Pages

Wednesday, July 15, 2020

LM Bùi Phong trong lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm

BM
Linh mục Bùi Phong đang chia sẻ cảm nghĩ của mình trong Lễ Giỗ cố TT Ngô Đình Diệm tại thánh đường Westminster.

“Sau khi đề cập đến sự chết, và chết rồi con người sẽ đi đâu?” Linh mục Bùi Phong nói tiếp, “Quý vị còn nhớ khi Tổng Thống Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc) nghe được tin như sét đánh ngang tai là Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã qua đời, bị ám sát bởi các tướng lãnh của ông thì ông đã buột miệng nói lên một câu: Thật đáng tiếc, phải 100 năm mới nảy sinh ra được một con người tài giỏi như vậy!

“Thưa quý vị, một con người như TT. Tưởng Giới Thạch nói câu đó không phải vì nịnh chúng ta mà nói với chúng ta trong tư cách của một nhà lãnh đạo, và ông đã biết thấu đáo lịch sử của Việt Nam cho nên ông nói điều đó. Tôi nói điều này và không nghi ngờ rằng, trong lịch sử cũng có một vị được sinh ra vào thế kỷ thứ 13 mà vị đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, vị đó đã đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết, còn TT Ngô Đình Diệm cũng là người đã đặt quyền lợi của quốc gia, quyền lợi của dân tộc cũng là quyền lợi của người dân lên trên hết. Người dân có được bảo vệ, người dân có được ấm no, hạnh phúc thì đất nước mới phú cường; đó là mục đích của TT Ngô Đình Diệm.

BM

“Trong lịch sử thì Đức Trần Hưng Đạo là người sống ở đầu thế kỷ thứ 13 và TT. Ngô Đình Diệm được sinh ra vào đầu thế kỷ thứ 19 tức là gần 600 năm sau, thì cái câu nói đó nó chỉ ra cái điều rõ ràng là Tổng Thống Ngô Đình Diệm được sinh ra với thừa kế tinh thần của Đức Trần Hưng Đạo, đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết. Vào thời kỳ Đức Trần Hưng Đạo thì chúng ta thấy, khi còn nhỏ ông được cha là Trần Liễu có vợ và mang thai nhưng Thái Sư Trần Thủ Độ đã bắt vợ của Trần Liễu gả cho vua để vua có con nối dòng, Trần Liễu rất căm tức về chuyện này nên ông đã dặn con mình (Trần Hưng Đạo) bằng mọi giá phải trả thù, lấy lại vương quyền, nhưng khi Đức Trần Hưng Đạo lớn lên thì ông đã nắm hết mọi binh quyền của đời nhà Trần, ông là Tổng Tư Lệnh và nếu ông có lòng phản trắc thì chỉ một tích tắc thôi ông có thể xưng Vương ngay, làm vua ngay lập tức, nhưng ông đã không làm.

BM

“Vì sao? Vì ông đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Vì ông có một niềm tin là nếu ông lên ngôi thì sẽ đánh mất niềm tin của dân chúng đời nhà Trần, mà khi mất niềm tin của người dân thì đất nước sẽ mất! Mất niềm tin rồi thì không có một sức mạnh nào có thể vực dậy nổi. Chính vì niềm tin đó mà đời nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Đức Trần Hưng Đạo đã đánh thắng quân Nguyên tức quân Mông Cổ không chỉ một lần mà tới ba lần. Không có một nước nào trên thế giới lúc bấy giờ có thể đánh bại quân Mông Cổ, chỉ có nước Việt Nam duy nhất đã đánh thắng quân Mông Cổ ba lần. Đánh cho chúng thua một cách thảm hại, nước Nhật cũng đánh bại quân Mông Cổ một lần nhưng nhờ cái may mắn khi quân Mông Cổ đưa chiến thuyền ra và quân Nhật đã chắp tay sẵn sàng dâng nước mình cho quân Mông Cổ.

“Lúc đó trên thế giới đã có câu Quân Mông Cổ đi tới đâu thì ngọn cỏ cũng không mọc lại được, cho nên dân Nhật Bản rất sợ nhưng may mắn cho Nhật, một cơn sóng thần đã đánh tan quân Mông Cổ, và nước Nga cũng một lần thắng quân Mông Cổ nhờ khí lạnh ở nước Nga. Điều mà Đức Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Mông Cổ không phải chỉ vì ông có tài kinh bang tế thế mà còn vì niềm tin của dân chúng. Đức độ của ông đã vượt thời gian và không gian và đã làm cho dân chúng nức lòng và làm cho đất nước chúng ta kiêu hùng như vậy và TT Tưởng Giới Thạch đã nhìn rõ lịch sử đó và đã nói rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người được thừa kế cái điều đó, vì ông là người đã đặt quyền lợi của quốc gia, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Cuộc đời của ông tất cả phó thác cho Thiên Chúa và cho đồng bào. Tiếng đồng bào với ông không chỉ là lời nói ngoài môi miệng nhưng từ trong tim của ông bằng những hành động thực tế.

BM

“Những ngày tháng đầu tiên khi mà ông Ngô Đình Diệm được vua Bảo Đại mời làm Thủ Tướng, không phải vua Bảo Đại không mời các vị khác làm Thủ Tướng, trước ông Ngô Đình Diệm, vua Bảo Đại đã mời học giả Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng và Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm nhưng cả hai ông không tạo được sự thống nhất, không được niềm tin của nhân dân nên năm lần bảy lượt, vua Bảo Đại đã mời cho bằng được ông Ngô Đình Diệm là người có khí tiết, có uy tín không những đối với dân chúng mà cả các sĩ phu thời đó, ông rất mừng khi được ông Ngô Đình Diệm nhận lời làm Thủ Tướng, và chính niềm tin đó mà khi về chấp chánh, ông không một tấc sắt trong tay, chỉ có niềm tin nơi dân chúng và các sĩ phu thời đó mà ông đã bình định được các sứ quân, đã phát triển quốc gia hùng mạnh.

BM

“Ông trở nên một nhân vật nổi tiếng quốc tế chứ không phải là nhân vật chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, ông trở nên là một người được biết đến như Tổng thống Eisenhower ông rất mừng đón ông Diệm như một anh hùng của thế giới tự do, và ông được tất cả các lãnh tụ Á Châu đều coi ông như là một ánh sáng của minh châu trời Đông. Điều đó không lạ gì khi TT. Tưởng Giới Thạch đã nói lên một câu ca ngợi ông như vậy. TT Ngô Đình Diệm không chỉ là người tài đức kiêm toàn, nhưng ông là người có đầy đủ đức tính Nhân, Trí, Dũng, ông là người mà chúng ta có thể nói là Thánh nhân. Bởi thế tôi đã soạn ra một cái tập gọi là Thánh Vương Ngô Đình Diệm.

“Ông thật xứng đáng với danh hiệu đó, vì sao? Vì ông là người có lòng Nhân và tôn trọng luật pháp, mấy người định ám sát ông như Hà Thúc Ký như Phạm Phú Quốc nhưng ông đã để cho luật pháp xét xử, ông không ra lệnh giết những người đó, và ông còn có lòng Nhân nghĩa là ông cho gửi người đến giúp gia đình họ, cho người đem tiền đến giúp gia đình ông Hà Thúc Ký và qua câu chuyện đó, chúng thấy lòng Nhân của Tổng Thống vượt thời gian, không gian. Đức độ ông thực sự đã vượt thời gian không gian khi tôi so sánh Đức Trần Hưng Đạo với Ngô Tổng Thống thì tôi thấy không có gì là lạ.

BM

“Cuộc sống của ông thực sự là người công chính. Sống với thế giới đầy thiện chí và người ta nói gia đình ông sống công chính như trong Thánh Kinh. Con người ông không chỉ có lòng nhân, nhưng trí tuệ của ông thì phải là tuyệt vời. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử và những câu chuyện về sử ký của TT. Ngô Đình Diệm thì chúng ta thấy thiếu gì người có bằng cấp cao như ông là người đã đậu thủ khoa trong Trường Quốc Tử Giám có nghĩa là như Trường Quốc Gia Hành Chánh sau này, và người Pháp đã mời ông sang Pháp để ra làm quan nhưng ông thẳng thắn từ chối.

Trí tuệ của ông không chỉ là những điều ông hiểu biết, ông nói thông thạo tiếng Anh và Pháp. Trí tuệ của ông là có những quyết định sáng suốt để lèo lái dân tộc đến thời vinh quang từ 1954 đến 1963, tôi gọi là thời kỳ bình định phát triển, chỉ trong năm năm ông đã làm cho Việt Nam trở nên một Hòn Ngọc của Viễn Đông. Một người không có tấc sắt trong tay mà làm được điều đó thì không phải là người bình thường. Các lãnh đạo thế giới đã nhìn ra điều đó, và chúng ta phải nhìn ra điều đó. Khi chúng ta hãnh diện về Đức Trần Hưng Đạo đã ba lần đánh thắng quân Nguyên mà một nước duy nhất trên thế giới làm được điều đó thì chúng ta cũng hãnh diện chúng ta là công dân của Việt Nam Cộng Hòa, là con dân một vị lãnh đạo đã vì dân, vì nước kể cả mạng sống của mình cũng không từ để dâng hiến cho quê hương dân tộc.

BM

“Và con người của ông đã phản chiếu cái Dũng, cái gương của thánh nhân. Trước sự áp lực của Hoa Kỳ cho đổ quân vào Việt Nam có thể làm mất chủ quyền, mất niềm tin của dân chúng, ông đã thẳng thắn từ chối. Khi bị Hồ Chí Minh bắt ông làm con tin, ông cũng thẳng thắn từ chối lời mời của Hồ Chí Minh mời ông làm Bộ Trưởng Nội Vụ. Khi ông làm chức Thượng Thư Bộ Lại (Thủ Tướng) thời Pháp thuộc, ông đã đưa ra đề nghị thống nhất hành chánh ba miền Bắc, Trung, Nam, nhưng toàn quyền Pasquier đã từ chối, và ông đã xin từ chức. Điều đó không phải dễ. Với bao nhiêu hào quang tung ra quyền lực mà dám từ bỏ để tìm đường cứu nước.

“Con người như thế, chúng ta không thể nào không nói ông là con người của lịch sử và câu nói cuối cùng, tôi nghĩ rằng không ai có thể nói được như TT Ngô Đình Diệm, ông nói rằng:

Khi tôi tiến hãy theo tôi – Khi tôi lùi hãy giết tôi – Khi tôi chết hãy nối chí tôi.

BM
  
Ông đã sáng suốt hiểu điều đó, ông biết rằng không phải tất cả những điều ông làm đều đúng và ông đã cho chúng ta thấy chỉ trong thời gian ngắn ông đã làm cho đất nước được như thế. Nếu đồng bào cho rằng cái điều đó đúng thì hãy theo tôi, và nếu tôi làm cho đất nước tụt hậu như cộng sản bây giờ thì hãy giết tôi vì tôi không làm lợi gì cho đồng bào, và nếu đồng bào thấy rằng tôi làm điều tốt đẹp cho đồng bào Việt Nam thì đồng bào hãy nối chí tôi. Một câu nói rất là hùng mạnh, câu nói làm chúng ta ngày hôm nay không chỉ tưởng niệm một vị đã quá cố mà người muốn chúng ta phải nhìn ra để chúng ta làm sao có một Việt Nam hạnh phúc, độc lập , hùng cường, dân giàu, nước mạnh. Đấy là mục tiêu của Người muốn dặn dò chúng ta ở đây. Không phải chỉ để tưởng niệm các vị lãnh đạo nhưng Người muốn chúng ta ngồi đây, ngày hôm nay phải biết làm cái điều đó.

“Tôi kêu gọi đồng bào Phật Giáo, Công Giáo và đồng bào các tôn giáo khác, chúng ta hãy nhìn nhận sự thật để chúng ta thấy rằng, QLVNCH là những chiến sĩ anh hùng, nước VNCH là một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ. Chính phủ thời Đệ Nhất VNCH là chính phủ đã đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, đã làm mọi việc để đem lại tự do, no ấm và hạnh phúc cho người dân miền Nam, khác hẳn chế độ Cộng sản tại miền Bắc. Và đó là điều mà hôm nay chúng ta trông chờ Việt Nam sẽ được trở lại cuộc sống thanh bình, tự do, hạnh phúc như dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

BM

“Tôi kêu gọi đồng bào Việt Nam trên thế giới hãy nói lên tiếng nói lương tâm của mình, hãy hãnh diện có một người lãnh đạo tài ba đạo đức, biết đặt quyền lợi của tổ quốc lên hàng đầu.

Tôi đến đây hôm nay không phải tư cách một linh mục nhưng là một người Việt Nam để trình bày cùng tất cả quý vị rằng, chúng ta có một đất nước đã đánh thắng giặc Tàu mà không nước nào đánh thắng được. Chúng ta đã có một vị Tổng Thống duy nhất đã hy sinh cuộc sống mình cho dân tộc vì yêu đất nước, yêu quê hương, người đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Xin cám ơn và kính chào toàn thể quý vị.”





Thanh Phong

BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.