Pages

Thursday, December 5, 2019

Về thuyết 'Chúa là một loại ma túy'

BM
Khi tôi còn đi học, quảng cáo chống ma túy thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.

Có vài phiên bản khác nhau nhưng nội dung chính thường là một quả trứng hiện ra trên màn ảnh cùng với giọng nói vang lên, "Đây là bộ não của bạn." Sau đó, quả trứng bị đập vỡ vào một cái chảo và giọng nói sẽ bảo, "Đây là bộ não của bạn khi có tác động của ma túy." Thế là tất cả chúng ta đều nhận thức được vấn đề: ma túy đã tác động lên não của bạn.

Thuyết 'Chúa là một loại ma tuý' của Giáo hội Ngũ Tuần

BM
  
Tại Giáo hội Ngũ Tuần (Pentecostal Church) của tôi, ma túy lại được đề cập tới theo cách khác.

Chúng tôi luôn được dạy rằng không cần đến ma túy, bởi vì Chúa đem đến cho chúng ta niềm hưng phấn.

Giống như ma túy, Chúa có thể tác động tương tự - khiến ta rạo rực, phấn khích - nhưng bộ não của ta sau đó sẽ không bị xáo trộn.

Chúa ban tặng cho chúng ta tất cả các "hiệu ứng tốt đẹp" của heroin mà không kèm theo tác dụng phụ tai hại.                                                                                                     
BM
  
(Tất nhiên, khi xét mức độ bạo lực tôn giáo trong suốt chiều dài lịch sử thì không thể nói là có một số đức tin đối với Chúa không hề gây ra bất kỳ ảnh hưởng tai hại nào. Tôi sẽ nói thêm về điều này sau.)

Tôi đã thôi đến nhà thờ thời thơ ấu của mình từ lâu, song vẫn thường cảm thấy xấu hổ về thuyết "Chúa là một loại ma túy" này.

Nhưng càng nghĩ về tôn giáo như một hiện tượng mới nổi, tôi càng băn khoăn tự hỏi liệu có phải bằng những từ vựng Ngũ Tuần vụng về của họ, những người dẫn dắt trẻ của giáo phái này khi đó đã nhận ra một điều: Chúa đã tác động lên bộ não của chúng ta.

"Đây là não của bạn. Đây là bộ não của bạn trong tay Chúa."

BM
Từ khi còn rất nhỏ, tâm trí của chúng ta có thể đã được ươm mầm sẵn cho đức tin tôn giáo

Andrew Newberg, nhà thần kinh học chuyên nghiên cứu não bộ con người với những trải nghiệm tôn giáo, đã dành cả sự nghiệp để theo đuổi thế giới tâm linh của con người.

"Nếu bạn chiêm ngưỡng Chúa đủ lâu," ông viết trong cuốn How God Changes Your Brain (Chúa Thay Đổi Não Bộ Của Bạn Như Thế Nào), "điều kỳ diệu sẽ xảy ra trong não."

"Chức năng thần kinh bắt đầu thay đổi. Nhiều mạch thần kinh được kích hoạt, trong khi một số khác ngừng hoạt động."

"Các nhánh thần kinh mới được hình thành, các mối nối thần kinh mới được tạo ra, và bộ não trở nên nhạy cảm hơn với những tầng tinh tế của trải nghiệm tôn giáo."

"Nhận thức đổi thay, niềm tin bắt đầu thay đổi, và nếu Chúa có ý nghĩa với bạn, thì Chúa trở thành hiện thực dưới quan điểm thần kinh học."

Tâm linh và nhu cầu tự tại ở con người

BM
  
Ngồi trong phòng làm việc của mình ở Pennsylvania, ông nói với tôi rằng trải nghiệm tôn giáo cần đáp ứng hai chức năng cơ bản của não bộ: tự duy trì sự sống ("Làm thế nào để sinh tồn với tư cách cá thể và tư cách loài?"), và tự vượt lên ("Làm thế nào để tiếp tục tiến bộ và thay đổi bản thân như mọi người?").

Newberg và nhóm của ông scan não những người tham gia các nghi lễ tôn giáo, chẳng hạn như cầu nguyện hoặc thiền.

Ông nói rằng không phải là chỉ có một phần nào đó của não bộ đóng vai trò trong những trải nghiệm này - "Nếu có một phần não riêng cho thế giới tâm linh, thì đó chính là toàn bộ bộ não" - và ông chủ yếu tập trung vào hai phần: thùy đỉnh và thùy trán.

Phần đầu tiên, thùy đỉnh, nằm ở phần trên phía sau của vỏ não, là khu vực xử lý thông tin cảm giác, giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu của chính chúng ta và giúp thiết lập mối quan hệ giữa bản thân với phần còn lại của thế giới, Newberg nói.

Thật thú vị, ông phát hiện ra rằng thùy đỉnh rơi vào trạng thái tĩnh khi chúng ta thực hiện một số các nghi thức tôn giáo nhất định.

BM
Niềm tin tôn giáo là một trong số ít những thứ "tâm lý phổ quát chung ở con người", tồn tại trong mọi nền văn hóa

"Khi bạn bắt đầu thực hành một số loại nghi lễ, dần dần vùng não đó dường như ngừng hoạt động," ông nói.

"Bởi đây là vùng não mà khi ở trạng thái bình thường nó sẽ giúp ta nhận thức về bản thân, cho nên khi nó bắt đầu dần rơi vào trạng thái tĩnh thì bạn cảm thấy sự hiện hữu của bản thân bắt đầu nhạt nhoà dần."

"Ranh giới giữa cái tôi bên trong với những thứ bên ngoài - như là một người khác, một nhóm người khác, Chúa, vũ trụ, hoặc bất cứ điều gì bạn cảm thấy có liên kết - bắt đầu tan biến. Rồi bạn cảm thấy hòa làm một với vạn vật."

BM
  
Phần thứ hai của bộ não liên quan nhiều đến trải nghiệm tôn giáo là thùy trán, nơi thường giúp chúng ta tập trung chú ý và tập trung tâm trí vào các thứ chúng ta làm, Newberg nói.

"Khi vùng đó ngừng hoạt động, về mặt lý thuyết thì nó giống như là chúng ta không còn suy nghĩ về hành động có chủ đích nữa. Cụ thể là chúng ta không làm gì để khiến cho một điều gì đó xảy ra, thế nhưng điều đó vì lý do nào khác vẫn xảy ra với chúng ta."

BM

Newberg cho rằng tất cả các kết quả scan não mà ông thu thập được giúp lý giải cho câu hỏi tại sao bộ não lại được thiết kế để sẵn sàng đáp ứng các nghi lễ tâm linh.

"Nếu là người duy tâm hay có niềm tin tôn giáo, bạn sẽ thấy điều đó hoàn toàn là đương nhiên," ông nói.

BM
  
Nhưng ngay cả khi không đề cập đến Chúa, chúng ta vẫn phải tự hỏi tại sao bộ não phát triển theo hướng không chỉ đáp ứng mà còn có vẻ ưu ái thúc đẩy các loại trải nghiệm mà Newberg nghiên cứu. Chúng dường như là một phần không thể thiếu trong sự sống của loài người.

Mối liên hệ giữa tôn giáo và tâm lý con người

BM
  
"Ta có thể lý giải được niềm tin và hành vi tôn giáo thông qua cách mà tâm trí của loài người vận hành," Pascal Boyer viết trong cuốn Religion Explained (Lý Giải Về Tôn Giáo) của ông.

Ông nói rằng ông thực sự đề cập tới toàn bộ các niềm tin và hành vi tôn giáo, bởi "các thuộc tính của tâm trí con người được tìm thấy trong tất cả những ai có não bộ bình thường".

Hãy xem xét một số thuộc tính này, bắt đầu với một thứ gọi là Cơ Chế Nhận Biết Yếu Tố Siêu Nhạy Cảm (Hypersensitive Agency Detection Device - HADD).

BM
  
Giả sử đang đứng giữa thảo nguyên Bắc Mỹ thì bạn nghe thấy tiếng bụi cây xào xạc. Bạn nghĩ sao? "À, chỉ là gió thổi thôi. Mình cứ đứng nguyên tại chỗ là ổn." Hoặc, "Trời, có thú dữ, phải chạy ngay!"

Theo quan điểm tiến hóa thì tình huống thứ hai sẽ là hợp lý.

Nếu bạn cảnh giác, chạy trốn và rốt cuộc tiếng xào xạc chẳng qua chỉ là tiếng gió thổi thì bạn thực sự cũng chả mất gì. Nhưng nếu bạn quyết định phớt lờ âm thanh báo động và một con mãnh thú sắp vồ lấy bạn, thì bạn tất sẽ bị ăn thịt.

BM
Những lời cầu nguyện và nghi thức tôn giáo thường gợi lên những phản ứng cảm xúc sâu sắc

Nhà khoa học nhận thức Justin Barrett đã theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu cấu trúc nhận thức, thấy nó gần như phù hợp một cách tự nhiên với niềm tin tôn giáo.

Một trong những năng lực nhận thức mà Barrett quan tâm là HADD. Ông viết trong cuốn sách The Believing Primate (Loài Linh Trưởng Có Đức Tin) rằng đó chính là thuộc tính khiến chúng ta gán mác siêu nhiên cho các vật thể và tiếng ồn mà chúng ta bắt gặp nhưng không lý giải được đó là gì.

Đó là lý do khiến tất thảy chúng ta đều nín thở khi nghe thấy tiếng sàn nhà cọt kẹt ở phòng bên cạnh, căn phòng mà chúng ta tin là bỏ trống, không có ai ở.

BM
  
Barrett nói rằng cơ chế phát hiện này khiến chúng ta gán mác siêu nhiên cho các sự kiện không có nguyên nhân vật lý rõ ràng (ví dụ, tôi thấy hết đau đầu sau khi cầu nguyện) và các họa tiết khó hiểu mà ta không thể giải thích một cách đơn giản vì sao chúng lại xuất hiện (phải có ai đó làm nên cái họa tiết vòng tròn bí ẩn này chứ).

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp khi có yếu tố khẩn cấp. "Một người đi săn để kiếm sống sẽ cảm nhận HADD rõ nét hơn một người đi săn chỉ để tiêu khiển," Barrett viết.



Brandon Ambrosino

BM

Thế giới nửa yêu, nửa ghét Trung cộng
Xác người bị chuột gặm tại đại học Paris-Descartes
Cuốn sách Quốc-Ngữ đầu tiên của nước Việt Nam
Sao không đem các nhân vật văn học đặt tên phố ở Việt Nam?
TC lo thiếu thịt heo phục vụ Tết Nguyên Đán
Sức hấp dẫn của những bộ phim xem hoài không chán
Venice bị lụt khiến Ý tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Người Hong Kong tuần hành cảm ơn TT Trump
Xi Jinping gập đầu giữa muôn trùng rắc rối
Bước chân về phương Đông của Thúy Nga Paris
Ngủ thêm và đi làm trễ sẽ tốt cho sức khoẻ?
Xi Jinping bất lực _ Đành phủ phục trước quái kiệt Donald Trump
TT Trump ký luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong
Trung cộng ‘tẩy não’ dân Tân Cương trong trại cải tạo
Cử tri Mỹ ngày càng không thiết tha với vụ phế truất TT Trump
Những gương mặt chính trị trẻ tuổi thắng cử tại Hong Kong
Tranh cãi dùng cần sa có làm con người nghiện ngập
Phe ủng hộ dân chủ thắng lớn trong bầu cử Hong Kong
Hãy xem cách không quân Mỹ tuyển phi công
Donald Trump _ người chơi cờ, thương thảo, CEO và chính trị gia kiểu mới

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.