Có một sự thật thú vị là đa phần người Việt Nam đều yêu mến văn hóa và đất nước Mỹ mặc dù hai quốc gia đã từng ở hai đầu chiến tuyến. Theo điều tra xã hội của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center – PRC) công bố vào tháng 6 năm 2017, 84% số người Việt Nam được hỏi có thiện cảm với nước Mỹ, tăng 6 điểm phần trăm so với năm 2015.
Con số này ở các nước châu Á như Philippine, Hàn Quốc hay cả Nhật Bản cũng đều rất cao, nhưng Việt Nam thể hiện mức độ thiện cảm cao nhất lại là một điều khá bất ngờ.
Tôi quen biết nhiều người đang sinh sống và học tập ở Mỹ, tôi đã từng không thể hiểu nổi vì sao họ cứ sang Mỹ là lại muốn ở lại hoặc tìm kiếm công việc để có thêm nhiều thời gian trải nghiệm cuộc sống nơi đây hơn là trở về nước ngay sau khi kết thúc việc học. Cho đến khi được nghe nhiều chuyện về nước Mỹ từ những người em đang sinh sống ở đó và đích thân trải nghiệm trong một chuyến đi không quá dài, tôi mới dần cảm nhận được tinh thần Mỹ và giấc mơ Mỹ đã hấp dẫn bao người.
Chấp hành luật pháp là một phản xạ vô điều kiện
Người duy nhất không phải là tổng thống được in hình trên đồng đô-la khi được hỏi: “Ngài đã để lại cho chúng tôi những gì?”, Benjamin Franklin – một trong bảy “người cha lập quốc” đã trả lời: “Một nền Cộng hòa, thưa bà, nếu bà và con cháu bà có thể bảo vệ được nó”. Cộng hòa tiếng Latinh là ResPublica bao gồm Res (điều, thứ) và Pulica (của chung, công cộng). Hai từ gộp lại có nghĩa là “điều của chung”, trong nền Cộng hòa, ”điều của chung” này chính là luật pháp.
Những nhà lập quốc của nước Mỹ có một cơ hội kiến tạo hình thức chính phủ tùy ý, nhưng những bài học từ lịch sử đã khiến họ lựa chọn cho người dân Mỹ một quốc gia cai trị bằng pháp luật trong một nền Cộng hòa, chứ không phải cai trị bằng số đông trong một nền Dân chủ.
Benjamin Franklin (17 tháng 01 1706 – 17 tháng 4 1790) là một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông là một chính trị gia, một nhà khoa học, một tác giả, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu.
Chính vì thế khi tới Mỹ, dù không cần quá lâu, bạn sẽ bị ấn tượng rằng người dân ở đây có tinh thần tuân thủ pháp luật rất cao, thậm chí theo nhiều người Việt thì còn là hơi máy móc và “kỳ quặc”. Trong tự sự về “Trải nghiệm của một người Việt ‘khùng điên’ ở Mỹ”, anh Misha Doan đã kể về câu chuyện tưới cây đầy “gian truân” của mình. Chả là chủ công ty của ông là Việt Kiều đã lớn tuổi, sống ở Mỹ 10 năm , thi thoảng nhắc anh tưới cho các cây xanh trong khuôn viên văn phòng. Nhưng vị quản lý trẻ tuổi gốc Việt sinh ra ở Mỹ lại không đồng ý vì California đang vào mùa hạn hán, chính quyền kêu gọi người dân tiết kiệm nước sinh hoạt, mỗi ngày chỉ được tưới cây từ khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng.
Ông chủ thì nói cứ tưới đi, ai biết đâu, trong khi vị quản lý nhất quyết là không cho vi phạm luật. Nhưng nếu đợi sau 5 giờ chiều mới tưới thì quá giờ làm việc và anh Doan không thể ở lại làm thêm giờ chỉ để tưới cây. Cuối cùng công ty đã tìm ra một sự thỏa hiệp bằng cách cho anh Doan đi làm trễ 1 tiếng, về trễ 1 tiếng để kịp tưới cây cho đúng Luật. Như vậy họ đã không vi phạm Luật Lao động cũng như Luật tiết kiệm nước của tiểu bang.
Những tình huống quá mới mẻ với người Việt lần đầu sang Mỹ như vậy không phải là hiếm. Các tay lái người Việt vượt đèn đỏ, rẽ không bật đèn xi nhan thường sẽ được gắn mác “chắc là mới sang” ngay trong cộng đồng những người Việt ở đây. Tôi đã từng sống trong cộng đồng người Việt ở các nước châu Âu, họ dù sang đó sinh sống đã hai chục năm, đã có quốc tịch nước sở tại nhưng tính cách “đại khái”, coi thường luật pháp còn khá nhiều, biểu hiện qua cách buôn bán lách luật và lối sống “khác biệt” so với dân bản địa. Nhưng ở Mỹ, chính cộng đồng những người sinh sống lâu năm sẽ nhắc nhở và chỉ cho những người mới đến rằng, họ phải tuân thủ luật pháp và điều đầu tiên khi trở thành công dân Mỹ là phải tuân thủ luật pháp.
Theo anh Doan, nước Mỹ không phải xứ sở thần tiên nhiệm màu, nhưng hầu như ai qua Mỹ cũng được thay đổi theo chiều hướng hoàn thiện hơn. Và một trong những điểm tích cực đó là tính tự giác và tôn trọng Luật pháp. Do luật pháp Mỹ rất khắt khe và công bằng nên bạn sẽ có ý thức phải tuân thủ, dần dà hình thành thói quen. Và khi đã trở thành thói quen tốt, một phản xạ vô điều kiện thì hành vi của bạn một cách vô thức cũng sẽ trở nên có lợi cho cộng đồng hơn.
“Bản thân tôi bây giờ không thể vứt rác bừa bãi, không phải vì sợ bị phạt hay bị chỉ trích, mà bởi thành một thói quen không thể thay đổi”, anh Doan chia sẻ. Chính tôi khi quay trở về Việt Nam cũng khiến nhiều người thân đi cùng mình cảm thấy khó chịu khi tôi cứ nhất quyết phải qua đường ở vạch sang đường. Mặc dù ở Việt Nam tỷ lệ bạn bị phạt khi sang đường không đúng nơi quy định là rất thấp, vì thế tôi không phải là sợ bị phạt, mà đơn giản vì nó đã trở thành thói quen.
“Thượng đế, GOD, phù hộ nước Mỹ!” và “Năng lực vĩ đại đi kèm với trách nhiệm vĩ đại”
Dù bạn ở bất cứ quốc gia nào nếu muốn nhập cư ở Mỹ thì điều đầu tiên khi trở thành công dân Mỹ là phải tuân thủ luật pháp.
Người Mỹ có một niềm tin mãnh liệt vào Thượng đế và nó mãnh liệt hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác. Bạn sẽ hiếm khi nào nghe các lãnh đạo ở các quốc gia có tỷ lệ dân theo đạo Thiên Chúa cao nào nói “ Thượng đế phù hộ bạn”, nhưng đó là một câu nói được nghe thường xuyên ở Mỹ từ người dân cho tới lãnh đạo.
Năm 1954, bản tuyên thệ dưới cờ được bổ sung thêm cụm từ “One Nation, Under God” (tạm dịch: Một quốc gia dưới Thượng đế). Năm 1956, “In God, We Trust” (tạm dịch: Chúng ta tin vào Thượng đế) trở thành tiêu ngữ quốc gia của Mỹ mà bạn sẽ dễ dàng đọc thấy trên mỗi tờ tiền đô-la.
Chẳng có một chính phủ nào trên thế giới lại có “Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc”, một sự kiện thường niên được tổ chức vào ngày thứ Năm đầu tiên của tháng Hai tại Washington, D.C. Hàng năm, có khoảng 3.500 khách mời từ hơn 100 quốc gia tới tham gia sự kiện. Các vị khách mời bao gồm giới chính khách, giới doanh nhân, và những người có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Kể từ thời Tổng thống Eisenhower tới nay, tất cả các tổng thống Mỹ đều tham dự sự kiện thường niên này.
Trong mắt người Mỹ, họ là con dân của Thượng đế. Nước Mỹ được thành lập dựa trên cơ sở: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nhân dân không thuộc về chính phủ mà thuộc về Thượng đế. Chính phủ không phải là khái niệm cao cả và quyền lực nhất, Thượng đế mới là người quyền lực nhất. Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu nhân ngày Độc lập đã nhấn mạnh: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Thượng đế”.
Vì chính phủ cũng là bên dưới Thượng đế nên họ chẳng có quyền lợi gì cao cả hơn nhân dân. Thậm chí với trí tuệ và khả năng vượt trội hơn mọi người, lãnh đạo và nhà nước phải có trách nhiệm cao hơn trước Thượng đế, đó là trách nhiệm bảo hộ và làm quốc gia thịnh vượng, vững mạnh hơn.
Và triết lý này còn thể hiện ở ngay cả trong những bộ phim anh hùng bom tấn của Hollywood. Anh hùng khi có được sức mạnh và năng lực siêu nhiên, thì họ phải có trách nhiệm với năng lực đã được ban cho đó. “A great power comes with great responsibilities” (tạm dịch: Năng lực vĩ đại đi kèm với trách nhiệm vĩ đại) là câu nói được lấy làm tư tưởng chủ đạo của bộ phim Người Nhện. Ở Mỹ, trẻ em được dạy ngay từ khi còn nhỏ rằng, Thượng đế ban cho ai đó sức mạnh thì đó không chỉ đơn giản là một món quà miễn phí mà đi kèm theo là sứ mạng cải tạo và giúp đỡ xã hội, cộng đồng.
Một trong những gia tộc Mỹ giàu có nhất trong hơn một thế kỷ – Rockefeller đã trải qua hơn ba đời giàu có, hưng thịnh. Họ nổi tiếng bởi sự hào phóng và có trách nhiệm với xã hội cũng bởi một tâm niệm rằng: Người giàu chỉ là người được Thượng đế ủy thác quản lý tài sản mà thôi, họ được trao cho món quà là để quay lại giúp đỡ xã hội.
Triết lý năng lực đi kèm với trách nhiệm này không những chi phối nhân sinh quan của người Mỹ mà thể hiện rõ ràng trong chính sách đối ngoại của quốc gia này. Người Mỹ tin rằng đất nước họ được trao cho vị thế là cường quốc trên thế giới là vinh diệu mà Thượng đế ban cho họ, vì thế người Mỹ phải hành động để cải tạo thế giới.
Nhiều người không hiểu vì sao nước Mỹ cứ đem quân can thiệp khắp nơi, đánh giá nhân quyền các nước và “nhúng tay” vào mọi vấn đề của thế giới. Tại sao Mỹ luôn đứng đầu danh sách cứu trợ người nghèo Châu Phi và những nơi có thảm họa, thiên tai. Tại sao Mỹ phải viện trợ lương thực cho dân Bắc Triều Tiên, nơi mà lãnh đạo của họ luôn đe dọa bắn tên lửa vào Nhà Trắng… Bởi Mỹ luôn cố gắng để xứng đáng với vai trò số một thế giới, vị thế đã được Thượng Đế ban cho.
Vì thế, không phải chỉ là một lời nói theo thói quen, những câu cuối cùng trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Donald Trump là: “ Thượng đế phù hộ các bạn! Và Thượng đế phù hộ nước Mỹ!
Nền văn hóa có sức dung nạp cao
Tổng thống Donald Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức.
Hầu như mọi người dân nhập cư khi đến Mỹ đều vì một “Giấc mơ Mỹ”. Một khái niệm nổi tiếng của riêng nước Mỹ, đó là niềm tin về một miền đất tự do, nơi ai cũng có thể theo đuổi những mục tiêu của mình bằng sự nỗ lực và lựa chọn tùy ý.
Nhà văn kiêm sử gia James Truslow Adams đã lần đầu tiên mô tả “Giấc mơ Mỹ” trong cuốn Epic of America (tạm dịch: Thiên Anh Hùng Ca Hoa Kỳ): “…Nó không phải là một giấc mơ về chiếc xe hơi hay đơn thuần là tiền lương cao, mà là một giấc mơ về trật tự xã hội trong đó mọi người đàn ông và đàn bà đều có thể đạt được tầm vóc đầy đủ tùy theo khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ”.
Arnold Schwarzenegger từ một người nhập cư vô danh nói tiếng Anh không sõi đã trở thành diễn viên phim hành động nổi tiếng và thống đốc bang California. Ông nội của Tổng thống Trump từ Đức tới Mỹ với một chiếc vali duy nhất năm 16 tuổi, không một xu dính túi và phải bắt đầu bằng công việc thợ cắt tóc. Mười bốn năm sau, ông trở thành ông trùm bất động sản và từ đó là lịch sử sáng lạng của gia đình Trump. Chỉ có ở trên đất Mỹ, những người không có bằng cấp, tiểu sử ấn tượng mới có thể thành công một cách không tưởng. Một anh chàng bán băng đĩa vì có đam mê và am hiểu phim võ thuật nảy ra ý tưởng về một bộ phim pha trộn tất cả các thể loại võ thuật và viết kịch bản. Anh ta đi bán ý tưởng và bộ phim dựa trên kịch bản đó – Kill Bill đã trở nên nổi tiếng không ngờ. Ở một nơi khác, ngoài nước Mỹ, có lẽ anh ta sẽ vẫn mãi là một người bán băng đĩa.
Xã hội Mỹ rộng mở và công bằng, ai cũng có thể tìm được chỗ đứng cho mình, thoải mái theo đuổi đam mê mà không có bất cứ ai cản trở. Chỉ cần làm đúng theo luật pháp, bạn không cần phải chạy chọt, đi cửa sau cho bất kỳ quan chức nào nếu muốn làm kinh doanh chính đáng. Chỉ cần một bản kế hoạch đủ thuyết phục và đến ngân hàng trình bày, bạn có thể được đầu tư để khởi nghiệp dù là dự án nhỏ hay to.
Người Mỹ không quan tâm tôn giáo của bạn là gì hay bạn đến từ đâu. Nếu bạn có khả năng, họ sẽ rót vốn đầu tư cho bạn. Nếu bạn có ý tưởng để thay đổi xã hội, họ sẽ góp tiền cho bạn. Bạn có công trình nghiên cứu hàn lâm khả thi, dù thời gian có lâu, họ cũng sẽ cấp tiền cho bạn. Chính vì tinh thần trọng dụng này nên Mỹ trở thành một cục nam châm thu hút nhân tài. Hàng năm, dòng nhân lực chất lượng cao vẫn ùn ùn đổ về Mỹ và rất nhiều những thương hiệu lớn trên thế giới đều được khai sinh từ đây.
Người Mỹ rất cởi mở với những ý tưởng và họ sẵn sàng chia sẻ. Khi họ thất bại, họ cũng sẽ chia sẻ điều đó mà không ngại ngần, giữ thể diện. Vì tinh thần chấp nhận sự thất bại đó nên các doanh nhân Mỹ không hề cảm thấy nhục nhã khi thất bại. Và chính bởi không ngại nên họ sẽ làm lại cho tới khi thành công. Người Mỹ rất ngưỡng mộ những người thành công, họ coi những tỷ phú là những cảm hứng để họ phấn đấu chứ không so bì, ghen tức với người giàu và nổi tiếng. Thành công là một thứ được khuyến khích và chấp nhận, cốt là bạn làm ngay chính.
Mỹ không phải là một xã hội kim tiền
Nước Mỹ không phải là thiên đường, cũng không phải là địa ngục. Nước Mỹ là một nơi dành cho những trái tim can đảm. – (Phim ‘Người Bắc Kinh ở New York’)
Là một đất nước khuyến khích công dân làm giàu, phát triển sự nghiệp cá nhân nhưng nước Mỹ không phải là một xã hội kim tiền. Phần lớn người Mỹ cho rằng, những người giàu có có nghĩa vụ giúp đỡ xã hội, bởi vì họ sở hữu và nắm giữ lượng lớn tài sản của quốc gia. Bởi sự giàu có, thành đạt đều là do Thượng Đế ban cho, nên năng lực lớn luôn đi kèm với trách nhiệm lớn. Từ nhỏ, trẻ em Mỹ đã được dạy về tầm quan trọng của công việc tình nguyện và thiện nguyện. Rất nhiều người Mỹ lựa chọn tham gia công tác từ thiện, dạy học, y tá, cứu viện khẩn cấp và công tác xã hội trong các tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu. Cũng có rất nhiều gia đình Mỹ nhận nuôi những đứa trẻ bất hạnh từ các quốc gia khác.
“Ở nơi công cộng nếu gặp được một vị tỷ phú nào đó, bạn thậm chí có thể trực tiếp đến bắt chuyện, nói với họ rằng mình đang gặp phải khó khăn về học phí, rất mong nhận được sự giúp đỡ”, cô Pauline Kelly – nữ nhà văn, giáo sư ngôn ngữ học cho biết. “Thông thường, họ sẽ không từ chối yêu cầu của bạn. Họ sẽ chỉ cho bạn cách liên lạc với trợ lý hoặc quỹ từ thiện, mong bạn hãy tiếp tục giữ liên lạc với họ”. Đây là lối hành xử khiến nhiều người nước ngoài đến Mỹ cảm thấy không thể giải thích nổi.
Tại các thành phố Mỹ cũng có những người dân lang thang ăn xin, không phải là không có trại xã hội cho họ sống mà là họ thích sống ngoài đường. Có một Việt kiều kể rằng, cách đây hơn 10 năm có một trận tuyết rơi rất dày ở New York và nhiệt độ hạ thấp vào đêm Giáng sinh. Thị trưởng thành phố ra lệnh mở tòa thị chính và tất cả bệnh viện đón người lang thang vào trú rét. Các bác sĩ cũng được điều động tới khám cho dân lang thang và thậm chí sau đó còn bưng cà phê nóng tới cho họ. Qua mùa rét năm đó, dân vô cư ở New York tụ tập tổ chức một buổi mít-ting lớn. Họ cử đại diện ăn mặc lịch sự ra phát biểu trước công chúng cảm ơn chính quyền thành phố đã cứu họ khỏi chết cóng. Một câu chuyện mang đậm tính cách hóm hỉnh mà hiện thực kiểu Mỹ, những tưởng chỉ có thể thấy trên phim Hollywood.
Một đất nước văn minh luôn có những con người có trái tim chân thành.
Nói tới phim ảnh, ấn tượng đầu tiên của tôi khi tới đất Mỹ là người dân ở đây có cách nói chuyện, phản ứng hệt như trên các bộ phim Hollywood mà tôi vẫn thường xem. Động tác hình thể, ánh mắt, phản ứng trên khuôn mặt, cách nói tiếng Mỹ đầy màu sắc, và đặc biệt là nụ cười Mỹ. Anh chàng lái xe đón tôi từ sân bay là người Mỹ đen, trông như dân Hip hop. Suốt cả chặng đường anh ta nói chuyện và chỉ cho tôi những điều đặc biệt ở New York, anh cười rất nhiều và muốn tôi có ấn tượng tốt trong lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ mặc dù bản thân đang bị ốm. Có thể nói, anh ấy đã thành công, bởi cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ nụ cười ấy, rất tươi sáng và chân thành.
Những chuyện người Mỹ giúp đỡ bạn dù không hề quen biết thì không có gì mới mẻ. Xách hộ đồ nặng lên tầng nhà không có thang máy, cho bạn đi nhờ xe một đoạn dài mà thậm chí họ không thuận đường… Tôi còn nhớ câu chuyện đọc đâu đó về hai vợ chồng già người Việt được một người Mỹ sửa chiếc lốp xe giữa trời nắng nóng, trên cung đường vắng vẻ, mồ hôi nhễ nhại mà không hề nề hà. Lúc sửa lốp xong bà nói “Lời cảm ơn của tôi có lẽ không đủ để đáp lại lòng tốt của ông. Tôi biết làm gì cho xứng đây?”. Người đàn ông Mỹ cười và nói: “Chị hãy giúp đỡ những người khác như tôi đã giúp chị hôm nay. Đó là cách cảm ơn tôi tốt nhất”. Những lời nói của người đàn ông này in đậm trong tâm trí của bà và đã thôi thúc bà không ngừng làm việc thiện.
Sau khi ở Mỹ một thời gian, một ni sư người Việt ở California chứng kiến quá nhiều việc tốt khiến bà suy nghĩ. Bà chia sẻ với một Việt kiều khác rằng: “Hóa ra ở đây có rất nhiều người tâm Phật con à, mặc dù phần lớn họ không theo đạo Phật”. Và có vẻ đúng như anh Misha Doan chia sẻ, ai ở Mỹ về cũng đều hoàn thiện hơn theo hướng tích cực. Khổng Tử đã từng nói rằng: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy”.
Người Mỹ hay bị mang tiếng là thực dụng, nhưng sống với họ bạn sẽ phải học cách sống “thực dụng” của họ, hoặc là bạn sẽ phải thay đổi khái niệm này, từ thực dụng sang thực tế.
Như một người dùng Facebook có tên Vien Huynh đã chia sẻ về sự thực tế của người Mỹ: “Sống thực tế là hiểu rõ thực trạng cuộc sống, không mơ mộng hão huyền hay tìm cách trốn tránh thực tại. Sống thực tế là hiểu rõ năng lực và giá trị thực của bản thân để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Còn sống thực dụng là bất chấp thực tế, bất chấp năng lực thực sự của mình ra sao mà chỉ chăm chăm giành được cái lợi nhỏ trước mắt, ngoài ra mặc kệ hậu quả sau này nghiêm trọng thế nào”.
Thu Hiền
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.