Tôi bước khỏi chiếc du thuyền hồi tháng Giêng năm nay trong trạng thái hưng phấn hiếm hoi, sau khi đã lênh đênh 10 ngày quanh Bán đảo Nam Cực.
Tôi đã từng bước đi giữa một đàn chim cánh cụt khổng lồ ở Patagonia trước đây, nhưng không có gì giúp cho tôi chuẩn bị trước trước cảm giác đứng giữa, ngày này qua ngày khác, những con chim có sức hút khó cưỡng khi chúng lạch bạch bước qua, quay đầu lại kêu quang quác, hoặc lướt qua mặt nước lạnh giá một cách duyên dáng không gì bằng.
Dành thời gian ngồi yên
Tôi đã nhìn thấy những tảng băng rời ở Alaska, nhưng bằng cách nào đó điều đó đã mờ nhạt trước cảm giác lênh đênh trong một chiếc tàu Zodiac có sức chứa 10 người vào một buổi sáng giữa mùa hè giữa biển với các tảng băng trôi màu lam, xanh nhạt và bạc.
Ngay cả khi tôi chứng kiến mẹ tôi bơi cùng cá heo ở Tahiti, 20 năm trước, cũng không là gì so với cảnh 50 con cá voi sát thủ đang bơi lượn cạnh tàu chúng tôi dưới ánh đèn sáng trưng, một lúc lâu sau bữa tối.
Điều gì đã lay chuyển tôi sâu sắc đến như vậy, tôi tự hỏi? Dĩ nhiên, có sự rõ ràng đặc biệt trong việc băng qua một thế giới không có tiếng động vốn thường không có dấu hiệu về sự sinh sống của con người. Và gần như tất cả các hành khách đi cùng tôi dường như được giải phóng giống như tôi bởi thực tế là các cuộc gọi điện thoại gần như không thể thực hiện được trên tàu và internet chậm một cách rất khổ sở.
Mỗi buổi sáng, một bản tin tóm tắt dài bốn trang cho chúng tôi biết về một loại virus ở Vũ Hán xa xôi, nhưng điều đó hầu như không nghĩa lý gì trước khung cảnh không có người ở này với bầu trời mở rộng ra 360 độ.
Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng lý do sâu xa nhất khiến tôi cảm động là tôi đã dành quá nhiều thời gian mỗi ngày để ngồi yên.
Đó là một mối quan hệ đã ngày càng ám ảnh tôi trong 46 năm đi đây đó: khả năng bị khuấy động tỷ lệ thuận với khả năng im lặng của tôi.
Đó là một lý do tại sao, bất cứ khi nào tôi đến Trung khu ở Manhattan, theo phản xạ tôi tìm đến Nhà thờ St Patrick để hít vào mọi thứ tôi vừa trải nghiệm trong im lặng và chuẩn bị tinh thần cho tiếng bóp còi inh ỏi và những cuộc họp ồn ào sắp tới.
Đó cũng là lý do rất nhiều người trong chúng ta tìm cách ngồi trên một tảng đá ở Petra trước khi xe chở du khách đến, hoặc dạo bước giữa sự trống trải không một bóng cây của Iceland vào lúc 02:00 vào giữa tháng Sáu khi mặt trời mới bắt đầu nhô lên trên mặt biển.
Chúng ta bị lay chuyển nhiều nhất khi chúng ta ít bị phân tâm nhất. Và khi chúng ta cảm thấy thanh bình nhất - sẵn sàng để được biến đổi - thật ra là khi đang đắm chìm nhất.
Tôi chẳng thà trò chuyện với một quang cảnh trong 60 phút còn hơn là nói với 60 địa điểm mỗi chỗ một phút.
Khi đi cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma - như tôi đã làm vậy trong các tháng 11 của suốt 10 năm nay ở khắp Nhật Bản - tôi tin rằng khả năng hồi đáp hết sức tỉnh táo mà Ngài đem đến cho các cửa hàng tiện lợi cuối cùng và những đứa bé chập chững bước qua một phần là nhờ vào ba giờ Ngài bỏ ra vào đầu mỗi ngày để thiền định.
Các điểm đến chỉ có thể phong phú khi chúng ta làm cho chúng phong phú.
Càng cô độc, càng cảm nhận sâu sắc
Trong mùa virus mới này, tôi đã có nhiều giờ hạnh phúc trên khoảnh sân nhỏ đầy nắng bên ngoài căn hộ của mình ở Nara, Nhật Bản, với nhà thơ quán quân của thời phong tỏa, Marcel Proust.
Tôi cũng nghĩ về ông như vị thánh bảo trợ của du khách, chính xác bởi vì chứng hen suyễn trầm trọng của ông khiến ông bị bó buộc, phải ở một mình trong ba năm trong phòng ngủ có xếp nút chai của mình.
Điều gì giúp ông đọc được rõ ràng như vậy những chữ nhỏ xíu của những buổi tiệc tối đông đúc? Để nhớ lại như mới vừa hôm qua một cảnh từ rất lâu về một nhóm những cô gái đẹp trên bãi biển? Để ghi lại với sự chính xác tỉnh táo cảnh tượng người thân đang ngủ?
Tôi ngờ rằng chính là lần bị cô độc đó. Chính là Proust, tôi không bao giờ quên, là người đã nhắc nhở chúng ta rằng mục đích của mỗi chuyến đi không phải là quang cảnh mới mà là cách nhìn mới. Một khi chúng ta có cách nhìn mới, ngay cả những quang cảnh cũ cũng trở thành mới mẻ.
Tôi cũng nghĩ về sự sống động phi thường của thi sĩ Emily Dickinson. Việc không rời khỏi nhà trong 26 năm đã khiến bà tập trung cao độ đến mức bà có thể nhìn thấy Nam Cực và Bắc Cực - và những đêm hoang dã, thiên đường và cưỡi xe ngựa với cái chết - chỉ bằng cách đứng trước cửa sổ. Chỉ với việc không đi đâu hết mà bà đã biến mọi nơi thành những điều tuyệt diệu.
Tôi có được cảm nhận đầu tiên về sự phong phú và kích thích của việc ngồi yên một chỗ qua một trong những chuyến phiêu lưu hay nhất của tôi, 29 năm về trước, khi tôi lái xe đến một khu Công giáo ẩn dật cách nhà cha mẹ tôi ở California ba tiếng rưỡi.
Khi đến nơi, tôi bước vào một căn phòng gồm một chiếc giường đơn, một cái bàn dài, một cái rương có ngăn kéo và cửa sổ nhìn ra một khu vườn riêng có tường bao quanh và mặt biển xanh, tĩnh lặng của Thái Bình Dương trải dài khắp mọi hướng với độ sâu 1.200 bộ (400m).
Khi không có sự phiền nhiễu - không tivi, không sóng điện thoại, không có kết nối internet - mỗi tiếng chuông ngân dường như rất trọng đại.
Tôi để ý đến từng con chim giẻ cùi Steller, điều mà tôi chưa bao giờ làm khi chúng đậu ngoài phòng tôi ở nhà.
Không có gì tôi đã thấy ở Bhutan hoặc Ushuaia đã đưa cảm giác tôi đi xa hay sâu đến thế.
Tôi không phải là người theo đạo Thiên chúa, nhưng tôi nhận ra rằng sự im lặng là điều phi giáo phái.
Ba ngày sau, dĩ nhiên, tôi đã trở lại với cuộc sống bình thường, làm nhiều việc với điện thoại và sử dụng nhiều ứng dụng cùng một lúc.
Nhưng ba ngày trong tĩnh lặng đó đã mở ra một cánh cửa khả năng, đến mức, đến bây giờ, tôi đã trở lại để ở tại nơi ẩn dật đó hơn 90 lần, mà có lúc ở đến ba tuần.
Trải nghiệm sâu sắc
Hơn thế nữa, nó đã soi rọi ánh sáng mới vào tất cả các chuyến đi khác của tôi.
Hồi bốn năm trước, khi trở lại Myanmar, mỗi buổi sáng, trước khi ăn sáng, tôi chỉ tự mình đi đến chùa Shwedagon: không cần phải đi đâu khác, vì những người trẻ yêu nhau, học sinh, ni cô, nhà sử học gia đình - cả thành phố - dường như đang bước ngang qua tôi.
Mỗi lần tôi đến thăm San Francisco, ngay cả khi đi công tác, tôi đều cố gắng đi bộ một đoạn đường dài ngay sau khi tôi thức dậy và không lên mạng càng lâu càng tốt.
Tôi thà nhìn thế giới xung quanh còn hơn là quay lại những dòng tweet của Tổng thống Donald Trump hay tin nhắn của sếp mình.
Tôi nhớ lại về thuở thiếu niên bắt xe buýt từ San Diego đến Bolivia vào năm 1975. Lúc đó, tôi rất háo hức với con dấu mới trên hộ chiếu và viễn cảnh nói với bạn bè rằng tôi đã vượt qua được một ngọn đèo cao 15.000 bộ (5.000m) và ở lại (một cách vô tình) ba đêm trong một ngôi nhà bị khét tiếng xấu, nơi tôi đã đo đếm những ngày của mình bằng lượng trải nghiệm chúng đem đến.
Phải mất nhiều năm đi khắp nơi mới trân trọng được làm sao mà chỉ một buổi sáng ở Kyoto, lúc tôi tỉnh táo trong một khu vườn yên tĩnh, có thể biến đổi tôi nhiều hơn bất kỳ hành trình ba tuần bận rộn nào ở bất cứ nơi nào ở châu Á.
Nhiều người trong chúng ta hiện đang chờ đợi để ra ngoài sau nhiều tuần dài trong yên lặng bắt buộc và suy nghĩ về việc đi lại có thể sẽ như thế nào trong tương lai.
Trong trường hợp của tôi, do được khuyến khích là không nên dùng xe buýt hay tàu điện, tôi và vợ thích đi dạo hàng ngày quanh khu phố của và đã phát hiện ra một khu rừng tre với hàng cây anh đào đang nở hoa, chỉ 5 phút cách căn hộ nơi chúng tôi đã sống 27 năm.
Ở trong nhà đã giúp tôi để ý đến ánh sáng, tiếng chim họa mi, thậm chí là một chiếc xe máy thỉnh thoảng chạy qua như tôi chưa từng để ý trước đây.
Tôi cũng phải lắng nghe người bạn thân nhất của mình vốn rất hiếm khi gặp, nghe ông ấy nói rằng ông sẽ đến Nam Cực vào tháng Hai tới.
Nên chuẩn bị như thế nào? ông ấy hỏi. Tôi bảo ông ấy đọc cuốn sách của Đô đốc Byrd, 'Đơn độc' (Alone), về tất cả những gì mà nhà thám hiểm nổi tiếng này đã phát hiện ra khi đang bị mắc kẹt trong một không gian nhỏ hẹp gần Nam Cực, một mình, trong thời gian năm tháng.
Tôi cũng bảo ông ấy tận dụng tối đa sự yên tĩnh của mình trước. Chưa có ai làm chủ được nghệ thuật ngắm nhìn thế giới một cách sâu sắc trong lúc đi vòng vòng.
Pico Iyer
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.