Khi các tiểu bang chuẩn bị cho các cuộc bầu cử quan trọng vào mùa thu này, một trong những yếu tố then chốt nhất ở Hoa Kỳ là sự gia tăng số lượng lớn các cuộc bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Theo Cục Thống kê Dân số, vào năm 2020, 43% cử tri Mỹ bỏ phiếu qua đường bưu điện, gấp đôi so với 21% vào năm 2016.
Mặc dù năm 2020 là một năm bất thường do cách ứng phó của chính phủ trước dịch bệnh COVID-19, nhưng Hoa Kỳ vẫn đang trải qua quá trình chuyển đổi lâu dài hơn từ một hệ thống bỏ phiếu trực tiếp sang hệ thống bỏ phiếu khiếm diện. Theo một phân tích của Hội nghị Quốc gia về Cơ quan Lập pháp Tiểu bang (NCSL), hiện tại, California, Colorado, Hawaii, Nevada, Oregon, Utah, Vermont, Washington, và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn có các hệ thống “ bỏ phiếu chủ yếu qua đường bưu điện.”
Và trong khi cuộc bầu cử năm 2020 chứng kiến số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục, sự thay đổi các phương thức bỏ phiếu truyền thống cũng đồng thời với một sự suy giảm niềm tin vào hệ thống bầu cử của Mỹ. Một cuộc thăm dò hồi tháng 10/2023 của Hội đồng Công vụ cho thấy chỉ 37% người Mỹ tin rằng cuộc bầu cử năm 2024 sẽ “trung thực và công khai,” trong khi 43% bày tỏ “nghi ngờ nghiêm trọng” về tính liêm chính trong bầu cử.
Sự mất niềm tin này đặt ra câu hỏi liệu vấn đề này có bắt nguồn từ các ứng cử viên thua cuộc, những người đã cáo buộc rằng các cuộc bầu cử đó đã bị đánh cắp khỏi họ, hay là từ việc Mỹ chuyển từ một hệ thống ưu tiên tính liêm chính sang một hệ thống ưu tiên sự thuận tiện.
Nhiều chuyên gia cho rằng không có sự đánh đổi giữa hai vấn đề này và các quan chức chính phủ, đặc biệt là Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng, đã gọi cuộc bầu cử năm 2020 là “an toàn nhất trong lịch sử Mỹ quốc.”
Tuy nhiên, một bộ phận lớn người Mỹ, đặc biệt là cử tri Đảng Cộng Hòa và Độc lập, vẫn không bị thuyết phục.
NCSL cảnh báo rằng “nếu một cử tri đánh dấu lá phiếu tại nhà, và không có sự chứng kiến của các quan chức bầu cử, thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để ép buộc từ các thành viên trong gia đình hoặc những người khác.”
Theo một nghiên cứu mới đây của NCSL, hiện tại, 28 tiểu bang, trong đó có các tiểu bang dao động quan trọng như Arizona, Georgia, Pennsylvania, Michigan, và Wisconsin, cho phép bỏ phiếu khiếm diện “không lý do,” nghĩa là bất kỳ cử tri nào cũng có thể yêu cầu và bỏ phiếu khiếm diện mà không cần phải đưa ra một lý do nào.
Ngoài ra, California, Colorado, Hawaii, Nevada, Oregon, Utah, Vermont, và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tự động gửi phiếu bầu khiếm diện cho tất cả cử tri.
Ở 15 tiểu bang còn lại, cử tri phải đưa ra một lý do có thể chấp nhận được (chẳng hạn như bệnh, hoặc khuyết tật, hoặc đang ở hải ngoại vào Ngày Bầu Cử) để đủ điều kiện bỏ phiếu khiếm diện.
Quỹ Di sản (Heritage Foundation), một tổ chức tư vấn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống chuyên lưu giữ các trường hợp gian lận cử tri đã được chứng minh, cho đến nay đã ghi nhận hơn 1,500 trường hợp và 1,276 vụ kết án hình sự.
“Mỗi trường hợp trong cơ sở dữ liệu này đều đại diện cho một vụ việc trong đó một quan chức công quyền, thường là một công tố viên, cho rằng việc đó nghiêm trọng đến mức cần phải có hành động,” báo cáo nêu rõ. “Và mỗi trường hợp đều kết thúc với kết luận rằng cá nhân đó đã có hành vi sai trái liên quan đến một cuộc bầu cử với hy vọng ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử đó hoặc các kết quả của một cuộc bầu cử là đáng ngờ và phải bị hủy bỏ.”
Theo ông Hans von Spakovsky, chuyên gia pháp lý cấp cao của Quỹ Di sản, những con số được trích dẫn trong báo cáo này có lẽ là thấp so với thực tế.
“Vấn đề về 1,500 trường hợp này rõ ràng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì gian lận rất khó phát hiện,” ông nói:“Trong rất nhiều lần, gian lận chỉ được tìm thấy một cách tình cờ, đặc biệt là ở những tiểu bang như New York hay California, nơi không có yêu cầu nào về ID cử tri.”
Nhiều trường hợp được trích dẫn trong báo cáo liên quan đến việc sử dụng gian lận các lá phiếu khiếm diện. Trong vụ án một cư dân Michigan bị kết tội gian lận cử tri, “một nhân viên tại một cơ sở trợ giúp sinh hoạt, đã hoàn thành khoảng hai mươi đơn ghi danh cử tri khiếm diện, giả mạo chữ ký cá nhân của cư dân.”
Tuy nhiên, Trung tâm Tư pháp Brennan tả khuynh, một chi nhánh của Đại học New York, đã chỉ trích những gì họ gọi là “chuyện hoang đường về gian lận cử tri.”
“Các chính trị gia ở tất cả các cấp chính phủ đã nhiều lần tuyên bố sai sự thật rằng một số lượng lớn người bỏ phiếu bất hợp pháp đã làm hỏng các cuộc bầu cử năm 2016, 2018, và 2020,” tổ chức này cho biết trong một báo cáo. “Tuy nhiên, nghiên cứu sâu rộng cho thấy rằng gian lận là rất hiếm, việc mạo danh cử tri hầu như không tồn tại, và nhiều trường hợp bị cáo buộc gian lận trên thực tế là do sai sót của cử tri hoặc quản trị viên.”
Báo cáo của tổ chức này cho biết, “Điều tương tự cũng đúng đối với các cuộc bỏ phiếu qua đường bưu điện, vốn an toàn và cần thiết để tổ chức một cuộc bầu cử an toàn trong bối cảnh đại dịch do virus corona gây ra.”
Trong những tuần đầy biến động sau cuộc bầu cử năm 2020, chuyên gia phân tích dữ liệu Ken Block, chủ tịch của Hệ thống Phần mềm Simpatico, đã được chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump thuê để khai thác dữ liệu về gian lận cử tri ở các tiểu bang quan trọng như Georgia, Pennsylvania, Arizona, Nevada, Michigan, Wisconsin, và tìm ra “bằng chứng thực tế, thuyết phục có thể củng cố những thách thức pháp lý thành công.”
“Hệ thống này đã bắt đầu bằng việc đánh giá những cử tri đã qua đời và những cử tri trùng lặp,” ông Block nói: “Chúng tôi đã xem xét từng lá phiếu gửi qua đường bưu điện ở các tiểu bang dao động, tìm kiếm những cử tri đã qua đời.”
“Xét về số lượng cử tri đã qua đời trong thực tế mà chúng tôi có thể xác nhận thông qua dữ liệu, chúng tôi nhận thấy có khoảng vài chục người.”
Ông Block cho biết ông phát hiện một số ít người đã bỏ phiếu hai lần, điển hình là những người giàu có sở hữu hai căn nhà, tuy nhiên những trường hợp gian lận bị phát hiện gần như không đủ để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Ông cũng được ban vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump yêu cầu điều tra nhiều “tin đồn” về hành vi gian lận cử tri.
“Chúng tôi đã xem xét mỗi từng khiếu nại gian lận cử tri, và tôi có thể đưa ra lời khai và bằng chứng cho thấy tại sao khiếu nại đó có thiếu sót, hoặc hoàn toàn sai ngay từ đầu, và những phát hiện đó đã được các luật sư của [Tổng thống Trump] chấp nhận,” ông nói. “Tôi nghĩ điều vô cùng quan trọng là mọi người hiểu rằng chúng tôi đã xem xét chặt chẽ đến mức nào và từ quan điểm pháp lý, điều quan trọng là những tuyên bố về gian lận mà tôi đánh giá đã được xem xét kỹ lưỡng, nếu không muốn nói là kỹ lưỡng hơn cả các luật sư bào chữa mà sẽ đẩy lùi những vụ kiện này.”
Và lúc này, bất chấp mọi nỗ lực nhằm bảo đảm với công chúng rằng các cuộc bầu cử diễn ra đúng đắn, nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục nghi ngờ có điều gì đó không ổn.
Mặc dù một số trường hợp gian lận cử tri có thể được phát hiện trong dữ liệu và kiểm tra, nhưng những trường hợp khác, chẳng hạn như liệu cử tri có phải là người không phải là công dân, hoặc tham gia vào việc thu thập phiếu bầu, hoặc điền phiếu bầu bất hợp pháp thay mặt cho người khác hay không, là khó phát hiện hơn trừ phi bị trực tiếp nhìn thấy hoặc được camera ghi lại.
Một vấn đề cụ thể đi kèm với các lá phiếu gửi qua đường bưu điện là sự gia tăng nhanh chóng các thùng đựng phiếu bầu kể từ năm 2020, rất ít thùng trong số đó được giám sát.
Theo bà Mollie Hemingway, tổng biên tập của The Federalist, và những người khác vốn đã phân tích cuộc bầu cử năm 2020, thì một tổ chức có tên là Trung tâm Công nghệ và Đời sống Công dân là bên quản lý nguồn tài trợ và địa điểm của nhiều thùng đựng phiếu vào năm 2020. Tổ chức này đã được người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg ủng hộ hàng triệu dollar.
Bà Hemingway lập luận trong cuốn sách “Gian lận” (Rigged) của mình rằng các khoản quyên góp từ ông Zuckerberg, được gọi là “Zuck Bucks,” là mang tính đảng phái và tập trung vào các tiểu bang dao động.
Ảnh hưởng của tiền tư nhân trong các hệ thống bầu cử cấp tiểu bang chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ của nhiều người Mỹ.
Một báo cáo năm 2021 từ Phòng thí nghiệm bầu cử của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết “ngay cả nhiều học giả vốn cho rằng gian lận nhìn chung là hiếm cũng đồng ý rằng tình trạng gian lận khi bỏ phiếu VBM (bỏ phiếu qua đường bưu điện) dường như xảy ra thường xuyên hơn so với bỏ phiếu trực tiếp.
“Những lo ngại này xuất phát từ hai đặc điểm chính của VBM,” báo cáo nêu rõ. “Thứ nhất, lá phiếu đó được thực hiện ngoài tầm mắt của công chúng, và do đó những cơ hội cho tình trạng ép buộc và mạo danh cử tri sẽ lớn hơn.”
“Thứ hai, lộ trình chuyển các lá phiếu VBM không được bảo mật như lá phiếu trực tiếp truyền thống. Những lo ngại này liên quan đến cả việc những lá phiếu bị chặn và những lá phiếu được yêu cầu mà không có sự cho phép của cử tri.”
Báo cáo trích dẫn, trong số những vụ việc đã xảy ra, có trường hợp là một người quản lý chiến dịch tranh cử trong cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp ở North Carolina đã thu thập các lá phiếu trống gửi qua đường bưu điện rồi sau đó điền cho ứng cử viên của chính mình. Cuối cùng, điều đó đã dẫn đến cuộc bầu cử bị đảo ngược.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Heartland rút ra từ một cuộc khảo sát cử tri rằng gian lận phiếu bầu qua đường bưu điện có thể xảy ra với số lượng đủ lớn để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nghiên cứu này phát hiện ra rằng, ở các tiểu bang dao động, số phiếu bầu qua đường bưu điện trong năm 2020 phần lớn ủng hộ ứng cử viên Joe Biden, thường là nhiều hơn số phiếu bầu qua đường bưu điện ủng hộ Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ 2-1. Dựa trên một cuộc khảo sát năm 2023 được thực hiện cùng với Rasmussen Reports với sự tham gia của 1,000 cử tri, Heartland nhận thấy 28% số người được hỏi nói rằng họ đã bỏ phiếu theo cách có thể là bất hợp pháp, bao gồm điền phiếu bầu cho người khác, giả mạo chữ ký, hoặc bỏ phiếu ở những tiểu bang mà họ không phải là thường trú nhân.
Sau khi loại bỏ 28% số phiếu bầu qua đường bưu điện của cả hai ứng cử viên ở các tiểu bang dao động như Arizona, Georgia, Michigan, Neva, Pennsylvania, Viện Heartland đã tính toán rằng ông Trump sẽ thắng Đại cử tri Đoàn với tỷ số 311–227.
Những người chỉ trích nghiên cứu này đã phản bác rằng việc soạn thảo các câu hỏi có thể khiến những người được khảo sát bối rối. Việc điền phiếu bầu cho người khác, chẳng hạn như trong trường hợp thành viên gia đình bị khiếm thị hoặc khuyết tật, không phải lúc nào cũng là bất hợp pháp.
Các nhà phê bình cũng đặt câu hỏi liệu những người trả lời cuộc khảo sát có nhầm lẫn giữa các biểu mẫu yêu cầu nhận phiếu bầu qua đường bưu điện hay không vốn là điều không liên quan đến chuyện gian lận phiếu bầu với bản thân các lá phiếu thực sự.
Tuy nhiên, để cho phép có sai số, Viện Heartland đã giảm số phiếu bị loại bỏ từ 28% xuống 3% và tính toán rằng cựu Tổng thống Trump vẫn sẽ thắng Đại cử tri Đoàn, với tỷ số 279–259.
Ông Jack McPherrin, biên tập viên nghiên cứu tại Viện Heartland và là một trong những tác giả của nghiên cứu này, nói với The Epoch Times: “Thật không đáng để khởi kiện lại cuộc bầu cử năm 2020.” Nhưng ông nói rằng việc tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 là an toàn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ là “một lời khẳng định khá nực cười.”
“Phân tích này không được thực hiện để nói rằng ông Trump là tổng thống hợp pháp của chúng tôi,” ông McPherrin cho biết. “Phân tích này được thực hiện để cho thấy rằng gian lận phiếu bầu qua đường bưu điện đã phá hỏng cuộc bầu cử năm 2020, qua đó chúng ta có thể khắc phục vấn đề này trong tương lai.”
“Điều này đúng là tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho gian lận vì có rất ít hạn chế và chính sách được thiết lập để ngăn chặn việc này,” ông nói. “Những chính sách đó đã được cố tình nới lỏng vào năm 2020 ở nhiều tiểu bang, và điều đó đã mở ra cơ hội cho gian lận xảy ra.”
Khi được hỏi làm thế nào ông có thể khiến những phát hiện của mình phù hợp với các cuộc điều tra vốn cho thấy gian lận phiếu bầu là rất hiếm hoi, ông nói rằng “gian lận phiếu bầu qua đường bưu điện là vô cùng khó chứng minh.”
Một khía cạnh của việc bỏ phiếu qua đường bưu điện hàng loạt vốn gây ra những mối lo ngại đặc biệt là việc thu thập phiếu bầu, hay quá trình các công dân hoặc tổ chức tư nhân thu thập và gửi phiếu bầu thay mặt cho người khác, nằm ngoài sự giám sát của các quan chức bầu cử.
Theo một báo cáo năm 2022 do ông von Spakovsky viết, viễn cảnh gian lận phiếu bầu đã “trở nên tồi tệ hơn ở nhiều tiểu bang như California vốn cho phép việc buôn bán phiếu bầu (vote trafficking), điều mà những người ủng hộ bỏ phiếu qua đường bưu điện gọi là ‘thu thập phiếu bầu’ vì như vậy nghe có vẻ hay hơn.”
Ông lưu ý rằng mọi tiểu bang đều cho phép cử tri, thành viên gia đình trực hệ của họ, hoặc người chăm sóc được chỉ định được phép gửi lại qua đường bưu điện hoặc giao tận tay các phiếu bầu khiếm diện cho các quan chức bầu cử.
Báo cáo nêu rõ: “Tuy nhiên, các tiểu bang buôn bán phiếu bầu cho phép bất kỳ người lạ bên thứ ba nào đến nhà cử tri để lấy và giao lá phiếu của họ.”
“Nói cách khác, các tiểu bang này cung cấp cho các phần tử chính trị có quyền lợi trong kết quả cuộc bầu cử khả năng quản lý một mặt hàng rất có giá trị những lá phiếu có thể bảo đảm cho sự chiến thắng (hoặc thất bại) … của các ứng cử viên mà họ làm việc cho và ủng hộ, cho họ cơ hội để hoàn thành, thay đổi, hoặc hoàn toàn không giao đi những lá phiếu đó.”
Những nhà ủng hộ việc bỏ phiếu qua đường bưu điện đáp trả rằng các tiểu bang tổ chức bỏ phiếu hoàn toàn bằng đường bưu điện thường yêu cầu cử tri ký vào phong bì đựng lá phiếu được gửi qua đường bưu điện và sau đó đối chiếu chữ ký trên phong bì với chữ ký trong danh sách cử tri của tiểu bang. Ngoài ra, họ nói, nhiều quận còn đặt mã vạch trên phong bì phiếu bầu để Bưu điện Hoa Kỳ có thể theo dõi.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ những mã vạch này sẽ làm cách nào để theo dõi phiếu bầu trong trường hợp người dân bỏ phiếu qua thùng đựng phiếu. Và theo NCSL, chỉ có 31 tiểu bang xác thực chữ ký trên các lá phiếu gửi qua đường bưu điện, còn mười tiểu bang khác và thủ đô Hoa Thịnh Đốn xác thực rằng bì thư chứa lá phiếu bỏ qua đường bưu điện đều có chữ ký nhưng [họ] không tiến hành xác thực những chữ ký này.
Khi cuộc bầu cử tháng Mười Một ngày càng đến gần hơn, [chính phủ] có thể làm gì để khôi phục lòng tin của cử tri Mỹ để cho, dù ai là người chiến thắng, thì kết quả đó đều được cả hai đảng chấp nhận là hợp lệ và công bằng?
Ông von Spakovsky đã đề nghị một giải pháp là tiến hành kiểm tra bầu cử có hệ thống. Ông nói, về căn bản thì các cuộc thống kê sau bầu cử chỉ là kiểm đếm lại phiếu bầu bằng thủ công, mà không xác thực được tất cả các lá phiếu đó có phải là phiếu bầu hợp lệ hay không.
Ông đề nghị kiểm tra danh sách cử tri trước bầu cử để bảo đảm rằng mọi cử tri đã ghi danh đều đủ điều kiện bỏ phiếu. Ông cũng đưa ra nhiều đề nghị khác, trong đó có việc kiểm tra thiết bị để bảo đảm máy bỏ phiếu hoạt động chính xác, kiểm tra thủ tục để bảo đảm tuân thủ luật bầu cử, và kiểm tra chuỗi hành trình của phiếu bầu.
Mặc dù việc tiến hành kiểm tra toàn bộ những quy trình này tại từng khu vực bầu cử có thể là không thực tế, nhưng ông von Spakovsky đã đề nghị một mô hình được áp dụng ở Texas, trong đó một số lượng tối thiểu các địa hạt được chọn ngẫu nhiên sẽ được kiểm tra trong mỗi chu kỳ bầu cử, và các đợt kiểm tra bổ sung được thực hiện ở những nơi bị cáo buộc có các trường hợp sai phạm với bằng chứng đáng tin cậy.
Ông von Spakovsky cho biết, các thành viên Đảng Dân Chủ đã phản ứng tiêu cực đối với các cuộc kiểm tra bầu cử này. Chính phủ ông Biden ban đầu còn khởi kiện để ngăn chặn quá trình kiểm tra sau bầu cử, vì họ cho rằng đó là hành vi đe dọa cử tri và vi phạm Đạo luật Quyền Bầu cử.
“Tôi nghĩ đó là một quyết định hoàn toàn mang tính đảng phái,” ông nói. Cho đến nay, Bộ Tư pháp vẫn chưa có bước tiến gì xa hơn với ý kiến này của chính phủ ông Biden.
Nhiều người cũng đề nghị thắt chặt các yêu cầu về giấy tờ tùy thân, bất chấp sự phản đối của các tổ chức như Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ và Trung tâm Brennan, vốn xem đó là hành vi đàn áp cử tri.
“Chúng tôi đặc biệt đề nghị các tiểu bang không chỉ yêu cầu thẻ căn cước (ID) cho việc bỏ phiếu trực tiếp mà còn yêu cầu thẻ căn cước cho việc bỏ phiếu khiếm diện,” ông von Spakovsky nói. “Mặc dù một thành viên trong gia đình có thể lấy ID của một ai đó trong gia đình để đi bỏ phiếu giúp người đó, nhưng đây là điều mà người lạ khó có thể làm được.”
Hiện tại, bảy tiểu bang yêu cầu chữ ký của người làm chứng trên các lá phiếu khiếm diện, ngoài chữ ký của cử tri, và ba tiểu bang Mississippi, Missouri, và Oklahoma yêu cầu phong bì bỏ phiếu khiếm diện phải được công chứng. Ở Arkansas, bản sao ID cử tri phải được gửi lại cùng với phiếu bầu khiếm diện/phiếu bầu qua đường bưu điện.
Việc chứng minh quốc tịch Hoa Kỳ là một lĩnh vực khác mà ở đó rất khó để phát hiện ra hành vi bỏ phiếu bất hợp pháp vì không có cơ sở dữ liệu quốc gia về quốc tịch của công dân. Các cuộc kiểm tra để xác nhận quốc tịch công dân đôi khi dựa vào việc mua ngân hàng dữ liệu từ các cơ quan tín dụng, nhưng trong ngân hàng dữ liệu đó không bao gồm những người không có khoản vay hoặc thẻ tín dụng, trong đó sinh viên chiếm số lượng nhiều.
Điều này phức tạp bởi thực tế là nhiều tiểu bang cấp giấy phép lái xe cho những người không phải là công dân, và một số tiểu bang cho phép những người không phải là công dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương.
Ngoài ra, phán quyết của Tối cao Pháp viện vào năm 2013 trong vụ ‘Arizona kiện Hội đồng Liên bộ lạc Arizona’ đã cấm các tiểu bang yêu cầu bằng chứng về quốc tịch Hoa Kỳ trong các cuộc bầu cử liên bang. Theo quyết định này, các tiểu bang chỉ có thể “yêu cầu người nộp đơn khẳng định rằng người đó là một công dân Hoa Kỳ, dưới hình thức tuyên thệ và sẽ bị truy tố nếu khai man.”
Theo ông Block, một thách thức khác mà hệ thống bầu cử phải đối mặt là phạm vi rộng lớn của các quy định bầu cử, không chỉ giữa các tiểu bang mà còn giữa các quận. Ông nói, có hơn 5,000 khu vực pháp lý bỏ phiếu khác nhau trên khắp Hoa Kỳ.
“Chúng ta có một vấn đề về khuôn khổ cơ bản trong cách chúng ta tổ chức và trong cơ sở hạ tầng mà chúng ta có,” ông nói. “Khuôn khổ đó thiếu những điều cơ bản mà chúng ta cần để bảo đảm tính liêm chính như việc bảo đảm mọi người không thể bỏ phiếu hai lần, bảo đảm rằng những cử tri đã qua đời được kịp thời xóa khỏi danh sách cử tri, v.v.”
Với việc còn chưa đầy một năm nữa là cuộc bầu cử bắt đầu, các nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử năm 2024 có thể sẽ diễn ra theo các quy tắc và hệ thống bầu cử tương tự như năm 2020, mặc dù không có đại dịch. Và nếu cuộc bầu cử này có tỷ lệ sít sao, như nhiều người dự đoán, thì nhiều người sẽ tiếp tục nghi ngờ kết quả đó.
Ông McPherrin lập luận rằng Hoa Kỳ có khả năng quay trở lại sử dụng một hệ thống mà ở đó đa số người dân xuất trình thẻ căn cước vào ngày bầu cử, trực tiếp bỏ phiếu, và toàn quốc sẽ biết kết quả vào ngày hôm sau.
“Thật nực cười khi nghĩ rằng chúng ta không thể làm được điều đó,” ông nói. “Chúng ta đã làm điều đó nhiều lần trong quá khứ và chúng ta có thể tiếp tục làm điều đó trong tương lai; chúng ta chỉ cần quay trở lại với các hệ thống mà chúng ta đã áp dụng vào năm 2016, 2012, và 2008.
“Điều gì có thể quan trọng hơn việc bảo đảm an ninh bầu cử ở một nền cộng hòa dân chủ?” Ông McPherrin cho biết. “Tôi không thể nghĩ ra điều gì khác quan trọng hơn vì đó là nền tảng của toàn bộ nền cộng hòa lập hiến của chúng ta, và nếu không có các cuộc bầu cử an toàn, chúng ta sớm muộn rồi cũng sẽ không còn một nền cộng hòa dân chủ vận hành nữa.”
Kevin Stocklin