Pages

Tuesday, February 5, 2019

Trump trong thế mạnh chống Maduro

baomai.blogspot.com
Biểu tình chống tổng thống Venezuela Maduro tại Caracas, Venezuela

Khủng hoảng chính trị tại Venezuela vẫn là tâm điểm thời sự quốc tế trên các báo Pháp số ra ngày 05/02/2019. Nhật báo Le Monde, trong bài viết có tựa đề “Trump trong thế mạnh chống Maduro”, nêu rõ lập trường của tổng thống Mỹ trong hồ sơ này: Thay đổi chế độ mà không cần đổ tiền tái thiết Venezuela.

Bằng chứng cho quyết tâm lật đổ chế độ Maduro đã được thể hiện rõ trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS hôm 03/02 vừa qua, khi ông cho rằng “can thiệp quân sự chắc chắn là một giải pháp”.

baomai.blogspot.com

Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Shannon O'Neil, thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế của Mỹ, một chiến dịch can thiệp quân sự là “phi thực tế”. Con số 5000 quân, mà ông John Bolton bóng gió nói đến tại Colombia trong một buổi họp báo ngắn ngày 28/01, không đủ để tiến hành một chiến dịch quân sự tại một đất nước có diện tích lớn gấp hai lần Iraq.

Chuyên gia Shannon O 'Neil cảnh báo thêm: “Nhìn từ mọi phía, đây là một nhà nước bị phá sản, nhưng bất kể lực lượng nào muốn đến đây đều sẽ phải lao vào tái thiết đất nước, vốn dĩ có thể kéo dài trong nhiều năm”.

Chính vì điều này, ngoài việc tiến hành cấm vận dầu lửa đánh thẳng vào nguồn thu của chế độ Maduro, chính quyền Wahsington cho đến lúc này vẫn chọn một chiến lược đa phương.

baomai.blogspot.com

Một mặt, Hoa Kỳ trông cậy vào liên minh liên châu Mỹ, “nhóm Lima”, mà Hoa Kỳ không là thành viên. Tình hình tồi tệ và mối đe dọa một làn sóng nhập cư chưa từng có cũng đang tác động mạnh đến toàn vùng châu Mỹ Latinh. Mặt khác, chính quyền Donald Trump có thể phối hợp chặt chẽ với nhiều nước lớn khác tại châu lục, như Canada chẳng hạn.

Hơn nữa, Donald Trump có nhiều lý do khác muốn Maduro phải ra đi, bởi vì hồ sơ này còn bao hàm yếu tố chính trị trong nước tại một bang chiến lược trong tiến trình tái tranh cử tổng thống Mỹ 2020, đó là bang Florida.

baomai.blogspot.com
  
Bang này có một cộng đồng người Venezuela khá lớn, đến Mỹ tỵ nạn ngay từ ngày đầu của thời chế độ Hugo Chavez, được thành lập cách nay hai thập niên. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, hôm 02/02, trong một cuộc mit-tinh, đã trấn an cộng đồng này rằng thời gian để “đối thoại” với Nicolas Maduro không còn nữa, giờ là lúc “hành động”.

Lá bài “Guaido trước đã” của Trump

Về điểm này, Libération cũng có cùng lập luận với Le Monde. Nhật báo trích dẫn một số phân tích của bà Lisa Viscidi, trung tâm cố vấn “Đối thoại Liên châu Mỹ” (Inter-American Dialogue) cho rằng đe dọa can thiệp quân sự của Mỹ chỉ mang tính chất cảnh báo.

baomai.blogspot.com
Người dân Venezuela phải bới rác tìm thức ăn

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, Donald Trump xem cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tại Venezuela như là một mối họa cho an ninh quốc gia Mỹ. “Trên thực tế, áp lực về vấn đề nhân đạo, chủ yếu đến từ Colombia, quốc gia đón nhiều người tị nạn Venezuela nhất ( 3 triệu người ). Thế nhưng, hiện tại, chính quyền Trump chỉ giải ngân có 20 triệu đô la để đáp ứng nhu cầu này”.

Hơn nữa, vẫn theo chuyên gia Lisa Viscidi, tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung cộng và Nga trong vùng ”sân sau” này không làm hài lòng Mỹ chút nào. Bà kết luận : “Có nhiều mối lo thật sự trên phương diện địa chính trị liên quan đến Venezuela. Nga và Trung cộng, vì đã đầu tư khá nhiều tại Venezuela, nên không muốn mất các lợi thế với đối tác này”.

Châu Âu rụt rè ủng hộ Juan Guaido

baomai.blogspot.com

Trong khi Hoa Kỳ kiên quyết lật đổ chế độ Nicolas Maduro, việc ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido đang chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu như Les Echos cho rằng “Châu Âu tăng cường cô lập chế độ Venezuela”, hay “Áp lực quốc tế nhắm vào Maduro tiếp tục gia tăng” như hàng tít lớn trên Le Monde, thì Le Figaro ghi nhận “Hai mươi tám nước vẫn bị chia rẽ”. Mười bốn nước trong khối Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, đã nhìn nhận Juan Guaido  là tổng thống tạm quyền tại Venezuela. Chính quyền Caracas dự định “xét lại các mối quan hệ” với các nước phương Tây.

Trong bối cảnh này, xã luận của Le Monde kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu cẩn trọng, nên “ủng hộ nhưng không can thiệp”. Bài viết giải thích :

“Cuộc đối đầu Maduro – Guaido làm lộ rõ những chia rẽ trong cộng đồng quốc tế, minh họa tiến triển chia phe phái địa chính trị. Không chỉ có Cuba và Nga, hiện diện quân sự tại Venezuela, ủng hộ chế độ Maduro, người kế thừa di sản Hugo Chavez, nhưng còn có cả Trung cộng và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO.

baomai.blogspot.com
Ông Guado tuyên bố làm Tổng thống tạm quyền của Venezuela hôm 23/1, nhưng ông không có quyền hành trên thực tế

Trong khi đó, Washington tích cực ủng hộ Juan Guaido và đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm bóp nghẹt chế độ Maduro. Canada, cũng như nhiều nước Nam Mỹ khác, nhanh chóng theo chân Mỹ. Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi tổ chức lại một cuộc bầu cử tổng thống, một đề nghị đã bị ông Nicolas Maduro bác bỏ và đa số các nước thành viên trong Liên Âu đã ủng hộ lãnh đạo đối lập Venezuela.

Tác nhân chính yếu trong ván cờ này là quân đội Venezuela thì không hề lay chuyển. Ông Guaido phải tiếp tục các nỗ lực nhằm thuyết phục giới quân nhân. Do vậy, sự ủng hộ một cách ôn hòa của nhiều quốc gia khác ngày càng nhiều, như từ Liên Hiệp Châu Âu và nhóm Lima, và cả từ Canada chỉ có thể giúp củng cố hơn nữa vị thế của Guaido và sự ủng hộ này phải được khẳng định một cách rõ ràng.

Nhưng trong một tình huống bấp bênh như hiện nay, chắc chắn là một hành động can thiệp quân sự của Mỹ, như tổng thống Trump đang dọa, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.

Trump: Thông điệp Liên bang với bầu cử 2020 trong tầm ngắm

baomai.blogspot.com

Một chủ đề quốc tế khác cũng được nhiều nhật báo Pháp hôm nay quan tâm đến là Thông điệp toàn Liên bang của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Le Figaro trên trang nhất cho rằng “Trước Quốc Hội, Trump mở chiến dịch tái tranh cử”. La Croix có bài viết “Donald Trump được đón tiếp tại một Quốc Hội đối địch”. Les Echos ghi nhận “Donald Trump trước thách thức tập hợp”. Tổng thống Mỹ có bài phát biểu Thông điệp Liên bang lần thứ hai trong bối cảnh chính quyền Trump ngày càng có xu hướng cực hữu. Bài diễn văn của ông hôm nay cũng sẽ đề cập đến những điểm bất đồng với đảng Dân Chủ.

Iraq: Trump khiêu khích những người phản đối quân đội Mỹ

Cũng liên quan đến Donald Trump, Le Figaro cho biết tại “Iraq: Sự khiêu khích của Trump củng cố phe phản đối sự hiện diện của Mỹ”.

Trên kênh truyền hình CBS hôm Chủ Nhật 03/02, tổng thống Mỹ giải thích muốn duy trì căn cứ quân sự của Mỹ tại Ain al-Assad ở phía tây Bagdad để “giám sát” Iran, đối thủ của Mỹ. Ông nói: “Nếu ai đó tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ biết ngay trước khi họ chế tạo”.

baomai.blogspot.com
  
Phát biểu này ngay lập tức đã khiến nhiều lãnh đạo Iraq bất bình, cảnh cáo Hoa Kỳ là “Hiến Pháp Iraq bác bỏ mọi hình thức sử dụng Iraq như là một cơ sở để tấn công hay xâm lấn một nước láng giềng. Quân đội Mỹ hiện diện tại đây dựa theo điều luật và trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai nước, mọi hoạt động ngoài khuôn khổ này là không thể chấp nhận”.

Đặc biệt là phe ủng hộ lãnh đạo giáo phái Shia Moqtada Sadr – cựu thù của Mỹ - đã lên án mạnh mẽ những tuyên bố trên của ông Donald Trump. Một nghị sĩ thuộc phe này cho rằng “việc rút quân Mỹ khỏi Iraq là một nghĩa vụ của quốc gia”. Ông  còn đề nghị một dự thảo luật liên quan đến sự hiện diện của lính Mỹ và mong muốn luật này được thông qua sớm nhất.

Đức: Không có bảo tàng xúc xích ở Buchenwald

Trở lại với báo Le Monde, nhưng trong lĩnh vực văn hóa. Nhật báo giải thích vì sao “Không có bảo tàng xúc xích ở Buchenwald”.

baomai.blogspot.com
  
Bảo tàng xúc xích hiện nay nằm ở làng Holzhausen, thuộc vùng Thuringe, phía đông nước Đức. Nhưng bảo tàng quá nhỏ để đón khách tham quan, ban lãnh đạo đã quyết định dời sang một điểm khác. Sau 5 tháng tìm kiếm, họ tìm được một điểm khác lý tưởng hơn, cách xa điểm hiện nay 60 km, ở thành phố Muhlhausen. Thế nhưng, hai hôm sau khi thông báo địa điểm mới, ngày 01/02, lãnh đạo bảo tàng đành phải tuyên bố hủy dự án vì bị phản đối.

Nguyên nhân là bảo tàng xúc xích mới sẽ được lập ngay tại khu trại tập trung cũ Martha II, nơi từng giam giữ khoảng 700 phụ nữ Do Thái đến từ Hungary và Ba Lan trong suốt giai đoạn từ tháng 09/1944 – 02/1945. Thông báo này ngay lập tức đã bị Hội Đồng những người Do Thái Đức phản đối mạnh mẽ cho rằng “một quyết định như thế là lãng quên quá khứ và thật khó hiểu”.



Minh Anh

baomai.blogspot.com

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.