thứ cho sự chậm chạp của bản thân mình trong việc hiểu câu chuyện trào phúng một cách minh xác. Clemens đã sử dụng kiểu chơi khăm này để làm bẽ mặt chính trị gia địa phương Sewall, chế giễu đám công chúng cả tin cùng cánh báo giới với một cú đá xoáy và đầy vẻ khinh bỉ chĩa vào họ.
Mark Twain đã viết vào năm 1868: “Để tìm thấy một anh chàng bị hóa đá, hay đánh gãy chân ai đó xa lạ, hay đào một cái mỏ hư cấu, hoặc phát hiện ra một vài xác người da đỏ trong đường hầm Gold Hill, hay thảm sát một gia đình tại Dutch Nick’s, [tất thảy] vừa là những kỳ công lẫn những tai họa mà chúng tôi không bao giờ ngần ngại nghĩ ra khi công chúng cần vài thứ giải trí ly kỳ cho bữa sáng. Trong thời gian đó, văn phòng của tờ ENTERPRISE xem ra bình lặng ấy lại là một nhà máy giết mổ, cắt xén và tiêu huỷ tổng hợp đầy ghê rợn.”
Clemens vang danh trong báo chí Tây phương như một kẻ ngờ nghệch, cục mịch, ra vẻ tinh khôn và điên cuồng. Một số biên tập viên có đầu óc nghiêm túc hơn đã phớt lờ ông như kẻ ngốc rỗng tuếch. Những người còn lại thì thở dốc trước sự táo bạo của ông, nhưng cũng chẳng ngại ngần thêm sinh khí cho những bài báo của mình bằng những lời lẽ khiêu khích và ồn ã trích từ tờ Enterprise. Đáng tiếc, hầu hết những câu chuyện khiến ông trở nên nổi tiếng đã bị phá hủy trong trận Đại hỏa hoạn năm 1875 khiến thành phố Virginia chìm trong biển lửa.
Hai chai whiskey và hai dấu (marks)
Một thập kỷ sau khi sử dụng bút danh “Mark Twain” lần đầu tiên trong tòa soạn Territorial Enterprise vào ngày 3/2/1863, tác giả tuyên bố rằng ông đã chiếm đoạt nó từ một thuyền trưởng tàu sông Mississippi. Thuyết phục hơn, theo truyền thống của Comstock Lode, ông đã lấy bút danh này trước khi nó xuất hiện trên báo, do thói quen bước vào quán rượu Old Corner và kêu lên “Mark Twain!” cho người pha chế bằng chất giọng miền Nam của ông. Đó là một thuật ngữ từ thời ông còn là gã lái tàu hơi nước Mississippi, có nghĩa là hai sải nước — đó là mực nước an toàn. Tuy nhiên, ở thành phố Virginia, điều đó có nghĩa là đặt hai chai whiskey cho ngài Sam Clemens và đánh hai dấu (marks) vào sổ nợ của ông.
Mark Twain đã đến Thành phố Carson vào cuối mùa thu năm đó với một nhiệm vụ quan trọng là trình bày trước Hội nghị Hiến pháp Nevada đầu tiên trước thời điểm dự kiến trở thành tiểu bang. Không nghi ngờ gì nữa, việc một gã khai thác mỏ trước đây trở về thủ phủ thật là một việc đáng thỏa mãn, nơi mà chỉ mới một năm trước đây thôi, anh ta đã từng được xem là “chẳng có gì ngoài một gã đồng nghiệp lười biếng thú vị.” Những ngày khai thác mỏ với bộ quần áo rách rưới và chùm râu xồm xoàm của anh đã không còn nữa. Giờ đây, với chùm râu và mái tóc buộc cao đầy phong cách, anh ta mặc một chiếc áo khoác dạ và áo vest phẳng phiu, áo sơ mi trắng tinh và thắt chiếc nơ lụa.
Người phóng viên hoạt bát có thể lanh lợi và ba hoa, nhưng lại quá dè dặt để vờ chào ai đó thật hồ hởi. Nhìn lại những bức ảnh của mình, ông thừa nhận, “Không có gì đáng đi vào lịch sử hơn là một nụ cười ngốc nghếch, khờ khạo được bắt trọn vẹn và bất động mãi mãi.” Một nhà phê bình văn học đồng thời là bạn thân của Mark Twain khi còn trẻ đã khẳng định ông không phải là người dễ bỏ cuộc. “Anh ta liếc nhìn bạn mình qua khe mắt hẹp màu xanh lục lam thanh tú, và anh thích cười với bạn cùng sự tế nhị nhưng lại dễ mến, và dẫu với một vẻ trống vắng xa xăm: bạn đã ở đó vì anh ta một cách trọn vẹn, nhưng anh ta ở đó vì bạn lại không trọn vẹn như thế.”
Người Anh phát triển vượt bậc
Đến năm 1864, Mark Twain bắt đầu biểu hiện những nét chán nản, ông mong muốn thay đổi hoàn cảnh và muốn đón nhận thử thách mới. Khi rời thành phố Virginia vào cuối tháng 5, ông đang ở tuổi 29 và còn khá non so với tuổi của mình. Với thái độ hết sức kiêu ngạo, ông khiển trách những chủ sở hữu của tờ Enterprise trong các bài báo của chính họ và còn đưa ra các hướng dẫn công khai về nghề báo cho biên tập viên của tờ Carson City Independent.
Ở Comstock, ông đã học được tất cả những gì mà ông có thể học. Là đồng nghiệp và cố vấn ở Enterprise, Dan De Quille có lẽ là người đánh giá cao nhất năng lực của ông: “Trong vai trò là một phóng viên, Mark Twain đã nghiêm túc và nhiệt huyết với những việc nằm trong khả năng của anh ấy – một người thực sự cần cù – nhưng khi nhắc đến những hạng mục ‘gang thép’, anh ấy sẽ không ngại ngần gửi đến họ ‘một cái liếm môi và lời hứa hẹn.’”
Tòa soạn Territorial Enterprise đã cho phép ông tự do trau dồi khả năng viết lách sáng tạo của mình. Ở một vài khía cạnh, sự tự do này lại là có hại. Đôi khi, ông quá ít kiểm soát dẫn đến việc điều ông viết trở nên thô lỗ hoặc quá đà.
Hai mươi mốt tháng Mark Twain làm báo ở Nevada là một động lực đáng kể đã góp phần tạo nên sự tự tin trong việc thể hiện bản thân cứ lớn dần lên của ông, và điều này cũng đã giúp ông phát triển với danh nghĩa của một nhà văn một cách dễ thấy. Những câu chuyện, những trò lừa bịp và giễu cợt của ông đã phát triển một hình thức văn học độc đáo của Mỹ. Bằng sự lém lỉnh sắc bén, hình tượng sống động, và văn phong vô tư thể hiện trọn vẹn trong “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn,” ông đã phác họa một cuộc sống trào phúng và hài hước ở vùng biên giới khai thác mỏ phía Tây [Mỹ quốc].
Chú thích của dịch giả:
(*) Comstock Lode là một khối quặng bạc nằm dưới sườn phía đông của Núi Davidson, một đỉnh trong Dãy Virginia ở Thành phố Virginia, Nevada (sau đó là Lãnh thổ phía Tây Utah), là nơi phát hiện ra quặng bạc lớn đầu tiên ở Hoa Kỳ và được đặt theo tên của thợ mỏ người Mỹ Henry Comstock.
(**) Mark Twain có câu nói nổi tiếng: “Thành phố này trông như một chú mèo biết hát, bởi vì sự khan hiếm của các bụi cây cũng như những đàn thú, vì vẻ công trạng của nó thì hơn hẳn vẻ bề ngoài mà nó gợi nên”)
David Coulson _ Thanh Ân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.