Để mà nói rằng tôi đã “mê mẩn” và “dán mắt” vào cuộc phỏng vấn Tổng thống Nga Vlimir Putin của ông Tucker Carlson “người chủ trì chương trình bị Fox News sa thải,” như ông ấy tự nhận một cách khôi hài thì quả thực là một lời nói nhẹ bớt và không phản ánh hết những cảm nhận của tôi khi theo dõi chương trình này.
Đó là một cuộc phỏng vấn không giống như bất kỳ cuộc phỏng vấn nào khác mà tôi từng xem, một điều dường như giống chuyện viễn tưởng hơn, một cảnh trong một vở kịch của Bertolt Brecht hay một cuộc gặp gỡ nhảy ra từ những trang sách của Leo Tolstoy hay Fyodor Dostoevsky.
Chúng ta đã được cung cấp một cái nhìn thoáng qua trong thời gian thực trong hơn hai giờ đồng hồ về lập luận và tính cách của một nhà độc tài thông thường là tàn nhẫn, dẫu rằng nhân vật này vẫn nổi tiếng, hết mức, ở chính đất nước của mình.
Đã bao nhiêu lần chúng ta có thể chứng kiến một sự kiện như thế?
Tôi không nghĩ ra được một lần nào.
Những ai chỉ trích ông Carlson vì đã mang đến cho chúng ta một cơ hội như thế này hoặc là hoàn toàn thiếu tôn trọng trí tuệ của công chúng (là điều khá phổ biến đối với các chính trị gia và học giả của chúng ta), hoặc là có động cơ cá nhân có lẽ là vì ganh tị.
Việc theo dõi và lắng nghe ông Putin đã nảy sinh nhiều phản ứng phức tạp, từ việc nghĩ rằng ông ta là một tên côn đồ loạn trí cho đến việc cho rằng đang bị ông lừa phỉnh, nhưng đầu óc của một người trưởng thành phải có khả năng dung nạp những loại phản ứng mâu thuẫn như thế thì mới là trí óc của người trường thành chứ!
Sẽ phải mất một thời gian dài để tiêu hóa hoàn toàn những gì chúng ta đã xem, nếu thực sự chúng ta có thể hiểu được.
Rõ ràng là ông chủ trì chương trình này cũng cảm thấy như vậy.
Vì chúng tôi là bằng hữu, nên tôi đã nhắn tin chúc mừng ông Carlson sau khi xem xong cuộc phỏng vấn. Tôi nghĩ tôi cũng có thể chia sẻ câu trả lời của ông ấy vì đó dường như là điều ông ấy sẽ thoải mái nói trước công chúng. Và vào cái thời này, ai mà cho rằng tin nhắn của mình là riêng tư thì thật là hoang tưởng làm sao.
Ông ấy viết: “Cảm ơn ông. Cuộc phỏng vấn rất cuốn hút. Tôi vẫn đang nghiền ngẫm về ý nghĩa của sự việc này.”
Tôi chắc chắn hầu hết những người xem chúng ta đều có một phản ứng tương tự.
Theo mong muốn của ông Putin, ông đã bắt đầu cuộc phỏng vấn với một bài diễn văn kéo dài nửa giờ đồng hồ về lịch sử Đông Âu, nơi mà ông gọi là “Những vùng đất của Nga” vì những lý do hiển nhiên. Thật khó để giải thích mọi người phải tự xem mới cảm nhận được nhưng khúc này vừa nhàm chán, thậm chí buồn tẻ, mà đồng thời cũng vừa hấp dẫn.
Quý vị có thể đọc được sự bối rối này qua nét mặt của ông Carlson. Rất ít người, nếu không muốn nói là chẳng có ai, trong chúng ta hiểu lịch sử Đông Âu một cách chi tiết như vậy.
Không giống như những nhà lãnh đạo mà chúng ta có thể nghĩ đến, ông Putin dường như không hề có chút biểu hiện suy lão nào, mà đôi khi còn có vẻ sắp thể hiện ra một kiểu khùng khùng nào đó.
Tất cả điều này là để chuẩn bị cho nỗ lực đã được dự trù kỹ lưỡng của ông Putin nhằm giải thích về bản thân và các cuộc tấn công của ông vào Ukraine trước công chúng Mỹ cũng như phần lớn thế giới phương Tây.
Những lời giải thích này lại mâu thuẫn, đôi khi nghe ra cũng có lý nhưng thường có vẻ biện hộ và giả tạo.
Trên thực tế, ông ấy chỉ muốn lấy lại “những vùng đất Nga” đó. Ông khẳng định mình sẽ không đi xa hơn những khu vực không được chỉ rõ của Ukraine, có thể là vùng Donbass, và còn khẳng định, ý tưởng cho rằng ông sẽ càn quét những vùng còn lại của Liên Xô cũ các nước như Lithuania, Latvia, v.v. là thật nực cười.
Thành thật mà nói, tôi tin phần sau mà ông nói, dựa trên những cơ sở rằng ông ấy, cũng như hầu hết người dân Nga, đã chịu đựng quá đủ rồi.
Nhưng mà, điều khiến tôi thích thú nhất trong cuộc phỏng vấn này là ẩn ý giữa những lời của ông Putin, có thể không quá khó hiểu là ông tin rằng cuộc chiến thực sự giữa các quốc gia là cuộc chiến thiên về giữa các cơ quan tình báo thường trực, hơn là giữa các nhà lãnh đạo nhất thời và nông cạn của những quốc gia đó.
Ông là một cựu điệp viên KGB, và cuối cùng thì, trong cuộc phỏng vấn này, ông đã nêu lên vai trò của CIA trong việc lật đổ giới lãnh đạo ở Ukraine và do đó [CIA] trở thành kẻ vô tình khơi mào cho cuộc chiến đã và đang diễn ra này.
Tôi có tin điều đó không?
Hãy nói thế này nhé: Tôi không phải là không tin điều đó.
Sẽ rất thú vị khi được nghe xem ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr. sẽ nói gì về vấn đề này, vì ông ấy nổi tiếng với việc chỉ trích CIA, đặc biệt là về vụ ám sát bác ông, cố Tổng thống John Fitzgerald Kennedy.
Ai đó nên hỏi liệu ông Kennedy đã xem cuộc phỏng vấn này chưa.
Có phải ông Putin chỉ đang “đổ tháo trách nhiệm” hay ông đang có ý đồ gì khác?
Trong cuộc phỏng vấn này còn có một chỗ đáng chú ý là, ông Putin khẳng định rằng ban đầu cựu Tổng thống Bill Clinton đã cân nhắc ý tưởng cho Nga gia nhập NATO rồi sau đó đã thay đổi ý định dựa trên lời khuyên của “quân” của ông.
Nói thế đúng hay sai? Liệu chúng ta sẽ được nghe cựu Tổng thống Clinton nói chứ?
Nếu chúng ta nghe ông Clinton nói rồi thì liệu chúng ta có tin lời ông Putin không?
Như ông chủ trì chương trình của chúng ta đã nói, “Tôi vẫn đang nghiền ngẫm về ý nghĩa của sự việc này.”
Trong trường hợp của tôi, có thể tôi sẽ không bao giờ đi đến một kết luận. Nhưng tôi đã nhận thấy… điều gì đó.
Tôi nói vậy mặc dù tôi không xa lạ gì với nước Nga. Tôi đã có thời gian trú chân tại đất nước này, hai lần trong thời kỳ Xô Viết và hai lần sau đó. Tuy nhiên, đó vẫn là một câu hỏi hóc búa.
Vào cuối cuộc phỏng vấn, ông Carlson đã mở lời xin ông Putin trả tự do cho phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal, người mà người Nga cáo buộc làm gián điệp và đã giam giữ trong một năm.
Ông Putin đã lưỡng lự một chút nhưng cuối cùng có vẻ nghiêng về hướng trả tự do. Nếu điều này diễn ra, thì hãy ghi một điểm cho ông Tucker.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.