Trong phần cuối của loạt bài “Những ý tưởng và các bức tranh minh họa lừng danh: Ngôn ngữ hình ảnh của họa sĩ Gustav Doré,” chúng ta thấy Satan chạm trán hai người con của hắn là Sin (Tội lỗi) và Death (Chết chóc) ở cổng địa ngục, theo lời kể của thi hào John Milton trong thiên sử thi “Parise Lost” (Thiên Đường Đã Mất). Tội lỗi và Chết chóc đồng ý để Satan đi qua cổng địa ngục, và Satan tiếp tục hành trình tìm kiếm tạo vật mới của Chúa: Địa Cầu.
Thiên Chúa, Satan, và tương lai của Nhân loại
Tác phẩm “Parise Lost” (Thiên Đường Đã Mất) của thi hào Milton tiếp tục cho thấy, Thiên Chúa dõi theo Satan từ thiên đường và nhấn mạnh rằng Ngài biết Satan sẽ cám dỗ loài người. Ngài giải thích về sự tàn ác to lớn của Satan bằng việc gợi ý rằng, Satan thù ghét Ngài từ tận xương tủy. Tuy nhiên, những con người mà Satan cám dỗ nên được ban lòng thương xót, bởi vì sâu trong thâm tâm họ không thù ghét Thiên Chúa, mà chính những mưu ma chước quỷ của Satan đã cám dỗ họ chống lại Thiên Chúa.
Thiên Chúa hỏi những Thiên Thần khác trên thiên đường rằng: Ai sẵn lòng hy sinh bản thân vì sự sống vĩnh hằng của nhân loại? Chỉ có Chúa Jesus, con trai của Thiên Chúa bước ra. Thiên Chúa tán dương lòng từ bi và trắc ẩn của Chúa Jesus.
Chuyến bay đến Địa Cầu của Satan
Trong lúc đó, Satan đang bay lượn vô định để tìm kiếm Địa Cầu cho đến khi hắn nhìn thấy một trong bảy Tổng lãnh Thiên Thần, Uriel, ngài đang trầm ngâm suy tư về điều gì đó xa xăm. Hắn biết Thần Uriel sẽ xử tội mình nếu hắn tiếp cận ngài dưới hình dạng thật, vì vậy Satan quyết định biến hình để đánh lừa Thần Uriel:
“Linh hồn tà ác đang vui mừng; vì giờ là hy vọng
Tìm ra người có thể chỉ đường cho chuyến bay lạc lối của hắn
Tới Thiên đường nơi hạnh phúc của loài người,
Đích đến hành trình của hắn và khởi đầu thống khổ của chúng ta.
Nhưng trước tiên, hắn quyết định thay đổi hình dạng thật của mình…
Và giờ đây, hắn xuất hiện như một tiểu thiên sứ.” (Cuốn 3, Dòng 631–634, 636)
Cải trang thành một tiểu thiên sứ, Satan tiếp cận Tổng lãnh Thiên Thần Uriel và hỏi ngài nơi hắn có thể tìm thấy Địa Cầu để hắn có thể ngợi ca Thiên Chúa vì tạo vật mới của Ngài. Thần Uriel kể cho kẻ lừa dối nghe Thiên Chúa đã tạo ra Địa Cầu như thế nào và vị trí của nó:
“Ta thấy vào thời khắc Ngài phán lệnh, khối vô hình vô tướng,
Khối vật chất nguyên sơ của vũ trụ này, đã được định hình:
Sự hỗn loạn vâng lệnh Ngài, dù ồn ào hoang dại
Đã trở nên có trật tự, không gian vô tận được kiểm soát;
Đến khi bóng tối biến mất theo mệnh lệnh thứ hai của Ngài,
Ánh hào quang chiếu rọi, và trong hỗn mang, trật tự nảy sinh…
Hãy nhìn xuống tinh cầu kia, phía bên dưới
Với ánh sáng từ đây, dù chỉ là phản chiếu, vẫn rực rỡ thay;
Đó là Trái Đất, nơi cư ngụ của loài người …”
(Cuốn 3, Dòng 708–713, 722–724).
Cách vận dụng sự tương phản của họa sĩ Doré
Bức tranh minh họa của họa sĩ Doré cho thấy bóng dáng u ám của Satan đang hướng về Địa Cầu, nơi được ánh sáng từ thiên đường chiếu rọi. Ánh sáng này nhắc lại quan niệm rằng, bất chấp những nỗ lực của Satan, Địa Cầu và cư dân nơi đó đều được Thiên Chúa tạo ra và bản chất của họ là Thần.
Mây che phủ Trái đất ngoại trừ khu vực mà ánh quang huy của thiên đường chiếu rọi. Có lẽ những đám mây tượng trưng cho sự mê mờ và hỗn loạn. Phải chăng điều này ngụ ý rằng, Thiên Đường có trách nhiệm làm sáng tỏ sự mê mờ và lập lại trật tự? Thi hào Milton viết, Thần Uriel nói rằng lời Chúa đã xóa tan hỗn loạn bằng mệnh lệnh, và rằng, Chúa đã thiết lập trật tự.
Chúng ta có thể liên kết sự mê mờ và hỗn loạn đó với điều ngược lại của sự thật, bởi vì ta có thể phỏng đoán rằng, theo định nghĩa thì sự thật là rõ ràng và có trật tự. Nếu đúng là vậy thì mô tả của họa sĩ Doré có thể mang nhiều sắc thái hơn so với vẻ ban đầu của bức tranh. Có lẽ điều mà họa sĩ Doré đang khắc họa là sự tương phản giữa sự thật và dối trá.
Thi hào Milton thuật lại những mưu ma chước quỷ của Satan khi hắn biến hình thành một tiểu thiên sứ để đánh lừa Thần Uriel. Không giống như lẽ thật ở dạng bản chất nhất vẫn luôn luôn nhất quán còn Satan không chỉ thay hình đổi dạng nhiều lần (như chúng ta sẽ thấy sau này), mà những gì hắn đại diện cũng thay đổi theo. Ví dụ, khi chúng ta đọc xuyên suốt thiên sử thi, bản chất của Satan dường như chuyển đổi từ cái ác này sang cái ác khác. Đầu tiên là thói ngạo mạn, sau đó là quyền lực, và phù phiếm. Bây giờ, bản chất của hắn là lừa dối.
Do đó, việc họa sĩ Doré miêu tả một Satan đen tối có lẽ đúng với bản chất của Satan, một kẻ luôn tìm cách để che giấu sự thật. Nói cách khác, Satan đại diện cho sự đối lập với lẽ thật. Thi hào Milton nói rõ rằng, ngay cả những người ngay thẳng trong chúng ta cũng có thể bị những lời dối trá đánh lừa. Thiên Thần Uriel, một Tổng lãnh Thiên Thần ở trong tầm nhìn dưới ngai vàng của Thiên Chúa, vậy mà cũng bị Satan lừa gạt, vì theo lời thi hào Milton thì:
“Cả con người lẫn Thiên thần đều không phân biệt được sự Ngụy thiện, cái ác duy nhất bước đi vô hình, chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu.” (Cuốn 3, Dòng 682–684)
Satan thành công bởi vì hắn là bậc thầy ngụy thiện. Hắn có thể giả vờ làm kẻ ngay chính nhằm phá hủy những điều chân chính.
Nhà thơ Milton cũng làm nổi bật sự tương phản của những gì ông tin là điểm khác biệt giữa Thiên Chúa và Satan. Thiên Chúa là sự thật của việc hy sinh bản thân vì lòng thương xót, còn Satan là sự giả dối luôn tìm cách hủy hoại sự thật vì lòng kiêu ngạo.
Trong một thế giới đầy rẫy sự lừa lọc và những lời dối trá, nơi những kẻ vô đạo đức đội lốt người công chính thì làm sao chúng ta có thể nhận ra đâu là chân tướng và được bao bọc trong sự từ bi nhân ái đây?
Ông Gustav Doré là họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng của thế kỷ 19. Ông đã sáng tác những hình ảnh cho một số tác phẩm văn học cổ điển vĩ đại nhất của thế giới Tây phương, bao gồm Kinh thánh, “Parise Lost” (Thiên Đường Đã Mất) và “The Divine Comedy” (Thần Khúc). Trong loạt bài này, chúng ta sẽ đi sâu vào những ý tưởng đã giúp truyền cảm hứng cho họa sĩ Doré cũng như hình ảnh mà những tư tưởng đó gợi lên. Để đọc bài viết đầu tiên trong loạt bài này, vui lòng xem loạt bài “Những ý tưởng và các bức tranh minh họa lừng danh: Ngôn ngữ hình ảnh của họa sĩ Gustav Doré”.
Eric Bess _ Hữu Minh
***
Tại ranh giới giữa thiên đường và địa ngục
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim
Mỗi ngày trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống mà chúng ta phải lựa chọn giữa thiện và ác. Khi cái ác mang vẻ ngụy thiện, rất khó để biết liệu chúng ta có đang lựa chọn đúng hay không. Đặt chúng ta giữa thiên đường và địa ngục, những lựa chọn như vậy đòi hỏi sự suy xét cẩn trọng và sâu sắc.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.