Tết vẫn luôn là sự kiện lớn nhất trong năm của người Việt. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, là dịp đoàn viên, là cơ hội gia đình và cộng đồng thêm gắn kết. Ngày Tết cũng là dịp để con người thể hiện sự kính ngưỡng Tổ tiên, Đất Trời. Nhắc đến Tết Việt, người ta hay nói đến Hà Nội. Nhiều người bảo phong vị Tết Hà Nội đặc sắc lắm. Có người lại nói Tết Hà Nội nay vội vã và nhạt bớt nhiều rồi.
Bất chấp đợt lạnh buốt tháng Chạp, những ngày cuối năm, dòng người Hà Nội đang trở nên vội vã, hối hả hơn. Giao thông Hà Nội những ngày gần Tết lại càng thêm xô bồ và đông đúc. Hà Nội hay tắc đường vào những giờ cao điểm nhưng cận Tết, đường Thủ Đô có thể tắc bất kể lúc nào.
“Bát gạo tháng Giêng, đồng tiền tháng Chạp”, cuộc mưu sinh càng về Tết càng thêm hối hả. Mấy năm qua kinh tế có phần khó khăn, nhưng người Việt luôn muốn sắm sửa một cái Tết thật chu đáo. Người Hà Nội gốc còn nghiêm cẩn hơn, họ luôn muốn giữ gìn phong tục truyền thống, ít nhất họ phải tiễn đưa ông Công ông Táo, phải bày biện bàn thờ công phu, đầy đủ, phải có mâm ngũ quả, phải có bánh chưng xanh. Trong nhà phải có ít nhánh hoa đào, hoa cúc, hay nếu được thì sửa soạn thêm cây nêu ngày Tết trước sân nhà.
Tết Hà Nội có vội lắm không?
Người Hà Nội vẫn luôn xem Tết cổ truyền là dịp rất thiêng liêng. Nhưng với tốc độ cuộc sống hiện đại, việc cho rằng hương vị Tết Hà Nội vội vã hơn và nhạt nhoà đi, phần nào cũng có cái lý của nó.
Nhịp sống ở Hà Nội ngày càng nhanh hơn xưa. Nhiều người bận rộn đến mức phải tiễn ông Táo về trời sớm hơn thường lệ. Họ chọn ngày cuối tuần để tiễn các Ông thay vì ngày 23 tháng Chạp. Những người trẻ thì bận đi làm, họ tiễn các ông sớm đã đành, đến cả những người đang tuổi hưu trí nhiều khi cũng phải tiễn các ông sớm hơn thường lệ. Họ muốn chọn ngày cuối tuần để con cháu có thể về phụ nấu cỗ và gia đình thêm dịp được sum vầy.
Những gia đình Hà Nội ngày xưa thường cùng nhau chuẩn bị Tết rất sớm. Họ cùng nhau dọn dẹp trang trí nhà cửa, cùng nhau gói bánh chưng. Họ cùng nhau chuẩn bị hoa quả trên ban thờ, tự tay sửa soạn mâm cỗ để cúng trời đất, gia tiên đêm giao thừa. Giờ đây, nhiều người Hà Nội đã chọn cách mua sắm thay vì tự tay làm để tiết kiệm thời gian hơn.
Tôi được trò chuyện với V.A, một người đàn ông năm nay đã ngoài 40 tuổi, gia đình anh nhiều đời sinh sống ở Phố Cổ. V.A cũng đồng tình rằng, người Hà Nội bây giờ đón Tết có phần nào vội hơn trước.
Thưa ông, nhiều người cho rằng Tết Hà Nội bây giờ vội vã và nhạt hơn ngày trước, suy nghĩ của ông về điều này như thế nào?
Ông V.A: So với ngày xưa, mọi người dành thời gian cho công việc nhiều hơn. Vì họ bận rộn nên thời gian cho Tết ngắn lại. Nhưng dù sao thì người Hà Nội vẫn giữ được những điều cốt lõi của ngày Tết Cổ truyền.
Điều gì khiến ông nhận định như vậy?
Ông V.A: Dù bận rộn nhưng người ta vẫn cố gắng chuẩn bị chu đáo từ ăn uống đến việc trang trí. Người ta vẫn thể hiện sự kính ngưỡng Thần Phật, Trời Đất. Bàn thờ tổ tiên trong nhà vẫn được bài trí trang nghiêm. Nhiều người vẫn đi Lễ đầu năm. Và ngày Tết, người ta vẫn còn tìm đến nhau để thăm hỏi chuyện trò.
Tết Hà Nội vẫn trong lòng người Hà Nội
Sẽ không là bao biện, nhưng sự vội vàng hối hả của người Hà Nội cũng có lý do. Cuộc sống mưu sinh, người ta nhiều lúc bận rộn mà bỏ qua những tiểu tiết. Kỳ thực, in sâu trong tâm hồn họi vẫn là những nét đẹp không thể xoá nhoà.
Bà L.T.N, một người phụ nữ sắp sang tuổi 60, năm nào cũng được đón Tết tại Hà Nội cùng gia đình. Nhắc đến hương vị Tết ngày xưa, điều hằn sâu trong ký ức của bà cái tiết trời giá rét và hương thơm của nồi nước mùi già. Bà nói: “Tôi nhớ nhất vẫn là chiều Ba mươi Tết, được mẹ nấu cho nồi nước mùi già để tắm. Cứ mỗi lần nghe mùi hương này, là tôi biết Tết đã đến rồi.
Ngoài hương mùi già, còn một “dấu hiệu nhận biết ngày Tết” của bà L.T.N là lúc những người làm ăn xa được trở về nhà. Với người phụ nữ này, Tết Hà Nội xưa tĩnh lặng, ấm cúng mà yên bình lắm. Và dịp Tết là ngày người ta trở về để đoàn viên.
Nhưng cũng có những người con tha phương lâu ngày, nơi đất khách, chưa thể trở về quê hương, họ đành đón Tết với những ký ức còn vẹn nguyên.
Năm nay chị T.D lại đón Tết Cổ truyền ở Úc cùng với chồng và con gái. Thỉnh thoảng T.D có bay về Việt Nam. Nhưng đã khá lâu rồi Chị chưa được đón Tết ở Hà Nội. Khi được hỏi về những kỷ niệm ngày Tết, chị T. D luôn nhớ về những tháng ngày còn bé, được đón Tết bên bố mẹ.
Chị nhớ lúc mình là cô bé chừng 4,5 tuổi, được ngồi cạnh bố gói bánh chưng giữa sân. Mẹ chị thì đang bận việc bán buôn, nên hai bố con cùng nhau ngồi gói bánh. Chị được bố đưa cho những lá dong nhỏ xíu, và hướng dẫn tự tay gói những chiếc bánh chưng cũng nhỏ xíu, những chiếc bánh mà theo chị nhận xét là “méo mó, vẹo vọ”.
Chị nhìn thấy những chiếc bánh nhỏ của mình được cho vào luộc chung với những chiếc bánh của bố. Bên bếp lửa, chị chờ đợi bánh chín để được tận hưởng thành quả của mình. Nhưng đến khi vớt bánh ra, cả nhà không ai được động vào, bố chị bảo mọi người phải đợi đến lúc cúng dâng lên ông bà tổ tiên xong.
Chị vẫn nhớ như in những đêm 30 Tết, mẹ chị chuẩn bị mâm cúng giao thừa, bố chị thì vận quần áo chỉnh tề, tóc tai gọn gàng, kính cẩn. Chị nhớ hình ảnh bố mình thành kính ra sao, không khí nghiêm trang như thế nào. Mọi thứ trang trọng đến mức một đứa trẻ như chị không dám bước chân vào. Chị chỉ dám đứng bên ngoài, chốc chốc lại lấp ló nhìn bố, và cố gắng nghe “những lời ông nói với các cụ”.
Thời khắc giao thừa vừa tới, chị T.D háo hức khi được bố mẹ lì xì, được bố mẹ chúc những lời tốt đẹp trong năm mới. Ký ức của chị còn có cả những tiếng pháo. Chị nhớ rằng, đêm giao thừa tiếng pháo cứ râm ran, râm ran…T. D còn nhớ về ngày đầu năm được mặc áo mới mẹ mua. Lũ trẻ như chị ngày ấy thường đợi đến Tết mới có thêm quần áo mới. Chị cùng lũ bạn xúng xính áo quần, cùng dắt nhau đi.
Kể đến đây bất giác T. D thấy nhớ nhà, nhớ quê hương, và chị nhớ bố mẹ mình. Đang nói chị bỗng nhiên lạc giọng “đã lâu lắm rồi mình chưa được sống trong không khí những ngày Tết như vậy”. Hơi rưng rưng, chị nói rằng “Có khi chẳng bao giờ nghe lại được những thanh âm đó nữa đâu”.
Tết Hà Nội vẫn có những khoảng tĩnh lặng và an nhiên
Người Hà Nội có thể đang hối hả với cuộc sống. Nhưng càng về Tết mọi thứ sẽ càng đổi khác. Dường như trước những thời khắc giao thời linh thiêng, với tấm lòng kính ngưỡng, con người ta lại được dịp trở về là chính họ. Và người Hà Nội trở lại vẻ điềm tĩnh thanh lịch như xưa.
Suy cho cùng, con người không thích sự ồn ào và hỗn loạn. Họ vẫn thích hơn những giây phút lắng đọng, được nhìn lại mình và những ngày tháng đã qua. Người Hà Nội cũng vậy, dẫu không tránh khỏi dòng đời tấp nập hối hả, họ vẫn gắng tìm cho mình những khoảnh khắc bình yên, để được tìm về với chính mình.
Ở Hà Nội, vào những ngày này chúng tôi vẫn gặp nhiều người luyện tập Pháp Luân Công gần Hồ Gươm. Họ xếp thành hàng lối ngay ngắn, ăn mặc giản dị nhưng chỉnh tề. Có lúc họ đứng tập những động tác khoan thai. Có lúc họ lại tĩnh lặng trong tư thế thiền định.
Tôi được trò chuyện với một người trong số họ. Người đàn ông này này kể rằng ông sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Mành, biết đến Pháp Luân Công từ năm 2015, và nhiều năm nay vẫn cùng mọi người luyện tập.
Vì sao ông lại chọn tập môn này? Và vì sao ông có khả năng giữ được sự tĩnh tại ở đây trong lúc nhà nhà đang hối hả chuyện Tết nhất?
Người luyện tập bên Hồ Gươm: Tôi cũng như bao người Hà Nội khác, vẫn phải tất bật với những mối lo thường nhật, thậm chí càng về Tết thì càng bận rộn và lo toan hơn. Tôi chọn tập Pháp Luân Công vì bộ môn này giúp mang lại cho tôi sự tĩnh tại, an nhiên. Nó giúp tôi bớt âu lo và thêm nhiều năng lượng hơn cho cuộc sống bộn bề.
Khi được hỏi về những hình ảnh đáng nhớ về ngày Tết Hà Nội, người học viên Pháp Luân Công này kể về sinh hoạt những ngày trước Tết trong gia đình có bốn thế hệ của mình. Mỗi người một việc, người đi chợ người gói bánh, người nấu ăn, người trông nom con cháu, người thì lo việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Ông nói: “ Tôi nhớ những hình ảnh gia đình tôi cùng nhau gói bánh chưng. Có người gói bằng khuôn, có người khéo thì gói bằng tay. Ngày ấy gia đình tôi không có cái nồi lớn, mà phải luộc bánh chưng trong một cái thùng phuy”.
Trước thời khắc giao thừa, mọi thứ đều trở nên tĩnh lặng và rất thiêng liêng. Người học viên này kể về những hình ảnh đáng nhớ trong đêm giao thừa. Ông kể về buổi sáng đi lễ chùa ngày đầu năm mới. Những người trong gia đình ông, ai cũng bày tỏ đức tin vào Thần Phật và sự tôn kính trước những bậc tiền nhân.
Ông còn kể, sau khi đi lễ về, cả gia đình cùng quay về ngồi với nhau bên mâm cơm. Họ cùng nhau ôn lại chuyện xưa và chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.
Tết Hà Nội không vội vàng lắm đâu
Có thể, Tết Hà Nội không vội vàng như nhiều người ngày nay vẫn nghĩ. Như nhiều thành phố lớn, nhịp sống ở Thủ Đô có lúc nhanh, lúc chậm. Người Hà Nội có lúc bận rộn, lúc thong dong. Nhưng tận sâu trong tâm thức, họ vẫn lưu giữ cho mình những nét đẹp ngày Tết. Trời Hà Nội vẫn rét như mọi năm. Những cánh hoa đào vẫn đang khoe sắc.
Người Hà Nội còn đó thì Tết cổ truyền Hà Nội vẫn còn đó. Tôi mong rằng, Tết Hà Nội không vội vàng, không đang nhạt nhòa phôi phai. Trong tâm thức mỗi người dân Hà Nội, và thậm chí là cả những người Việt Nam, ai cũng muốn được quay trở về với những giá trị truyền thống. Quan trọng hơn, trước những thời khắc linh thiêng của năm mới, người Hà Nội vẫn giữ được tấm lòng kính ngưỡng vào Trời Đất, nuôi dưỡng được đức tin vào Thần Phật. Điều này sẽ giúp họ giữ gìn được đạo đức và tiếp nối những tinh hoa.
Nam Trần
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.