Trợ lý ngoại trưởng Mỹ bác bỏ yêu sách ‘phi pháp’ của Trung cộng đối với Việt Nam trên Biển Đông
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, nhấn mạnh thêm về chính sách mới của Mỹ ở Biển Đông, trong đó cáo buộc các hành động của Trung cộng ở khu vực quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam là "phi pháp."
Một ngày sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ngoài khơi Biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell khẳng định thêm lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách "phi pháp" và hành động "đe dọa" của Trung cộng đối với Việt Nam ở vùng biển đầy tranh chấp.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7 ra một tuyên bố, được xem là mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước đến nay, trong đó nói “Các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên biển ở hầu hết vùng Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, tương tự như vậy là chiến dịch bắt nạt của họ nhằm kiểm soát các tài nguyên đó”.
Ông Stilwell, trợ lý ngoại trưởng đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 14/7 nhấn mạnh lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về việc Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung cộng đối với vùng lãnh hải bên ngoài phạm vi 12 hải lý của nước này vì Bắc Kinh đã “không đưa ra một tuyên bố hàng hải hợp pháp, mạch lạch” ở Biển Đông.
“Điều này có nghĩa là Mỹ bác bỏ bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của Trung cộng trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia), hay vùng biển trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Brunei,” ông Stilwell nói tại cuộc hội thảo hàng năm về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS được tổ chức trực tuyến từ Washington DC hôm 14/7.
Trong bài phát biểu của mình, ông Stilwell cho rằng Trung cộng đang tìm cách làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển khác và không cho họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi, mà nhà ngoại giao Mỹ nói là “thuộc về các quốc gia đó chứ không thuộc về Trung cộng.”
“Bắc Kinh muốn sự thống trị cho chính bản thân mình,” ông Stilwell nói. “Họ muốn thay thế luật pháp quốc tế bằng sự cai trị với những sự đe dọa và ép buộc.”
Ông Stilwell nhắc tới việc “Bắc Kinh đã đâm chìm các tàu cá Việt Nam” trong những tháng gần đây, và việc Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung cộng (CNOOC) “dùng giàn khoan HD-981 khổng lồ của họ để tìm cách đe dọa Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa năm 2014.”
Bộ Ngoại giao cùng Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 4 chỉ đích danh tài hải cảnh Trung cộng đâm chìm tàu cá Việt Nam. Chính phủ Mỹ cũng lên tiếng phản đối Trung cộng khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tháng 5/2014.
“Các tàu thăm dò thương mại cùng các dàn khoan khác của Trung cộng liên tiếp được đưa vào vùng lãnh hải Đông Nam Á trong đó Trung cộng không có bất kỳ một quyền nào,” ông Stilwell nói và cho rằng các đội tàu đánh cá của Trung cộng trên Biển Đông thường hoạt động như một lực lượng dân quân biển dưới sự chỉ đạo của quân đội Trung cộng, nhằm “quấy rối và đe dọa các nước khác” và coi đó là “một công cụ cưỡng bức bạo lực của nhà nước” Trung cộng.
Vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ còn cáo buộc “Bắc Kinh ép các quốc gia khác chấp nhận ‘cùng khai thác’ với các công ty nhà nước Trung cộng, và nói rằng ‘nếu anh muốn khai thác những nguồn tài nguyên đó ngoài khơi vùng biển của anh, thì anh chỉ có một lựa chọn duy nhất là cùng làm với chúng tôi.’ “Đó là những thủ thuật của kẻ cướp,” ông Stilwell nói.
Năm 2010, ngoại trưởng Trung cộng lúc đó, Dương Khiết Trì, nói với những người đồng cấp của ông từ các quốc gia Đông Nam Á rằng “Trung cộng là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ và đó là một thực tế.”
Năm ngoái, tàu thăm dò địa chấn 8 của Trung cộng nhiều lần ra vào Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước sự phản đối của Hà Nội khi cho rằng Bắc Kinh vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Nhiều nhà quan sát quốc tế lúc đó nói rằng động thái này của Bắc Kinh nhằm ngăn cản việc hợp tác của Việt Nam với nước ngoài trong việc khai thác dầu khí trên Biển Đông. Trước đó, tập đoàn dầu khí PetroVietnam đã phải ngừng hoạt động thăm dò dầu khí với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha trước sức ép của Trung cộng.
“Mỹ ủng hộ các quốc gia đứng lên vì các quyền chủ quyền và quyền lợi của họ và kháng cự lại áp lực phải chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà Trung cộng ép họ phải chia sẻ nguồn tài nguyên ngoài khơi mà (Trung cộng) không có bất cứ một tuyên bố chủ quyền nào,” ông Stilwell nói tại cuộc hội thảo của CSIS.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.