Nga chưa dám ban hành lệnh tổng động viên, quyễ́t định sẽ đặt cả xã hội và nền kinh tế vào mục tiêu phục vụ chiến tranh.
Nhưng việc động viên hàng trăm nghìn quân cho thấy Nga muốn tìm lối thoát sau cuộc rút chạy trước cuộc phản công của Ukraine gần đây.
Các nhà phân tích như George Friedman cho rằng cuộc phản công của quân đội Ukraine vừa qua ở vùng Kharkiv đẩy Nga vào thế bị động.
Không còn cách nào khác?
Ngay trước khi ông Putin tuyên bố động viên hàng trăm nghìn quân dự bị, hôm 20/09, GS Friedman, chủ biên trang Geopolitical Futures đã viết:
"Các sự lựa chọn của Nga không có nhiều. Giải pháp dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật cũng không giúp gì cho tình hình ở chiến trường, chưa kể nếu tấn công Ukraine bằng vũ khí nguyên tử nhỏ thì vùng nhiễm phóng xạ sẽ lan sang đất Nga...Vì thế, cách duy nhất Nga có thể làm là tăng quân, tăng thật nhiều để đánh trở lại miền Đông Ukraine."
Trong bài “Russian Options”, ông Friedman phân tích về khả năng dùng vũ khí nguyên tử chiến thuật:
“Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể quyết định kết quả một trận đánh, nhưng không giải quyết được cả cuộc chiến tranh. Chưa kể nó còn làm cho vùng đất [bị tấn công] thành nơi không ai sống nổi."
Vì thế, Nga có thể phải tính việc dùng đến vũ khí nguyên tử chiến lược để hủy diệt các đô thị Ukraine, như vụ Hiroshima.
"Thế nhưng cách này có nhược điểm là gió từ Ukraine sẽ nhanh chóng thổi sang Nga, ví dụ thành phố Voronezh, và vùng nhiễm xạ sẽ lan tới lãnh thổ Nga."
Rủi ro thứ nhì, lớn hơn là phản ứng của Phương Tây.
Ông Friedman nói: "Hoa Kỳ, Anh, Pháp có thể xem việc Nga tấn công hạt nhân Ukraine là đe dọa cho chính họ và có thể đánh Nga bằng vũ khí nguyên tử...”
Tóm lại, theo ông Friedman, việc dùng vũ khí nguyên tử chỉ đem lại rủi ro cao mà không hề giải quyết được vấn đề quân sự hiện nay của Nga, sau cuộc phản công mạnh của Ukraine.
Các loại vũ khí hiện đại của Phương Tây, cộng với tinh thần chiến đấu giải phóng đất nước của người Ukraine đã tạo bước ngoặt cho họ trong chiến sự.
Đánh vào phía Tây của Ukraine từ đường biển?
Vẫn theo GS Friedman, trên biển Nga không còn khả năng khống chế hải quân và không quân của Nato ở Hắc Hải nếu xảy ra cuộc chiến lan rộng.
Để đánh lại Ukraine hiệu quả, Nga phải có cách tấn công trở lại ít ra ở hai chiến trường bao vây Ukraine.
Một số tờ báo châu Âu cho rằng Nga có thể có ý định mở cuộc tấn công vào Moldova, nhân danh bảo vệ vùng ̣đất Transdniestria do một lực lượng theo Moscow chiếm giữ từ sau khi Liên Xô tan rã.
Từ Moldova, quân Nga có thể đánh lên Ukraine từ phía Tây Nam.
Tuy thế, theo ông Friedman, điều này không khả thi vì Nga không còn khả nặng chuyển quân sang phía Tây Nam của Ukraine bằng ̣đường biển.
Chưa kể, nếu Nga đánh Moldova, quốc gia láng giềng cùng ngôn ngữ với Moldova là Romania có thể sẽ phải ̣đưa quân chống lại Nga.
Romania là thành viên Nato và một cuộc chiến với Nga đồng nghĩa là Nato-Nga sẽ giao chiến.
“Nga không thể nào chuyển một số quân lớn trên bộ sang phía Tây Nam, mà phải chọn đổ quân vào Romania bằng đường biển."
"Romania là thành viên Nato và hiện đang duy trì căn cứ quân sự của Nato và tàu chiến Mỹ."
Để làm điều này, Nga phải dùng hỏa tiễn tiêu diệt các cụm tên lửa chống hạm của Ukraine, loại đã bắn chìm chiếc Moskva."
"Sau đó, họ còn phải duy trì ưu thế trên không bằng hỏa tiễn trên vùng Biển Đen, rồi đổ một số quân đủ để buộc quân Romania, có quân Mỹ yểm trợ phải giao chiến."
"Hoa Kỳ tuy thế vẫn có thêm lực lượng hải quân bên ngoài eo biển Bosporus và Nato hoàn toàn có thể khóa eo biển này, đặt Nga vào tình thế nguy hiểm."
"Thêm vào đó, chắc chắn sẽ có cuộc tấn công trên không vào quân Nga và kết cục thì Nga sẽ phải thua.”
Tung vào trận hàng trăm nghìn quân trước mùa đông?
Trước đây, trong một bài khác về nhược điểm và ưu điểm của quân Nga hôm 13/09, ông Friedman cho rằng bỏ sang một bên thực tế rằng từ 77 năm qua, quân đội Nga chưa hề tham chiến ở một chiến dịch liên binh chủng và nhiều sư đoàn phối hợp, Nga vẫn có thể thay đổi các cấp chỉ huy, huấn luyện quân và mở cuộc tấn công mới.
Các vấn đề hậu cần, kỹ thuật và sự thiếu chính xác của vũ khí hạng nặng mà Nga đang có đã thể hiện rõ gần 7 tháng qua ở chiến trường Ukraine.
Tuy thế, ưu thế duy nhất Nga còn lại là “đông dân”.
“Người Nga hoặc phải chọn tấn công với số quân áp đảo, hoặc thua trận. Và họ sẽ chọn cách thứ nhất.”
Theo bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu, Nga sẽ động viên 300 nghìn quân trên tổng con số dự bị lên tới 25 triệu người.
Hiện không ai rõ việc tăng quân này có giúp Nga nhanh chóng làm thay đổi cục diện ở chiến trường hay không.
Tuy thế, trước khi có tin về cuộc động viên quân dự bị Nga, một số nhà phân tích cho rằng kiểu gì thì Nga cũng cần “đặt kết quả” nào đó trước mùa đông.
Theo ông Michael O'Hanlon từ Viện Brookings Institution ở Mỹ nói với đài ABC cuối tháng 8, thì dự báo dễ đúng cho cả hai bên Ukraine và Nga là họ sẽ phải hưu chiến, dùng thời gian mùa đông để bổ sung lực lượng, như các đội quân hồi Thế Chiến II đã làm.
Thế nhưng, theo ý kiến này, hai bên Nga và Ukraine sẽ trở lại chiến cuộc mạnh hơn vào năm sau.
Vào lúc này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu ra cảnh báo với Điện Kremlin là “Nga sẽ không thắng trong cuộc chiến”.
Vấn đề là, như nhiều bình luận khác đã chỉ ra, với ông Putin, cuộc chiến này còn là cuộc chiến sinh tử của chính ông và phe nhóm quyền lực ở Kremlin. Họ sẽ không chịu “thua”, bất kể tổn thất cho quân dân Nga lớn đến đâu.
Điều này dẫn tới bình luận của Janusz Bugajski trong bài trên trang Atlantic Council hôm 08/09.
Theo nhà phân tích người Ba Lan, thì “Nước Nga có thể sẽ không sống sót sau quyết định thê thảm của Putin xâm lăng Ukraine”.
Theo suy đoán này, tính thống nhất của 22 nước cộng hòa trong Liên bang Nga hiện nay có thể sẽ vỡ ra tiếp, một khi sự tồn vong của chế độ Putin bị đe dọa.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.