Friday, July 24, 2020

Ơn Sâu Nghĩa Nặng

BM
Trên thế gian này trong đời sống hàng ngày, ai cũng có những lúc thăng trầm trong đời sống riêng tư của mỗi người, lúc gian nan khốn khó, lúc thành công hay thất bại, lúc hạnh phúc hay đau khổ, nhưng nhờ vào những vị ân nhân có lòng bác ái, giúp đỡ lẫn nhau một cách trực tiếp hay gián tiếp, để cùng nhau vượt qua được những sự gian nan thử thách trên trần gian này, rồi cùng nhau tiến tới sự thành công trong tương lai mà không một ai có thể biết trước được.

Do đó, không ai trong chúng ta là không có những vị ân nhân giúp đỡ chúng ta, nếu không về vật chất thì cũng về tinh thần, ít nhất cũng phải là một lần trong đời chúng ta nhận được sự giúp đỡ này. Chính vì ỳ nghĩa cao quý nhất đời qua những hành động bác ái vô giá này, mà người Việt Nam chúng ta nói riêng, không bao giờ có thể quên 2 câu nói nằm lòng là: Uống Nước Phải Nhớ Nguồn hay Ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây và để tỏ lòng biết ơn sâu xa qua 2 câu nói tràn đầy ý nghĩa này, nói riêng những người Việt Nam tị nạn cộng sản đã định cư tại Hoa Kỳ vào Tháng Tư Đen 1975 cho đến nay, mà cứ mỗi năm vào dịp Lễ Tạ Ơn của người dân Hoa Kỳ, chúng ta lại có dịp cùng nhau tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với các vị ân nhân của chúng ta bằng nhiều hình thức cụ thể khác nhau, đối với những ân nhân người Hoa Kỳ đã bảo trợ cho chúng ta ra khỏi các trại tạm cư, để được hòa nhập vào đời sống hàng ngày trong xã hội Hoa Kỳ, tại đất nước Tự Do Dân Chủ này. 

BM
  
Hôm nay ở cái tuổi gần đất xa trời tám bó, tôi ngồi một mình trong đêm khuya thanh vắng, hồi tưởng lại những ngày khi tôi còn thơ ấu, Mẹ tôi đưa tôi với 3 cô em gái của tôi rời khỏi tỉnh Bắc Ninh về Hà Nội sinh sống. Tại đây, gia đình tôi được 2 người em trai ruột của Mẹ tôi, đã tận tình giúp đỡ cho cả gia đình chúng tôi từ tinh thần lẫn vật chất, đó là nhạc sĩ Hoàng Trọng và nhạc sĩ Hoàng An.

Riêng cá nhân tôi ghi dấu những mối chân tình sâu đậm đặc biệt của 2 người Cậu ruột, nhạc sĩ Hoàng Trọng và nhạc sĩ Hoàng An, đã dành cho tôi nhiều sự thương mến, những kỷ niệm quý báu nhất trong thời niên thiếu của tôi với 2 người Cậu ruột này, mà trong đời tôi không bao giờ có thể quên được như sau: 

BM
  
Trong khoảng thời gian đầu mới từ tỉnh Bắc Ninh về Hà Nội định cư, Mẹ tôi làm những loại bánh ngọt tại nhà, theo đúng y như công thức của người Pháp chỉ dạy, rồi đem đến cho một tiệm bán bánh ngọt của người Pháp tiêu thụ và để giúp thêm một chút ít lợi tức hàng tháng cho Mẹ tôi, nên vào hai ngày nghỉ cuối tuần, nhạc sĩ Hoàng An là em trai út của Mẹ tôi mà tôi gọi bằng Cậu, đánh đàn Accordion trong một vũ trường dành cho người Pháp, tôi vác trên vai một thùng bánh ngọt Caravat, rồi Cậu tôi chở tôi trên xe vespa đến vũ trường buổi tối, để bán bánh cho các quan khách khiêu vũ mua ăn tại chỗ.

Điều đáng nhớ nhất là lúc đó tôi còn nhỏ tuổi, nên tôi rất sợ những ông Tây bà Đầm uống rượu ngà ngà say, nói to tiếng với nhau, Cậu tôi thấy tôi lo sợ nên phải cho tôi ngồi bán bánh caravat ngay cạnh chỗ Cậu tôi ngồi đánh đàn, để tôi không còn bị lo sợ nữa, nhất là thỉnh thoảng mấy ông Tây đến véo tai tôi hoặc vuốt má tôi tỏ cử chỉ thương mến tôi, vì thấy mặt mũi tôi trông khôi ngô kháu khỉnh. Ngồi nghĩ lại những kỷ niệm này, tôi thấy thương nhớ Cậu nhạc sĩ Hoàng An của tôi vô cùng, không những Cậu tôi không xấu hổ đem theo tôi đi bán bánh ngọt trong vũ trường, mà còn để tôi ngồi gần bên phía Cậu tôi ngồi đánh đàn trong ban nhạc, rồi trước khi vũ trường đóng cửa, Cậu tôi tỏ vẻ hãnh diện, dẫn tôi ra giới thiệu với mấy ông Tây bà Đầm khiêu vũ: Đây là thằng cháu ruột của ông. Cậu nhạc sĩ Hoàng An mến yêu của tôi đã qua đời ngày 4 tháng 7 năm 1971 tại Sài Gòn, cách đây đã 50 năm rồi. Cố nhạc sĩ Hoàng An là một người chồng chung thủy với vợ, là một người Cha gương mẫu hết lòng tận tụy chăm sóc con cái và còn là một nhạc sĩ được nhiều người quý mến vì tính tình hiền hòa của Cậu tôi. 

Người Cậu ruột thứ hai của tôi, tức là anh ruột của nhạc sĩ Hoàng An và là em trai sát Mẹ tôi, là một nhạc sĩ nổi tiếng tài danh Hoàng Trọng. Trước năm 1954 khi gia đình 4 Mẹ con tôi mới dọn từ tỉnh Bắc Ninh về Hà Nội như đã nói ở trên, gia đình chúng tôi được Cậu tôi cung cấp cho nơi ăn chốn ở, để cùng sống chung trong cùng một nhà với Cậu tôi trong vài năm đầu. Vì Bố tôi mất sớm khi tôi mới lên 9 tuổi nên Cậu tôi coi tôi như con ruột của Cậu tôi.

BM
  
Sau khi Mẹ con chúng tôi di cư vào Miền Nam VN 1954, tôi được Cậu tôi chỉ dạy tôi về âm nhạc và sáng tác nhạc, nhất là Cậu tôi mời nhạc sĩ dương cầm Vũ Ngọc Lan về dạy đàn dương cầm cho nữ ca sĩ Bạch La là ái nữ duy nhất của Cậu tôi, nên tôi cũng được học đàn dương cầm cùng với nữ ca sĩ Bạch La. Tôi vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm hết sức đặc biệt với Cậu Hoàng Trọng của tôi, mà trong đời tôi sẽ không bao giờ có thể quên được kỷ niệm này. Vì những năm đầu tiên từ Miền Bắc di cư vào Miền Nam, phương tiện thâu băng nhạc vẫn còn eo hẹp, chưa có những phòng thâu băng chuyên nghiệp như những năm sau này, nên mỗi lần Cậu tôi sáng tác một ca khúc mới và ca khúc này đã được xuất bản, Cậu tôi muốn phát thanh cho những khách bộ hành dạo phố trên đường Lê Lợi, Saigon nghe những ca khúc mới này, qua máy phát thanh được đặt tại trước cửa tiệm sách Khai Trí, thì Cậu tôi phải cho thu âm bản nhạc mới này tại nhà của Cậu tôi.

BM
  
Rồi có một lần Cậu tôi thâu bản nhạc mới tại nhà, tôi được phép đệm đàn guitar nhưng có một đoạn nhạc, tôi chuyển âm giai chậm mất một nhịp, Cậu tôi trừng đôi mắt nhìn tôi, làm tôi sợ quá xuýt tí nữa tôi vãi nước đái ra quần. Tôi nói ra câu này sẽ không làm ngạc nhiên đối với tất cả những ca sĩ nhạc sĩ nào đã từng cộng tác với Cậu tôi trong ban nhạc Đại Hòa Tấu Tiếng Tơ Đồng trước năm 1975 và mọi người coi Cậu tôi như là một Thầy Đồ Nho ít nói, lúc nào nét mặt cũng nghiêm khắc, cùng lắm chỉ tủm tỉm cười.

BM
  
Cho đến giờ phút này, cứ mỗi lần nhớ tới Cậu tôi, thì tôi vẫn cảm thấy ân hận một điều trong lương tâm tôi là, mặc dầu tôi là người lo liệu tất cả các giấy tờ và thủ tục pháp lý di trú Hoa Kỳ, cho gia đình Cậu tôi sang tới Hoa Kỳ, theo diện đoàn tụ gia đình với Mẹ của tôi tại đây. Nhưng tôi chưa kịp được đền ơn báo hiếu Cậu tôi một điều gì, đối với những gì mà Cậu tôi đã tận tình giúp đỡ cho gia đình tôi và cho riêng tôi khi còn ở quê nhà, thì Cậu tôi đã vĩnh viễn nhắm mắt lìa trần tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên chỉ còn một chút điều an ủi trong lương tâm tôi, là tôi đã có mặt tại nhà hòm để đọc kinh cầu nguyện cho Linh Hồn Giuse Hoàng Trọng là người Cậu của tôi, tiếp theo được hiện diện trong Thánh Lễ An Táng tại Nhà Thờ trong thiên chức Phó Tế của tôi tại Bàn Tiệc Thánh và cuối cùng tiễn đưa Cậu tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng, trong tình thương yêu của Chúa Kitô.

BM
BM
BM
BM
  
Nói tóm lại, ngày 4 tháng 7, 2020 vừa qua là ngày Giỗ kỷ niệm 50 năm của nhạc sĩ Hoàng An và ngày 16 tháng 7 năm 2020 vừa qua cũng là ngày Giỗ kỷ niệm 22 năm của nhạc sĩ Hoàng Trọng, tôi xin kính cẩn thắp nén hương lòng để tưởng nhớ 2 người Cậu ruột yêu quý nhất đời của tôi.

BM



PT. Nguyễn Mạnh San


BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.